Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, September 18, 2016 , 0 bình luận

Đã yêu nước thì phải yêu dân. Và đã gắn bó với dân thì tự nhiên nảy sinh lòng tự hào dân tộc. Khoan dung, độ lượng, vị tha để “tìm về dân tộc” và “thân dân” là giải pháp bền vững cho sự phát triển dân tộc và xây dựng được một chính quyền vững mạnh.
Vào cuối thế kỷ XIII, sau ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên, Trần Hưng Đạo đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi đó là do: “Vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức”. Giai cấp phong kiến muốn là người đại diện chân chính cho dân tộc thì phải “sâu gốc bền rễ” trong dân và trong dân tộc. Muốn thế chính quyền phải gần dân, thân dân, khoan dân, hạn chế quan liêu, chuyên quyền độc đoán, kết hợp mềm dẻo giữa nhà nước và làng xã, giữa “phép vua” và lệ làng, giữa cái chính thống và cái dân gian, giữa nhà nước và xã hội. Khoan dung, độ lượng, vị tha, thương người chính là tinh thần cơ bản của một nền chính trị thân dân, tạo nên sức mạnh của cộng đồng dân tộc trong dựng nước và giữ nước. 


Khúc Hạo (907 - 917) là nhà cải cách đầu tiên ở thế kỷ X. Nối nghiệp và nối chí cha của mình là Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo đã đảm đương một cách tài giỏi trọng trách củng cố nền tự chủ còn non trẻ của Việt Nam. Ông đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng về các mặt. Khúc Hạo chỉ ra rằng, chính trị cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Trong đó, khoan dung, tức là không thắt buộc, khắt khe quá quắt đối với dân, chống bọn tham quan ô lại, một tệ nạn lớn của thời Bắc thuộc. Giản dị, là không làm phiền hà, nhiễu dân bởi quá nhiều thủ tục hành chính quan liêu. Yên vui, “an cư lạc nghiệp” là lý tưởng của nếp sống nông dân nơi xóm làng. Điều đó có nghĩa là, bất cứ một phong trào dân tộc chân chính nào cũng phải có một nội dung dân chủ nào đó. Khúc Hạo đã sửa đổi lại chế độ điền tô, thuế má và lực dịch nặng nề của thời thuộc Đường. Ông ra lệnh “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng (quản giáp) trông coi”. Vì nhu cầu của công cuộc xây dựng nền tự chủ, thống nhất đất nước, Khúc Hạo đã biết khoan dung với dân, phát huy sức mạnh của dân. Ông hiểu rằng chăm lo xây dựng bồi dưỡng sức dân tức là chăm lo xây dựng nền tảng độc lập của dân tộc.

Kỷ nguyên Đại Việt cho đến thế giữa thế kỷ XV, đường lối chính trị của các triều đại vẫn theo cương lĩnh bốn chữ: “khoan - giản - an - lạc”, phát triển dưới hai định hướng: dân tộc và thân dân. Các chính sách kinh tế - xã hội của các vua thời Lý tỏ ra rất uyển chuyển, thoáng mở. Giống như lời khuyên khôn ngoan của sư Pháp Thuận với triều đình Tiền Lê trước đó “Vô vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh”, các vua Lý đã chủ trương một đường lối cai trị thấm đượm tinh thần Phật - Đạo, đó là hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước vào đời sống tự nhiên của nhân dân, để cho họ tự lo liệu, giải quyết lấy những vấn đề cuộc sống của chính bản thân họ. Lý Thái Tông, một mặt tuy vẫn kiên quyết trấn áp những cuộc phản loạn trong triều đình cũng như ngoài biên ải, vẫn đề cao một chính sách an dân dẫn ra từ đời Nghiêu Thuấn: “Thuỳ y củng thủ nhi thiên hạ đại trị” (rủ áo khoanh tay mà thiên hạ thái bình).

Trong xã hội thời Lý, dưới cái khung bao trùm của một thể chế quân chủ tập trung, là cộng đồng các làng xã còn đậm tính tự trị, tự quản. Nó tạo nên thế đối trọng tập quyền - tản quyền, nhà nước - dân gian, ở đó, chế độ ruộng công do làng xã tự chia vẫn còn chiếm ưu thế, sự phân tầng thứ bậc trong làng xã vẫn dựa vào “thiên tước”, “tuổi tác”, vai trò của tầng lớp bô lão hương ấp được nể trọng; dân chúng vẫn sống một cuộc sống tự do, tự tại, theo các phong tục cổ truyền, thờ cúng tổ tiên, lên chùa lễ Phật. Đối với chính sách kinh tế hàng hoá dân gian, các vua Lý vẫn chưa có chính sách kiểm soát ngặt nghèo, mà để cho tự do phát triển. Nhà nước cũng chưa thi hành chính sách bế quan toả cảng đối với ngoại thương, thay vào đấy là một chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế khu vực (qua việc thành lập các bạc dịch trường vùng biên, lập trang Vân Đồn buôn bán với các thuyền buôn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á). Xã hội thời Lý là một xã hội mở, khai phóng, nhân văn và nhân bản. Trong đó tinh thần khoan dung và tư tưởng hiếu sinh Phật giáo (một hình thức của quyền sống, quyền con người) được tôn trọng ở một mức độ khá cao. Nói như Giáo sư Đặng Thai Mai, đó là một xã hội vẫn có chỗ cho một “mép lề phóng khoáng”, phi độc tôn, phi cực quyền.

Biên niên sử Việt Nam chép nhiều việc các vua Lý đi thăm dân, xem xét mùa màng, miễn giảm tô thuế, lấy của cho chuộc đàn bà con gái vì nhà nghèo phải đem thân đi ở thế nợ; giảm nhẹ các hình phạt. Như Phan Huy Chú đã nhận xét: “Hình của nhà Lý thì lỗi ở khoan rộng”(1). Lý Thánh Tông (1065) tuyên bố: yêu dân như con; nhiều vị thiền sư khuyên vua Lý gần dân, theo đường lối an dân. Vì vậy, 216 năm dưới triều Lý dường như không có khởi nghĩa nông dân.

Nhà nước Đại Việt Trần, cũng như Đại Việt Lý - quân chủ Phật giáo hay đúng hơn là đặt trên ý thức hệ Tam giáo, với đường lối tư duy và hành động khoan dung. Giáo sư Đặng Thai Mai có nhận xét: “Nét đặc biệt rõ ràng trong đời sống Việt Nam ở giai đoạn này là sự giản dị trong quan hệ giữa con người với con người. Giữa vua quan với nhân dân, sự cách biệt còn chưa đến nỗi quá gay gắt, “cách trùng”. Một nhà vua nổi tiếng là anh minh của nhà Trần (Nhân Tông) đã nhiều lần nhắc nhở con cháu mình chớ nên quên rằng tổ tiên họ xưa kia cũng chỉ là những người dân đen (chài cá). Từ cung điện ở phủ Thiên Trường, nhà vua ngắm cảnh thôn quê và lắng nghe tiếng sáo của các em bé chăn trâu đi dọc theo con đường làng bên bờ ruộng, nơi hai cái cò trắng vừa tà tà hạ cánh...” (2). Giáo sư Mỹ O.W. Wolters, chuyên gia lớn về thời Trần của Đại học Cornell (Mỹ) đã khái quát: “Thời Trần, chính quyền kiểm soát dân chúng hơn là cai trị dân chúng” (3). Chính vì theo đường lối nới sức dân, khoan dung với người dưới mà triều Trần ba lần đại thắng xâm lược Mông - Nguyên (1258, 1285, 1288). Người dưới có lỗi, các vua Trần thường nhận là do lỗi của mình trước, xét xử đầy khoan hậu, ít nghiêm khắc. Xe vua gặp các gia nô nhà vương hầu, thường dừng lại hỏi han, không cho vệ sĩ nạt nộ họ. Đám tang vua quần chúng hàng vạn người tràn cả vào hoàng cung xem lễ, nhà Trần không dùng chế độ cảnh sát để giải tán quần chúng mà cho quân sĩ phân thành từng nhóm ca hát để thu hút họ do đó làm dãn bớt đám đông...

Từ thời Đinh, Phật giáo được chính thức thừa nhận làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho nhà vua và dân chúng, cho chính sự nói chung. Rất nhiều thiền sư tham gia chính sự tuy không tham gia chính quyền. Sư bàn cả việc quân sự, khuyên vua đánh Tống, bình Chiêm.

Trước thời hậu Lê (từ thế kỷ XV về trước) triều đình Đại Việt biết dung hợp cả ba ý thức hệ Phật, Đạo, Nho. Các vua đầu đời Trần, từ Thái Tông đến Anh Tông, đều có căn bản vững chắc về Phật học. Thiền phái Trúc Lâm ra đời và phát triển mạnh, có tính dân tộc. Dưới sự chi phối của tinh thần dân tộc, của hệ tư tưởng yêu nước, Phật giáo đời Trần cũng mang tính cách “nhập thế” mạnh. Phật, Nho, Đạo đều phụng sự cho đời sống, đời sống tâm linh giải thoát cũng như đời sống xã hội thực tiễn. Cũng do nhu cầu cố kết nhân tâm và hoà hợp dân tộc, cũng như thời Lý, tam giáo vẫn thịnh hành cùng với những tín ngưỡng dân gian khác. Vua tu thiền nhưng các con vua có thể không tu thiền, theo Đạo hoặc mở trường học Nho. Tinh thần khoan dung và tự do vẫn chi phối. Cũng như thời Lý, thời Trần không chỉ “thi Nho mà thi cả tam giáo”. Cạnh văn là võ. Cái tinh thần cơ bản của thời Lý, Trần vẫn là tinh thần thượng võ. Tuổi trẻ thời Trần, từ quý tộc đến bình dân phần nhiều chuộng võ dũng. Lê Quý Đôn - nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII đã hết lời ca ngợi nhà Trần đãi ngộ nhân tài một cách khoan dung, cởi mở, cẩn trọng, lễ phép cho nên nhân sĩ thời ấy ai ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn kiệt vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với trời đất, há phải đời sau kịp được đâu! (Kiến Văn tiểu lục) (4).

Văn hóa thời Lý, Trần là nền văn hóa dân tộc, độc lập. Chữ nôm ra đời, một nền văn học nôm hình thành và bước đầu phát triển. Những bộ sử đầu tiên của dân tộc ra đời. Thần thoại và truyện cổ dân gian được sưu tầm và biên soạn thành sách và cho in ấn. Sinh hoạt văn hoá cung đình vẫn mang đậm tính chất dân gian, đậm đà chất Đông Nam Á: đấu vật, đua thuyền, hát phết, hát chèo, rối cạn, rối nước... Vua tôi dang tay nhau mà hát, sau những buổi tiệc ở nội điện. Phong tục cung đình vẫn được khen là giản dị chất phác. Trong nhân dân, sinh hoạt văn hoá thời Lý, Trần diễn ra quanh trung tâm chùa tháp (Phật) và đền miếu (Đạo). Văn hoá xóm làng thấm đượm tình người. Sử sách thời này còn ghi lại những tập tục như: “Đêm trừ tịch (30 tháng Chạp), con gái con trai nhà nghèo, trong năm không có đủ tiền sắm đồ sính lễ, cứ việc lấy nhau”. Mùa xuân trai gái tự do họp bạn, hát múa giao duyên, tung còn, hát phết, “ưng ý nhau thì lấy nhau, mẹ cha không ngăn cấm”.

Quan hệ cha con trong thời Trần thì quả là thắm thiết, như thể chế Thái thượng hoàng (chế độ hai vua) đảm bảo hoạt động tập thể ở vị trí tối cao của quyền lực. Thượng hoàng là người kèm cặp vua, nhưng không phải chỉ là người kèm cặp mà là người cùng xử lý việc nước với vua (ngay cả khi vua đã khôn lớn). Sử ghi lại nhiều hành động chí hiếu của các vua quan Trần đối với cha mẹ. Chữ hiếu được tôn trọng theo hướng tích cực của nó, không lấy sự lạm dụng chữ hiếu để đi đến những hành động sai lầm.

Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín theo Nho giáo chưa từng được trực tiếp đề cập trong các văn kiện thời Trần. Tuy nhiên những hành động nhân nghĩa lại khá nhiều. Vua thương yêu người thuộc hạ, người cơ hàn nghèo khổ, tổ chức phát chẩn, cứu đói, giải phóng một phần con nợ... Gia nô trung thành với chủ như Yết Kiêu, Dã Tượng... là điều không lạ trong đời Trần. Nhà vua trong kết cấu đẳng cấp thời Lý, Trần đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng như “mặt trời, mặt trăng” nhưng qua những nội dung trình bày trên có thể thấy lúc này, vua quan vẫn chưa trở thành những đẳng cấp cách biệt, xa lạ với nhân dân. Tinh thần khoan dung được thể hiện trong các chính sách và đường lối trị nước thời Trần, trong các mối quan hệ giữa vua - quan - dân là nét đặc sắc của văn hóa chính trị Việt Nam trong kỷ nguyên Đại Việt. Tinh thần này đã được Nguyễn Trãi kế thừa và thể hiện rất sâu sắc trong đường lối chính trị Nhân nghĩa - đỉnh cao của tư tưởng dân tộc thế kỷ XV.

Khoan dung, độ lượng, vị tha là những giá trị xuyên suốt trong lịch sử dân tộc, thể hiện trong tất cả các lĩnh vực từ đời sống xã hội đến đời sống vật chất, tinh thần; từ chính trị đến quân sự, ngoại giao. Trong lịch sử hiện đại của dân tộc, đặc biệt là trong các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ Tổ quốc, tinh thần khoan dung, độ lượng, vị tha càng được phát huy và có tác dụng to lớn, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại. Nếu như trước đây, khi kẻ thù đầu hàng và quy phục, ông cha ta không giết, mà còn cấp ngựa, cấp thuyền và lương thực cho kẻ bại trận lui về nước, thì trong lịch sử cận - hiện đại, với kẻ thù mới là chủ nghĩa thực dân và đế quốc phương Tây có sức mạnh vượt trội so với kẻ thù truyền thống - âm mưu của kẻ thù là xảo quyệt, sự tàn phá là vô cùng tàn ác đối với nhân dân; nhưng ngược lại, Chính phủ và nhân dân ta lại hết sức khoan dung, độ lượng, vị tha đối với kẻ thù khi chúng là kẻ bại trận. Với bọn hàng binh Pháp, chiến sỹ ta không chỉ có thái độ nhân đạo mà còn nhường cơm xẻ áo cho chúng khi cần thiết; đối với tù binh là các phi công Mỹ, Chính phủ ta có chính sách khoan hồng, được nhân dân ta chăm sóc tử tế.

Nhân nghĩa Việt Nam là sự khoan dung, độ lượng, vị tha. Năm 1997, cộng đồng quốc tế phát động năm Khoan dung quốc tế. Ngày 08-9-2000, Liên hợp quốc ra Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó cho rằng, lòng khoan dung là một trong những giá trị cơ bản không thể thiếu trong quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI và nó phải bao gồm cả việc tích cực thúc đẩy nền văn hóa hòa bình và đối thoại giữa các nền văn minh, với những con người tôn trọng lẫn nhau, trong sự đa dạng về tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc - những con người không lo ngại hoặc kiềm chế những khác biệt trong nội bộ xã hội và giữa các xã hội với nhau, mà trái lại, trân trọng sự khác biệt đó như là một tài sản quý giá của nhân loại (5).

Đối với Việt Nam, sự kiện này không xa lạ, bởi vì truyền thống của người Việt Nam là khoan dung. Khoan dung của dân tộc Việt Nam không chỉ thể hiện trong chính trị mà cả trong quân sự, ngoại giao, trong các hoạt động kinh tế, xã hội và trong ứng xử hàng ngày. Khoan dung là phẩm chất phổ biến của dân tộc Việt Nam, nó cũng là giá trị văn hóa chính trị đặc sắc, có thể nói là hiếm thấy trong các nền chính trị thế giới./.


---------------------
(1).Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập III, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.94

(2). Thơ văn Lý Trần, tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 35 - 38

(3).Xem O.W. Wolters, Two essayys on Dai Viet in the fouteconth century (hai tiểu luận về ĐạiViệt thế kỷ XIV) Yule for international and area studies The Lac Viet series No 9 - 1998

(4). Triều Trần, người giỏi xuất hiện nhiều, cả văn lẫn võ. Võ tướng có tài, từ các nhà quý tộc như Hưng Đạo vương Trần Quuốc Tuấn, thượng tướng Trần Quang Khải, vương tước Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư đến các ngưồi bình dân như Điện suý Phạm Ngũ Lão, gia nô như Yết Kiêu, Dã Tượng... Văn có nhiều ”thần đông” . Nguyễn Hiền 12 tuổi đậu trạng nguyên,Nguyễn Trung Ngạn 12 tuổi là thái học sinh, 16 tuổi đỗ hoàng giáp, nhà sử học lớn Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ bảng nhãn.

(5). Hội nghị khu vực châu Á Thái bình dương về đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh vì hòa bình và phát triển bền vững (Hà Nội, ngày 20 - 21 tháng 12 năm 2004), Tài liệu tham khảo, tr. 2
PGS, TS. Nguyễn Hoài VănViện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh/Tạp chí Cộng sản

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X