(Tindautruongdanchu)-Thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu
cầu đề ra. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy
lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn...
Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là,
mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh ngăn chặn “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Có rất nhiều nguyên nhân, cả
khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm trên, trong
đó có nguyên nhân “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ,
đảng viên... chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình
trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và
những hậu quả gây ra” dẫn đến chưa
nhận diện đúng mối quan hệ giữa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chưa kết hợp
chặt chẽ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái với đấu
tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” hiệu quả đấu tranh thấp so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XII của Đảng, xác định nhiệm vụ tổng quát của công tác xây
dựng Đảng và sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII,
trong đó “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”
được đặt lên hàng đầu. Đây là những vấn đề đang tạo ra sự thách thức
đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ, được dư luận xã
hội hết sức quan tâm, cần phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn,
đẩy lùi có hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định 27 dấu
hiệu biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức,
lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chỉ rõ mối liên hệ giữa
các biểu hiện suy thoái với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” để nhận dạng đấu tranh. Nghị quyết nêu rõ: “Trong khi đó, sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” chỉ một bước ngắn, thậm chí rất nguy hiểm,
khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực
xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của
Đảng và dân tộc” . Như vậy, để kết hợp chặt chẽ và đấu tranh ngăn
chặn, đẩy lùi có hiệu quả suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vấn đề hàng đầu phải
nhận diện đúng mối liên hệ giữa các biểu hiện với nhau.
Suy thoái tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xét theo
chiều hướng tiêu cực có mối liên hệ chặt chẽ, rất gần nhau, tác
động lẫn nhau. Đây là mối quan hệ rất phức tạp diễn ra trên lĩnh vực ý
thức con người đã làm cho không ít cấp ủy, tổ chức đảng lúng túng trong việc
nhận diện, chỉ ra một cách tường minh đâu là biểu hiện suy thoái tư tưởng
chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống và đâu là biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” để tiến hành đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả.
Chính vì vậy, việc xem xét, nhận diện chính xác mối liên hệ của
các hiện tượng này, cần xem xét một cách biện chứng trong quá trình
diễn biến tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực, nhằm tìm ra đâu là điểm
khởi đầu, đâu là điểm kết thúc và mối quan hệ giữa các giai đoạn
của quá trình đó. Như vậy mới đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể
đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện có hiệu quả.
Suy thoái tư tưởng chính trị của
cán bộ, đảng viên được hiểu là sự “phai nhạt lý tưởng” cách mạng, từng bước xa
rời nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
dao động mất phương hướng chính trị, giảm sút bản lĩnh chính trị, niềm tin, ý
chí quyết tâm... Suy thoái đạo đức, lối sống là sự lệch chuẩn, từng
bước xa dần với các chuẩn mực, thang giá trị đạo đức cách mạng,
lối sống xã hội chủ nghĩa được biểu hiện ở chủ nghĩa cá nhân,
sống thực dụng, ích kỷ, cục bộ địa phương, tham nhũng, lãng phí.v.v.
Suy
thoái tư tưởng chính trị và suy thoái đạo đức, lối sống trong cán
bộ, đảng viên thường đi liền với nhau, có mối quan hệ khăng khít, tác
động qua lại với nhau. Bởi lẽ, trong tư tưởng con người cán bộ, đảng
viên, tư tưởng chính trị luôn giữ vai trò chủ đạo và trong đạo đức
cách mạng, lòng “trung hiếu” mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, do tư
tưởng chính trị chi phối, quy định. Người cán bộ, đảng viên khi suy
thoái tư tưởng chính trị, không còn yêu lý tưởng cách mạng, không yêu
Đảng, yêu chế độ, yêu thương nhân dân thì tất yếu suy thoái đạo đức,
lối sống cách mạng. Ngược lại, khi lòng trung, hiếu, tình yêu thương
con người trong đạo đức cách mạng không còn thì người cán bộ, đảng
viên đó đương nhiên đã từ bỏ lý tưởng cách mạng của người cán bộ,
đảng viên và tưởng chính trị đương nhiên bị suy thoái.
Suy
thoái tư tưởng chính trị và suy thoái đạo đức, lối sống thường diễn
ra từ từ, ngấm ngầm dẫn đến có những hành động làm sai, không đúng với chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều lệ của
tổ chức và những hành vi đạo đức sai trái không đúng với tiêu chuẩn
đạo đức cách mạng, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Quá trình
diễn ra các biểu hiện suy thoái nếu không được đấu tranh, ngăn chặn
kịp thời sẽ dẫn đến những diễn biến tư tưởng tiêu cực, nhất là tư
tưởng chính trị. Thực chất đây là quá trình “tự diễn biến” và đến
một mức độ nhất định “tự diễn biến” sẽ chuyển sang “tự chuyển hóa”
là tất yếu theo quy luật vận động. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có
thể được xem như là hai giai đoạn của một quá trình tư tưởng diễn ra
ở người cán bộ, đảng viên được tiếp cận ở góc độ diễn biến tiêu
cực. Trước hết đó là sự chuyển hóa về tư tưởng chính trị và đạo đức
cách mạng ở cán bộ, đảng viên, là sự thay đổi về nhận thức chính trị, về quan
điểm tư tưởng, thái độ và lập trường chính trị theo chiều hướng xấu, tiêu cực.
Tự bản thân cán bộ, đảng viên nhận thức chính trị và hành động xa rời, đi
ngược, đối lập, chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có các hành vi
đạo đức, lối sống xa rời, lệch chuẩn các tiêu chuẩn đạo đức cách
mạng với tính chất, mức độ khác nhau. “Tự diễn biến” được xem như ở mức độ
thấp và “tự chuyển hóa” được xác định ở mức độ suy thoái cao hơn, đối
lập với tư tưởng chính trị và đạo đức cách mạng, lối sống của
người cán bộ, đảng viên của Đảng. “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” có
mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động thúc đẩy lẫn nhau. “Tự diễn
biến” là sự thay đổi theo chiều hướng xấu, tiêu cực diễn ra ở từng cá nhân, tổ
chức nhưng chưa đến mức độ chuyển hóa, đối lập, thay đổi hoàn toàn
bản chất. “Tự chuyển hóa” được xem như là quá trình làm thay đổi bản chất
chính trị của từng cá nhân và tổ chức, được biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực
hoạt động của đời sống. Quá trình “tự diễn biến” là quá trình tích
lũy về lượng để dẫn đến “tự chuyển hóa”; ngược lại, khi quá trình
“tự chuyển hóa” diễn ra nó sẽ thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn
biến”. Trong mối quan hệ giữa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nhiều điểm giống nhau, đều diễn ra
bên trong mỗi con người cán bộ, đảng viên và tổ chức, từng bước thay đổi nhận
thức chính trị - xã hội, thay đổi bản chất giai cấp công nhân dẫn đến thay đổi
về lập trường, thái độ chính trị, hành động chính trị, chuẩn mực đạo đức,
lối sống. Từ lập trường chính trị vô sản sang lập trường chính trị tư sản,
đối lập lại Đảng, Nhà nước và chế độ. Quá trình diễn ra sự suy thoái tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những
biểu hiện tương đồng nhau ở những hiện tượng, hành vi như nhận thức chính trị
lệch lạc, phai nhạt lý tưởng cách mạng; lập trường tư tưởng, chính trị dao
động, thiếu niềm tin, giảm sút ý chí quyết tâm, thấy đúng không bảo vệ, thấy
sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm lệch lạc, sai
trái; thiếu tiền phong, gương mẫu, không còn ý thức sẵn sàng cống hiến, hy
sinh, hết lòng vì nước vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách, nhiệm vụ
được giao; vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, đi ngược lại đường
lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở những mức độ khác nhau.
Điểm khác nhau căn bản giữa suy thoái
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
là mức độ biểu hiện nhận thức và hành động chính trị khác nhau. Suy thoái tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là biểu hiện ở mức
độ thấp, có thể chuyển sang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu không được đấu
tranh ngăn chặn kịp thời. Còn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng
viên là biểu hiện ở mức độ cao. Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống và tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hai vấn đề tuy không đồng nhất,
nhưng có mối quan hệ khăng khít với nhau, đan xen nhau, tác động thúc đẩy nhau
cùng song hành diễn biến theo chiều hướng xấu. “Tự chuyển hóa” là hệ quả tất
yếu của quá trình “tự diễn biến”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những sự
khởi đầu khác nhau do nhiều nguyên nhân như suy thoái tư tưởng chính trị, suy
thoái đạo đức, lối sống, cơ hội chính trị, bất mãn, chủ nghĩa cá nhân, bị lợi
dụng, mua chuộc, khống chế...dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong mối
quan hệ giữa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” thì suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
được xem như là một sự khởi đầu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và xét
đến cùng, nó còn mang ý nghĩa là nguồn gốc của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong cán bộ, đảng viên. Ở đây đối tượng đang bàn là cán bộ, đảng viên, cho nên
xét đến cùng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên được khởi
đầu từ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống (loại trừ những
trường hợp cơ hội chính trị vào Đảng để chống phá). Vì cán bộ, đảng viên là
những quần chúng ưu tú, được bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách bản lĩnh chính trị
mới kết nạp vào Đảng, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh
đạo, quản lý ở các cấp có nhiều năm tu dưỡng, rèn luyện cống hiến, phục vụ cho
Đảng, cho cách mạng. Do vậy, ở chừng mực nào đó cũng có thể khẳng định rằng,
suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống còn là nguồn gốc của “tự
diễn biến”. “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Nhận rõ mối quan hệ giữa
suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong
đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi.
Chính
vì vậy, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải tiếp tục quán triệt, thực hiện
tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và triển khai thực hiện chặt chẽ,
nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Trong đó việc
nhận diện các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
và mối liên hệ giữa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải được coi trọng đặt lên hàng
đầu.
Đình Đồng (dautruongdanchu)
Bài viết rất hay, cảm ơn Đình Đồng
ReplyDelete