Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, December 19, 2017 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi nhận rằng, ngày 19 tháng 12 năm 1946, sau khi Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm đủ mọi cách để duy trì hoà bình và ngăn ngừa chiến tranh xẩy ra, nhưng thực dân Pháp với bản chất xâm lược, hiếu chiến đã cố tình gây chiến tranh nhằm phá hoại thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta để áp đặt sự xâm lược, thống trị một lần nữa dân tộc ta…, trước nguy cơ đó, không có con đường nào khác, Đảng ta, dân tộc ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã phát động chiến tranh nhân dân chính nghĩa, chống lại chiến tranh xâm lược.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đại diện cho ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong Lời kêu gọi có đoạn nhấn mạnh:

"Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào:

Chúng ta phải đứng lên !

…Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên chống thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gốc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước. Hỡi anh em binh sỹ, tự vệ dân quân. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.Dù gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta !

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm.
Kháng chiến thắng lợi muôn năm".

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác có sức mạnh rất lớn giúp động viên, lan tỏa tinh thần đấu tranh vì dân tộc

Việc trích dẫn toàn bộ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến nhằm làm sáng tỏ các tư tưởng cơ bản của Bác Hồ về cuộc kháng chiến và nó đã thể hiện sâu sắc tinh thần tự do, độc lập dân tộc, niềm tin, ý chí quyết tâm và sức mạnh của toàn dân tộc (chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch rêu rao rằng Việt Nam lôi kéo cả người già, phụ nữ, trẻ em vào cuộc chiến tranh). Các tư tưởng đó có vai trò định hướng cho toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và là bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Trong bài này, tôi chỉ tập trung làm rõ niềm tin vào thắng lợi của kháng chiến chống xâm lược vì mục tiêu tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được hình thành, nuôi dưỡng, phát triển từ những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

1. Tiếp cận niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hệ thống các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quy luật phát triển của lịch sử; về chiến tranh chính nghĩa; vai trò của quần chúng nhân dân và quân đội nhân dân trong chiến tranh và vai trò quyết định của con người trong chiến tranh là cơ sở phương pháp luận cho việc nhận thức đúng đắn niềm tin vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến được thể hiện trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến".
Niềm tin vào thắng lợi của kháng chiến chống xâm lược như là tổng hoà của hệ thống các niềm tin được chứa đựng trong nhân tố chính trị - tinh thần của nhân dân và quân đội. Đó là lòng tin vào sức mạnh có giác ngộ chính trị; có tinh thần yêu nước nồng nàn; có ý chí quyết tâm cao, tinh thần chịu đựng khó khăn, hy sinh, gian khổ, ác liệt; tin vào sức mạnh của chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc; tin vào sức mạnh vũ khí, phương tiện có trong tay…

Sự hội tụ của nhiều niềm tin xây dựng nên niềm tin vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù giàu mạnh gấp chúng ta hàng trăm lần. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lòng tin: "Tuy nay châu chấu đá voi; nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra". Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào giai đoạn khó khăn quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tuyên bố một niềm tin không lay chuyển: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Niềm tin vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành giữ tự do, độc lập cho nhân dân, cho Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, là sự phát triển cao của niềm tin chiến thắng. Vì trong đó có sự gắn kết giữa lý trí và tình cảm; giữa ý thức chính trị và tri thức khoa học; giữa triết lý và ý chí quyết tâm cao… Trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin vững chắc vào sự phát triển có quy luật của chiến tranh:

Sự xâm lược nước Việt Nam một lần nữa là có thật, đó là bản chất của thực dân Pháp và không thể mơ hồ.

Sự tin tưởng vào giá trị cao quý là nước ta không thể rơi vào tay Pháp, dân ta, không thể làm nô lệ cho thực dân Pháp.

Sự tin tưởng vào sự hy sinh, chứa đựng gian khổ, khó khăn của nhân dân, của binh sỹ, tự vệ, dân quân trong chiến tranh.

Sự tin tưởng vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sức mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện với các loại vũ khí có trong tay.

Sự tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến để đạt mục tiêu độc lập và thống nhất.

Tất cả các vấn đề đó đã thống nhất lại làm nên hoàn cảnh lịch sử và lôgic của niềm tin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố và có thể coi đó như một cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tư tưởng chỉ đạo kháng chiến chống xâm lược với hai giá trị về lý luận và thực tiễn của việc xây dựng niềm tin vào thắng lợi của kháng chiến chống xâm lược.

Các vấn đề có tính quy luật trong hình thành và phát triển của niềm tin vào thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược từ những kẻ thù giàu mạnh và hung bạo cần được nhận thức khách quan, khoa học, toàn diện, lịch sử - cụ thể, phát triển kết hợp chặt chẽ lý luận và thực tiễn, kế thừa và phát triển. Dựa trên các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, các phương pháp trên cho ta có nhận thức đúng cơ sở khoa học của niềm tin và giá trị thực tiễn của nó.

2. Những giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của niềm tin mà Bác Hồ đã xây dựng.
Về mặt khoa học, khi tiếp cận thực chất quá trình phát triển của niềm tin vào thắng lợi của kháng chiến chống xâm lược cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược gắn bó chặt chẽ với quá trình chuẩn bị chính trị - tinh thần cho đất nước.

Hai là, giải quyết khoa học mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan trong xây dựng niềm tin vào thắng lợi của cuộc chiến đấu lúc đầu không cân sức. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phân tích tính tất yếu khách quan của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là sau sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga, chiến thắng phát xít Đức và quân  phiệt Nhật Bản. Niềm tin trong Lời kêu gọi là sự biểu hiện của lòng yêu nước nồng nàn, sự căm thù quân xâm lược và đã trở thành một giá trị văn hoá.

Ba là, nhận thức niềm tin cũng như quá trình xây dựng nó phải trên cơ sở là kết quả hội tụ của sự tác động toàn diện của hàng loạt các nhân tố chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, giáo dục và tự giáo dục. Nếu nghiên cứu niềm tin vào thắng lợi trong chống xâm lược mà chỉ nhấn mạnh ở niềm tin trừu tượng, thuần tuý sẽ rơi vào phiến diện, duy tâm. Trên thực tế Lời kêu gọi của Bác Hồ là sự hiện diện sức mạnh lịch sử, truyền thống ra trận, là sự kết nối sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, là sự kết dính từng yếu tố để tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp của dân tộc, của đất nước.

Bốn là, nghiên cứu niềm tin vào thắng lợi của kháng chiến trong Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là quan hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù trong phát triển các phẩm chất chính trị - tinh thần của nhân dân và quân đội trong chiến đấu và sự hình thành, phát triển của niềm tin vào thắng lợi. Đó là sự tác động nhân - quả của cái chung và cái đặc thù trong lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, tâm lý trong chiến tranh. Đồng thời niềm tin trong Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sự kế thừa, phát triển kinh nghiệm lịch sử, mà còn phản ánh nhu cầu thực tế. Về thực chất, nghiên cứu, xây dựng niềm tin vào chiến thắng của nhân dân và quân đội là sự vận dụng nguyên tắc phương pháp luận về mối quan hệ giữa yếu tố người - nhân tố quyết định trong chiến tranh với yếu tố vật chất.

Năm là, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng định hướng chính trị, lấy tự do, độc lập của dân tộc để phát huy toàn diện sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần, sự thông minh sáng tạo, lòng dũng cảm và nghệ thuật đánh giặc độc đáo của chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc.

Chính nhờ vậy mà quá trình đánh giặc giữ nước của dân tộc, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết xung quanh Đảng, Bác Hồ, ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương, chi viện tốt nhất, nhiều nhất cho chiến trường. Lòng tin vào chiến thắng đã nuôi dưỡng nên những con người như: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Bế Văn Đàn  lấy thân mình làm giá súng; Nguyễn Viết Xuân với tinh thần nhằm thẳng quân thù mà bắn; chị Út Tịch với quyết tâm: còn cái lai quân cũng đánh… Thi đua với tiền tuyến, hậu phương đã biến niềm tin thành hành động như: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; "Xe chưa qua nhà không tiếc"; hay "tay cày tay súng, tay búa tay súng"…

Về mặt thực tiễn, "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" và những lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng để phát triển tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc lên một tầm cao mới.

Trước hết, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thức tỉnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không được mơ hồ về bản chất của các thế lực bá quyền, nước lớn, muốn áp đặt sự chỉ huy của một dân tộc này lên một dân tộc khác cản trở con đường phát triển tiến bộ của nhân dân ta đã chọn.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã đặt cơ sở khoa học để cho chúng ta tiếp tục giáo dục, nuôi dưỡng niềm tin tất thắng vào chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh chống xâm lược để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và cuộc chiến đấu phù hợp với sự phát triển của lịch sử, đáp ứng khát vọng của nhân dân và toàn dân tộc.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên tiền đề để tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lập, tự cường, khắc phục khó khăn để giành thắng lợi dù có bất cứ kẻ thù nào. Trên cơ sở đó để phát triển niềm tin vào thắng lợi của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chống lại chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình chuẩn bị chính trị - tinh thần nhân dân và quân đội nói chung và xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sức mạnh chiến đấu của quân đội, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tính độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam và tin vào vũ khí, trang bị hiện có trong chiến tranh chống xâm lược trong điều kiện lịch sử mới.
N. Long

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X