Những ngày vừa qua, việc hàng loạt cán bộ bị khởi tố, bắt giam (trong đó có cả cán bộ cấp cao) được dư luận hết sức quan tâm. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, cho rằng đó là những việc làm cần thiết để giữ gìn kỷ cương, phép nước, tiếp tục chỉnh đốn, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, cho dù, như nhiều cán bộ lão thành phát biểu, đây cũng là nỗi đau xót trong Đảng, không ai có thể vui mừng khi thấy đồng chí của mình bị xử lý như vậy.
>Vì sao linh mục Nguyễn Đình Thục bị tạm dừng xuất cảnh đi Úc?
>Yêu cầu điều tra đối tượng nhận tiền viết bài nói xấu chế độ trên mạng
>Triệu tập đối tượng Nguyễn Đình Cương vì không chấp hành án
Trong khi đó, nhân những sự việc này, nhiều đối tượng cơ hội chính trị, phản động lại “chọc gậy bánh xe”, “đục nước béo cò”, đưa ra những quan điểm lệch lạc...
>Yêu cầu điều tra đối tượng nhận tiền viết bài nói xấu chế độ trên mạng
>Triệu tập đối tượng Nguyễn Đình Cương vì không chấp hành án
Trong khi đó, nhân những sự việc này, nhiều đối tượng cơ hội chính trị, phản động lại “chọc gậy bánh xe”, “đục nước béo cò”, đưa ra những quan điểm lệch lạc...
Ảnh minh họa. |
“Chọc gậy bánh xe”, tạo dựng mâu thuẫn
Ngay sau khi báo chí, truyền thông trong nước đưa tin về việc khởi tố, bắt tạm giam các ông: Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Đinh Mạnh Thắng... hàng loạt tờ báo và trang mạng nước ngoài đã có thêm những bài viết với một số lập luận hết sức cực đoan, theo kiểu “chọc gậy bánh xe”.
Đài Á châu Tự do, như thường lệ lại tiếp tục tung ra luận điệu, sự việc “chưa phải hồi kết”. Họ cho rằng không có chống tham nhũng thực sự mà đây chỉ là cuộc đấu đá nội bộ rồi từ đó đồn đoán sẽ có những nhân vật nào tiếp tục bị bắt. Thậm chí, lợi dụng sự việc này, họ dựng lên cái gọi là “cuộc chiến sinh tử” của cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước để “giữ thể diện” mà thôi.
Trong nước, có người sau thời gian dài không bàn luận gì nay lại “chém gió” là “không hề ngạc nhiên” vì bản chất là “cuộc đấu đá phe phái”. Từ đó kêu gọi phải "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự".
Từ câu chuyện chống tham nhũng, họ lái vấn đề sang chuyện thay đổi chế độ. Họ đồn đoán đây là cuộc chiến không khoan nhượng nhưng không phải là cuộc chiến chống tham nhũng vì gốc rễ của tham nhũng là “thể chế”. Khi thể chế chưa thay đổi thì đánh tham nhũng chỉ là “tranh giành phe phái”. Họ còn đơm đặt rằng, công luận cũng sẽ chỉ một hướng tấn công những người vi phạm pháp luật bị bắt; còn Đảng không có tính nhân văn, sẽ tìm mọi cách quy kết thật nhanh. Từ đó, họ cố tình xuyên tạc cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, rằng có một “bi kịch” tiềm ẩn rủi ro chung cho tất cả mọi người là “đều có thể là nạn nhân của một nền pháp quyền què quặt”... Họ kêu gọi mọi người hãy sớm đến với dân chủ nhân quyền, đừng “đợi tới lúc trở thành nạn nhân mới bắt đầu nghĩ tới quyền của mình”.
Đau xót nhưng phải làm nghiêm minh
Trên thực tế, trước các sự việc trên, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm nhưng cũng coi đó là những bài học đau xót. PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu quan điểm: “Chúng ta cần nhìn nhận việc kỷ luật những cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật là điều không lấy gì làm vui vẻ mà quan trọng hơn cần những thiết chế để cán bộ không dám và không thể vi phạm kỷ luật hay tham nhũng, tiêu cực”.
Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi cho biết: “Không ai có thể vui được khi đồng chí của mình, đặc biệt lại là một cán bộ cao cấp vi phạm đến mức phải kỷ luật, bị khởi tố và bắt tạm giam. Một cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác, được tôi luyện, thử thách qua nhiều lĩnh vực quan trọng sao lại mắc phải sai phạm nghiêm trọng đến như vậy? Qua đây cũng rút ra bài học sâu sắc cho nhiều cán bộ, đảng viên... Nếu chúng ta cứ bao che, cứ làm nhẹ tội lỗi của cán bộ, đảng viên vi phạm, thì dân nhìn vào còn biết tin ai. Mất lòng tin của dân là mất tất cả. Làm nghiêm không phải là không đau xót trước sai phạm của đồng chí mình. Đây là bài học cảnh tỉnh tất cả cán bộ, đảng viên để tự răn mình, tự biết dừng lại trước mỗi việc làm sai trái”.
Một cựu lãnh đạo của một tờ báo trong bài viết dài đã nêu quan điểm: Chúng ta cũng sẽ có cái nhìn tích cực trước việc Đảng ta rất mạnh mẽ trong xử lý những sai phạm gần đây. Nó sẽ là một điểm son trong mắt mỗi đảng viên chân chính cũng như người dân yêu nước, yêu chế độ. Chính những điều này đã giúp mọi người hồi phục lòng tin với Đảng hơn lúc nào hết.
Từ lời dạy của Bác Hồ: Chặt cành để cứu cây
Những việc làm trên là cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, để không ngừng làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước ta. Điều đó là nhất quán trong quan điểm của Đảng cũng như theo tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn toàn không có chuyện thanh trừng, đấu đá nội bộ.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến còn đầy gian khổ, thù trong giặc ngoài, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết chống tham ô, tiêu cực với tinh thần, dù đau đớn nhưng vẫn phải chặt cành để cứu cây. Năm 1950, vụ án Trần Dụ Châu được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội khóa I gửi lên Bác Hồ. Người đã giao bức thư cho Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội yêu cầu điều tra làm rõ và nói: “Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”. Ít lâu sau, nhận báo cáo điều tra cụ thể, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Năm 1964, Bác Hồ tiếp tục nhận được ý kiến xin giảm tội cho một cán bộ tha hoá, biến chất là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng. Sau khi xem xét, cân nhắc, Người quyết định: "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt".
Thái độ của một Đảng “mạnh dạn, tiến bộ, chân chính”
Phải xem xét, xử lý kỷ luật và truy tố trước pháp luật bất kỳ cán bộ, đảng viên nào là điều không ai mong muốn. Càng đau xót và đáng tiếc hơn khi đó là những đồng chí cán bộ cấp cao, từng kinh qua rèn luyện, trưởng thành và có đóng góp nhất định với đất nước. Nhưng Đảng ta là đảng cầm quyền, ngoài phấn đấu, làm việc vì lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Và để xứng đáng với sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng phải không ngừng tự chỉnh đốn. Chúng ta cần ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng: “... Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính”.
Đảng ta luôn khẳng định, mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Hơn thế, đảng viên vi phạm ngoài bị xử lý theo đúng pháp luật còn phải bị xử lý theo đúng kỷ luật Đảng một cách tự giác, nghiêm minh. Thậm chí, ở một khía cạnh nào đó phải được xử lý nghiêm minh hơn, có như vậy, mới xây dựng được xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật, mới tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và niềm tin trong nhân dân về một Đảng “mạnh dạn, tiến bộ, chân chính”. Nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được ghi rõ trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành gần đây đã nêu rõ: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”.
Để có triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên quan điểm nhân văn nhưng cũng rất kiên quyết, thể hiện rõ ý chí của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.
Rồi đây, sự việc những cán bộ vi phạm sẽ tiếp tục được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Qua mỗi sự việc được làm sáng tỏ, sẽ rõ hơn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và cũng là dịp để chúng ta “tự soi, tự sửa”, là dịp để củng cố, không để còn những lỗ hổng pháp lý, lỗ hổng trách nhiệm và cả “lỗ hổng lương tâm”, giúp bộ máy Nhà nước của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn. Và như vậy, cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang đạt được lợi ích kép, vừa tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa giáo dục, rèn luyện đảng viên tốt hơn, vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật và bộ máy chứ đâu phải “chỉ có thay đổi thể chế mới chống được tham nhũng” như những luận điệu cực đoan đang rêu rao. Chúng ta càng không thể mơ hồ, ảo tưởng vào những luận điệu mị dân như phải tiếp cận dân chủ, nhân quyền phương Tây, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, thay đổi thể chế mới đẩy lùi được tham nhũng.
Trên thực tế, chẳng phải thay đổi thể chế thì chống tham nhũng tốt hơn mà điều quan trọng nhất chính là giáo dục, răn đe, tạo ra sự chuyển biến trong toàn Đảng, toàn dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”; để từ đó “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Chỉ có bằng việc không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị, giúp bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn để dân thêm giàu, nước thêm mạnh mới là con đường tốt nhất.
Công Minh (báo Quân đội nhân dân)