Hội thảo khoa học cấp Quốc gia cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968-Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, bên cạnh các tham luận được trình bày là những ý kiến chia sẻ đầy tâm huyết. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã gặp gỡ, ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh:
Đóng góp quan trọng của lực lượng An ninh T4
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với quân và dân Khu Sài Gòn-Gia Định, lực lượng An ninh T4 đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc. Quán triệt chủ trương của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, lực lượng an ninh hoạt động hợp pháp trong vùng địch kiên trì bám trụ, dựa vào quần chúng vừa đánh địch vừa củng cố lực lượng và trang bị vũ khí, phương tiện công tác và chiến đấu.
Trung tướng Lê Đông Phong
Thực hiện phương châm “đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng đối tượng”, lực lượng trinh sát vũ trang nội đô và lực lượng Điệp báo An ninh T4 đẩy mạnh tiến công chính trị bằng cách gửi truyền đơn cho cảnh sát và khóm trưởng làm cho chúng hoang mang lo sợ, trút bỏ cảnh phục. Đến tháng 5-1968, nhiều đơn vị vũ trang thuộc An ninh T4 đã phối hợp với các phân khu chiến đấu anh dũng, tiếp tục tiến công nhiều mục tiêu trên toàn Khu Sài Gòn-Gia Định. Lực lượng an ninh các huyện cũng phối hợp với bộ đội địa phương và du kích tổ chức tiến công địch và hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Thông qua phong trào quần chúng “bảo mật phòng gian” kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng An ninh T4 đã phát hiện hàng trăm vụ nội gián, bắt và trừng trị nhiều tên. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng An ninh T4 cùng quân và dân Khu Sài Gòn-Gia Định đã tiêu diệt và làm tan rã một số lượng lớn sinh lực địch và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Lực lượng ta phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, thu được nhiều kinh nghiệm quý báu. Vùng giải phóng được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân được củng cố và phát triển...
HỒNG GIANG (ghi)
Đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh:
Không ngừng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như dòng chảy cuồn cuộn của bao lớp sóng; sóng sau xô sóng trước, tạo nên sức mạnh phi thường, xua tan mọi trở ngại. Trong đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần to lớn, tạo nên thắng lợi toàn diện, thể hiện tinh thần cách mạng tiến công của quân và dân ta, đánh dấu bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh, nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris tháng 1-1973 và tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiếp tục là mạch nguồn bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu nước, tình cảm cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đồng chí Thân Thị Thư.
Năm mươi năm trôi qua, tiếp tục nhìn nhận một sự kiện lịch sử quan trọng bằng phương pháp khoa học, biện chứng để khẳng định giá trị, trân trọng quá khứ và chiêm nghiệm những bài học lịch sử từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời đấu tranh mạnh mẽ chống lại những quan điểm sai trái là công việc hết sức cần thiết, có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong nhiệm vụ chung, ngành tuyên giáo TP Hồ Chí Minh nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc góp sức làm cho mạch nguồn lòng yêu nước, tình cảm cách mạng không ngừng tuôn chảy, ngày càng phong phú; đẩy mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cho các đối tượng, nhất là thế hệ trẻ để lan tỏa, tiếp nối các giá trị tốt đẹp; bồi đắp, nâng cao hơn nữa giá trị lòng yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên mạnh mẽ để xây dựng đất nước thật sự phồn vinh.
ĐĂNG THU (ghi)
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam:
Xác định đúng mục tiêu chiến lược
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ta đã xác định đúng ý đồ chiến lược, từ đó đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức tiến hành chiến tranh nhằm tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực tiễn Mậu Thân 1968 chứng minh, về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu bằng hoạt động quân sự, chính trị trên toàn miền Nam. Những thành công và cả chưa thành công sau Mậu Thân 1968 khẳng định, phải luôn bám sát và đánh giá đúng tình hình thực tiễn, kịp thời điều chỉnh nội dung và phương thức hoạt động thì mục tiêu chính trị sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo.
Từ bài học trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cho thấy, đối với LLVT, để phát huy cao độ vai trò của cán bộ, chiến sĩ, chúng ta phải thống nhất ý chí và hành động, xây dựng thái độ, mục tiêu chiến đấu của bộ đội; động viên được tinh thần chiến đấu của người lính trên chiến trường; giải quyết đúng đắn yếu tố chính trị của cuộc chiến tranh; nội dung và phương thức giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong LLVT; sự thống nhất cao độ giữa tinh thần chiến đấu của LLVT với sự đồng lòng, ủng hộ, đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng hy sinh của nhân dân cả nước… Đó là những yếu tố quan trọng mỗi cán bộ, chỉ huy cần quán triệt để tạo nên sức mạnh giành thắng lợi trong mọi nhiệm vụ.
HÀ ĐẶNG (ghi)
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đực, chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định:
Nhớ mãi trận đánh để đời
Ngày ấy, lực lượng Đội 5 chúng tôi được lệnh cơ động về Sài Gòn đúng ngày Mồng Một Tết Mậu Thân 1968. Tất cả 15 người ẩn náu dưới hầm chứa vũ khí của anh Năm Lai, một cơ sở của đội ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, ngay sát nách các cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn. Ém quân đến hơn 1 giờ sáng Mồng Hai Tết, giờ nổ súng đã tới, chúng tôi bước vào trận đánh với lòng tự tin quyết thắng, sẵn sàng hy sinh. Trận đánh vào Dinh Độc Lập có 8 anh em hy sinh. Số còn lại bị địch bắt sau gần 2 ngày cầm cự quyết liệt.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đực.
Hôm nay tham dự hội thảo, được sống lại không khí hào hùng của 50 năm trước, tôi nhớ đến những trận đánh gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Cả 9 mục tiêu trọng yếu, trong đó có Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ tư lệnh Hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Mỹ… đều bị đặc công biệt động tiến công. Đó là những trận tập kích mà ngay cả cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ cũng bị bất ngờ. Để chống lại đạo quân thiện chiến, có sức mạnh quân sự khổng lồ, với phương tiện tối tân, hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, chúng tôi đã chuẩn bị toàn diện và xác định tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
Gặp lại đồng đội năm xưa tại cuộc hội thảo, chúng tôi vô cùng cảm động vì sự hy sinh, mất mát của thế hệ chúng tôi được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ghi nhận. 7 người còn sống trong trận đánh Dinh Độc Lập 50 năm trước, giờ chỉ còn lại 4 người. Ai cũng có cuộc sống riêng với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng dù ở đâu, chúng tôi vẫn giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khắc phục khó khăn, hăng say lao động, sản xuất, là tấm gương sáng cho con, cháu noi theo.
TRẦN TUYẾT (ghi)
Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh:
Vận dụng bài học lịch sử vào xây dựng khu vực phòng thủ
Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa.
Kế thừa bài học phát huy sức dân của sự kiện Mậu Thân 1968, LLVT TP Hồ Chí Minh luôn quán triệt, nắm vững mục tiêu, quan điểm, tư tưởng, phương châm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết của Đảng ủy quân khu, Thành ủy TP Hồ Chí Minh về xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; đồng thời, tiếp tục xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp và khả năng SSCĐ cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Từ kinh nghiệm trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, LLVT thành phố tập trung xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần vững mạnh, thường xuyên củng cố tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường xây dựng tiềm lực quân sự quốc phòng, khu vực phòng thủ vững chắc trên nền tảng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân… Đặc biệt, chủ động xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc làm nền tảng củng cố nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
BẢO THƯ (ghi)
Nguyễn Thị Kiều Anh, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh:
Tích lũy cho hành trang tương lai
Nguyễn Thị Kiều Anh.
Tham dự hội thảo, tôi thật sự xúc động khi được trực tiếp nghe các vị lãnh đạo, các nhà khoa học và nhất là nhân chứng lịch sử nói về sự kiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tôi cảm phục và tự hào về tinh thần chiến đấu kiên trung, anh dũng của thế hệ cha ông để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời bình, chỉ biết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 qua sách vở, đài, báo và bài giảng của thầy cô. Những cuộc hội thảo như thế này có ý nghĩa thiết thực, trang bị cho chúng tôi nhiều bài học quý giá để vận dụng trong học tập và công tác. Chúng tôi tự nhủ, phải tìm hiểu sâu hơn về lịch sử truyền thống, noi gương thế hệ cha anh hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hiện nay, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi nguyện ra sức học tập, chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học, chuẩn bị hành trang thật tốt để sống xứng đáng với hào khí của cha anh. Qua những bài học bổ ích từ hội thảo, tôi tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm thực tiễn, làm phong phú thêm hành trang cuộc sống tương lai.
THÙY VÂN (Báo Quân đội nhân dân/ghi)