Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, December 19, 2017 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Trước âm mưu và hành động ngang ngược của thực dân Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi toàn quốc. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến.


 "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi của Bác vang lên, thấm sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, khơi dậy lòng tự tôn, truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường của dân tộc. Lời hiệu triệu đó đã tạo động lực thúc đẩy sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam trỗi dậy, với mọi thứ vũ khí sẵn có, với một tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác có sức mạnh rất lớn giúp động viên, lan tỏa tinh thần đấu tranh vì dân tộc


Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, quân và dân cả nước đã nhất tề đứng lên đánh giặc, cứu nước. Chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (tháng 5/1954), tạo cơ sở nền tảng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4/1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc suốt 30 năm bền bỉ đấu tranh đã khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của nhân dân ta được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng.

Thực tiễn đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, về rèn luyện bản lĩnh chính trị cho quân nhân nói riêng; đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay hầu hết trưởng thành trong thời bình, chủ yếu được rèn luyện, thử thách trong nhà trường, đơn vị; đồng thời, phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là tác động tiêu cực từ thông tin xấu độc, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do vậy, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần thiết, và phải được tiến hành thường xuyên, có hệ thống bằng những giải pháp hợp lý, sát thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu... Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó, chúng ta cần tiến hành đồng bộ các giải pháp; đặc biệt, phải tiếp tục kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm về rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu của quân và dân ta trong những ngày toàn quốc kháng chiến, cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một là, thường xuyên coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cho cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Tinh thần yêu nước được hình thành, thử thách và khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha ta đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước trong thời đại Hồ Chí Minh, một trong những giá trị truyền thống cao quý nhất, bền vững nhất của dân tộc ta. Yêu nước đã thực sự trở thành một thứ vũ khí tinh thần ngấm sâu vào tâm trí tư tưởng, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam qua các thời đại, làm nên một sức mạnh kỳ diệu, giúp cho dân tộc ta chiến thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác cho dù chúng có hung bạo và tiềm lực quân sự mạnh đến đâu. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị

Tăng cường xây dựng quân đội về chính trị cũng chính là quá trình tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi điều kiện. Hiện nay, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, đòi hỏi toàn quân cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”... Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì, xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện tính Đảng và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc duy trì kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội, chấp hành pháp luật Nhà nước, bảo đảm cho Đảng nắm chắc quân đội và quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng.

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thực tiễn cũng cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Quán triệt quan điểm của Đảng và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân thường xuyên quan tâm công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng hệ thống nhà trường “chính quy, mẫu mực”; lựa chọn, gửi cán bộ đi học ở các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ cho quân đội. Vì vậy, quân đội đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành, có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trong đó, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị các cấp - lực lượng nòng cốt chuyên trách về công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội về chính trị là nhân tố có ý nghĩa quyết định việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị; đồng thời, bảo đảm cho quân đội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.

Bốn là, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Mục tiêu xuyên suốt, không thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước hết làm Quân đội nhân dân và Công an nhân dân mất phương hướng, xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, quân đội phải nêu cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và toàn dân chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta, đặc biệt là thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch. Phải chú trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm, xảo quyệt của địch; từ đó, có biện pháp phòng chống hiệu quả, bảo đảm giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội. Đồng thời, thông qua đấu tranh để rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng trong các tình huống, không dao động, lúng túng trước những vấn đề nhạy cảm, thông tin xấu độc, trái chiều, giúp cán bộ, chiến sĩ vững vàng trước những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc.

Thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta khẳng định: Bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ quân đội được rèn luyện, thử thách và phát triển bền vững, đạt đến trình độ giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; được thể hiện sinh động nhất, sâu sắc nhất ở 10 lời thề danh dự của quân nhân và 12 điều kỷ luật của quân đội; là sự kết tinh phẩm giá, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại Hồ Chí Minh. Hiện nay, cần tiếp tục phát huy khí phách quật khởi, truyền thống anh dũng của dân tộc và những kinh nghiệm quý về xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho quân đội trong những ngày toàn quốc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sự trân trọng lịch sử, sự tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ và cũng là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Huy Chỉnh

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X