Trong những ngày sống tại Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) số 7 Hà Nội, nhiều học viên cai nghiện được chứng kiến tình cảm, trách nhiệm, sự tận tâm của thầy cô giáo, cán bộ quản lý. Nhiều người coi đây như mái nhà thứ hai, cơ hội để làm lại cuộc đời.
Chế độ, chính sách được công khai
Chia sẻ thêm để đoàn phóng viên hiểu rõ quy trình tiếp nhận và giúp học viên cai nghiện, ông Vũ Văn Trí, Giám đốc CSCNMT số 7 Hà Nội cho biết, trước đây, việc tiếp nhận học viên được bố trí theo lịch “cứng”, nay cơ sở tổ chức tiếp nhận người nghiện bất kể ngày hay đêm. Học viên sau khi được cơ sở tiếp nhận sẽ được phân loại để điều trị, chữa trị y tế và tư vấn. Sau điều trị y tế, người nghiện được chuyển về các khu quản lý và thực hiện quy trình khép kín, bao gồm các hoạt động tư vấn, giáo dục, dạy nghề, tổ chức lao động, vui chơi giải trí… Để đạt hiệu quả cao nhất, học viên được quản lý theo hướng đan xen giữa học tập, vui chơi và lao động trị liệu.
Học viên thực hành nghề hàn sau khi được truyền nghề.
Giải thích về "lao động trị liệu”, cán bộ của CSCNMT số 7 Hà Nội đưa chúng tôi tới khu dạy nghề và tổ chức lao động. Khu vực được bố trí gọn gàng, sạch sẽ với không gian nhà xưởng thoáng đãng, gần ngay bên cạnh hồ nước. CSCNMT số 7 Hà Nội nằm ở vị trí địa lý đắc địa khi có ba mặt là hồ bao quanh, nhiều cây xanh. Đây là môi trường lý tưởng để học viên cai nghiện nhanh phục hồi sức khỏe. Tại khu xưởng hàn, xưởng thiết bị điện... học viên đang làm việc hăng say. Ông Vũ Văn Trí cho biết, học viên được đi làm và truyền nghề ở xưởng là giai đoạn cuối cùng trước khi họ về với cộng đồng. Việc dạy nghề và tổ chức lao động được thực hiện vừa nằm trong liệu trình điều trị, vừa giúp học viên cai nghiện có thêm thu nhập. Học viên Đinh Xuân Hoành, 44 tuổi ở Hà Nội, đang say sưa gia công một thiết bị điện tại xưởng lắp ráp cầu chì, công tắc cho biết, các thầy, cô và cán bộ của cơ sở phân công công việc tùy theo độ tuổi, trình độ nhận thức, khả năng làm việc và sức khỏe của từng người. “Tôi chỉ làm việc nửa ngày, nửa ngày chơi bi-a, bóng bàn, giải trí. Chúng tôi được các thầy, cô và cán bộ cơ sở đối xử rất tốt, chăm sóc chu đáo”- anh Đinh Xuân Hoành chia sẻ.
Học viên tham gia lao động đều được chấm công và trả lương một cách bài bản. Vào cuối tháng, học viên nhận được bản chấm công. Bản chấm công này được công khai trong nhóm các học viên, mọi người sẽ xem xét đúng hay sai, khi thấy đúng, sẽ quyết định ai được bao nhiêu công trong tháng và sẽ được trả tiền theo số công có được. Học viên không cầm tiền mặt mà số tiền này được ghi vào sổ, sau đó cần mua gì, đưa vào bữa ăn thêm hay chi tiêu cá nhân sẽ thông báo cho cán bộ quản lý hoặc mua trực tiếp tại căng-tin. Những ai muốn gửi tiền về gia đình sẽ nhận tiền mặt và thực hiện chuyển cho gia đình. Quy trình này được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ. Việc tránh không để học viên cầm tiền mặt giúp hạn chế tình trạng thẩm lậu chất gây nghiện vào cơ sở. “Ở trung tâm không có tiền mặt, tiền được sử dụng theo hệ thống sổ. Không có tiền thì không thể xảy ra tiêu cực"-ông Trí khẳng định.
Việt Nam bảo đảm điều kiện tốt nhất giúp học viên cai nghiện ma túy: Không thể xuyên tạc sự thật (bài 3)
7:31:00 AM | December 24, 2017
Cách đây ít ngày, một số tờ báo phản động và tổ chức phi chính phủ trắng trợn thông tin sai lệch rằng, cuộc sống của người cai nghiện ở Việt Nam "hoàn...
Không khí dân chủ được duy trì thường xuyên khi cơ sở thành lập tổ hoặc hội đồng người sau cai để hằng tuần các học viên họp và nếu có kiến nghị, đề xuất thì kiến nghị bằng văn bản. Hằng tháng, cơ sở cũng tiến hành khảo sát học viên về chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập... để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập.
Mái ấm thứ hai
Thực hiện quy định của Nhà nước, các CSCNMT nói chung, CSCNMT số 7 Hà Nội nói riêng đã nỗ lực bảo đảm tốt đời sống cho học viên. Ví như, chế độ ăn, các cơ sở tiếp nhận nhiều đối tượng vì vậy có nhiều mức tiền ăn khác nhau. Tuy nhiên, nhờ chủ động tăng gia sản xuất nên dù là suất ăn với mức tiền ít, học viên vẫn có được những bữa ăn bảo đảm. Các loại hình thăm gặp ở cơ sở cũng được bảo đảm để người thân của học viên có thể thăm gặp theo quy định. Những học viên sau cai chấp hành tốt quy định còn được về phép, thưởng phép để động viên, khích lệ họ chấp hành tốt hơn, đồng thời làm gương cho các học viên khác. Để vừa duy trì kỷ luật, đồng thời tạo sự gần gũi, thân thiện giữa học viên với thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý, các cán bộ tại cơ sở luôn cởi mở và chân thành với học viên. Từ tình cảm chân thành ấy, học viên cũng bộc lộ và chia sẻ nhiều hơn, giúp thầy, cô giáo và cán bộ quản lý nắm bắt được thông tin, hoàn cảnh của từng người để có biện pháp thiết thực giúp đỡ học viên nhiều nhất trong khả năng có thể.
Cán bộ của CSCNMT số 7 Hà Nội còn tận tâm theo sát học viên kể cả sau khi học viên cai thành công trở về gia đình, nếu phát hiện học viên tái nghiện sẽ tư vấn để họ quay trở lại. Còn nếu học viên gặp khó khăn về việc làm, cơ sở sẵn sàng giúp bằng cách tiếp cận các cơ sở sản xuất để giới thiệu việc làm cho học viên. Nhiều học viên đã thực sự coi CSCNMT số 7 Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình. Từ đây, nhiều cuộc đời, nhiều con người đã cai nghiện thành công, trở thành công dân có ích tại cộng đồng.
Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, CSCNMT số 7 Hà Nội đã tiếp nhận 793 lượt người, trong đó chỉ có 44 học viên cai nghiện bắt buộc. 487 người trong số này đã hoàn thành chương trình cai nghiện, hòa nhập cộng đồng.
Ba Vì mùa đông năm nay tuy lạnh hơn nhưng học viên ở CSCNMT số 7 Hà Nội luôn cảm thấy ấm áp vì họ nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, gia đình, tấm lòng của thầy cô, cán bộ quản lý nơi đây. Mùa Xuân đang đến, cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi họ ở phía trước...
NGUYỄN HÒA (Báo Quân đội nhân dân)