(Tindautruongdanchu)-Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa nói chung và quần đảo Hoàng Sa nói riêng không chỉ qua các chứng cứ lịch sử, pháp lý mà còn là sự công nhận của các quốc gia trên thế giới. Để mỗi chúng ta nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền biển, đảo và quần đảo, nhất là đối với quần đảo Hoàng Sa, Tin đấu trường dân chủ cho đăng tải loạt bài viết về chủ đề này.
Bài 3 : Người
dựng bia và công cuộc bảo vệ chủ quyền
Người dựng bia chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa
Từ năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công đẩy mạnh việc dựng bia chủ quyền, cắm cột mốc ở Hoàng Sa, việc này từ đó đã thành lệ hàng năm. Năm 1836, Phạm Hữu Nhật (xã Lý Hải - huyện đảo Lý Sơn tức Cù Lao Ré khi xưa) đã vinh dự được chọn phụng mệnh vua đi khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa. Quyển 6, Đại Nam
thực lục Chính biên chép: Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo mười bài gỗ làm dấu mốc. Mặt bài khắc chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ...”
Ngày nay, trong nhiều sử liệu cũ và ký ức của các cụ già ở Lý Sơn vẫn khắc ghi câu chuyện được lưu truyền từ tổ tiên rằng đó là cuộc ra đi hùng tráng. Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật đã dẫn đầu 5-6 chiếc thuyền ra Biển Đông. Mỗi thuyền chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới Bãi Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa bây giờ. Cập vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ.
Không ai rõ Phạm Hữu Nhật đã đi bao nhiêu chuyến. Nhưng có một điều chắc chắn rằng lần cuối cùng ông đi mãi không về, nên người xưa ở Lý Sơn đã phải ngậm ngùi an táng ông bằng nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt. Tổ quốc cũng khắc ghi công ơn của ông bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo lớn nằm ở phía Nam
quần đảo Hoàng Sa.
Hiện nay, không chỉ có tộc họ và chính quyền, người dân trên đảo Lý Sơn, mà nhiều người từ tận những nơi xa xôi trong đất liền cũng lặn lội ra đảo, thắp nén nhang tưởng nhớ người anh hùng vị quốc vong thân. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã cảm khái đề bia trước mộ: "Phạm Hữu Nhật đã đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa”.
Sự kiện này là một trong những bằng chứng không thể chối cãi về sự chiếm hữu thật sự của Nhà nước VN tại quần đảo Hoàng Sa! Hoàng Sa đi dễ khó về! Các miếu thờ lính Hoàng Sa cũng như lễ khao lề lính Hoàng Sa hằng năm vào ngày 20-2 âm lịch luôn có linh vị: “Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị”, là bằng chứng hùng hồn hậu thế khắc ghi công đức Phạm Hữu Nhật cùng các vị vị quốc vong thân để xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa!". Theo thời gian, dòng chảy lịch sử
cứ thăng trầm thiên biến, nhưng Hoàng Sa mãi còn đó, tươi mới trong ký ức những
người đang sống, tươi mới trong ký ức từng dòng họ, gia đình đã dâng hiến những
người con cho Hoàng Sa bao thế kỷ qua. Hoàng Sa mãi mãi là đảo tiên của Tổ
quốc, là máu xương của cha ông, gắn liền với ký ức lịch sử dân tộc Việt Nam !
Củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa thời Pháp thuộc đến nay
Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên quần đảo. Trong suốt các năm 1931 - 1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Sau chiến tranh thế giới lần II, Pháp quay lại Việt Nam .
Ngày 14/10/1950, Pháp trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. Ngày 06/9/19 51, tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam trong phát biểu của mình, đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo: “Vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam”. Tiếp đó chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đóng quân trên Hoàng Sa, đảm nhiệm việc quản lý quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam trao cho quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Trong thời gian này, các chính phủ Việt Nam nói trên đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình đối với quần đảo bằng các hoạt động Nhà nước. Chính quyền Sài Gòn đã quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên vào xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam .
Tháng 4/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và trong khi chưa kịp triển khai trên các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, quân Trung Quốc đã bí mật ra chiếm đóng đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn và nhóm đảo này.
Tháng 1/1974, khi Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm
nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã tố cáo Bắc
Kinh đã vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/1/1974,
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối
hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/02/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền
Sài Gòn công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam
đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 2/7/1976, nước Việt Nam
thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Từ đó, với tư cách kế thừa
quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo
Hoàng Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp
đến hai quần đảo.
Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003,
Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về
đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng
biển riêng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm
1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công
bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, các tài
liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo
trên tất cả các khía cạnh: lịch sử - pháp lý và thực tiễn quốc tế.
Xuất phát từ nhu cầu quản lý quần đảo, ngày 9/12/1982 , Hội đồng Bộ
trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo
Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Nghị quyết
ngày 6/11/1996
kỳ họp thứ X Quốc hội khoá IX nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách
huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sáp nhập vào Thành phố Đà Nẵng
trực thuộc Trung ương.
Nghị quyết của Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khoá IX, kỳ họp thứ 5 ngày 23/6/1994 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về
Luật biển năm 1982 nêu "Quốc Hội một
lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông
qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn
nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về
Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển
đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm
phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định
trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình
hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực". Quốc Hội nhấn
mạnh: "Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, quần
đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ
quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, căn cứ vào những nguyên
tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm
1982".
Lập trường của Việt Nam là chiếm hữu thật sự
quần đảo Hoàng Sa. ít nhất từ thế kỷ XVII
khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, Nhà nước Việt Nam đã thực
hiện thật sự chủ quyền và luôn củng cố, bảo vệ chủ quyền của mình một cách liên
tục và hoà bình cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm.
Hoàng Sa mãi là phần lãnh thổ thiêng liêng của
Việt Nam.
Những tư liệu nói trên là bằng chứng địa lý, lịch sử, pháp lý không
thể chối cãi: Hoàng Sa là một phần lãnh
thổ thiêng liêng của Việt Nam ,
Nhà nước Việt Nam
các thời kỳ đã liên tục thực thi chủ quyền của mình từ đầu thế kỷ XVII đến nay.
Những tư liệu này cũng phản bác hùng hồn những luận điểm bất nhất, sử dụng các
nguồn sử liệu mơ hồ nhằm bẻ cong sự thật, khi thì Hoàng Sa là đất vô chủ đầu
thế kỷ XX, khi thì bằng luận điệu phát hiện sớm nhất với những bằng chứng nguỵ
biện, suy diễn của một số học giả và chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc. Ngay chỉ
một tên Tây Sa (Xisha) hay Nam Sa (Nansha)
của Trung Quốc mới xuất hiện đầu thế kỷ XX, tên gọi Hoàng Sa hay Bãi Cát Vàng
của Việt Nam rất nhất quán từ thế kỷ XVII và đã được nhiều người phương Tây đầu
thế kỷ XIX như giám mục Taberd, J.B Chaigneau, Gutlzlaff xác nhận chính là
Parcel hay Paracels ghi rõ Cát Vàng ở toạ độ như ngày nay thuộc chủ quyền của
Việt Nam.
Việc Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn
toàn bất hợp pháp, vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982. Điều
đáng nói là vào thời điểm này, giữa lúc hai nước Việt - Trung đã xác lập dực
những quan hệ hữu nghị, hợp tác trên những nguyên tắc của “16 chữ vàng” do các nhà lãnh đạo hai nước đưa ra thì việc Quốc vụ
viện Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố cấp huyện Tam Sa” (11/2007)
thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đáng
để chúng ta phải nhắc lại những bằng chứng và bài học lịch sử!
Chính sách tối ưu của chúng ta là luôn luôn khẳng định chủ quyền từ
lâu đời và mãi mãi trong tương lai trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ
quyền này là bất khả tranh nghị, không thể chối cãi. Nếu cần chờ thời cơ hàng
ngàn năm như thiên niên kỷ thứ nhất thì vẫn phải kiên trì chờ đợi thuận lợi để
lấy lại chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Sức mạnh muôn đời bảo vệ lãnh thổ,
chống xâm lược của Việt Nam
vẫn là sức mạnh của nhân dân trên đất liền cũng như ngoài biển.
Tuy nhiên, thực tế là cuộc đấu tranh giành lại Hoàng Sa và bảo vệ
toàn vẹn chủ quyền biển đảo là hết sức phức tạp, gay go, quyết liệt, lâu dài. Để
giành lại Hoàng Sa và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo, chúng ta cần phải xây
dựng chiến lược cụ thể, lâu dài trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của dân
tộc, thế giới, thời đại tạo thế lực vững mạnh về mọi mặt làm hậu thuẫn.
Tiếp tục khẳng định chủ quyền hợp pháp với Hoàng Sa, ngày 25/4/2009
UBND Thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ - giám đốc
Sở Nội vụ Thành phố làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Sau lễ công bố, ông
Ngữ phát biểu: “…Công dân Việt Nam ai cũng có
quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Với cương vị là
chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa tôi ý thức hơn với việc này, nó là máu thịt
của người dân Việt Nam
và bản thân tôi. Công việc của chúng tôi là tiếp tục đấu tranh để làm thế nào
bảo vệ vẹn toàn chủ quyền biển, đảo Việt Nam … Chúng tôi sẽ làm cho mọi người
hiểu, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rằng huyện đảo Hoàng Sa là của Việt Nam ”.
Như lời ông chủ tịch huyện Hoàng Sa nói, trước
hết chúng ta cần một chiến lược về tuyên truyền. Các cơ quan thông tấn báo chí cũng cần tích
cực hơn trong tuyên truyền về biển đảo, lực lượng hải quân, kết hợp với việc đưa
ra các chứng cứ về chủ quyền biển đảo cũng như nói riêng về Hoàng Sa để mọi người
dân hiểu được tầm quan trọng lãnh thổ trên biển, cũng như trân quý công sức và
xương máu
của bao thế hệ cha ông đã đổ xuống để bảo vệ biển đảo Tổ Quốc. Ví dụ:
1. Đặt tên đường, trường học Hoàng Sa, Trường
Sa và tên các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho việc thực thi và bảo vệ chủ quyền
của Việt Nam
trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2. Đưa nội dung “Cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền Việt Nam
với Hoàng Sa và Trường Sa” vào trong chương trình học các nhà trường Quân đội.
Việc nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về vị trí vai trò biển đảo
Việt Nam, về cơ sở pháp lý chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là điều rất cần thiết.
Để làm tốt điều này, cần thường xuyên tổ chức những buổi chuyên đề về biển, đảo,
cần mời những chuyên viên nghiên cứu ở cơ quan cấp trên về nói chuỵên. Đặc biệt
là những người đã từng trực tiếp tham bảo vệ quần đảo Trường Sa. Những thông
tin về cuộc sống trên đảo, về sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước với biển đảo... dù
rất nhỏ nhưng cũng có ý nghĩa, có sức thu hút, thuyết phục rất cao với thế hệ
trẻ Quân đội .
N.Thái