Ngày 22-1, phiên tòa xét xử các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng cùng 20 đồng phạm đã kết thúc với bản án nghiêm minh và nhân văn được dư luận cán bộ, nhân dân cả nước đồng tình. Nhưng một số thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại đưa ra những quan điểm trái ngược, cảm tính, lệch lạc như: Vụ án có oan sai, “đấu đá phe nhóm”, cần xét xử lại, tuyên bố vô tội, trắng án cho một số bị cáo. Họ còn đánh vào những cảm xúc chủ quan, phiến diện, một chiều; vu khống, đổ lỗi hệ thống cho thể chế, xuyên tạc, đả kích chế độ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm
Trước hết, phải khẳng định, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án diễn ra khách quan, dân chủ, thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật. Điều này không chỉ được dư luận chung đồng tình mà chính bị cáo Đinh La Thăng cũng nói lời cảm ơn phiên tòa dân chủ, khách quan, theo tinh thần Hiến pháp 2013 và tinh thần cải cách tư pháp; đồng thời được nhiều luật sư ghi nhận.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán, kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 1945, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà non trẻ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo tội tham ô cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Ngay trong phiên họp Quốc hội đầu tiên, phiên chất vấn kéo dài đến nửa đêm với 88 câu hỏi chất vấn Chính phủ về chống tham nhũng, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ đã hết sức làm gương. Nếu làm gương không xong sẽ dùng pháp luật trừng trị những kẻ ăn hối hộ, đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Thực hiện đúng lời hứa ấy trước quốc dân đồng bào, khi đại biểu Quốc hội Đoàn Phú Tứ viết thư tố cáo Trần Dụ Châu, chỉ 14 ngày sau, Trần Dụ Châu bị bắt đưa ra xét xử, bị kết án tử hình. Đó là bài học về sự nghiêm minh, kiên quyết, kịp thời trong xử lý các vụ án tiêu cực, tham nhũng đã có ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới ra đời chứ không phải vụ án vừa qua là “kỷ lục” điều tra, xét xử “quá vội vàng” như những quan điểm sai lệch.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định, trong phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”. Phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 22-1-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá một trong những thành tựu nổi bật của năm 2017 là “đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn”.
Bản án hội đồng xét xử tuyên được dư luận đồng tình và bản thân nhiều bị cáo cũng tâm phục khẩu phục vì đã xác định đúng người, đúng tội. Một bản án có tình, có lý, đã tính đến cả công cả tội nhưng nghiêm khắc, là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực, gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ án cho thấy tác hại, sự nguy hiểm của tội phạm kinh tế, trong đó tội cố ý làm trái đã gây suy kiệt nền kinh tế đất nước như thế nào? Nhiều thư, điện thoại, email... của bạn đọc gửi về Báo Quân đội nhân dân đều có chung câu hỏi: Nếu như không có những bản án nghiêm khắc, tiếp tục nương nhẹ thì tương lai của đất nước sẽ ra sao? Không thể chấp nhận những ý kiến cho rằng, các bị cáo không có tội rồi đổ lỗi cho thể chế, cho khách quan khi hàng nghìn tỷ đồng của công bị thất thoát, tư túi hoặc trôi sông, trôi bể mà không ai chịu trách nhiệm? Người lãnh đạo phải có trách nhiệm trước tài sản của Nhà nước, của nhân dân khi được giao phó quản lý; chính họ cũng còn phải biết phát hiện ra những bất cập của cơ chế và giúp Nhà nước hoàn thiện chính sách quản lý, để không còn những lỗ hổng gây thiệt hại cho đất nước. Đặc biệt, khi mà sự thiệt hại cho đất nước không chỉ là tiền của bị mất mát mà còn là kỷ cương phép nước bị coi thường, niềm tin của nhân dân bị suy giảm!
Tính nhân văn, răn đe, giáo dục cao
Từ sự việc của các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, có quan điểm sai trái xuyên tạc bản chất người cộng sản, cho rằng người cộng sản "thiếu lòng nhân ái"; "cuộc chiến nội bộ đã đẩy nhiều cán bộ vào “bi kịch”, “oan nghiệt”.
Họ đã cố tình phủ nhận bản chất nhân văn của Đảng và luật pháp nước ta: Đó là xử lý nghiêm minh nhưng không phải để dìm con người xuống tận bùn đen mà phải đúng người đúng tội, vừa mang tính răn đe, vừa khoan hồng, mang tính giáo dục cao. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cụm từ “những mức án nghiêm khắc và nhân văn” khi đề cập các vụ án này. Yếu tố nhân văn, tính răn đe, giáo dục cao chính là đặc trưng của kỷ luật Đảng và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Sự nhân văn thể hiện rõ nét ở phiên tòa mang tinh thần đổi mới tư pháp, áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, là “vụ án hình sự đầu tiên không có vành móng ngựa”. Theo các chuyên gia pháp luật, điều này giúp các bị cáo cảm nhận được quyền con người, quyền công dân vẫn được tôn trọng. Chủ tọa phiên tòa dành nhiều thời gian cho các bị cáo tự bào chữa, bảo vệ mình và để hàng chục luật sư tham gia xét hỏi, đối đáp thẳng thắn, trực diện, thậm chí có lúc gay gắt.
Tính nhân văn còn ở chỗ, các tình tiết giảm nhẹ, các thành tích, cống hiến của các bị cáo trong quá trình công tác và thái độ khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả... của họ được làm rõ, cụ thể, phân minh, làm cơ sở để hội đồng xét xử lượng hình với mức án phù hợp, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho các bị cáo sửa chữa, cải tạo. Nhiều bị cáo phát biểu thể hiện sự ăn năn, hối cải, nhận thức ra hành vi phạm tội từ sự lạm dụng quyền lực, thiếu tôn trọng pháp luật. Nhiều người đã nhận ra lỗi lầm, xin hưởng lượng khoan hồng để sớm được trở về, có cơ hội làm lại, trở thành người có ích.
Tháng 10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã nêu ra một điều rất thấm thía sau khi công bố kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh: "Đề nghị từng đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân".
Phát biểu đầy tâm huyết trên đã toát lên mục đích, tính nhân văn của kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp mỗi người “tự soi, tự sửa”; để giúp người vi phạm nhận thức ra lỗi lầm để sửa chữa, tiến bộ và giúp cảnh báo để những người khác không đi vào “vết xe đổ” sai lầm. Những giọt nước mắt và những lời xin lỗi, sự ân hận...của các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh...là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai không giữ được mình trước cám dỗ của quyền lực, tiền bạc, sự coi thường kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phiên tòa được xét xử công khai, báo chí phản ánh kịp thời nên ý nghĩa của giáo dục chung rất rõ nét. Vụ án cũng giúp các cấp ủy Đảng có thêm bài học kinh nghiệm về công tác cán bộ, lãnh đạo quản lý kinh tế, giáo dục, rèn luyện đảng viên.
Không để cảm xúc chủ quan, phiến diện, nhất thời chi phối
Từ vụ án trên cho thấy, để đất nước phát triển bền vững, không còn các vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng thì hơn lúc nào hết, tinh thần thượng tôn pháp luật trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch, một nếp sống mới. Chúng ta cần có cái nhìn sâu rộng, khách quan, công tâm, đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thượng tôn pháp luật phải trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, là đòi hỏi của thời cuộc để đất nước phát triển trong sạch hơn, công bằng hơn, vững vàng hơn! Không nên để những cảm xúc chủ quan, phiến diện, cảm tính, nhất thời hay giọt nước mắt riêng tư làm nguội đi ngọn lửa của công lý, hiệu quả của cuộc chiến phòng chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành với sự đồng tình, ủng hộ cao của toàn dân và toàn xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán: “Nhiều nơi có đồng chí phạm tội nhưng không bị trừng phạt xứng đáng... Có những đồng chí phải trừng phạt nặng nề, nhưng vì cảm tình, nể nang, chỉ phê bình cảnh cáo qua loa cho xong chuyện...Thi hành kỷ luật như vậy, làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi của mình mà còn khinh thường kỷ luật...”.
22 bị cáo hầu hết là những cán bộ vướng vào lao lý khi đã, đang ở vào độ chín của con đường sự nghiệp, có những hoài bão và tương lai; thậm chí có người đã bước lên nấc thang rất cao của sự nghiệp chính trị. Song những vi phạm đã nhấn chìm công sức và tương lai của họ, trong đó có cả những việc tốt mà họ từng làm được cho dân, cho nước. Có người đã dùng từ “đau xót”, “là giai đoạn oan nghiệt trong cuộc đời”. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là hầu hết đều phải thừa nhận họ đã sai lầm, đã có lỗi với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhiều người trong lời phát biểu sau cùng không chỉ xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà đã xin lỗi Nhân Dân – có lẽ đó là sự thấm thía muộn màng nhưng cảnh tỉnh cho muôn người!
Có một nỗi đau rất lớn khiến nhiều bị cáo nghẹn ngào chính là khi họ nhắc đến hai chữ “gia đình” với nỗi đau ly tán, không làm tròn nghĩa vụ người chồng, người cha, người con...Niềm hạnh phúc bình dị tưởng như rất đỗi đơn giản, đời thường mà như họ nói, khi vào trong tù rồi mới thấy giá trị của gia đình là rất thiêng liêng nhưng họ đã đánh mất chỉ vì những sai phạm của mình. Đó cũng là tấm gương phản chiếu, là bài học đạo đức đối với xã hội và cộng đồng; là sự cảnh tỉnh cho thói quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước tài sản của Nhà nước, của nhân dân, hành vi coi thường kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từng cán bộ, đảng viên cần soi mình vào đó, thấm thía lời dạy của Bác Hồ: Vào Đảng không phải là để thăng quan, phát tài mà phải trọn đời rèn luyện, phấn đấu, dĩ công vi thượng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.
Chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: “Năm 2017, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng năm 2018 và những năm tiếp theo còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì và hiệu quả hơn nữa. Cũng cần cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để chia rẽ nội bộ ta, bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước, chế độ ta”.
Hội đồng xét xử TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng án 13 năm tù về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Các bị cáo: Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cùng bị tuyên phạt 9 năm tù. Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) bị phạt 7 năm tù. |
Bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội "cố ý làm trái", 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là 22 năm tù.
Đối với nhóm tội “tham ô tài sản”, bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) bị tuyên phạt 16 năm tù; Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) cùng bị phạt 10 năm tù.
(Nguồn: TTXVN )
|
CÔNG MINH - NGUYÊN MINH (Báo Quân đội nhân dân)