Cách đây vừa tròn 45 năm, ngày 27-1-1973, Việt Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn khi Hiệp định Paris được ký kết. Đây là một sự kiện lịch sử rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi lịch sử này là bước ngoặt đánh dấu sự thất bại của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn; đẩy Mỹ-ngụy vào thế lúng túng, bị động, buộc Mỹ phải rút hết quân về nước, tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bắt đầu tại Paris và gần 6 tháng sau đi đến thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 31-10-1968, đồng thời thỏa thuận về việc triệu tập tại Paris một hội nghị để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh tư liệu
Ngày 25-1-1969, Hội nghị Paris về Việt Nam họp phiên đầu tiên, mở ra giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm”. Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20, cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: Giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, giữa hòa bình với chiến tranh. Đó là cuộc đối thoại giữa hai thế lực đối đầu trên chiến trường: Một bên là lực lượng xâm lược có thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế yếu về chính trị, tinh thần; một bên là lực lượng cách mạng bảo vệ Tổ quốc, tuy có điểm yếu tương đối về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế mạnh tuyệt đối về chính trị-tinh thần, chính nghĩa. Đó còn là cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao: Một bên là nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường; một bên là nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Ở Paris đã diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược khác nhau.
Cả ta và đối phương đều đến Hội nghị Paris với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ cũng nói muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Có nghĩa là Mỹ tiếp tục thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, điều Mỹ không làm được trên chiến trường. Trong thời gian này, trên chiến trường, cả hai bên Việt Nam và Mỹ đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định về quân sự để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh mà cả hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán của Hội nghị Paris nhưng chưa đạt kết quả.
Phía ta coi Hội nghị Paris không chỉ là các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường mà còn là một mặt trận. Mặt trận ấy không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam mà còn đem lại sự xác nhận những kết quả của các cuộc đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968 cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc tháng 12-1972 đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Đêm 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson thừa nhận thất bại và đã ra lệnh chấm dứt mọi cuộc tiến công bằng máy bay và tàu chiến chống miền Bắc Việt Nam. Ông còn cam kết “sẵn sàng đi bước đầu tiên trên con đường xuống thang” và không ra tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Ngày 15-1-1973, Chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc. Ngày 23-1-1973, Hiệp định và các nghị định thư được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn H.Kissinger ký tắt. Thất bại nặng nề về quân sự của Mỹ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc-những cố gắng quân sự cuối cùng, buộc Mỹ phải ký “Hiệp định ở Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-1-1973.
Hiệp định Paris ký ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là văn bản pháp lý quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, là đỉnh cao và kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ của cuộc đấu trí, hết sức gay go, quyết liệt nhưng cũng rất hào hùng của nhân dân ta, Quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Bác Hồ kính yêu. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, phát huy cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá. Hiệp định Paris còn góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ, bảo đảm cho quân và dân ta thực hiện được mục tiêu giành chiến thắng trong mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thượng tướng TRẦN ĐƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Báo Quân đội nhân dân)