Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, January 21, 2018 , 0 bình luận

Đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, quân và dân TP Huế cùng với quân và dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, đánh mạnh vào các cơ quan đầu não của Mỹ và ngụy quyền.



Sau này, nói chuyện truyền thống với bộ đội, đồng chí Đặng Kinh, nguyên Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Mặt trận Huế, kể: "Ta đã sớm có chủ trương về đánh chiếm TP Huế. Từ tháng 2-1967, trong lần ra Hà Nội vào dịp Tết, tôi thay mặt Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế báo cáo tình hình chiến trường với Quân ủy Trung ương, dự kiến hoạt động quân sự trong năm 1967, trong đó có trận đánh chiếm TP Huế và đề nghị trên tăng cường lực lượng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đồng ý đề nghị đó và giao Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) đưa vào kế hoạch của bộ. Đến tháng 12-1967, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về xác định Huế là trọng điểm thứ hai (sau Sài Gòn) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế nghiên cứu, đề ra kế hoạch đánh chiếm TP Huế, tiêu diệt địch, chiếm giữ thành phố trong một thời gian nhằm gây thanh thế cách mạng. Thực hiện nhiệm vụ ấy, ngày 30-1-1968 (đúng dịp kỷ niệm 179 năm Ngày Quang Trung xuất quân tiến vào giải phóng Thăng Long), các lực lượng tham gia đánh TP Huế đã chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng nổ súng. Trong lúc quân và dân ta phấn khởi vui Xuân, đón Tết cổ truyền dân tộc, còn địch phải tập trung lực lượng đối phó ở Khe Sanh thì quân, dân Huế cùng với quân và dân miền Nam nổ súng, mở cuộc tổng tiến công đồng loạt, bất ngờ vào hầu khắp các căn cứ quân sự, cơ quan chỉ huy của Mỹ-ngụy ở các tỉnh và thành phố lớn miền Nam...".
Quân Giải phóng vận động qua cầu Trường Tiền vào đánh chiếm TP Huế. Ảnh tư liệu

Tại TP Huế, 2 giờ 30 phút ngày 31-1-1968 (tức mồng 1 Tết Mậu Thân), đồng chí Đặng Kinh phụ trách bộ phận tiền tiêu, đặt trên đỉnh núi Kim Phụng, điện báo cáo đề nghị Bộ tư lệnh Mặt trận ở Sở chỉ huy cơ bản cho ĐKZ ở cánh Nam nổ súng báo hiệu lệnh mở đầu đòn tiến công vào TP Huế. Được Sở chỉ huy cơ bản chấp thuận, đồng chí Đặng Kinh lệnh cho ĐKZ bắn vào sân bay Phú Bài. Lập tức, các đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thành phố đồng loạt nổ súng. Toàn bộ mặt trận, cả trong nội và ngoại thành, đâu đâu cũng ran tiếng súng nổ. Bị đánh bất ngờ, quân địch ở các vị trí hoảng loạn. Cùng lúc, nhân dân và các lực lượng của ta phấn khởi, náo nức giúp đỡ bộ đội, nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của cán bộ giải phóng, chuẩn bị nổi dậy, diệt ác, phá kìm, tiến công địch giành chính quyền.
Trên hai cánh Bắc-Nam, các mũi tiến công, bộ đội ta liên tiếp báo tin chiến thắng về Bộ tư lệnh Mặt trận. Khí thế phấn khởi tràn ngập... Sau một tuần chiến đấu quyết liệt và lập chiến công xuất sắc, do việc bổ sung, thay quân có hạn và lượng vũ khí, đạn giảm dần, nên sức chiến đấu của bộ đội ta có phần giảm sút. Trong khi đó, quân địch sau thời gian bị choáng váng trước sức tiến công dũng mãnh, bất ngờ của ta đã phục hồi được lực lượng tại chỗ, đồng thời đưa quân từ phía Nam ra tiếp ứng, liên tục phản kích, giành lại một số căn cứ bị ta chiếm. So sánh lực lượng và thế trận trên cả hai cánh Bắc, Nam bắt đầu bất lợi đối với ta. Trước tình hình đó, sau khi thu xếp xong công việc ở trạm tiền tiêu cánh Nam, đồng chí Đặng Kinh chuyển về Sở chỉ huy cơ bản ở cánh Bắc tham gia việc chỉ huy chung. Do các đồng chí: Lê Minh, Nam Long bận chỉ đạo ở nơi trọng điểm ta đang khó khăn, nên đồng chí Đặng Kinh nắm tình hình chiến sự ở Sở chỉ huy cơ bản, gọi điện báo cáo đồng chí Trần Văn Quang, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế. Trước câu hỏi của đồng chí Tư lệnh: “Có ý kiến cho rút, ý anh thế nào?”. Đồng chí Đặng Kinh trả lời: “Ta còn có thể chiến đấu, bám trụ giữ được thành phố thêm ít ngày nữa”. Sau một hồi suy xét, đồng chí Tư lệnh quyết định: “Tiếp tục chiến đấu bám trụ giữ thành phố” và báo cáo quyết tâm đó ra Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng ý với đề nghị đó và gửi điện chỉ thị: “Phải giữ Thành để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cho cả nước”.
Với quyết tâm của toàn mặt trận, cùng với sức chiến đấu phi thường của quân, dân Huế và sự chi viện tích cực của trên, bộ đội ta đã chiếm giữ và làm chủ thành phố Huế cho đến ngày thứ 26, đạt được các yêu cầu của nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược đề ra. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường suốt 26 ngày đêm của quân và dân TP Huế là một trong những trọng điểm nổi bật của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Dương Đình Lập (báo Quân đội nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X