Gần đây, xuất hiện tình trạng đại diện của một số chính phủ, quốc hội, tổ chức quốc tế lên tiếng bênh vực một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, khoác cho những cá nhân này nhãn hiệu là “tù nhân lương tâm, nhà hoạt động môi trường, đấu tranh nhân quyền”. Sự bất thường này can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, cho thấy, nếu không tiếp cận vấn đề một cách khách quan, chính xác, tất yếu sẽ dẫn đến những đánh giá sai lầm, thiếu đúng đắn, công bằng.
>Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trước quan điểm những sai trái của các thế lực thù địch
>Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trước quan điểm những sai trái của các thế lực thù địch
Từ ngày cái gọi là "phong trào dân chủ" xuất hiện, dư luận ở Việt Nam đã phân tích, chỉ rõ bản chất của nó, và ngay cả nhiều nhân vật chống cộng là người Việt ở nước ngoài cũng đã đề cập, phản đối. Như ngày 5-2-2018, một trang mạng nổi tiếng chống cộng đăng bài của Nguyễn Gia Kiểng - một người Pháp gốc Việt khét tiếng chống cộng, trong đó bên cạnh luận điệu vu cáo, xuyên tạc về Việt Nam, Nguyễn Gia Kiểng cũng phải thẳng thừng vạch rõ bản chất của "phong trào" này, thí dụ: "nhiều "ngôi sao" xuất hiện trên facebook và youtube mờ nhạt dần, có khi trở thành lố lăng, vì không còn gì mới; những người này không đóng góp gì cho cuộc vận động dân chủ. Các nhóm chính trị và các tổ chức xã hội dân sự hình thành hàng loạt trong những năm 2012 - 2015 nhờ sự phát triển của mạng xã hội phần lớn đã rã hàng hoặc mất gần hết thực lực vì chia rẽ nội bộ ngay khi chưa bị đe dọa…
Đối tượng Hoàng Đức Bình tại phiên tòa sơ thẩm hình sự
Một bạn trong nước mới đây khẳng định tất cả các nhóm và tổ chức - dù là chính trị hay xã hội dân sự - được coi là thành phần của phong trào dân chủ đều đã tan rã. Nguyễn Gia Kiểng chỉ rõ người tham gia "phong trào dân chủ" là "hằn học, thô lỗ", coi "đấu tranh cho dân chủ đồng nghĩa với chống cộng và ủng hộ cánh hữu, những đức tính đáng tôn vinh nơi một lãnh tụ chính trị là giầu sang và tự mãn", "coi danh vọng là tất cả... không thiếu những người coi sự tranh giành địa vị là quan trọng nhất và sẵn sàng liên kết với những người không có cả khả năng lẫn đạo đức nhưng ủng hộ mình... rất nhiều cố gắng trên mạng xã hội để tự đánh bóng mình và bôi nhọ người khác". Nguyễn Gia Kiểng cho rằng, trong khi một số kẻ "mong đợi hoặc cầu cạnh một thế lực ngoại bang giúp đỡ để giành thắng lợi cho dân chủ" lại có "nhiều người hô hào đấu tranh cho dân chủ nhưng lại tôn vinh hai ông Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu, hai người từng thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị, bách hại thẳng tay những người đối lập".
Tương tự Nguyễn Gia Kiểng, facebook của Lê Diễn Ðức - nhân vật chống cộng có thâm niên, khi đánh giá về cái gọi là "phong trào dân chủ" cũng cho rằng: "Số người chống đối chế độ thực chất rất ít ỏi, rời rạc, tủn mủn, không thể nào phát triển được", "nhắm mắt trước các tội ác, bất chấp đạo đức và lương tri, thì muôn đời muôn kiếp chống là chỉ chống cho có "phong trào", để kinh doanh "chống cộng" mà thôi!... đừng phong họ là những "anh hùng", những "nhà tranh đấu dân chủ"! Ðừng tưởng có thể lợi dụng họ vào cuộc "cách mạng lật đổ" chính quyền! Càng ảo tưởng bao nhiêu sẽ càng thất vọng bấy nhiêu"…
Chống cộng đến "thâm căn cố đế", theo lô-gích thông thường, lẽ ra Nguyễn Gia Kiểng, Lê Diễn Ðức phải ủng hộ mấy người gọi là "tù nhân lương tâm, nhà đấu tranh nhân quyền, nhà hoạt động môi trường", nhưng có lẽ vì quá hiểu, quá thất vọng cho nên Nguyễn Gia Kiểng, Lê Diễn Ðức đã vạch rõ bản chất của mấy người đó, nhận xét họ lợi dụng dân chủ, nhân quyền để "kinh doanh chống cộng" và khẳng định không thể đặt niềm tin vào họ. Ý kiến này không thể khác bởi từ những gì đã diễn ra trên thực tế, chỉ cần điểm qua một số người có hành vi vi phạm pháp luật, đã hoặc đang nhận bản án thích đáng của pháp luật như Nguyễn Văn Lý, Bùi Kim Thành, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Ðặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Hóa, Trần Anh Kim, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Hoàng Ðức Bình, Nguyễn Văn Oai,… có thể dễ dàng thấy rõ họ chỉ lợi dụng dân chủ, nhân quyền, môi trường để tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…
Sau khi được ra nước ngoài định cư, một số người nhanh chóng từ bỏ "đấu tranh", mà điển hình là trường hợp Bùi Kim Thành đến Mỹ mới ít ngày đã được cộng đồng gốc Việt ở đây coi là "tâm thần, diễn viên hài", và nhận xét Nguyễn Chính Kết: "cái dũng và tinh thần của Nguyễn Chính Kết đã chết, dù thân xác của ông lang thang đó đây nơi xứ người, qua sự sai khiến của một nhóm muốn lợi dụng cái xác cò vơ cò vất như ma đói của ông".
Điều đáng tiếc, những con người như vậy do thiếu thông tin, tìm hiểu cũng như cách tiếp cận công bằng, chính xác lại trở thành đối tượng được đại diện chính phủ, quốc hội ở một số quốc gia và một số tổ chức nhân danh nhân quyền đứng ra bảo vệ, lấy đó làm cơ sở phê phán Nhà nước Việt Nam, đưa ra các đòi hỏi hết sức phi lý. Dường như đến nay, việc bảo vệ, cưu mang Bùi Kim Thành vẫn chưa đưa tới cho họ bài học về sự tỉnh táo, vì thế một số người vi phạm pháp luật Việt Nam vẫn được họ ca ngợi, đỡ đầu? Thái độ của họ được coi như "phao cứu sinh", để sau khi vi phạm pháp luật và bị tòa án nhân dân xét xử là một số người lại kêu gọi "quốc tế can thiệp". Thậm chí, một số người có việc làm rất kỳ quặc là ký "thư ngỏ" đưa lên internet (in-tơ-nét) để gửi tới Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga - hai người đang chịu án tù, vận động… "hãy ra đi".
Thời gian gần đây, xu hướng thiếu tỉnh táo đó như không được kiểm soát, điển hình là các sự kiện: Ngày 2-2, Ðại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo bày tỏ sự quan ngại về bản án với Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Ðiển, Trần Hoàng Phúc, Hồ Văn Hải; ngày 7-2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ "quan ngại về bản án với hai nhà hoạt động Hoàng Ðức Bình, Nguyễn Nam Phong, kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ngay lập tức"; ngày 7-2, đặc trách nhân quyền của Chính phủ Ðức ra tuyên bố "chỉ trích việc Hà Nội kết án nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Ðức Bình"; ngày 13-2, RFA cho biết Ðại sứ quán Australia (Ô-xtrây-li-a) tại Hà Nội cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Oai, Trần Thị Nga; ngày 15-2, Ủy ban Tom Lantos của Quốc hội Mỹ tổ chức cái gọi là "điều trần về chương trình kết nghĩa với tù nhân lương tâm, trong đó đề cập 169 tù nhân lương tâm Việt Nam"; ngày 28-1, HRW (Theo dõi nhân quyền) đòi "hủy bỏ các cáo buộc, trả tự do ngay lập tức" cho Hoàng Ðức Bình; ngày 23-2, RFA đưa tin chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc kêu gọi Việt Nam trả tự do "những người bị kết án tù vì các hoạt động phản đối Formosa xả chất thải độc hại ra môi trường"...
Trên thực tế, có thể thấy nhiều đánh giá, đòi hỏi thiếu khách quan, bất chấp sự thật được đưa ra và khó có thể chấp nhận khi đó là quan điểm của đại diện chính phủ, quốc hội ở một số nước. Như với Hoàng Ðức Bình, tài liệu cho thấy Hoàng Ðức Bình từng thực hiện một chuỗi hành vi phạm pháp, cấu kết với một số người lợi dụng sự cố môi trường biển ở miền trung Việt Nam để tổ chức hoạt động gây rối. Nếu có thái độ khách quan, đại diện một số chính phủ, quốc hội nên đặt câu hỏi: Hoàng Ðức Bình có thật sự là "nhà hoạt động vì môi trường" hay không khi trước đó anh ta tham gia một số tổ chức, hội nhóm chống đối chính quyền, bị bắt tạm giữ 24 giờ, bị xử phạt vì tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm, song anh ta lại không nộp phạt mà trốn về Nghệ An tiếp tục đăng tải trên facebook cá nhân các thông tin, tài liệu sai trái, tích cực cùng kẻ xấu tổ chức hoạt động gây rối trật tự, an toàn xã hội? Về hoạt động gây rối, không cần tới tài liệu do Việt Nam cung cấp, chỉ cần tìm trên in-tơ-nét sẽ thấy rất nhiều video-clip mô tả các hoạt động Hoàng Ðức Bình tham gia đập phá ô-tô của công an, chặn quốc lộ, gây ách tắc giao thông. Các hành vi đó nếu xảy ra ở Mỹ, CHLB Ðức, Australia,… chắc chắn cũng sẽ không thoát khỏi việc bị kết tội, xử phạt rất nghiêm khắc.
Ở một góc độ khác, dù có thái độ chống đối Nhà nước Việt Nam nhưng trong status (dòng trạng thái) đăng trên facebook ngày 7-1 mới đây, Lê Diễn Ðức vẫn phải thừa nhận: "chế độ cũng đã làm được khá nhiều việc để thay đổi đất nước, làm thỏa mãn được đa số quần chúng về vật chất và giải trí. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao, Việt Nam vẫn là mảnh đất hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Họ có quan hệ hợp tác quốc tế rất tốt, với tất cả các nước, trong đó có Mỹ và phương Tây, những quốc gia thừa nhận hệ thống chính trị của họ. Các quyền tự do cho công dân được nới lỏng nhiều so với hơn 20 năm trước đây. Dân được tự do làm giàu, mua sắm nhà cửa, sang nhượng đất đai, đi học và du lịch nước ngoài… Hàng hóa tràn ngập thị trường, chiều theo túi tiền của mọi khách hàng từ giàu đến nghèo… hàng trăm nghìn người Việt ở nước ngoài - những người từng chống chế độ, mỗi năm vẫn về thăm quê hương, vẫn gửi tiền về Việt Nam, vẫn tìm cơ hội làm ăn kiếm tiền, mua nhà cửa…". Mô tả của Lê Diễn Ðức đã cho thấy một sự thực không thể chối cãi, cũng như việc không thể không thừa nhận một phần thành tựu của Việt Nam, đó là thành tựu nhân quyền.
Và từ thực tế này, tất nhiên không thể coi người xuyên tạc, cản trở, phá hoại quá trình Việt Nam đạt tới thành tựu đó là "tù nhân lương tâm, nhà đấu tranh nhân quyền, nhà hoạt động môi trường". Và đáng tiếc, trong khi người chống đối Việt Nam thừa nhận như vậy, trong khi các nguyên thủ quốc gia khẳng định "Việt Nam thật sự trở thành một trong những điều kỳ diệu của thế giới, và rất ấn tượng", "coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", quan hệ với Việt Nam thể hiện "các lợi ích chung, tôn trọng lẫn nhau",… thì đại diện chính phủ, quốc hội ở các quốc gia đó lại có hành xử ngược chiều. Còn ý kiến của HRW, RFS (Phóng viên không biên giới), CPJ (Bảo vệ nhà báo), FH (Nhà tự do),… thì thiết nghĩ không cần bàn luận nhiều, bởi các tổ chức này sinh ra không phải vì nhân quyền, mà nhân quyền là chiêu bài để phục vụ mưu đồ của các thế lực đã tạo dựng, dung dưỡng họ.
Hồng Quang (báo Nhân dân)