Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, February 02, 2018 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức "quá độ" đặt cơ sở cho một Đảng Cộng sản về sau. Người ra báo Thanh niên, huấn luyện, đào tạo cán bộ, tổ chức tuyên truyền lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng cách mạng vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Bốn năm sau, tháng 3-1929, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập tại nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Chi bộ chủ trương phải tích cực vận động thành lập một Đảng Cộng sản thay tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.


Ngày 17-6-1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở đảng ở miền bắc, họp quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25-7-1929, trong một bức thư của các đồng chí tiên tiến trong bộ phận Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội hoạt động ở Trung Quốc gửi cho Đông Dương Cộng sản Đảng báo tin, các đồng chí đó định tổ chức một Đảng Cộng sản bí mật còn "Thanh niên" thì cứ giữ nguyên để chỉnh đốn lại. Các chi bộ cộng sản lần lượt được thành lập ở Nam Kỳ, ở Trung Kỳ và ở Xiêm. Các đảng viên hoạt động ở Trung Quốc được tập hợp trong một chi bộ mang tên An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8-1929. Chi bộ này được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã liên lạc với Quốc tế Cộng sản.



Tháng 9-1929, bản Tuyên đạt của Đông Dương Cộng sản liên đoàn tuyên bố: “Chánh thức lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn”, lấy chủ nghĩa Cộng sản làm nền móng, lấy công, nông, binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mệnh.

Từ cuối năm 1929, phong trào cách mạng Việt Nam nhanh chóng trưởng thành cả về mặt lý luận và tổ chức; phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi và rộng khắp cả nước. Trong vòng không đầy bốn tháng (từ giữa tháng 6 đến tháng 9-1929) đã có ba tổ chức đảng ở Việt Nam lần lượt ra đời. Sự ra đời nhanh chóng các tổ chức cộng sản lúc bấy giờ là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam. Song, sự tồn tại ba đảng độc lập có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước. Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương, nhấn mạnh: Nhiệm vụ tuyệt đối cần kíp của tất cả những người cộng sản Đông Dương là sáng lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản...

Từ ngày 6-1 đến đầu tháng 2-1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long gần Hương Cảng (Hương Cảng là tên Hán Việt của Hongkong, là một Đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc, nằm trên bờ biển Đông Nam của Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và các Điều lệ vắn tắt của Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phản đế đồng minh và Hội cứu tế do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Song Đông Dương Cộng sản liên đoàn vẫn còn là một đảng riêng lẻ. Việc hợp nhất Đông Dương Cộng sản liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một yêu cầu khách quan. Trong bản Tuyên đạt thành lập đảng của mình, Đông Dương Cộng sản liên đoàn cũng chủ trương phải hợp nhất với Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng "thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất mới có thể thực hiện cách mạng cộng sản". Vì thế, sau Hội nghị hợp nhất, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24-2-1930, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu cùng hai ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời là Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) và Phạm Hữu Lầu cùng Ngô Gia Tự, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã họp quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thông qua 5 nội dung là xoá bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; thảo luận Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng; định kế hoạch thống nhất Đảng ở trong nước và cử Ban Trung ương lâm thời.

Ngày 8/2/1930, Nguyễn Ái Quốc viết Lời kêu gọi: Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Chúng ta cần gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để đấu tranh giải phóng dân tộc và giai cấp bị bóc lột.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu lịch sử là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Đảng ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng, giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đảng vừa ra đời đã nắm được vai trò lãnh đạo duy nhất đối với phong trào cách mạng, là trung tâm đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam; là sự chuẩn bị đầu tiên, mở đường cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam về sau. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đưa cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, khẳng định công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn để dân tộc Việt Nam có một nền độc lập, thống nhất vững bền cho đến ngày nay./.


HNN

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X