Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, April 29, 2020 , 0 bình luận

Công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông luôn có sự cộng hưởng sức mạnh trí tuệ, tâm huyết của đông đảo trí thức người Việt trong và ngoài nước.

>>Phối hợp gây sức ép ngoại giao để đáp trả Trung Quốc

Trong đó, đặc biệt có những thành viên tham gia Dự án Đại sự ký Biển Đông để có được những thông tin và tri thức kịp thời, có tính khoa học gửi tới cộng đồng, bạn bè quốc tế.


Đường khảo sát của tàu Hải Dương Địa chất 8 trong gần 4 tháng hoạt động phi pháp tại vùng biển VN năm 2019 được Dự án Đại sự ký Biển Đông lưu lại (ẢNH: ĐSKBĐ)

Lan tỏa thông tin chủ quyền


Thời gian vừa qua, dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc vào rạng sáng 2.4 đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi khi đang hoạt động bình thường khai thác hải sản tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng trong ngày 3.4 đã lên án hành động trên của tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân VN…

Dù quan điểm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao được đưa ra vào buổi tối ở VN, nhưng khi bản tin của Thanh Niên và các đồng nghiệp đăng lên thì lập tức được một thành viên của Dự án Đại sự ký Biển Đông là TS Nguyễn Trịnh Đôn, đang ở nước ngoài, dịch ra tiếng Anh và đưa đến với bạn bè quốc tế thông qua website dskbd.org cùng mạng xã hội. Bản tin dịch sau đó đã được một số nguồn quốc tế uy tín dẫn lại.

Dự án Đại sự ký Biển Đông cũng là nơi đầu tiên ở VN công bố hồ sơ các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Hồ sơ này đã được đăng tải 3 kỳ trên Thanh Niên. TS Nguyễn Ngọc Lan đã cộng tác với Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Trường đại học Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM, xây dựng bộ tư liệu trang bị kiến thức nền tảng cho cộng đồng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. 2 cộng tác viên nghiên cứu khác là Diệp Bảo Anh và Trần Thị Phương Thảo dịch một phần quan trọng phân tích của Tòa trọng tài về những cơ sở khoa học và pháp lý quyết định tình trạng pháp lý của các thực thể nổi ở triều cao là đá hay đảo - một yếu tố liên quan chặt chẽ tới phạm vi vùng biển có thể bị tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Dự án cũng là nơi đã cung cấp cho báo chí và hỗ trợ dịch thuật những bài nghiên cứu mang tính kinh điển có giá trị lâu dài, hoặc tới nay vẫn còn tính thời sự…

Tương tự, với các hành động khác của Trung Quốc liên quan Biển Đông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trong tháng 4.2020, như phê chuẩn thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa ở tỉnh Hải Nam; gửi công hàm lặp lại các luận điệu độc chiếm Biển Đông lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc; tàu Hải Dương Địa chất 8 và tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào khu vực Biển Đông..., nhóm nghiên cứu của dự án đã kịp thời cập nhật thành các bản tin một cách hệ thống, thông tin đến cộng đồng trong và ngoài nước.

Không chỉ vậy, trong thời gian này, Dự án Đại sự ký Biển Đông còn đưa ra một hồ sơ công phu về dân quân biển Trung Quốc, lần đầu tiên được công bố tại VN, do cộng tác viên nghiên cứu Nguyễn Thế Phương và cộng sự thực hiện. Hồ sơ cũng tổng hợp, hệ thống hóa các công trình nghiên cứu quan trọng của thế giới về vấn đề này.

Trước đó, trong sự việc tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN vào đầu tháng 7.2019, Dự án Đại sự ký Biển Đông cũng là một trong những nguồn tin đầu tiên trong nước thông báo cho công luận thời gian chính xác 2 lần tàu Hải Dương Địa chất 8 tạm rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN và quay trở lại, cũng như sự xuất hiện của tàu cẩu Lam Kình chỉ cách bờ biển VN 23,3 hải lý... Nhiều số liệu mà dự án công bố sau đó đã được củng cố, xác nhận lại qua các kênh chính thức và các hình ảnh từ thực địa. 


Bài viết của Thanh Niên được TS Nguyễn Trịnh Đôn dịch và được nhiều trang uy tín của quốc tế dẫn lại (ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH)

Phần 'lý trí' không ồn ào
Năm 2011, khi tin tức về việc tàu thăm dò dầu khí của VN bị cắt cáp ngay trong vùng biển của mình, ngư dân VN bị tấn công trên biển lan đi, TS Phạm Thanh Vân - người có ý tưởng thành lập dự án, đang làm việc tại nước ngoài. Để trả lời cho câu hỏi “chuyện gì đang xảy ra trên đất nước mình?” khi đó, TS Vân đã phải tự tìm kiếm trên mạng, tự tìm đến các nhà nghiên cứu uy tín.
“VN thiếu một địa chỉ trực tuyến chứa đựng một bức tranh thực tế và những sự thật không bị biến dạng bởi tham vọng bành trướng; những biên niên sự kiện đáng tin cậy được dẫn từ tư liệu gốc, hay gần với tư liệu gốc nhất, để hiểu đúng nguồn gốc tranh chấp; những hồ sơ có tính hệ thống hóa để có cái nhìn toàn cảnh và chính xác về những chủ đề quan trọng trong vấn đề Biển Đông, từ đó có thể hướng tới những giải pháp đúng hướng có hiệu quả”, TS Vân nói.
Không chỉ vậy, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đã được quốc tế hóa, thì vấn đề còn là làm sao cho dư luận quốc tế hiểu được bản chất của những tranh chấp có nguy cơ dẫn tới xung đột nếu không lên tiếng ngăn chặn kịp thời. Là một nước có chủ quyền trực tiếp ở Biển Đông, VN phải chủ động nói; không ai có thể nói thay, giúp chúng ta khi chính chúng ta chưa tự lực trước. Tâm niệm điều đó, cuối năm 2014, khi có cơ hội liên hệ trực tiếp với PGS-TS Nguyễn Hồng Thao cùng một chuyên gia khác trong lĩnh vực luật Quốc tế của VN, TS Phạm Thanh Vân đã đề xuất ý tưởng và rất bất ngờ nhận được sự ủng hộ rất nhiệt thành của 2 chuyên gia thuộc thế hệ đàn anh. Sau đó, 3 người đã cùng sáng lập Dự án Đại sự ký Biển Đông, với các giá trị khoa học, độc lập, phi lợi nhuận… là nền tảng.
Nêu lý do ủng hộ và đồng hành, PGS-TS Nguyễn Hồng Thao cho biết do ông gặp được “người có cùng chí hướng”, muốn kết hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vào nghiên cứu Biển Đông. “Trên thế giới có rất nhiều trung tâm nghiên cứu về Biển Đông. Ở VN thì công tác nghiên cứu đã có từ lâu, nhưng chủ yếu nằm trong các cơ quan công quyền, phục vụ cho đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Nhằm đưa thông tin nhanh nhất đến cho mọi người, không chỉ người VN, mà cả bên ngoài, hiểu rõ hơn về vấn đề Biển Đông, cần có một trang nghiên cứu, một diễn đàn online để mọi người trao đổi, thảo luận trên cơ sở khoa học. Dự án nhằm đưa thông tin một cách khách quan, trung thực, có kiểm chứng đến công chúng, để công chúng có một cái nhìn toàn diện về tình hình Biển Đông, lập trường chính đáng của VN, tự rút ra được các kết luận cho mình, tránh những nguồn tin độc hại, không có căn cứ”, ông Thao chia sẻ.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, Dự án Đại sự ký Biển Đông gồm nhiều trí thức trẻ, đã tích lũy được một kho tư liệu có nguồn gốc cụ thể, chính xác để cung cấp cho người đọc, phát triển riêng được một trang web tiếng Anh, để đưa công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong nước, đưa góc nhìn của VN về Biển Đông ra thế giới.
Nhờ sự tâm huyết của nhiều thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông, thông tin về Biển Đông chưa bao giờ thiếu vắng, ngay cả trong những ngày đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Trong hơn
5 năm hoạt động bền bỉ, dự án đã xây dựng được một biên niên sự kiện sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực ở Biển Đông từ năm
1945 - 2015, là một biên niên công khai đầy đủ nhất. TS Trương Minh Huy Vũ, thành viên dự án, đã đưa biên niên này tới cộng đồng quốc tế, thông qua sách và ấn phẩm hội thảo. Biên niên sự kiện đó giờ đã được lưu trữ trong Thư viện Cung điện Hòa bình (nơi tọa lạc của Tòa Trọng tài quốc tế).
Trên tất cả những nỗ lực đó, theo như lời một thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông, các nghiên cứu và truyền thông về Biển Đông, dù có đạt đến đỉnh cao nào, cũng sẽ chỉ có thể đóng góp một phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của VN ở đây. Để bảo vệ Biển Đông một cách vững bền và lâu dài, VN cần là một nước vững mạnh và tự chủ.
Vũ Hân (Thanh niên)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X