Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, do virus corona biến chủng phức tạp, có 40-60% bệnh nhân ở các nước nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện của bệnh nhưng vẫn lây nhiễm nên cần yêu cầu có quyết định 14 ngày nữa cách ly tại nhà đối với những người đã hoàn thành cách ly tập trung.
Tại phiên họp trực tuyến lần thứ 30 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Từ bài học của các nước trên thế giới, hiện nay phải triển khai ngay các giải pháp để giảm gánh nặng cho ngành Y tế thì mới có thời gian chuẩn bị tốt để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chuẩn bị hàng hóa, trang thiết bị vật tư thiết yếu.
Khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế chủ trì cùng các quận, huyện đôn đốc các bệnh viện rà soát lại tất cả các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh bởi khả năng dịch bệnh có thể kéo dài và gây đứt khúc các chuỗi cung ứng sản phẩm hoạt động cho ngành Y.
Sở Y tế cần tổ chức các gói đấu thầu tập trung vật tư tiêu hao trong ngành Y tế và TP sẽ bố trí vốn để thực hiện ngay trong tháng 4.
Chủ tịch UBND TP nói rõ: “Nếu không chuẩn bị tốt, không quản lý được, sẽ dẫn đến tăng giá trang thiết bị y tế dẫn đến áp lực cho bảo hiểm y tế và cho người dân, ảnh hưởng đến những người yếu thế trong xã hội không có thu nhập sẽ dễ rơi vào vòng xoáy liên tục bị tác động, không thể thoát ra”.
Nhấn mạnh việc thay đổi nhận thức để có cách ứng phó phù hợp với dịch bệnh Covid -19 trong thời gian quan trọng này, Chủ tịch UBND TP chỉ ra 2 bài học.
Thứ nhất về việc cách ly, Chủ tịch UBND TP cho biết hiện virus corona trên thế giới đã có nhiều biến thể, có thể sống được trong các môi trường nóng và lạnh; có 40-60% bệnh nhân ở các nước nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện của bệnh nhưng vẫn lây nhiễm; tất cả các lứa tuổi đều lây nhiễm, các bệnh nhân có bệnh nền có lây nhiễm cao hơn; thời gian ủ bệnh lâu hơn…
Vì vậy, các trường hợp đã cách ly 14 ngày ở nơi cách ly tập trung thì phải tiếp tục yêu cầu có quyết định 14 ngày nữa cách ly tại nhà. Yêu cầu họ phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…
Thứ hai về công tác xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP cho rằng, tất cả trường hợp F1 sau khi xét nghiệm 1-2 ngày phải tiến hành cách ly và sau đó 7-8 ngày phải xét nghiệm lại. Thời gian tới số lượng test nhận đủ sẽ tiến hành rộng hơn.
Về việc triển khai test nhanh Covid-19 trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP cho biết, các bộ kit này do các nhà khoa học của Hàn Quốc chế tạo ra, hiện nay có 121 nước trên thế giới đăng ký mua của Hàn Quốc. 300.000 bộ test nhanh này do Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Bộ Y tế. Bộ cấp cho Hà Nội.
Việc test nhanh để kiểm tra xem có nguồn lây lan nào mới hay không để chủ động phòng ngừa.
“Tất cả trường hợp như Viện Huyết học có tiếp xúc với bệnh nhân người Thụy Điển ngày 31/3 và 1/4; lấy mẫu xét nghiệm ngày 3/4 thì tôi nghĩ chưa có giá trị gì, cách ly nghiêm túc. Sau đó 5-7 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm lại, chứ hiện xét nghiệm âm tính chưa phải mừng đâu”, Chủ tịch UBND TP nói.
Khẳng định TP đã đạt nhiều kết quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, nhưng trước nhiệm vụ cấp bách hiện nay, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở các đơn vị phải quyết tâm hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ, ứng phó các tình huống sẽ xảy ra trong các tháng tiếp theo, làm sao đảm bảo nguyên tắc luôn chủ động.
“Trong lúc này chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ khẩn trương, quyết đoán; dựa trên cơ sở căn cứ khoa học để chúng ta quyết định; thực thi đúng các quy chế, chế tài của pháp luật không được chần chừ mất đi cơ hội”, Chủ tịch UBND TP nói.
Hoàng Thư (PLVN)