Chỉ ba tuần trước, Miguel Rodriguez đang tận hưởng cuộc sống dễ chịu khi làm bồi bàn tại một nhà hàng ở bang Maryland trong suốt 20 năm.
>>Bị tố 'nẫng tay trên' khẩu trang, ông Trump ám chỉ Mỹ mới là nạn nhân
>>Mỹ có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 300.000, hơn 8.100 người tử vong
>>Bị tố 'nẫng tay trên' khẩu trang, ông Trump ám chỉ Mỹ mới là nạn nhân
>>Mỹ có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 300.000, hơn 8.100 người tử vong
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm giúp Rodriguez có cuộc sống thoải mái, nhưng mọi thứ thay đổi chỉ sau một đêm. Nhà hàng Pháp La Ferme tại vùng ngoại ô Chevy Chase giáp thủ đô Washington D.C., nơi Rodriguez làm việc, buộc phải đóng cửa khi Maryland ban hành lệnh phong tỏa toàn bang để ngăn nCoV lây lan. Rodriguez cùng vợ, một nữ bồi bàn tại nhà hàng khác, mất việc.
Đại dịch lập tức khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và rơi vào cảnh nghèo đói trong đợt khủng hoảng đang dần lộ rõ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các gia đình thu nhập thấp và trung bình, những người không có nhiều khoản tiết kiệm, là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nhất.
"Đây là đòn chí mạng giáng xuống đầu hàng triệu dân Mỹ, những người gần như chưa hồi phục sau khủng hoảng tài chính năm 2008", theo Edward Alden, chuyên gia tại Hội đồng Đối ngoại, viện nghiên cứu chính sách ngoại giao có trụ sở tại thành phố New York.
Alden cho biết phải mất 8 năm để tiền lương thực sự của dân Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng 12 năm trước và chỉ tăng với nhóm thu nhập thấp trong hai năm qua. Tiền lương tại Mỹ năm 2019 tăng nhanh nhất trong 20 năm qua nhờ một số bang nâng mức lương tối thiểu. "Cuộc khủng hoảng gây ra tình trạng thất nghiệp ngày một tăng này sẽ xóa đi những thành tựu trước đó", Alden nói.
Người phụ nữ và bé trai đeo khẩu trang đi ngang những cửa hàng bị đóng cửa vì Covid-19 tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 4/4. Ảnh: AFP
Một thập kỷ chứng kiến số lượng việc làm tăng lên tại Mỹ đột ngột chấm dứt hồi tháng 3, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp 4,4%, với 701.000 người mất việc làm, cao nhất trong 45 năm qua. Nhóm người gốc Tây Ban Nha và da màu tại Mỹ mất việc nhiều nhất, dù trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên nói tỷ lệ thất nghiệp của hai nhóm này thấp kỷ lục từ khi ông nhậm chức.
Ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng, tình trạng bất bình đẳng tiếp tục gia tăng giữa nhóm người giàu nhất nước Mỹ đang tích được lợi nhuận đáng kể ở Phố Wall với 90% dân số còn lại. Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và "sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng", Gregory Daco, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, nhận định.
Gần 10 triệu người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong hai tuần cuối tháng 3. Tình trạng mất việc đột ngột tập trung ở nhóm ngành dịch vụ thu nhập thấp, trong khi người Mỹ có tỷ lệ tiết kiệm cực thấp, chỉ khoảng 8%.
Rodriguez, 55 tuổi, cảm thấy rất buồn khi lần đầu tiên phải xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi rời El Salvador tới Mỹ năm 1983. Rodriguez lo lắng vì số tiền trợ cấp sẽ không đủ để trang trải cho ba đứa con. "Tôi có một khoản tiết kiệm nhưng chỉ đủ sống vài tháng", Rodriguez nói.
Theo một khảo sát của Oxford Economics, khoảng 50% dân Mỹ không có khoản tiết kiệm khẩn cấp để đối phó với những khó khăn tài chính bất ngờ. Trong nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp nhất, tình hình còn tồi tệ hơn khi 75% số này không có khoản "tiền dằn túi". "Những người cần chúng nhất là những người có ít nhất", Daco nói.
nCoV vẫn tiếp tục lây lan và chưa rõ tình trạng đình trệ kinh tế tại Mỹ sẽ kéo dài bao lâu. Bradley Hardy, giáo sư Đại học American, cảnh báo Mỹ phải chuẩn bị đối mặt những tác động đến việc làm và tiền lương kéo dài tới ít nhất đầu năm 2021. "Với tỷ lệ tiết kiệm thấp và mức nợ trả góp cao, nhiều hộ gia đình Mỹ không có khoản tài chính đệm cần thiết để vượt qua cơn phong ba sắp ập đến", Hardy nói.
Chuyên gia Alden nhận định Covid-19 làm nổi bật "nguy cơ tổn thương lớn" của nhiều người Mỹ, tương tự cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Lao động có thu nhập thấp có thể không được nghỉ hưu và những người thuộc độ tuổi 70-80 sẽ phải tiếp tục làm việc. Chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại St. Louis cho biết chỉ 22% số người không tốt nghiệp trung học có khoản tiết kiệm hưu trí, song họ cũng chỉ để dành được trung bình 35.000 USD.
Hardy nói cuộc suy thoái sau đại dịch sẽ "tác động tiêu cực đến phân phối thu nhập" tại Mỹ, thậm chí một số hộ khá giả cũng chịu ảnh hưởng. "Bất cứ mối đe dọa nào đối với nguồn thu nhập đều khá nguy hiểm đối với các gia đình này", Hardy nói.
Rodriguez, bồi bàn mất việc vì Covid-19, đang cố gắng nuôi hy vọng dù ông còn phải trả tiền vay mua nhà và ôtô. "Tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn sau khi chúng tôi xử lý được đại dịch", ông nói.
Nguyễn Tiến (vnexpress theo AFP)