Bất chấp các nỗ lực của nhân viên y tế cứu sống các bệnh nhân Covid-19, số ca tử vong do Covid-19 tại bang New York trong vòng 24 giờ qua đã lên tới mức kỷ lục với 731 ca. Tuy nhiên, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhận định, có thể tình hình dịch bệnh tại bang sẽ sớm chạm đỉnh khi số ca nhiễm và số người nhập viện giảm dần.
>>Ông Trump tố WHO ăn tiền Mỹ nhưng nghiêng về phía Trung Quốc
>>Ông Trump tố WHO ăn tiền Mỹ nhưng nghiêng về phía Trung Quốc
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins công bố cuối ngày 7-4 (giờ địa phương), trong vòng 24 giờ, bang New York, tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng lên 138 nghìn người, trong đó có 5.489 người đã tử vong, chiếm hơn 1/3 số ca tử vong toàn nước Mỹ.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhận định vẫn có dấu hiệu tích cực dù số ca tử vong cao kỷ lục trong 24 giờ (Ảnh: REUTERS)
Riêng tại thành phố New York, hơn 79 nghìn người đã nhiễm virus SARS-CoV-2, ít nhất 3.200 người tử vong, vượt quá con số thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào thành phố này ngày 11-9-2001.
Thống đốc bang New York Cuomo chia sẻ: “Quá nhiều đau thương lại đến với nhiều người dân New York trong ngày”.
Song, ông vẫn trấn an người dân rằng đã có dấu hiệu khích lệ rằng số ca nhập viện nhập viện và số người phải dùng máy thở đang giảm, cho thấy các biện pháp được thực hiện để buộc mọi người giữ khoảng cách với nhau đang thành công.
Ông Cuomo cho hay, thực tế trong vài ngày qua, số ca tử vong do Covid-19 đang giảm dần và các chuyên gia y tế đang hy vọng dịch bệnh sẽ sớm chạm đỉnh ở New York, sau đó sẽ dần suy giảm.
Thống đốc New York khuyến cáo người dân tiếp tục ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Thống đốc Cuomo nêu rõ: “Chúng ta thấy tình hình dịch bệnh đang đi theo chiều ngang- đó là bởi vì những gì chúng ta đang nỗ lực. Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện những điều đang làm, tình hình dịch bệnh sẽ lại theo đường cong khó khăn hơn”.
Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Phẫu thuật Mỹ (U.S. Surgeon General) Jerome Adams ngày 7-4 nhấn mạnh, vẫn có “ánh sáng cuối đường hầm” nếu người dân Mỹ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4, mọi người sẽ có thể nhanh chóng trở lại cảm giác của cuộc sống bình thường.
Bệnh nhân Covid-19 được đưa tới trung tâm cấp cứu tại TP New York sáng 7-4 (Ảnh: REUTERS)
Trong khi đó, trên toàn nước Mỹ đã ghi nhận 1.939 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên 12.722 trường hợp. Mỹ hiện là nước có số ca tử vong nhiều thứ 3 thế giới do Covid-19, sau Italy (17.127 trường hợp) và Tây Ban Nha (13.798 trường hợp).
Như vậy, tính đến 00 giờ theo GMT ngày 8-4, Mỹ đã trở thành nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới với 396.223 ca. Trong khi đó, trên toàn cầu có 1.426.096 ca nhiễm chủng virus nguy hiểm này.
Tỷ lệ mắc Covid-19 cao ở người Mỹ gốc Phi
Cùng ngày 7-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan ngại về thực trạng người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn trong cộng đồng dân cư.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ nói rằng “điều này là không cân xứng”, và ông rất quan ngại về tỷ lệ lớn số người Mỹ gốc Phi nhiễm Covid-19. Ông nói rằng chính quyền đang nỗ lực giải quyết các tác động gia tăng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện quốc gia về Dị ứng và các bệnh Truyền nhiễm cho biết, tỷ lệ mắc các bệnh nền từ trước cao hơn, như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì và hen suyễn trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi và nhóm dân tộc thiểu số có thể góp phần gây ra hiện tượng này, đồng thời những đối tượng này sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn.
Theo Tiến sĩ Fauci, hiện tại chính quyền không thể làm gì khác ngoài việc cung cấp cho họ sự chăm sóc tốt nhất có thể để tránh các biến chứng do Covid-19 gây ra.
Thiệt hại kinh tế tiếp diễn
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đang tiếp tục tác động mạnh lên cuộc sống của người dân Mỹ. Kết quả cuộc khảo sát do tờ Financial Times và quỹ Peter G. Peterson phối thực hiện, công bố ngày 7-4 cho thấy có tới 73% người Mỹ được hỏi cho biết thu nhập hộ gia đình của họ đã bị sụt giảm đáng kể do dịch Covid-19. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 71% số người được hỏi thừa nhận dịch Covid-19 đã tác động đến những quyết định cá nhân hoặc công việc kinh doanh của họ, trong khi 92% lo ngại rằng đại dịch này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Mỹ trong ngắn hạn hoặc dài hạn.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong bối cảnh nước Mỹ đã ghi nhận con số kỷ lục 10 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong nửa cuối tháng 3 vừa qua do các tác động từ đại dịch Covid-19.
Chốt phiên giao dịch ngày 7-4 (giờ địa phương), tất cả các chỉ số chính của Phố Wall gồm Dow Jones, S&P500 và Nasdaq Composite đều đồng loạt mất điểm, song đều ở mức nhẹ lần lượt là 0,1%, 0,2% và 0,3%. Trước đó, chứng khoán Mỹ đã mở phiên với sự tăng điểm tích cực. Tuy nhiên, các chỉ số đã đồng loạt quay đầu sau khi thị trường liên tiếp nhận tín hiệu phức tạp từ tình hình dịch.
Trước tình hình này, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định lại ông muốn sớm mở cửa lại nền kinh tế Mỹ.
N.T (Nhân dân/TH)