Bộ Tư lệnh miền Tây của Philippines hôm 23.4 lên án Trung Quốc có hành động thù địch và vi phạm luật quốc tế khi hệ thống kiểm soát pháo của khinh hạm Trung Quốc nhắm vào khinh hạm Philippines trên Biển Đông.
>>Nơi lưu giữ tư liệu quý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
>>Australia lên án Trung Quốc ở Biển Đông
Văn Khoa (Thanh niên)
>>Nơi lưu giữ tư liệu quý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
>>Australia lên án Trung Quốc ở Biển Đông
Theo thông cáo của Bộ Tư lệnh miền tây Philippines (Wescom), trong lúc khinh hạm BRP Conrado Yap tuần tra gần một nhóm thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 17.2, thủy thủ đoàn phát hiện “có sự tương tác radar” của một tàu chiến màu xám trong khu vực.
Khinh hạm Conrado Yap lập tức ra cảnh báo qua vô tuyến và khi đó tàu đối phương ngang nhiên đáp lại: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận”, theo trang tin The Rappler dẫn lại thông báo từ Wescom.
Thủy thủ đoàn tàu Conrado Yap lặp lại cảnh báo đối với tàu chiến Trung Quốc, nhưng tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra phản ứng như trên. Thủy thủ tàu Conrado Yap xác định tàu chiến Trung Quốc là chiếc khinh hạm mang số hiệu 514.
Sau đó, thủy thủ tàu Conrado Yap “quan sát thấy” hệ thống kiểm soát pháo của khinh hạm 514 nhắm về phía họ. “Hệ thống kiểm soát pháo này có thể được dùng để chỉ định và theo dõi mục tiêu và điều khiển tất cả pháo chính trên tàu sẵn sàng khai hỏa trong vòng một giây”, Wescom khẳng định. Sau đó, khinh hạm của hai bên tiếp tục hành trình mà không gây ra sự cố nào.
Khinh hạm Conrado Yap của Philippines (CHỤP MÀN HÌNH THE RAPPLER)
Dù Conrado Yap không có hệ thống hỗ trợ điện tử để xác định hệ thống kiểm soát pháo của khinh hạm 514 nhắm vào chiến hạm Philippines, "việc xác định bằng mắt khẳng định ý đồ thù địch này”, theo thông cáo từ Wescom. Thông cáo còn nhấn mạnh đó là “hành động thù địch của phía chính phủ Trung Quốc”.
Nhà phân tích quân sự Antonio Custodio, cựu cố vấn của Hội đồng An ninh quốc gia Philippines, nhận định hành động trên có thể bị xem như tàu chiến Trung Quốc xem tàu Philippines là mục tiêu và điều này “không thể chấp nhận trong thông lệ quân sự chung vì đó là hành động thù địch có thể dẫn tới tính toán sai lầm rồi căng thẳng leo thang và cuối cùng là xung đột”.
Wescom công bố chi tiết về vụ khinh hạm Trung Quốc nhắm pháo vào tàu chiến Philippines một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho hay Manila gửi công hàm phản đối về "việc chĩa pháo có radar dẫn bắn vào tàu hải quân Philippines", nhưng ông không cung cấp chi tiết về vụ việc.
Vụ việc ngày 17.2 là một trong những hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông. The Rappler nhắc lại vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 2.4. Đến ngày 18.4, chính phủ Trung Quốc ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để lần lượt kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước những hành động này, chính phủ Việt Nam luôn kiên quyết khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu hôm 19.4: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai”, bà Hằng nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngày 3.4, đại diện Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.