Sự xung đột, căm ghét, trừ khử lẫn nhau giữa người da đen và da trắng trên đất Mỹ không chỉ diễn ra ngoài cánh cửa tù. Ngay trong những năm tháng ngồi tù 2 bang đảng Aryan Brotherhood của tù nhân da trắng và D.C Black của tù nhân da đen đã luôn có muối thù hằn sâu sắc với nhau. Chúng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng bạo lực.
Các thành viên băng đảng Aryan Brotherhood
Tội ác bùng nổ
Sau khi nhận lệnh và “hoàn thành xuất sắc” nhiệm vụ thanh lý môn hộ do Barry và Bingham chỉ đạo, danh tiếng của McKinney cũng ngày một gia tăng trong băng đảng và nhà tù. Thế nhưng, danh tiếng đi kèm với sự cao ngạo, cũng chính đó là “mồ chôn” đối với McKinney. Hắn thường xuyên tỏ ra ngông nghênh, bắt nạt các bạn tù khác, thậm chí còn hiếp dâm cả các tù nhân “cá tươi” đến nỗi mỗi khi nhắc đến tên của gã hung thần này, tù nhân nào cũng khiếp sợ.
Chính sự ngổ ngáo của McKinney đã khiến Barry và Bingham ngứa mắt, chúng quyết định nhổ đi cái gai này, bởi càng để McKinney hổ báo thì càng bị các giám thị để ý, mà như thế thì không có lợi cho các hoạt động của băng đảng. Lệnh “thanh trừng” được đưa ra, McKinney bị các thành viên trong băng đảng hành quyết ngay giữa sân trại giam trước sự chứng kiến của các tù nhân khác. Đây như một lời cảnh báo cho tất cả những kẻ thích tỏ ra ngông nghênh và bất tuân đối với mệnh lệnh của “ủy viên” trong băng đảng Aryan Brotherhood.
Danh tiếng băng đảng AB ngày càng nổi trong hệ thống nhà tù nước Mỹ, đỉnh điểm của nó là vào ngày 22/10/1983. Cái tên gây ra cuộc bùng nổ này cho băng đảng AB là Silverstein. Trong một lần được 2 giám thị còng tay và dẫn giải qua hành lang nhà tù để đi tắm, Silverstein có dừng lại bắt tay một tù nhân khác.
Đúng lúc này, tù nhân kia đã kín đáo mở khóa còng tay cho Silverstein và dúi vào tay hắn một con dao tự chế. Vừa được tháo còng, Silverstein đã cầm dao tấn công và giết chết cả 2 viên giám thị dẫn giải. Tất cả chỉ để chứng tỏ cho các băng đảng khác biết đến sự ngông cuồng và không biết sợ của các thành viên băng đảng Aryan Brotherhood.
Cuộc đụng độ giữa băng đảng DC Black và Aryan tại nhà tù Marion
Vụ việc đó đã gây chấn động toàn nước Mỹ, đó là lần đầu tiên có sự việc 2 giám thị bị tù nhân sát hại, giới chức nước Mỹ nhanh chóng vào cuộc điều tra và cái tên của băng đảng Aryan Brotherhood đã bị đưa vào tầm ngắm.
Từ đó, mọi hành động của các thành viên băng đảng Aryan tại khắp các nhà tù trên toàn nước Mỹ đều bị đưa vào tầm ngắm và giám sát gắt gao. Vào khoảng năm 1996-1997, các cuộc xung đột và va chạm giữa các tù nhân da màu với các thành viên băng đảng Aryan Brotherhood tiếp tục gia tăng tại nhà tù Marion. Đỉnh điểm là vụ 12 tù nhân da màu tấn công 6 tù nhân da trắng giữa sân thể dục của nhà tù.
Dù khi đó đang bị biệt giam tại nhà tù an ninh tối cao ADX Florence (bang Colorado), cách nhà tù Marion cả hàng ngàn cây số nhưng các thủ lĩnh của băng đảng AB đều cảm thấy “nóng mặt” và đã viết thư gửi ra ngoài. Trên tờ giấy, chúng sử dụng nước tiểu để viết dòng chữ “War with D.C Black” (Chiến tranh với băng đảng DC Black” – băng đảng tù nhân người da màu trong hệ thống nhà tù nước Mỹ) sau đó sấy khô rồi mới viết chữ như một bức thư bình thường để gửi cho người thân ở bên ngoài.
Nhận được “mật lệnh” của hai thủ lĩnh, các thành viên băng đảng Aryan trong tất cả các nhà tù đã âm thầm lên kế hoạch để tập kích vào băng đảng D.C Black trong nhà tù. Trong đó, một thành viên cấp cao trong băng đảng Aryan là Allan Benton đã nhận lệnh và nhắm tới thành viên cấp cao trong băng đảng D.C Black là Abdul Salaam. Allan đã nhằm lúc Abdul nằm một mình trong phòng giam để lao vào và cầm dao tự chế giết chết tù nhân này. Đây là một câu trả lời cho các hoạt động của băng đảng DC Black.
Lật mặt
Sau khi giết chết Abdul, Allan bị bắt giữ và biệt giam trong nhà tù để điều tra. Trong thời gian bị biệt giam, Allan đã cảm thấy hối hận khi tin một cách mù quáng vào sự chỉ đạo và các mệnh lệnh của các thủ lĩnh tối cao. Với việc đối mặt với bản án vì tội giết người, lại thêm bị sự truy sát và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị các thành viên trong băng DC Black trả thù, Allan quyết định khai ra tất cả để đổi lấy việc được khoan hồng và bảo vệ trong nhà tù.
Từ những lời khai của Allan, với bằng chứng là mật lệnh được viết bằng nước tiểu trên bức thư, chân tướng của “Bá tước” Barry đã bị phanh phui. Cơ quan hành pháp và giám sát nhà tù đã lập tức lên kế hoạch khám xét đồng loạt khẩn cấp tất cả các nhà tù, mục tiêu là các buồng giam của thành viên băng đảng Aryan Brotherhood. Khoảng 50 tù nhân là thành viên băng đảng này đã bị bắt giữ cùng với các hung khí, ma túy, thư từ giấu trong buồng giam. Tất cả chúng đều được đưa lên 1 chiếc máy bay, chở thẳng từ nhà tù tới nhà giam tập trung chờ ngày ra tòa.
Tại đây, các thành viên băng đảng Aryan Brotherhood đã bị tách ra thẩm vấn riêng biệt. Biết được việc khó tránh tội, các tù nhân này đã cung khai tất cả về việc nhận lệnh của các “ủy viên” ra sao, thực hiện như thế nào, bọn họ còn cung cấp các bức thư nhận từ các “ủy viên” và cách thức giải mã chúng.
Chính sự việc này đã khiến giới chức nước Mỹ lần ra bàn tay của Barry và Bingham đằng sau mọi vụ việc của băng đảng Aryan. Không ai tin rằng chúng lại có thể ra lệnh giết người từ sau cánh cửa buồng biệt giam tại nhà tù khét tiếng an ninh của nước Mỹ là ADX Florence.
Với các bằng chứng này, Barry và Bingham một lần nữa phải ra tòa, lần này, chúng đối mặt với bản án tử hình theo đạo luật RICO (Đạo luật chống các tổ chức tham nhũng và những ảnh hưởng của xã hội đen). Theo đạo luật này, việc chỉ đạo và điều hành của Barry cùng Bingham đã gây ra hàng vụ việc và các vụ án mạng liên tiếp vì mục đích phạm tội, cho nên mức án đối với các bị cáo nhẹ nhất là tù chung thân không được xem xét ân xá, còn không là tử hình.
Đối mặt với bản án “kịch khung” đó, các thủ lĩnh của băng đảng Aryan Brotherhood đã phải cúi đầu nhận tội, cung khai mọi hành vi tội ác của mình chỉ để đổi lấy việc khỏi phải lên ghế tiêm thuốc độc, mong ước của chúng lúc đó chỉ cần được hưởng án chung thân là đã coi như được “ân xá” lắm rồi.
Phiên tòa xét xử các thành viên băng đảng Aryan kéo dài 6 tháng, cuối cùng bồi thẩm đoàn cùng thẩm phán đã quyết định tuyên án tù chung thân không ân xá đối với 4 thủ lĩnh của băng đảng là Barry Mills (Bá tước), Tyler Bingham, Edgar Headley và Christopher Gibson.
Vào ngày 8/7/2018, “Bá tước” Barry Mills đã chết trong nhà giam ở tuổi 70, kết thúc 3/4 quãng đời trong nhà giam của mình.
Tuệ Anh – Thủy Sinh / Pháp luật 4 phương/Pháp luật Việt Nam