Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, October 26, 2020 , 0 bình luận

Vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số, hàng trăm chuyến xe, hàng chục tấn hàng hóa nối đuôi nhau, hướng về miền Trung ruột thịt sau cơn lũ dữ. Đã bao đời nay, truyền thống của người Việt luôn như vậy.

Lúc gian khó nhất, vất vả, đau thương nhất là lúc tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ được lan tỏa rộng khắp. Ca sĩ Thủy Tiên, chỉ qua vài ngày kêu gọi, đã nhận được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung. Nhiều nơi nổi lửa gói bánh chưng, bánh Tét gửi đến đồng bào vùng lũ.


Có lẽ, chưa bao giờ, việc cứu trợ người dân miền Trung được quan tâm như vậy, kể cả trên báo chí, trên mạng xã hội, hay những câu chuyện trà đá vỉa hè. Nhưng, từ chính câu chuyện cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên, nhiều luồng dư luận đặt ra. Có người bảo, tại sao một người lại kêu gọi được nhiều thế? Vai trò các cơ quan, đoàn thể ở đâu, kêu gọi được nhiều không? Đích thân ca sĩ Thủy Tiên đi trao tặng như thế, thật cảm động, nhưng cũng băn khoăn, vậy có công bằng không, khi người được trao nhiều, trao ít. Rồi tại sao cứu trợ cứ trao mỳ tôm mãi, mà không chuyển sang mặt hàng khác.

Rõ ràng, chuyện cứu trợ, cứu hộ cần sự chuyên nghiệp. Một đồng nghiệp của chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, nói trên mạng xã hội thế này: Cần phân biệt giữa cứu hộ và cứu trợ. Lúc cứu hộ, cần nhất là sự nhanh chóng, chủ động. Lương thực, thực phẩm, biện pháp cần thiết để giữ lấy tính mạng cho người dân. Công tác này, nếu so sánh, nó như việc giải quyết khi “cháy nhà, chết người” vậy. Còn cứu trợ, nếu hiểu rộng ra, cùng với lương thực, thực phẩm, còn cần những thứ khác, ít cần kíp hơn so với lúc cứu hộ. Lúc đã bớt hiểm nguy, lúc người dân cần nguồn lực để tái thiết cuộc sống, xây dựng lại nhà cửa, cần phương tiện sản xuất, con giống, giống cây trồng, sách vở, quần áo, nguồn lực cho con em đi học trở lại…

Trong đợt lũ vừa qua, cũng có ý kiến trên mạng phán: sao lúc nước sôi, lửa bỏng mà không nhìn thấy các lực lượng chức năng. Có ý kiến trả lời, rằng họ không có thời gian để “phát trực tiếp” trên mạng xã hội. Phóng viên báo chí, nhiều khi cũng không dám, hoặc không được theo họ để đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng phải đến những nơi xa nhất, khó khăn, vất vả, gian khổ nhất để cứu hộ. Còn cứu trợ, có cần không. Dĩ nhiên, rất cần. Chủ trương của chúng ta là xã hội hóa nguồn lực cho cứu hộ, cứu trợ. Càng nhiều đóng góp, càng tốt. Càng nhiều người cùng chung tay, càng nhân lên những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc.

Cần có sợi dây thông suốt, xóa đi những điểm nghẽn trên những cung đường, cách tổ chức vận động và hành lang pháp lý phù hợp để người cứu trợ, người làm thiện nguyện sẽ kết nối được tốt nhất với chính quyền, đoàn thể biết được nhu cầu của người dân. Để không còn cảnh bánh chưng hư hỏng trước khi đến với bà con vùng lũ hay hàng cứu trợ nơi thiếu nơi thừa. Bởi cao hơn chính là tình cảm, nghĩa cử của đồng bào trong lúc gian khó được sẻ chia ở mức cao nhất.

Trường Phong (tienphong.vn) 

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X