Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Túc và 5 đồng phạm về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 79, Khoản 1, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã khép lại.
Tổ chức phiên tòa xét xử những công dân vi phạm pháp luật là công việc nội bộ bình thường của Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới. Ấy vậy mà trước và sau phiên tòa, một số cá nhân, tổ chức mang danh “bảo vệ nhân quyền” với động cơ không trong sáng, bằng cái nhìn thiển cận, thiếu khách quan lại đứng ra cổ vũ, bảo vệ, rồi đòi Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm. Hành động ấy vừa trái với pháp luật Việt Nam, vừa vi phạm nguyên tắc quan hệ quốc tế.
VOA mượn cớ Liên hợp quốc đòi thả các tội phạm phản Quốc trong vụ Nguyễn Văn Đài Cùng Đồng phạm là vi phạm pháp luật (Ảnh Thành Nam)
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tại phiên tòa đã thể hiện rõ, từ tháng 3-2013 đến tháng 7-2017, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển là những người khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động của cái gọi là tổ chức "Hội anh em dân chủ".
Nhằm phát triển tổ chức, Nguyễn Văn Đài cùng các đồng phạm đã lôi kéo Trương Minh Đức, Lê Thu Hà và một số người tham gia tổ chức thực hiện các hành vi, như: Lập văn phòng đại diện; địa chỉ website; xây dựng "Cương lĩnh vắn tắt"; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có chiến lược đối nội, đối ngoại; hoạt động phát triển lực lượng, đào tạo hội viên…
Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm đã lợi dụng việc đấu tranh cho "dân chủ, nhân quyền", "xã hội dân sự" để che giấu mục đích hoạt động của "Hội anh em dân chủ"; liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước, liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ nước ngoài, tuyên truyền chống Nhà nước với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ "đa nguyên, đa đảng", "tam quyền, phân lập"...
Còn đối với Nguyễn Văn Túc, sau khi chấp hành hình phạt 4 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trở về địa phương y vẫn chứng nào tật nấy. Ngoài tham gia vào tổ chức khủng bố “Việt Tân”, từ tháng 2-2014, Nguyễn Văn Túc đã tham gia tổ chức “Hội anh em dân chủ” với các chức vụ như phó ban đại diện “Hội anh em dân chủ” miền Bắc, Phó Chủ tịch thứ nhất của “Hội anh em dân chủ” phối hợp cùng Nguyễn Văn Đài và đồng bọn tiến hành các hoạt động trái pháp luật nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi của Nguyễn Văn Đài và đồng bọn đã vi phạm Điều 79, Khoản 1, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”...
Tội trạng của từng bị cáo là rất rõ ràng và cơ bản các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, mong được hưởng lượng khoan hồng, ấy thế mà bằng cái nhìn thiển cận, chủ quan, phiến diện, một số người, một số tổ chức mang danh bảo vệ nhân quyền lại cho rằng, việc các bị cáo sinh hoạt trên mạng Internet không thuộc trường hợp bị cấm bởi pháp luật Việt Nam, việc sinh hoạt nhóm trên mạng không phải là thành lập hội...
Từ cách lập luận ấy, họ cho rằng Nguyễn Văn Đài cùng các thành viên "Hội anh em dân chủ" không có tội và đòi Việt Nam trả tự do cho những người này.
Đưa ra lập luận và đòi hỏi vô lý trên chứng tỏ những cá nhân, tổ chức mang danh "bảo vệ nhân quyền" ấy chẳng hiểu gì về bản chất vụ án, về luật pháp Việt Nam, về Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền và các Công ước quốc tế có liên quan.
Về bản chất vụ án, Hội đồng xét xử đã xác định rất rõ, việc các bị cáo thành lập nhóm kín trao đổi, sinh hoạt thông qua mạng Internet, có nhiều người tham gia, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có cương lĩnh và điều lệ hoạt động... về bản chất đó là thành lập hội, là thành lập một tổ chức. Việc sinh hoạt thông qua Internet chỉ là phương thức hoạt động của “Hội anh em dân chủ” mà thôi.
Trên thực tế, thông qua các buổi họp, sinh hoạt trên Internet, “Hội anh em dân chủ” đã triển khai các hoạt động, kiện toàn cơ cấu tổ chức chặt chẽ, lôi kéo được nhiều người tham gia. Mọi hoạt động của “Hội anh em dân chủ” đều nhằm đến một mục đích là đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ "đa nguyên, đa đảng"; thực hiện "tam quyền, phân lập"...
Hành vi của Nguyễn Văn Đài và các bị cáo không phải là đấu tranh để bảo vệ dân chủ, nhân quyền mà thực chất đó là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Do đó việc các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, đưa ra xét xử Nguyễn Văn Đài và các bị cáo theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn chính xác. Nhà nước Việt Nam không cho phép bất cứ ai được bao che, dung túng, cổ xúy cho những kẻ vi phạm pháp luật.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội. Ngay tại Điều 10, Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã quy định công dân có quyền: "Tự do tổ chức và hội họp" .
Trên cơ sở bản hiến pháp đầu tiên ấy, ngày 20-5-1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 102/SL/L004 ban hành Luật về Hội. Các bản hiến pháp năm: 1959, 1980, 1992 và mới đây nhất là Hiến pháp năm 2013 đều kế thừa và ghi nhận quyền tự do hội họp, tự do lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân.
Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hiến pháp quy định “Công dân có quyền tự do... hội họp, lập hội” nhưng đó là sự tự do trong khuôn khổ, chứ không phải là thứ tự do vô hạn độ, tự do vô chính phủ.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, pháp luật Việt Nam không cho phép bất cứ ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Cần nhắc lại rằng, không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới, không cho phép bất cứ công dân nào đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật.
Nếu ai đó sử dụng quyền tự do của mình để chà đạp, phá hoại, gây tổn thương đến quyền tự do và lợi ích của những người khác, đe dọa đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì sẽ bị pháp luật nghiêm trị, bất kể người đó là ai.
Không chỉ trái pháp luật Việt Nam, những giọng điệu của một số người, một số tổ chức mang danh "bảo vệ nhân quyền" như đã nói trên còn cho thấy họ chẳng hiểu gì về Công ước quốc tế. Điều 20, Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền của Liên hợp quốc công bố ngày 10-12-1948, quy định rõ: "(1). Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hòa bình. (2). Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào".
Nhưng cùng với đó Khoản 2, Điều 29 của Tuyên ngôn này cũng nêu rõ: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, quyền tự do hội họp, lập hội là quyền cơ bản và rất quan trọng của con người trong xã hội dân sự. Tuy nhiên, về phương diện pháp luật, khi thực hiện các quyền, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội công dân phải tuân theo khuôn khổ pháp luật của quốc gia. Điều ấy cũng có nghĩa là, khi thực hiện quyền hội họp, lập hội phải bảo đảm không xâm hại đến lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích xã hội và lợi ích của những người khác trong cộng đồng.
Mọi sự đã rõ như ban ngày, vậy tại sao vẫn có một số người, một số tổ chức lại bảo vệ cho Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm. Họ đang toan tính điều gì đằng sau hành động này? Dư luận chẳng lạ gì tâm địa của họ. Ở nước ngoài lâu nay vẫn có một vài cá nhân, tổ chức và một số trang mạng có quan điểm thiếu thiện chí với Việt Nam.
Họ thường lợi dụng những sự việc liên quan đến các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, trong đó có vấn đề dân chủ nhân quyền để tuyên truyền xuyên tạc chống phá, gây sức ép đòi Việt Nam thay đổi một số điều trong Hiến pháp và Bộ luật Hình sự... Việc làm của họ không chỉ can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, trái với pháp luật Việt Nam, mà còn vi phạm nguyên tắc quan hệ quốc tế.
Nghị quyết Liên hợp quốc về nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" được thông qua năm 1965 và được ghi nhận, thể hiện trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng khác đó là: "Tuyên bố cấm can thiệp vào công việc nội bộ, bảo vệ độc lập và chủ quyền của các quốc gia".
Nội dung của nguyên tắc này không cho phép bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù văn minh hay lạc hậu được quyền can thiệp vào các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia, xuất phát từ chủ quyền của mình. Chẳng lẽ một số người, một số tổ chức như đã nói không hiểu về nguyên tắc này. Hay họ đang cố tình không hiểu vì những động cơ và mục đích đen tối?
Kim Lân (báo Công an nhân dân)