QSĐP - "sự đụng độ giữa
các nền văn minh" là một luận thuyết của s.hun-ting-ton được sinh ra sau
thời kỳ chiến tranh lạnh, nhằm tạo cơ sở lý luận cho chính sách bành trướng và
xác lập "giá trị" phương tây, "giá trị" mỹ trên phần còn
lại của quả đất. Trong luận thuyết của mình, s.hun-ting-ton cho rằng,
"nguồn gốc cơ bản của mọi xung đột trên thế giới thời kỳ sau chiến tranh
lạnh sẽ không còn là hệ tư tưởng hay kinh tế nữa"; rằng "cuộc chiến
tranh thế giới tới đây, nếu nó xảy ra, sẽ là cuộc chiến tranh qua các nền văn
minh"; rằng văn hoá đã thay thế "bức màn sắt, hệ tư tưởng"
Bằng lập luận đó, S.Hun-ting-ton đã xoá bỏ vấn đề tư
tưởng, kinh tế và giai cấp trong các xung đột của thế giới đương đại; đã tước
bỏ bản chất thực sự của chiến tranh, thay vào đó là sự đụng độ về văn minh, văn
hoá; chưa nói đến hậu quả tệ hại của luận thuyết này là làm cho loài người phải
chờ đợi và chuẩn bị một cuộc chiến tranh trong tương lại, chiến tranh
"giữa các nền văn minh". Có thật là các mối quan hệ trong thời đại
ngày nay không còn mang dấu ấn giai cấp? có thật là chiến tranh ngày nay đã mất
đi bản chất chính trị - giai cấp của nó? Câu trả lời ở đây rõ ràng là không
phải như vậy!
Trước hết, cần khẳng định rằng bản thân lập luận của S.Hun-ting-ton
cũng không phải là một lập luận không có tính giai cấp; trái lại nó mang đậm
bản chất giai cấp, là lập luận của một đại biểu tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc
trong thời đại mới. Thử hỏi, sự đụng độ giữa các nền văn minh, đó là sự đụng độ
giữa các nền văn minh nào? Phải chăng, theo S.Hun-ting-ton, đó là sự đụng độ
giữa văn minh phương Tây, thực chất là văn minh Mỹ với các nền văn minh
"phi phương Tây", "phi Mỹ" trên thế giới? Đúng như vậy! Như
thế rõ ràng là, cái văn minh, văn hoá mà S.Hun-ting-ton đưa ra không phải thuần
tuý chỉ là văn minh, văn hoá, mà là rất đậm đặc tư tưởng, lập trường của giai
cấp mà ông ta đại biểu. S.Hun-ting-ton đã đặt những nền văn minh "phi
phương Tây", đặc biệt là các nền văn minh Hồi giáo, Nho giáo vào vị trí
đối lập với văn minh phương Tây, coi các nền văn minh này là những "mối đe
doạ chủ yếu", những "thách thức" các "giá trị" phương
Tây, thậm chí những người sau còn liệt vào là "những nguy cơ khủng
bố".
Như
vậy, chiến tranh, dù là theo cách diễn đạt của S.Hun-ting-ton, cũng không phải
là sự đụng độ giữa các nền văn minh, phi ý thức hệ, phi chính trị; mà là chiến
tranh do chủ nghĩa đế quốc tiến hành chống các quốc gia độc lập có chủ quyền,
là chiến tranh của nhân dân các nước đó chống chủ nghĩa đế quốc để bảo vệ nền
độc lập và sự sống của mình. Chẳng cần phải bàn luận nhiều, thực tế những cuộc
chiến tranh xâm lược của Mỹ và Đồng minh chống Nam Tư năm 1999, chống
Áp-ga-ni-xtan năm 2002, chống I-rắc năm 2003 đã chứng minh rõ điều đó. Nếu có
gọi là "sự đụng độ", "sự va chạm" giữa các nền văn minh thì
không phải do những khác biệt giữa các nền văn minh tạo ra, mà là do tham vọng
chính trị và lợi ích vị kỷ của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ.
Thứ hai, luận thuyết của S.Hun-ting-ton đã cố gắng phủ nhận bản
chất giai cấp, mục đích chính trị của chiến tranh, lại như được những thành tựu
của cách mạng khoa học công nghệ làm cho nó có vẻ có sức thuyết phục hơn! Điều
đó dẫn đến những hậu quả tai hại, mà dường như chúng ta cũng đã thấy được qua
các cuộc chiến tranh gần đây. Không phải không có người còn nhận thức sai lầm
rằng, dường như luận điểm chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn
bạo lực không còn giá trị, đã mất đi ý nghĩa thực tiễn của nó!? Hậu quả tất yếu
của sự nhận thức sai lầm ấy là dẫn đến thái độ không đúng đối với chiến tranh.
Kẻ phát động chiến tranh, gây ra chiến tranh thì có thể được xem là "người
đi cứu nhân dân", là ‘hợp pháp", "chính nghĩa"; còn các
quốc gia dân tộc bị tiến công lại bị quy cho là nguyên nhân chủ yếu sinh ra chiến
tranh.
Sự
lẫn lộn trong xem xét tính chất, đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa của chiến
tranh không những bị chi phối bởi lập trường giai cấp, mà còn là hệ quả trực
tiếp của việc nhận thức mơ hồ mục đích chính trị của chiến tranh, của việc
"tước đi" bản chất thực sự của chiến tranh. Điều này càng trở nên
trầm trọng khi kẻ gây chiến tranh lại có một lực lượng "đồng minh"
đông đảo đa quốc gia và núp dưới danh nghĩa tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh:
Liên hợp quốc.
Cần
khẳng định rằng, luận điểm chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn
bạo lực vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Cái chính trị mà chiến
tranh kế tục ấy không phải là cái gì đó gọi là "văn minh" phi giai
cấp, phi ý thức hệ như S.Hun-ting-ton nói; mà là chính trị của một giai cấp
nhất định, của một nhà nước, một quốc gia nhất định. Cũng không thể cho rằng,
với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại đã làm cho chiến tranh chỉ là
sự đọ sức về khoa học và công nghệ giữa các bên tham chiến. Sự phát triển của
cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự, dù có diễn ra hết
sức sâu sắc, mà hiện nay chúng ta chưa có thể tiên lượng và phân tích hết được
những tác động của nó đến chiến tranh tương lai, cũng không có nghĩa là dẫn đến
sự thay đổi về nguồn gốc, bản chất, tính chất của chiến tranh. Dù cho chiến
tranh tương lai, hình thức có thể có nhiều thay đổi nhưng sử dụng sức mạnh quân
sự để khuất phục ý chí đối phương vẫn là mục đích của kẻ phát động chiến tranh.
Vũ khí công nghệ cao mà các cuộc chiến tranh sử dụng dù có hiện đại thế nào
chăng nữa nhưng chúng vẫn chỉ là phương tiện, công cụ để tiến hành chiến tranh.
Thứ ba, cần phải khẳng định bản
chất thực sự của chiến tranh; đồng thời làm rõ mục đích chính trị cụ thể mà
chiến tranh hiện nay kế tục là gì, có điều gì mới. Ở đây, luận điểm Lêninnít về
chiến tranh vẫn là cơ sở phương pháp luận khoa học cho phép lý giải bản chất
chính trị của các cuộc chiến tranh trên thế giới hiện nay. V.I.Lê-nin đã nhiều
lần nhấn mạnh và vạch rõ bản chất của chiến tranh. Người chỉ rõ: "Chiến
tranh chẳng qua chỉ là chính trị từ đầu đến cuối, chỉ là sự tiếp tục thực hiện
cũng những mục đích... của các giai cấp... với những phương pháp khác mà
thôi". "Chiến tranh là sự phản ánh chính sách đối nội mà nước đó đã
thi hành trước đây". Nghiên cứu bản chất Chiến tranh Thế giới lần thứ I,
V.I.Lê-nin viết: "Chính toàn bộ đường lối chính trị của toàn bộ hệ thống
các quốc gia ở châu Âu trong mối quan hệ kinh tế và chính trị của các quốc gia
đó mới là cái cần xem xét để hiểu được rằng điều tất nhiên, không thể tránh
được là hệ thống ấy đã gây ra cuộc chiến tranh hiện nay".
Muốn xác định mục đích chính trị cụ thể của chiến tranh
cần phải xem xét đường lối chính trị của các bên tham chiến: kẻ phát động chiến
tranh và người chống lại cuộc chiến tranh đó. Cuộc chiến tranh do Mỹ và phương
Tây phát động chống Nam Tư năm 1999, chống I-rắc năm 2003 được nhiều nhà quân
sự cho rằng có thể là các chiến tranh mang tính điển hình của thế giới đương
đại. Đây là ví dụ sinh động cho thấy mục đích chính trị thực sự của kẻ phát
động chiến tranh được biểu hiện trên hai vấn đề chủ yếu: mục đích chiến lược cơ
bản và mục đích chính trị cụ thể, trực tiếp.
Mục đích chiến lược cơ bản của Mỹ là đứng ra làm vai trò
sen đầm quốc tế, điều khiển, thao túng tất cả các quốc gia dân tộc trên thế
giới, kiến tạo trật tự thế giới mới đơn cực cho Mỹ chi phối, xác lập "giá
trị" Mỹ, mà theo cách diễn đạt của S.Hun-ting-ton thì đó là "văn minh
phương Tây", "văn hoá Mỹ" trên toàn hành tinh. Mục đích chiến
lược cơ bản ấy được thực hiện thông qua nhiều biện pháp chính trị, kinh tế, văn
hoá, đối ngoại... và đặc biệt là sử dụng vũ lực. Ở nơi nào dùng những biện pháp
phi quân sự không đạt được mục đích thì Mỹ lại sử dụng vũ lực; việc phát động
chiến tranh chống một quốc gia dân tộc nào đó, ở nơi nào đó là biện pháp
"cần thiết" để thực hiện những nhiệm vụ của mục tiêu chiến lược. Rõ
ràng, tham vọng trở thành bá chủ thế giới là nguyên nhân chủ yếu gây ra chiến
tranh và là chính trị mà các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động kế tục, chứ không
phải là sự đụng độ giữa các nền văn minh nào cả.
Mục
đích chiến lược cơ bản ấy quy định mục đích chính trị cụ thể, trực tiếp của
từng cuộc chiến tranh. Mục đích chính trị cụ thể của từng cuộc chiến tranh vừa
là sự biểu hiện mục đích chiến lược cơ bản trong từng trường hợp cụ thể, vừa
phản ánh tính đặc thù, riêng biệt của mục đích chính trị trong từng cuộc chiến
tranh. Ở cuộc chiến Kô-sô-vô, mục đích cụ thể của Mỹ và NATO tuyên truyền công
khai là đè bẹp ý chí phản kháng của nhân dân Nam Tư, buộc chính phủ Nam Tư chấp
nhận điều kiện do Mỹ đưa ra, đòi hạ bệ Tổng thống, thực chất đòi thay đổi thể
chế chính trị, biến Nam Tư thành nước nằm trong quỹ đạo của Mỹ. Trong chiến
tranh chống I-rắc, mục đích cụ thể của Mỹ cũng là nhằm làm cho nước này thành
quốc gia phát triển theo những "giá trị" Mỹ. Như vậy là, cho dù mục
đích cụ thể của từng cuộc chiến tranh chống các quốc gia độc lập có chủ quyền
có khác nhau, nhưng đều là sự tiếp tục đường lối chính trị đối nội, đối ngoại
phản động của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, đều nhằm xác lập
"giá trị" phương Tây, "giá trị" Mỹ lên các quốc gia dân tộc
đó; và đều là sự thể hiện chủ nghĩa cường quyền mới của chủ nghĩa đế quốc, đứng
đầu là Mỹ.
Phương pháp luận khi xem xét nguồn gốc, bản chất, tính
chất của chiến tranh trong thời đại ngày nay vẫn là phải xem xét bản chất giai
cấp và đường lối chính trị của quốc gia tiến hành chiến tranh, phải
"nghiên cứu chính trị được tiến hành trước chiến tranh, chính trị đang dẫn
đến và đã dẫn đến chiến tranh" như Lê-nin từng dạy. Nếu mục đích chính trị
của kẻ phát động chiến tranh là "áp đặt ý chí" của mình cho đối
phương, thì việc chống lại sự "áp đặt ý chí" ấy là mục đích chính trị
trực tiếp của các quốc gia dân tộc bị tấn công nhằm chống lại kẻ thù, bảo vệ
độc lập chủ quyền của mình. Đó là cuộc chiến tranh để khẳng định và bảo vệ
"quyền dân tộc tự quyết" - như Lê-nin nói - của các quốc gia dân tộc
chống chủ nghĩa cường quyền mới của chủ nghĩa đế quốc.
Nhiều
học giả phân tích rằng, trong thời đại ngày nay một cuộc chiến tranh nổ ra giữa
hai nước sẽ có thể dẫn đến sự can thiệp của cả cộng đồng quốc tế. Với sự phát
triển mạnh mẽ của hệ thống truyền thông và các phương tiện thông tin hiện đại,
và với những lợi ích đan xen, ràng buộc lẫn nhau giữa các quốc gia, cuộc chiến
tranh xảy ra giữa hai nước trong một thời gian rất ngắn sẽ tập trung sự chú ý
của cộng đồng thế giới. Do quan điểm, lập trường và lợi ích khác nhau sẽ hình
thành một sự "tập hợp lực lượng" của các bên tham chiến. Điều đó càng
làm cho cuộc chiến tranh không chỉ có tính chất nội bộ của riêng hai nước, mà
có thể xuất hiện các liên minh quốc gia chống lại nhau. Mục đích chính trị của
cuộc chiến tranh ấy vẫn lấy mục đích chính trị của "quốc gia chủ thể"
làm trục xoay.
Chiến tranh
trong thời đại ngày nay không chỉ là sự phản ánh chính trị cụ thể của các bên
tham chiến, mà còn thể hiện những mâu thuẫn của thời đại; là sự thể hiện bản
chất và tham vọng của chủ nghĩa đế quốc; là cuộc đấu tranh của các lực lượng
chính trị đối lập nhau mang tính toàn cầu; chứ tuyệt nhiên không phải là
"sự đụng độ giữa các nền văn minh", hay "chiến tranh qua các nền
văn minh" phi ý thức hệ như luận thuyết của S.Hun-ting-ton.
VĂN TOÁN