Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, April 13, 2018 , 0 bình luận

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được Đảng và nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn, được kiên trì, kiên định triển khai thực hiện suốt từ năm 1930 đến nay, nhờ đó, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đừng lật lọng về những kẻ tội đồ của dân tộc Việt Nam


Điều hiển nhiên và được lịch sử dân tộc minh chứng rất rõ ràng đó tưởng chừng như không có gì cần phải bàn luận thêm. Vậy mà hiện nay vẫn có những giọng điệu lạc lõng, đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn và đi theo con đường khác, vì họ cho rằng đó là “con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt”. Họ ra sức lợi dụng sự kiện chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cho rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung, đảng cộng sản đã hết vai trò lịch sử; rằng nước ta kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu. Họ cố tình xuyên tạc: “Chủ nghĩa xã hội mà C.Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội không tưởng; không bao giờ thực hiện được”; rồi khuyến nghị, “khuyên” Đảng ta cần phải đi theo con đường khác theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”...



Đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản động, phản khoa học. Mục đích của những kẻ tung ra luận điệu trên là rất rõ ràng, nếu chưa thể xóa bỏ được chủ nghĩa xã hội, lái nước ta đi theo con đường khác - con đường tư bản chủ nghĩa, thì cũng làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Những luận điệu chống phá đó được lặp đi lặp lại nhiều lần với cách thức biểu hiện khác nhau, khi trắng trợn, lúc tinh vi, khi rầm rộ, lúc “lặng lẽ, âm thầm”, với các giọng điệu, cung bậc khác nhau, song chung một kiểu “mưa dầm thấm lâu”, được tung lên không gian mạng, trên Internet nên rất nguy hiểm.

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thực sinh động, là minh chứng làm phá sản những quan điểm thù địch, sai trái; đồng thời, làm cho nhân dân ta nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn, vững tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường mà dân tộc ta đang đi, cái đích chúng ta sẽ đến.

Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là kiên định con đường đúng đắn mà lịch sử dân tộc, nhân dân ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn

Không thể nói rằng, đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm. Con đường của chúng ta lựa chọn và đang đi là đúng đắn, mục tiêu hướng tới của chúng ta là tốt đẹp. Tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được khẳng định về mặt lịch sử, được luận giải rõ ràng về mặt lý luận và được kiểm nghiệm sinh động về mặt thực tiễn suốt tiến trình cách mạng Việt Nam 88 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những thập niên đầu của thế kỷ XX, vấn đề xóa bỏ gồng xiềng, xích sắt, áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc, thực hiện “giải phóng dân tộc”, giành độc lập, tự do là vấn đề hàng đầu của dân tộc Việt Nam. Giải quyết vấn đề này trong thực tiễn lịch sử đã có nhiều lập trường, quan điểm và cách thức khác nhau. Các phương hướng và cách thức giải quyết đã được lịch sử khảo nghiệm và đi đến phương án lựa chọn cuối cùng. Từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài đến đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng có xu hướng bạo động của Phan Bội Châu, phong trào có xu hướng cải cách của Phan Chu Trinh, đến cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học là những phong trào theo hệ tư tưởng phong kiến hoặc theo hệ tư tưởng tư sản, đều đã được lịch sử kiểm nghiệm, song vẫn không phải là con đường đúng đắn, hiệu quả để cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc, mà trái lại, vẫn bế tắc, lâm vào đường cùng, ngõ cụt, làm cho tình hình đất nước đen tối, không có đường ra. Thực tiễn đó khẳng định: Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải tìm một con đường khác, phải đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường duy nhất đúng đắn, có thể cứu nước, cứu nhà, giải phóng dân tộc; đưa nhân dân thoát khỏi thân phận bị áp bức, bóc lột, là nô lệ của ngoại bang. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) trên đường tìm đường cứu nước đã khẳng định như vậy; lịch sử Việt Nam đã khảo nghiệm và lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phải đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, do Đảng Cộng sản Bônsêvích của V.I.Lênin lãnh đạo. Đó là sự lựa chọn của lịch sử, là một tất yếu khách quan, là sự vận động hợp quy luật của lịch sử Việt Nam trong bối cảnh mới. “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và thời đại, thể hiện rõ khát vọng sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Những kẻ đưa ra luận điệu lạc lõng trên cần nhớ lại sự thật lịch sử này và tính tất yếu khách quan mà thời cuộc đưa đến; không thể chà đạp lên sự thật, bóp méo chân lý, vùi dập đạo lý; tước bỏ khát vọng cháy bỏng của cả một dân tộc thiết tha yêu chuộng hòa bình, muốn được sống trong độc lập, tự do, mong muốn được sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. 88 năm qua, nhân dân ta đi theo con đường ấy đã đạt được những thắng lợi và thành tựu to lớn, đáng tự hào trên cả phương diện giữ nước và dựng nước. Thử hỏi, nhân dân ta có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, phải chăng là Trời ban cho, Chúa mang đến, nhờ sự may rủi hay là kết quả kiên quyết, kiên trì đấu tranh bền bỉ, dẻo dai với bao nhiêu tổn thất, hy sinh xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam đã đứng lên chiến đấu dũng cảm, kiên cường để chống thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai; đã kiên định mục tiêu, lý tưởng, đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà nhân dân ta đã lựa chọn? Đúng như vậy! Chủ nghĩa xã hội khi đang là phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam, đã tạo nên động lực vô cùng to lớn, hội tụ và kết tinh sức mạnh của cả một dân tộc để “rời non, lấp biển”, làm nên Cách mạng tháng Tám, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đã làm nên Đại thắng mùa Xuân vĩ đại năm 1975, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thật, lịch sử đã ghi nhận, nhân dân thế giới đã biết; không ai có thể chối cãi được.

Nhớ lại, khi nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một phần đất nước, thì chính những thành quả tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã tạo ra sức mạnh và trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, cung cấp kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam thì đế quốc Mỹ liệu có cúi đầu, cuốn cờ về nước và liệu lịch sử có ghi dấu mốc Hiệp định Paris tháng 01-1973 hay không?

Tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đã được khẳng định rõ ràng trong thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam. Hiện nay, nhân dân ta đang vững bước đi trên con đường ấy, ra sức đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với một vị thế và tư thế mới của những người làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Với những định hướng, chủ trương và giải pháp lớn, nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, nhân dân Việt Nam vững tin hướng tới tương lai. Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao đã và đang đem lại cho dân tộc ta, nhân dân ta sự tự tin và sức mạnh mới, không có thế lực nào có thể cản bước, ngăn đường chúng ta đi tới.

Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và địa vị làm chủ chân chính cho nhân dân, nâng tầm cao uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhiều lần khẳng định như vậy. Đó là thực tế, là hiện thực sinh động để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, cho rằng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm. Những kẻ đưa ra luận điệu này đã không hiểu (hay cố tình không hiểu) lịch sử và bản chất thực sự của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân ta đang đi tới thì mới nói thiếu suy nghĩ với giọng điệu thâm thù, quay lưng lại lịch sử, điên cuồng chống đối chế độ, phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân. Việc cố tình nhạo báng lịch sử, xuyên tạc sự thật, lật ngược, bôi đen một học thuyết khoa học, cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, biện pháp đấu tranh để xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công; thực hiện giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng nhân loại; xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tốt đẹp phải là một học thuyết tràn đầy sinh khí, sức sống, tinh thần nhân văn, nhân đạo. Đồng thời, vạch ra một con đường đấu tranh cách mạng, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân..., người có lương tâm, có trí tuệ, tự xưng là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào... thì lẽ ra phải bảo vệ lẽ phải, sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và thành quả của cách mạng Việt Nam. Trái lại, bất kể là ai, thế lực nào phủ nhận học thuyết là gây tội ác, đánh tráo khái niệm, tự lấy tay chọc vào mắt mình, cam chịu nhục nhã để làm tay sai cho các thế lực thù địch. Dân tộc này, đất nước này, hơn 90 triệu người dân cực lực phản đối và không dung thứ những kẻ đang gây tội ác.

Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật lịch sử, chứ không phải là “đi vào vết xe đổ của Liên Xô” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị

Thời đại hiện nay mà chúng ta đang sống mang hai nội dung chính yếu, thống nhất biện chứng trong tổng thể của sự vận động, phát triển của thế giới đương đại mà thế kỷ XXI đã, đang và sẽ chứng kiến, đó là sự quá độ của xã hội loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại là nội dung chủ yếu của thời đại, là cái nhìn tổng quát, mang tính biện chứng, khách quan, khoa học, từ góc độ hình thái kinh tế - xã hội; và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, xét từ góc độ kinh tế - kỹ thuật, sự phát triển của lực lượng sản xuất mới.

Lịch sử thế giới từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đến nay đã có những thay đổi và biến động hết sức to lớn, sâu sắc. Chủ nghĩa xã hội từ lý luận đã trở thành hiện thực sinh động; từ một nước trở thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, là chỗ dựa và là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của các phong trào cách mạng khắp hành tinh; rồi từ hệ thống thế giới còn lại những nước tiếp tục xây dựng, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa với diện mạo mới, sức sống mới. Điều đó phản ánh những bước thăng trầm, quanh co, khúc khuỷu nhưng tất thắng của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một học thuyết khoa học và cách mạng, một hình thái kinh tế - xã hội và với tư cách một chế độ xã hội mới đầy ưu việt mà nó vốn có, là sự kết tinh tất cả những thành tựu tinh hoa mà các hình thái kinh tế - xã hội trước đã tạo ra, trên con đường đấu tranh khẳng định sự tồn tại hợp quy luật của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy nhân loại. Đi lên chủ nghĩa xã hội là xu thế vận động khách quan của lịch sử, vì thế, sẽ chẳng có thế lực nào, dù có dã tâm thâm độc với đầy mưu ma chước quỷ và sức mạnh quấy phá đến đâu, cũng không thể “nắn” lại xu thế ấy hoặc cố tình lấy gậy chọc bánh xe, nuôi hy vọng chặn bước, ngăn đường, cản trở lịch sử.

Thực tế tồn tại, phát triển và những thành tựu to lớn, công lao vĩ đại của chủ nghĩa xã hội hiện thực đối với loài người tiến bộ trên thế giới trong gần một thế kỷ qua đã chứng tỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa là lý tưởng phù hợp với quy luật vận động, phát triển khách quan của lịch sử; chủ nghĩa xã hội là giá trị nhân văn của nhân loại. Mọi người đều rõ, chính Liên Xô, đất nước - quê hương của Cách mạng tháng Mười Nga, đã cùng với các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ, là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít; chính Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa là trụ cột của hòa bình và cách mạng, làm nguội đi những cái đầu hiếu chiến của các thế lực đế quốc, phát xít, bảo đảm nền hòa bình của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX. Không có Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực thì giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới vẫn chìm đắm trong sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Và trong gần 100 năm qua, nếu như chủ nghĩa tư bản có sự tiến bộ nào đó về mặt xã hội, thì đó cũng là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, liên tục của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và sự ảnh hưởng to lớn bởi những giá trị nhân văn, vì con người của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới. Tính chất ưu việt, bản chất hòa bình, nhân đạo, nhân văn và cống hiến của chủ nghĩa xã hội đã được lịch sử kiểm nghiệm, khẳng định, không thể bác bỏ, dù thời cuộc có đổi thay, dù lịch sử đang diễn ra những bước quanh co, phức tạp, song tính chất của thời đại và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, chủ nghĩa xã hội đến sớm hay muộn, bằng hình thức này hay hình thức khác, thành công sớm ở nơi này hay nơi khác mà thôi.

Đến nay, chủ nghĩa xã hội hiện thực đang ở thập kỷ thứ mười của sự phát triển với những bước thăng trầm gồm cả những thành tựu, công lao to lớn đối với nhân loại và cả những tổn thất nặng nề, để rồi một số nước còn lại tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cho chủ nghĩa xã hội hiện thực một diện mạo mới năng động, sáng tạo và phong phú hơn. Hiện nay, gần 1,5 tỷ người trên hành tinh vẫn đang đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với những thành tựu đáng trân trọng, tự hào. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, nhưng sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã chứng minh một cách rõ ràng chủ nghĩa xã hội là hiện thực, là thực tế, đã và đang đổi mới, được xây dựng, phát triển trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá khứ; từ sự nhận thức lại và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới, dựa trên cơ sở “hiện thực khách quan” mới, dựa chắc vào đặc điểm, đặc thù của từng quốc gia - dân tộc. Điều đó cho thấy sức sống mới của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh lịch sử mới là vô địch.

Thử hỏi, thế nào là “đi vào vết xe đổ của Liên Xô”? Phải chăng những kẻ bất đồng chính kiến, đối lập với quan điểm của Đảng, Nhà nước và chế độ ta, chống phá cách mạng Việt Nam muốn nói rằng, chúng ta cứ đi theo con đường chủ nghĩa xã hội thì sẽ dẫn đến đổ vỡ như mô hình Liên Xô!? Nếu là vậy thì họ đã chẳng hiểu gì về chủ nghĩa xã hội và thực chất sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu; họ cũng không hiểu (hay cố tình không hiểu) Việt Nam đã và đang đổi mới như thế nào suốt hơn 30 năm qua để xây dựng chủ nghĩa xã hội thực sự năng động, sáng tạo theo một lý tưởng tốt đẹp và hiện thực. Mưu đồ thực sự của họ là gì? Phải chăng là muốn lái đất nước này đi theo con đường khác, con đường tư bản chủ nghĩa - một con đường mang bản chất bóc lột và bất công, một con đường mà lịch sử Việt Nam đã khước từ bởi nó phi nhân tính và đầy rẫy bất công, tội ác.

Cần khẳng định rõ rằng, sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội đã lạc hậu, không đồng nghĩa với sự sụp đổ của học thuyết khoa học, cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng không phải là sự cáo chung của lý tưởng cộng sản mà Cách mạng tháng Mười Nga đem lại, càng sai lầm nếu nghĩ đó là sự kết thúc của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin xây dựng nên. Sự sụp đổ đó là một bài học đắt giá, đã khách quan tạo cho những người cộng sản có thêm những dữ liệu mới đối với việc nhận thức như thế nào cho đúng, bổ sung và hoàn thiện hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội, trở về đúng với quan điểm, lập trường của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, để phát triển đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử mới.

Chúng ta kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là kiên định con đường vận động khách quan của lịch sử, là kiên định một lý tưởng tốt đẹp và hiện thực, nhân văn, nhân đạo. Đó là đi theo lý tưởng và những giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga, những thành quả và giá trị nhân văn tốt đẹp mà hơn 70 năm nhân dân Liên Xô bằng xương máu của mình đã tạo dựng nên. Tuyệt nhiên đó không phải là rập khuôn máy móc, làm theo một mô hình đã lạc hậu, cùng những sai lầm mang tính hệ thống trong cải tổ, không phải là “đi theo vết xe đổ của Liên Xô” như sự công kích của các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị thường rêu rao, tung hứng. Những kẻ công kích, chống phá chúng ta đã cố tình “đổ dầu vào lửa”, muốn những người nhẹ dạ, cả tin, bị lừa gạt hiểu sai với dụng ý xấu về sự đổ vỡ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết.

Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là trung thành với con đường đã lựa chọn và tiếp tục hiện thực hóa con đường đó trong hiện thực

Chúng ta kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là đi tiếp lịch sử dân tộc đã từng đi trong suốt 88 năm qua, là sự nối tiếp hiện thực - thực tiễn chủ nghĩa xã hội đã có và đang có ở Việt Nam, kiên định con đường thực tiễn mà nhân dân ta đang đi, kiên định mục tiêu hiện thực mà chúng ta đang hướng tới, đồng thời là nối tiếp thành quả cách mạng của nhân dân ta và nâng lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là giải pháp tổng quát duy nhất đúng, tối ưu nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để xây dựng nước ta thực sự giàu mạnh, văn minh, nhân dân ta thực sự có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Chúng ta kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là cụ thể hóa, hiện thực hóa con đường ấy trong đời sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam - đó là mệnh lệnh của cuộc sống. Vì vậy, tiếp tục đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Đại hội XII của Đảng là quá trình làm cho đất nước ngày càng phồn thịnh, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được bảo đảm và thể hiện sinh động trong đời sống xã hội; uy tín và vị thế đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là quá trình hiện thực hóa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời kỳ mới.

Thực tế lịch sử cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thực sinh động, là minh chứng hùng hồn làm phá sản những âm mưu, thủ đoạn thù địch, quan điểm sai trái, đồng thời làm cho nhân dân ta càng nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn, vững tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường chúng ta đang đi tới. Không có chủ nghĩa xã hội thì làm sao có được độc lập dân tộc thực sự và triệt để, làm sao nhân dân ta được làm chủ và hạnh phúc, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế như hôm nay.

Nhân loại biết đến và đánh giá cao Việt Nam không chỉ vì nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường và chiến thắng các đế quốc như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mà còn biết nhiều hơn thế vì chúng ta gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ và tự hào trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta không phủ nhận những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình phát triển đi lên, nhưng có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngày hôm nay là sự nỗ lực, cố gắng rất đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đúng là nước ta còn nghèo, thu nhập còn ở mức trung bình thấp, nhưng đó không phải là lỗi của con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc ta lựa chọn mà do chính thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch, tay sai đã kéo lùi sự phát triển của đất nước ta. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua là bằng chứng hùng hồn của sự vươn lên, khẳng định quá trình chấn hưng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Con đường và mục tiêu ưu việt như thế, thành tựu mà nhân dân ta đạt được to lớn, có ý nghĩa lịch sử là thế, sao một số người lại cả gan, bạo mồm vu khống trắng trợn, quy kết chúng ta sai lầm, là “đi vào vết xe đổ của Liên Xô”? Những kẻ đưa ra luận điệu này đã cố tình xuyên tạc bản chất ưu việt của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; cố tình xuyên tạc thực tiễn chủ nghĩa xã hội đã và đang được xây dựng ở Việt Nam. Mục tiêu cơ bản và âm mưu đen tối, lâu dài của chúng không hề thay đổi là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng lái nước ta đi theo con đường, quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản có lợi cho chúng.

Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta kiên quyết bảo vệ con đường đó, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Cần đặt thêm câu hỏi, nếu không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thì nước ta sẽ đi theo con đường nào? Câu hỏi này, họ đã tự trả lời bằng cách “khuyên” chúng ta phải đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản đang đi! Chúng ta không phủ nhận nhiều giá trị của chế độ tư bản, nhưng chế độ đó vẫn là chế độ nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và người lao động, đầy rẫy bất công, do nó sinh ra “mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học và bạo lực...” như chính Giáo sư Paul Mishler, Trường Đại học bang Indiana đã từng nhận xét.

Những người đưa ra luận điệu chống phá, rồi cố tình “khuyên” chúng ta phải theo con đường chủ nghĩa tư bản phải thấy rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại dù có biến đổi, thích nghi thì về bản chất vẫn là chủ nghĩa tư bản, là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ở trình độ cao chứ không hề có sự thay đổi bản chất, tuy có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn là chế độ bóc lột, bất công và đầy mâu thuẫn. Ở trong lòng xã hội tư bản hiện đại, đời sống của người lao động tuy có được cải thiện, nhưng đó là sự cải thiện do tiến bộ chung của xã hội, số người lao động bị thất nghiệp, số người nghèo khổ ngày càng tăng lên không ngừng. Sự phát triển của các tập đoàn tư bản, các công ty tư bản xuyên quốc gia cùng sự bòn rút tài nguyên và bóc lột nhân dân nhiều nước thuộc thế giới thứ ba; các cuộc chiến tranh đẫm máu chống các quốc gia độc lập có chủ quyền trên thế giới do chủ nghĩa đế quốc phát động... là nguyên nhân chủ yếu khiến hàng trăm triệu người bị đe dọa chết đói, hơn một tỷ người sống trong cảnh khốn cùng, thất nghiệp, gần một tỷ người mù chữ... Đi từ kinh tế thị trường tự do đến chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể tìm ra lối thoát bởi tính chất ăn bám, bóc lột của nó. Thực chất của chế độ tư bản, như Giáo sư Jefferey Sachs ở Đại học Columbia (New York) cho rằng, là “của 1%, do 1% và vì 1%” (của số người chiếm 1% dân số, do số người chiếm 1% dân số và vì số người chiếm 1% dân số).

Tất cả điều đó đã nói lên tính chất ăn bám, bóc lột, phản động và tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa ấy, chế độ ấy không thể là sự lựa chọn của nhân dân ta.

Đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế lịch sử, chúng ta tiếp tục kiên định và hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn. Luận điệu cho rằng nước ta kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là “đi vào vết xe đổ của Liên Xô” thực chất là luận điệu phi lịch sử, phản nhân dân, phản dân tộc, không đánh lừa được ai.

Sự nghiệp xây dựng xã hội mới ở nước ta thật sự khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng cũng có những thuận lợi cơ bản và thời cơ lớn. Với thế và lực mới của đất nước hiện nay, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, chúng ta sẽ tận dụng, phát huy được thuận lợi, tranh thủ được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục nguy cơ, thực hiện thắng lợi mục tiêu theo con đường đã chọn. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, đó là câu trả lời rõ ràng, đanh thép của chúng ta, đó là vũ khí sắc bén để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Nguyễn Bá Dương (Học viện chính trị Công an nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X