Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, December 26, 2018 , 0 bình luận

Nếu tôi không nhầm, đạo Tin lành xâm nhập và phát triển ở miền núi nước ta đã hơn 20 năm. Theo thống kê của của các cơ quan chức năng, số lượng các tộc người thiểu số theo đạo này ở các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 100.000 người (chủ yếu là người Hmông, và một ít người Dao).


Hiện tượng xã hội này rất đáng được quan tâm nghiên cứu. Nó là một phần trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của các tộc người thiểu số vùng cao. Chúng ta thử bàn về tác động của hình thức tôn giáo này đến các mặt đời sống xã hội, đặc biệt với đồng bào Hmông.
Cộng đồng người HMông vẫn sản xuất tự cấp tự túc là chủ yếu

Bất kỳ một hiện tượng xã hội nào xuất hiện chúng ta không nên chụp mũ, quy kết chủ quan, theo hướng tiêu cực, chủ nghĩa duy vật biện chứng dạy chúng ta vậy. Chúng ta hãy bình tĩnh suy xét một cách khách quan, toàn diện, đánh giá đúng thực trạng và tìm ra giải pháp đúng cho bài toán hiện thực. Về tác động của đạo Tin lành trong các tộc người thiểu số các nhà nghiên cứu và quản lý xã hội thừa nhận rằng sự xuất hiện của nó có cả tích cực và tiêu cực.
Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định sự phát triển của đạo Tin lành có những tác động tích cực đối với tộc người Hmông. Trước hết, nó làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sống của một phần dân cư; đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ, đó là ước mơ vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những điều răn dạy mà đạo Tin lành nêu ra phù hợp với nhu cầu của bà con; nó có tác dụng giáo dục con người hoàn thiện đạo đức cá nhân; thực hiện tốt điều răn giúp đồng bào giảm bớt gánh nặng từ phong tục tập quán lạc hậu trong tổ chức ma chay, cưới xin, chữa bệnh; góp phần hạn chế tiêu cực ở cộng đồng như trộm cắp, ngược đãi, bạo hành trong quan hệ vợ chồng, cha con, hạn chế rượu say, cờ bạc. Các sinh hoạt tôn giáo đậm chất cộng đồng, hấp dẫn quần chúng, đặc biệt là lớp trẻ và phụ nữ. Đó là những hình thức hoạt động mà phong trào “xây dựng nếp sống văn hóa”, ”Xây dựng nông thôn mới”... chúng ta đã vận động từ lâu, mất nhiều công sức và tiền bạc nhưng hiệu quả còn rất thấp.
Các nghi lễ tang ma ở bộ phận người Hmông theo đạo Tin lành được đơn giản hóa. Thủ tục nhiêu khê trước đây được thay bằng các nghi thức của đạo: người chết không để trong nhà quá 24 tiếng; có thể chôn cất bất cứ ngày giờ nào, trừ chủ nhật; khi chôn cất, chỉ cần cắm cây thánh giá lên mộ; không cần thực hiện các nghi lễ chỉ đường, thổi kèn, đuổi ma người Hán, không phải đưa quan tài người chết ra khỏi nhà làm ma
Ảnh hưởng vùng miền khá rõ nét

Giáo lý Tin lành quan niệm con người có hai phần, khi chết thể xác ở lại trong mồ, trở về với cát bụi; phần linh hồn nếu là người tốt sẽ được lên thiên đàng với Chúa, còn người xấu phải xuống địa ngục. Bởi thế, không cần lễ cúng ba ngày, cúng ma tươi, ma khô, ma bò… với hàng loạt nghi lễ phiền phức tốn kém. Khi ốm đau, những người truyền đạo khuyên mọi người hãy cầu Chúa và đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, không cúng ma; phải ăn ở hợp vệ sinh để phòng ngừa bệnh tật.
Ở một số địa phương, những tín đồ Tin lành Hmông khuyến khích con em mình đi học chữ, chủ yếu học tiếng Hmông La tinh để đọc được kinh thánh, hát được thánh ca. Trên nhiều địa bàn người Hmông sinh sống đã xuất hiện các nhóm tập trung học chữ như kiểu bình dân học vụ ngày xưa. Dù học với động cơ gì cũng rất tốt trong quá trình phát triển!
Những người Hmông theo đạo được khuyên nên đẻ ít con để nuôi dạy cho tốt, coi con gái cũng như con trai. Cũng như một số dân tộc khác từ bao đời nay, người Hmông có tâm lý thích sinh con trai hơn con gái, bởi theo tập tục, con trai sẽ là người lo hậu sự cho bố mẹ, không có con trai sẽ không có người chôn cất, thờ cúng, linh hồn sẽ lang thang, đói khổ và không trở về được với tổ tiên. Còn theo giáo lý đạo Tin lành, con người khi chết, linh hồn về với Chúa. Vì thế, tâm lý muốn sinh con trai bằng được không còn quá quan trọng trong tâm lý người Hmông theo đạo.
Những người theo đạo Tin lành được răn dạy phải đùm bọc, giúp đỡ nhau khi ốm đau, trong lao động sản xuất và trong đời sống; khuyến khích nhau tiết kiệm, lao động làm giàu. Bởi vì “đạo Tin lành coi lao động là trách nhiệm hằng ngày, là nghĩa vụ trước Chúa, phải biết tiết kiệm, không say sưa rượu chè…” và đối với Tin lành “thái độ lười lao động, không muốn kiếm nhiều tiền hơn, bần cùng, lang thang ăn xin, ăn mày bị coi là có tội, là không thực hiện lời răn của Chúa”.
Những điều này phù hợp với tâm lý và mong muốn của người Hmông nên đã thuyết phục được họ. Qua tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương, đến nay, phần lớn đồng bào theo đạo Tin lành chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Vương Duy Quang người đã có nhiều công trình nghiên cứu về đạo Vàng Chứ, Tin lành trong tộc người Hmông Việt Nam cho rằng sự xuất hiện của đạo Vàng Chứ, Tin lành như liều thuốc tinh thần đáp ứng phần nào lòng mong mỏi của một bộ phận người Hmông đang hẫng hụt niềm tin, giúp cho một bộ phận đồng bào có điểm tựa nhất định về tâm linh. Ý kiến này rất đáng được quan tâm, nghiên cứu.
Sinh hoạt cộng đồng là nhu cầu của bà con

Ngày 4/2/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với tôn giáo. Trong đó, đối với đạo Tin lành miền núi phía Bắc, hướng giải quyết là công nhận, động viên đồng bào sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, nơi nào có nhu cầu hướng dẫn bà con đăng ký sinh hoạt ở địa điểm thích hợp tại khu dân cư. Người nào muốn trở về với tín ngưỡng truyền thống thì tạo mọi điều kiện thuận lợi. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào.
Cũng như nhiều tộc người khác ở nước ta, dân tộc Hmông vốn có một nền văn hóa lâu đời, đậm bản sắc. Họ là cộng đồng có bản lĩnh và ý chí vượt lên hoàn cảnh khó khăn để tồn tại và khẳng định mình. Văn hóa truyền thống của tộc người Hmông rất đa dạng và độc đáo, được thể hiện qua các loại hình như truyền thuyết, truyện cổ, lễ hội, dân ca, âm nhạc, múa… Hầu hết nam nữ thanh niên đều biết hát và biết sử dụng dụng nhạc cụ như sáo, khèn, đàn môi… Những cái đó làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của tộc người Hmông.
Tuy nhiên, sự phát triển đạo Tin Lành có mặt thiếu chọn lọc đã làm cho văn hóa của người Hmông bị phá vỡ. Các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng tổ tiên, thờ danh nhân, thờ thổ địa, đặc biệt quên lãng huyền thoại, truyện cổ, đàn sáo, dân vũ, hát dân ca, lễ hội... chỉ còn tập trung đọc kinh và hát thánh ca... Điều này, xem ra có gì đó bất ổn. Phải chăng tinh hoa văn hóa tinh thần, văn hóa ứng xử của dân tộc đang bị lãng quên.
Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng rất đặc trưng của dân tộc Hmông. Nó thể hiện đạo lý, là dịp để người Hmông nhớ về người thân đã khuất và cầu xin tổ tiên phù hộ cho tương lai tốt đẹp. Nhưng những người theo đạo Tin lành đã từ bỏ thờ cúng tổ tiên với lý do rất đơn giản là thờ ông bà tổ tiên đã bao đời rồi, nhưng đến nay vẫn nghèo khổ. Do vậy, họ từ bỏ, đến với chúa mới hy vọng tìm cho mình một lối thoát.

>>Mời bạn đọc tiếp: Phần 2: Mấy suy nghĩ về Đạo Tin Lành với cộng đồng người miền núi
HTG (Tầm nhìn)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X