Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, December 29, 2018 , 0 bình luận

Mặc dù còn có những hạn chế bởi điều kiện lịch sử khi ra đời và những khác biệt về quan điểm chính trị giữa các thành viên trong Ban Soạn thảo cũng như giữa các quốc gia, song có thể nói những tư tưởng lớn của “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” về đạo đức, chính trị và pháp lý cho đến nay vẫn mang giá trị thời đại.

Ảnh minh họa - Nguồn: tuyengiao.vn



Giá trị thời đại của “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” 
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Liên hợp quốc chính thức ra đời vào ngày 24-10-1945. Trước đó, tại hội nghị thành lập Liên hợp quốc (từ ngày 25-4 đến ngày 26-6-1945) ở Xan Phran-xi-xcô (Mỹ), cùng với việc ký kết Hiến chương Liên hợp quốc, việc soạn thảo một bản “Tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người” đã được thông qua nhằm thực hiện những mục tiêu cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc là “quyền con người, hòa bình - an ninh và phát triển”. Bản thảo của bản tuyên ngôn đó sau này trở thành “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” (sau đây viết tắt là “Tuyên ngôn”), được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10-12-1948 bằng Nghị quyết số 217A(III). Cho đến nay, tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa, đều coi văn kiện này là mục tiêu chung mà nhân loại cần hướng tới. Ngoài Lời mở đầu, “Tuyên ngôn” gồm 30 điều về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. “Tuyên ngôn” đã đặt cơ sở cho việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người trên thế giới trong 70 năm qua. Vì thế, ngày 10-12 hằng năm được tôn vinh là Ngày nhân quyền quốc tế và được các nước trên thế giới kỷ niệm long trọng. 
Về giá trị đạo đức, trong Lời nói đầu, bản “Tuyên ngôn” ghi rõ: “Việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới”. Việc khẳng định phẩm giá vốn có của con người là một bước phát triển lớn trong tư tưởng đạo đức của nhân loại, bởi vì trước đó, thậm chí cho đến nay, vẫn còn không ít người cho rằng, con người là một sự “sáng tạo” của một đấng siêu nhiên nào đó. Sự khẳng định này xác định rằng, không một lực lượng siêu nhiên nào, mà chỉ con người, bằng lao động và quan hệ có tính loài người của mình, là chủ thể duy nhất sáng tạo ra phẩm giá của mình, cho mình và vì bản thân mình. Theo đó, phẩm giá con người là luôn luôn hiện hữu, bình đẳng, không thể bị xem thường, không thể bị phân biệt đối xử và không thể bị tước đoạt bởi sự áp bức, bóc lột, bởi tệ phân biệt giới tính, chủng tộc, dân tộc, giai cấp hay phân biệt giàu nghèo,... Con người có niềm tin vào phẩm giá của mình và việc tôn trọng phẩm giá con người là đạo lý nền tảng của mỗi con người. “Tuyên ngôn”coi những cố gắng liên tục ở mọi phạm vi và cấp độ để hiện thực hóa việc thụ hưởng các quyền con người trên thế giới là chuẩn mực về đạo lý là người - làm người của mỗi người và của cả loài người.
Về giá trị chính trị, “Tuyên ngôn” khẳng định và hơn nữa, còn mở rộng các nguyên tắc về quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và được thể hiện trong hàng loạt văn kiện về quyền con người sau này, như không phân biệt giới tính, chủng tộc, dân tộc,... Đối với việc thực hiện quyền con người ở phạm vi mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới, “Tuyên ngôn” luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các cuộc tranh luận công khai về chính trị, ngoại giao. Bởi lẽ, kể từ khi Liên hợp quốc thông qua “Tuyên ngôn” cho đến nay, trong cộng đồng quốc tế vẫn tồn tại những mâu thuẫn, khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong bối cảnh đó, văn kiện này là công cụ chính trị quan trọng góp phần giải quyết những mâu thuẫn, sự khác nhau giữa các dân tộc, quốc gia nhằm duy trì an ninh - hòa bình, phát triển và duy trì sự tồn tại của thế giới loài người như một cộng đồng thống nhất. Sự khẳng định trong “Tuyên ngôn” về việc bảo vệ nền hòa bình thế giới trên cơ sở tôn trọng quyền con người là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để giải quyết những bất đồng về chính trị giữa các dân tộc, quốc gia trên thế giới.
Gắn liền với mục tiêu bảo vệ hòa bình, “Tuyên ngôn” còn khẳng định những tư tưởng nhân văn, chính trị cao cả, sâu sắc, nhằm làm cho nhân loại “thoát khỏi nỗi sợ hãi vì đói nghèo”; “quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền”; “các quốc gia thành viên tự cam kết... thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người”... 
Về giá trị pháp lý, “Tuyên ngôn” nêu một hệ thống các quyền cơ bản của con người và coi các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa là ngang hàng với các quyền con người về dân sự, chính trị. Sau này, Tuyên bố và Chương trình hành động được Hội nghị quốc tế lần thứ hai về quyền con người thông qua năm 1993 khẳng định: Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải đối xử với các quyền con người trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, với cùng một nền tảng và coi trọng như nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo; các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người.
Nội dung của “Tuyên ngôn” là những quy định có tính pháp lý về các quyền và tự do cơ bản của con người, gồm 30 điều cụ thể về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. 
Các quyền dân sự được hiểu là những quyền cá nhân, gắn chặt với nhân thân của mỗi người, chỉ cá nhân mới có thể sử dụng độc lập và không thể chuyển giao cho người khác (quyền sống, quyền tự do đi lại, cư trú...); trong khi đó, để thực hiện các quyền chính trị, cá nhân phải tham gia cùng với những người khác, như quyền hội họp hòa bình, quyền bầu cử,... So với việc thực hiện các quyền dân sự, mức độ thực hiện các quyền chính trị bao giờ cũng kèm theo những giới hạn nhất định, vì lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức chung, quyền và tự do của người khác,... Với cách hiểu này, nội hàm khái niệm “quyền chính trị” của công dân chủ yếu đề cập tới quyền bầu cử để lựa chọn ra người thay mặt mình nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước; quyền ứng cử để được lựa chọn vào bộ máy công quyền. Tuy nhiên, do sự phát triển của tư tưởng dân chủ, nội hàm khái niệm “quyền chính trị” ngày càng được mở rộng, bao gồm cả việc tham gia cùng nhà nước quyết định các vấn đề chính trị trọng đại của đất nước, như ban hành các chính sách có liên quan tới quyền của người dân; quyết định về thể chế chính trị, hình thức chính phủ, sửa đổi hiến pháp... 
Còn các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa được hiểu là các quyền cá nhân và cả quyền cộng đồng. Nếu các quyền dân sự, chính trị có thể được hiện thực hóa tức thời, thì các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa được hiện thực hóa dần dần, từng bước, tương ứng với nguồn lực sẵn có của quốc gia. Thể chế thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị được thể hiện cụ thể, trực tiếp và chủ yếu trong hiến pháp và hệ thống pháp luật quốc gia. Ngoài ra, các thể chế kinh tế (thị trường), chính trị và đạo đức,... đều nhằm bảo đảm giá trị pháp lý trong tất cả các khâu: công nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền con người ở mỗi quốc gia.
“Tuyên ngôn” cũng đã tính đến khả năng những cá nhân và tổ chức có thể lợi dụng quyền con người để xâm phạm đến quyền của người khác và lợi ích của xã hội. Vì thế, Điều 29 của “Tuyên ngôn” quy định: “1- Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ. 2- Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của những người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. 
Mặc dù không phải là một công ước, đòi hỏi các quốc gia phải gia nhập hay phê chuẩn, song “Tuyên ngôn” có giá trị pháp lý vượt xa các văn kiện quốc tế thông thường. “Tuyên ngôn” được sử dụng như là luật cho mục đích tạo lập một khuôn khổ pháp lý cần thiết. Dựa trên những quy định về quyền con người trong “Tuyên ngôn”, cho đến nay Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua trên 30 công ước quốc tế trên lĩnh vực quyền con người. “Tuyên ngôn” và các công ước quốc tế về quyền con người được coi là nguồn luật quốc tế cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo vệ quyền công dân, quyền con người của các quốc gia. Nhiều quốc gia đã dựa vào nội dung “Tuyên ngôn” để xem xét hình mẫu cho những hành vi lập hiến và lập pháp của mình về quyền con người. Cả Tòa án Công lý quốc tế và tòa án các quốc gia, khi đưa ra phán quyết của mình, thường dựa vào “Tuyên ngôn” với tính cách một công cụ giải thích có tính pháp lý cao về quyền con người. 
“Tuyên ngôn” góp phần rất quan trọng vào việc định hình và xác định tập quán quốc tế về quyền con người. Dưới tác động của “Tuyên ngôn”, cơ chế bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc hiện nay đã được hình thành ở hầu hết các châu lục. Tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau khi nội dung của “Tuyên ngôn” được đưa vào Hiến Chương ASEAN, ngày 18-11-2012, “Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN” đã được tổ chức này thông qua. 
Giá trị và ý nghĩa thực tiễn của “Tuyên ngôn” tại Việt Nam
1- Giá trị của “Tuyên ngôn” tại Việt Nam
Quyền con người là giá trị chung của các dân tộc, là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử văn minh nhân loại. Mỗi dân tộc, quốc gia, bằng hình thức này hay hình thức khác, trong thời kỳ lịch sử này hay thời kỳ lịch sử khác, đều có những đóng góp vào giá trị đó. Việt Nam trong thế kỷ XX và cho đến nay đã có những đóng góp to lớn, mang tính đột phá về tư tưởng nhân quyền của nhân loại. 
Từ năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phải: “Sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”(1). “Tuyên ngôn độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên đã kế thừa, phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc. Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp cận vấn đề quyền con người từ quyền của những con người hiện thực, và khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ bảo đảm tốt nhất quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của nhân loại về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ: Người không quên quyền lợi của bất kỳ một giai tầng xã hội nào, từ nhi đồng, thiếu niên, đến thanh niên, phụ nữ, phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, đồng bào các dân tộc thiểu số và người có đạo, người khuyết tật, người dân mất nước,... Người xác định, dân là chủ thì mới làm chủ và coi quyền cá nhân luôn gắn với quyền cộng đồng, quyền của toàn thể xã hội, quyền của quốc gia - dân tộc; việc bảo đảm quyền lợi của nhân dân Việt Nam phải gắn chặt với việc tôn trọng quyền lợi của các dân tộc khác. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là “công bộc”, là tấm gương phục vụ quyền lợi của nhân dân. Người thấy cần thiết phải ban bố các quyền của dân cho dân, gồm: nhân quyền, tài quyền, dân quyền; và đề ra nguyên tắc “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” trong tổ chức xây dựng, vận hành chế độ dân chủ với Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong đó việc bảo đảm quyền con người là trách nhiệm trước tiên của Đảng và Nhà nước. Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là đúc kết, vận dụng tư tưởng cốt lõi của nhân loại về quyền con người vào các giá trị độc lập - tự do - hạnh phúc cho mỗi người và mọi người, bởi theo Người, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2). 
Trong thời kỳ đổi mới, phù hợp với các Hiến pháp năm 1992 và năm 2013, các văn kiện của Đảng, Nhà nước, như “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), và trực tiếp là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12-7-1992, của Ban Bí thư, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg, ngày 2-12-2004, của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-7-2010, của Ban Bí thư đã đúc kết những quan điểm cơ bản sau về quyền con người(3):
- Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Bởi lẽ, quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh làm chủ thiên nhiên của loài người. Quyền con người, về bản chất, không có tính giai cấp, nhưng trong xã hội có các giai cấp đối kháng, khái niệm “quyền con người” mang tính giai cấp.
- Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia, vì nó gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. 
- Quyền con người là mục tiêu, bản chất, động lực của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta.
- Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. 
- Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước, của tất cả các ngành, các địa phương, cơ sở là phải tích cực, chủ động thực hiện các quyền con người, quyền công dân, nhằm ngày càng hoàn thiện và nâng cao các quyền con người, quyền công dân.
- Chủ động, tích cực hợp tác, đồng thời sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh trong quan hệ quốc tế vì quyền con người chân chính.
Hệ thống các quan điểm nêu trên của Đảng, Nhà nước là giá trị định hướng cho các hoạt động của Nhà nước trên lĩnh vực quyền con người trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua.
2- Ý nghĩa thực tiễn của “Tuyên ngôn” tại Việt Nam
Cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập và ký kết 7/9 công ước cơ bản và hàng chục điều ước quốc tế khác liên quan đến quyền con người. Các quyền con người đã được ghi nhận và thể chế hóa về mặt lập hiến và lập pháp, được thực thi về mặt hành pháp và được bảo hộ về mặt tư pháp; thông qua các chính sách phát triển tổng hợp từ chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa; thông qua hợp tác quốc tế; đặc biệt là sử dụng tối đa các nguồn lực của mình để đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các quyền con người được công nhận trong pháp luật quốc tế và quốc gia. Điều đó thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, về xây dựng thể chế.
Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là để phát triển thể chế thị trường hiện đại, văn minh, nhằm ngay từ đầu, trong suốt quá trình và từng bước bảo đảm quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa cho mọi thành viên xã hội, theo nguyên lý phát triển bao trùm. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xóa đói, giảm nghèo, đều nhằm bảo đảm cho người dân thụ hưởng quyền có mức sống ngày càng được cải thiện, đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đưa ra nội dung về bảo đảm an ninh con người trước các mối đe dọa của tự nhiên và xã hội, yêu cầu thể chế hóa thành pháp luật để bảo vệ tốt hơn an ninh con người.
Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 cơ bản được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người, là đạo luật gốc của nền pháp luật quốc gia hướng vào việc điều tiết, thúc đẩy việc bảo đảm các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện là nhằm thúc đẩy phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Quá trình cải cách hành chính nhà nước được tiến hành từ năm 2000 đến nay cũng nhằm xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân.
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở (cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn), việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là các phiên Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, được truyền hình, truyền thanh trực tiếp, được báo chí đăng tải rộng rãi. Đây là biểu hiện sinh động về sinh hoạt dân chủ cũng như vai trò được nâng cao của Quốc hội đối với công tác bảo đảm quyền con người.
Nhà nước cũng đồng thời thực hiện nhiều biện pháp, dự án để đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thanh tra. Đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thực thi pháp luật, như thẩm phán, luật sư, cán bộ điều tra, hội thẩm nhân dân,... ngày càng được đào tạo chính quy hơn với số lượng ngày càng tăng. Nhà nước rất coi trọng khuôn khổ pháp lý nhằm nâng cao vai trò của các luật sư phản biện tại các phiên tòa và chất lượng của các cuộc xử án, như đề cao và thực hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội”, tranh tụng và vai trò độc lập trong xét xử của tòa án, nhằm xét xử kịp thời, công bằng và công khai. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã giảm nhiều tội danh hình sự, án tử hình và thực hiện án tử hình nhân đạo.
Thứ hai, về tuyên truyền, giáo dục quyền con người.
Đến nay, các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về quyền con người, trước hết là “Tuyên ngôn”, đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành rộng rãi. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam từng bước tiến hành giáo dục quyền con người ở cả trong và ngoài nhà trường. Hiện nay, trên cơ sở kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 5-9-2017 và “Đề án nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người” theo Quyết định số 16/QĐ-TTg, ngày 02-3-2018. 
Công tác giáo dục pháp luật và quyền con người được thực hiện thông qua nhiều hình thức và được nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện có hiệu quả, trong đó nổi lên vai trò của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Luật gia Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... Thực hiện Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 07-01-1998, “Về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật”, các tỉnh, thành phố đã thành lập các hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật và đã có nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục về quyền con người, nhằm nâng cao đáng kể sự hiểu biết và sự quan tâm rộng rãi trong cán bộ, nhân dân về các quyền con người. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giáo dục quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, theo quy định của các văn kiện pháp lý quốc tế, vào sách giáo khoa và chương trình giảng dạy của trường phổ thông các cấp và giáo dục đại học. Công tác giáo dục quyền con người được đặc biệt coi trọng đối với lực lượng thực thi pháp luật, như cán bộ, chiến sĩ công an, cán bộ tòa án, kiểm sát. Nhiều khóa học về quyền con người cho đối tượng này đã được thực hiện. Việc thành lập Trung tâm Quyền con người (nay là Viện Nghiên cứu quyền con người) thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từ năm 1994 và hoạt động của Trung tâm từ đó đến nay đã thúc đẩy việc soạn thảo giáo trình, phổ biến kiến thức và tổ chức các lớp học tại chức, ngắn hạn cho những cán bộ ở Trung ương và địa phương về quyền con người. Việc hình thành một số cơ sở đào tạo cao học về quyền con người trong những năm gần đây đánh dấu một trình độ mới về giáo dục quyền con người ở Việt Nam.
Thứ ba, về thực hiện nghĩa vụ làm báo cáo quốc gia thực thi các công ước quốc tế về quyền con người.
Kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1982), Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ trình nộp và bảo vệ các báo cáo quốc gia thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Việc hoàn thành một khối lượng công việc lớn, bảo đảm trình nộp và bảo vệ các báo cáo quốc gia đó là một cố gắng lớn của các bộ, ngành, nhất là trong điều kiện kinh tế, tài chính, cán bộ chuyên môn còn nhiều khó khăn. Kết quả này được các ủy ban theo dõi thực hiện công ước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam cũng đã làm tốt việc phổ biến nội dung báo cáo thực hiện các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa. Các cơ quan chủ trì việc soạn thảo và bảo vệ các báo cáo đó đã tiến hành nhiều hội thảo, hội nghị, họp báo để phổ biến nội dung của các báo cáo và về việc bảo vệ các báo cáo trước các ủy ban theo dõi thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người. Các hoạt động này góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức về quyền con người trong cán bộ và nhân dân.
Không phủ nhận rằng hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề tác động trực tiếp đến bảo đảm quyền con người, như sự phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng gia tăng; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa được đẩy lùi; tình trạng người dân chưa được hưởng các hàng hóa, dịch vụ tương xứng với chất lượng và giá cả,... Song, thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam vẫn vượt trội so với nhiều quốc gia có điều kiện phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam. Sự áp đặt mô hình dân chủ, nhân quyền nào đó từ bên ngoài, vì lẽ đó, sẽ không bao giờ được nhân dân Việt Nam chấp nhận.
Phương hướng tiếp tục thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam theo tinh thần các giá trị của “Tuyên ngôn”
Một là, làm sáng tỏ tính lịch sử - cụ thể trong tiếp cận tính phổ quát (hay tính phổ biến) của quyền con người. Tính phổ quát của quyền con người không phải là sản phẩm có tính trừu tượng, hay sản phẩm của dân tộc này, khu vực này gán cho các dân tộc khác, khu vực khác, mà là kết quả tổng hòa của các giá trị, quy phạm tiến bộ của các quốc gia, dân tộc được cộng đồng quốc tế công nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy. Trên cơ sở làm sáng tỏ tính lịch sử - cụ thể này, sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển những khía cạnh cốt lõi trong nhận thức lý luận về quyền con người phù hợp với thực tiễn nước ta, đồng thời tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.
Hai là, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân là gốc” - “dân làm gốc” trong lĩnh vực quyền con người. Ở đây, cần xác định rõ nhân dân là chủ thể của quyền thì nhân dân mới “làm gốc” trong sự nghiệp bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở nước ta. Và, chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền là tất cả các cá nhân, tập thể trong xã hội, mà trước tiên, cơ bản là Đảng và Nhà nước. 
Ba là, chú ý hơn nữa đến vai trò của các yếu tố tư tưởng, chính trị, pháp luật, văn hóa để bổ sung, phát triển nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người. Ph. Ăng-ghen từng nhấn mạnh, các lĩnh vực tư tưởng, dù xét đến cùng là do nguyên nhân kinh tế sinh ra chăng nữa, thì cũng có thể tác động trở lại đến môi trường của chúng, và thậm chí đến những nguyên nhân kinh tế sinh ra chúng. Do đó, theo ông, “trong khi nhận định về những sự biến và những chuỗi sự biến của lịch sử hiện nay, người ta không bao giờ có thể truy nguyên tới những nguyên nhân kinh tế cuối cùng được”(4). Luận điểm này của Ph. Ăng-ghen gợi cho chúng ta thấy, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa như hiện nay, khi nghiên cứu và giải quyết vấn đề quyền con người, thì cùng với việc đề cao các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, cần chú ý đúng mức đến vai trò của các quyền dân sự, chính trị, quyền cá nhân và quyền tập thể, quyền con người gắn với quyền công dân để bảo đảm tính phổ biến, tính phụ thuộc và sự liên quan đến nhau của các quyền con người. 
Bốn là, nắm bắt những điều chỉnh, phát triển quyền con người của các nước trên thế giới. Vào tháng 3-1895, Ph. Ăng-ghen cho rằng, trong một thời gian dài, kể từ sau năm 1848, ông và C. Mác đã nhận thức không đầy đủ về “tiềm lực phát triển của chủ nghĩa tư bản”. Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống pháp luật quốc tế được xây dựng và phát triển từ khi Liên hợp quốc ra đời (năm 1945) đến nay, đã trở thành chuẩn mực chung, đòi hỏi tất cả các nhà nước, dù có thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa khác nhau, đều phải tuân thủ. Các nước, nhất là các quốc gia phát triển trên thế giới, đã có những điều chỉnh rất lớn so với thời C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Chẳng hạn, nền pháp luật quốc gia tại nhiều nước, ở khía cạnh nào đó, trước thành quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã vượt khỏi ý chí chính trị của giai cấp cầm quyền ở mức độ nhất định, để điều tiết quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, từ dân sự, chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa, tại các khu vực kinh tế khác nhau (nhà nước, cổ phần, tư bản tư nhân,...). Vì vậy, nếu “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 xác định một đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”, thì trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) đặc trưng này được diễn đạt mở rộng phạm vi hơn: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới’’. Cụm từ “với các nước trên thế giới’’ rõ ràng là rộng hơn cụm từ “với nhân dân tất cả các nước trên thế giới’’. Nó thể hiện mối quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam không chỉ với nhân dân các nước, mà còn cả với các nhà nước, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ của các nước trên thế giới (trong đó có các nước tư bản chủ nghĩa). Việc chú ý nắm bắt được những điều chỉnh, phát triển quyền con người tại các nước trên thế giới sẽ góp phần bổ sung, phát triển một số khía cạnh trong nhận thức lý luận về bảo đảm quyền con người và thúc đẩy đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở nước ta./.
------------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 502
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64
(3) Đặc biệt là Chỉ thị số 12- CT/TW, ngày 12-7-1992, của Ban Bí thư về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 22, tr. 752
Tường Duy Kiên(*), Nguyễn Thanh Tuấn(**)(*) PGS, TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (**) PGS, TS, Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Tạp chí Cộng sản)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X