Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, January 25, 2019 , 0 bình luận

Trong quá trình quản trị xã hội nhà chức trách cần tập trung giải quyết các vấn đề  mà cộng đồng dân cư đặt ra trong đó có khiếu kiện kéo dài. Bởi đây là một trong những lý do khiến người dân mất niềm tin vào đảng và nhà nước.

Người đi khiếu kiện
Tại sao khiếu kiện kéo dài? Trước hết nói về người dân, đối tượng chủ yếu đi khiếu kiện. Phải khẳng định với nhau một điều: Không một người dân nào muốn kiện tụng! bởi: Mất thời gian đi lại, chờ đợi, luồn lụy, mất sức khỏe, lên tàu, xuống xe, ăn chực, nằm chờ, hao tốn tiền bạc, đặc biệt luôn lo nghĩ, vô cùng tổn hại về tinh thần, có người phải chạy vạy nhờ luật sư tư vấn, nhờ người am hiểu pháp luật giải thích điều nọ, điều kia về luật, về lệ. Ngoài ra còn phải thu thập tài liệu, lưu trữ văn bản gốc, foto công chứng các văn bản đó cho hợp thức… Nghĩa là đủ trăm thứ lo!
Biết vậy, sao vẫn khiếu kiện? một câu trả lời rất chính đáng là họ không thể chịu đựng nổi những bất công, ẩn ức người khác gây cho mình, họ ấm ức về những thiệt thòi đáng lẽ không phải chịu. Một điều nữa là, họ không chấp nhận sự qua mặt một cách thô bạo mà người khác làm với họ. Chọn khiếu kiện tức là họ vẫn còn tin tưởng ở công lý và họ kiên trì theo đuổi mục tiêu họ cho là đúng đắn của mình. (lưu ý đã có nơi, họ không còn tin nữa, họ tự xử bằng luật rừng, điều này gây hệ lụy không hề nhỏ cho xã hội) Phần này cũng phải nói thêm, có một bộ phận (rất nhỏ) coi việc khiếu kiện như một thú vui, họ xúi dục người này, người kia kiện, thậm chí họ đứng ra làm đơn hộ. Bộ phận này cũng cần được nhận diện đưa ra ánh sáng.
Ảnh minh họa

Người giải quyết khiếu kiện
Phía người nhận đơn và giải quyết, không thể đổ lỗi cho dân mà chính những cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này hay chưa, nhất là Bí thư, Chủ tịch và cơ quan chức năng các tỉnh, huyện, xã… đã dành thời gian, công sức, lắng nghe từng vụ việc cụ thể để tìm hướng giải quyết hay chưa? Đã hòa giải, đã lắng nghe từng phía, đã phân tích đúng, sai?
Trước hết nói về các nhà quản lý, điều tối kỵ là để dân nghi ngờ vì một động cơ đen tối nào đó mà không làm đúng chức năng của người cầm cân nảy mực, bảo vệ sự công bằng. Cần phải xác định rõ ràng rằng: Đối với những người ngồi ở ghế phân xử, chỉ có hai lý do dẫn đến sai lầm: Một là, trình độ nghiệp vụ yếu kém, không đủ khả năng phân tích, đánh giá và kết luận sự việc một cách đúng đắn, khách quan. Hai là, cái tâm thiếu trong sáng, hay còn gọi là thiếu đạo đức nghề nghiệp, bị đồng tiền hoặc quyền lực chi phối. Cả hai lý do đều cho ra những quyết định sai lệch, không đúng với bản chất vốn có. Chính điều này làm cho xã hội mất ổn định, khiếu kiện kéo dài, gây tổn hại tiền bạc, tài sản và thời gian của nhân dân.
Đặc biệt, hành vi ấy làm mất lòng tin của quần chúng vào công lý. Sự việc đã không được giải quyết một cách thấu đáo, triệt để khiến người dân tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn. Thiết nghĩ, thời gian tới Chính phủ thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo lên Thủ đô thì sẽ mời Chủ tịch tỉnh đó lên nhận dân về giải quyết, là đúng đắn và nếu địa phương nào không giải quyết được, lãnh đạo nơi đó nên từ chức hoặc bị cách chức. Không thể né tránh trách nhiệm, chuyển đơn thư lòng vòng, giải quyết qua loa dẫn đến vụ việc ngày càng ùn tắc tồn đọng ở cấp trên. Đã đến lúc mạnh tay với đội ngũ cán bộ vô tâm, vô cảm không đủ năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Rất mong các chuyên gia, các nhà quản lý tham gia tranh luận vấn đề này! Tầm Nhìn sẽ chuyển tải ý kiến đa chiều của quý vị.
PV (Tầm nhìn)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X