Từ 17/1 tới 26/1/2019, Sở GTVT TP.HCM đã ra các văn bản làm rõ về chủ trương và pháp lý thu phí tại BOT An Sương - An Lạc. Tuy nhiên, quan điểm "phương tiện lưu thông qua nút giao nên cần phải trả phí dù đi trên cầu vượt hay đi dưới mặt đường cạnh cầu" của Sở tiếp tục gây tranh cãi.
BOT An Sương - An Lạc bị tài xế phản đối gay gắt từ đầu tháng 12/2018 tới nay.
Dự án "hồi sinh" nhờ 4 cây cầu vượt
Như Nhà báo & Công luận đã khẳng định: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc và việc xây 04 cầu vượt trên tuyến là phù hợp với thực tế khách quan, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường này.
Theo đó, BOT An Sương An Lạc được Bộ GTVT giao cho Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO - IDI làm nhà đầu tư; chiều dài tuyến 13,7 km; thi công từ tháng 4/2001 tới quý I/2004; tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỉ đồng, trong đó 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay; thời gian thu phí hoàn vốn tới tháng 1/2017,…
Sau khi hoàn thành xây dựng, IDICO đã cho lắp đặt một hệ thống trạm thu phí dày đặc (đến nay là 01 trạm chính và 05 trạm phụ) và đã thu phí suốt 12 năm qua.
Tuy nhiên, khi hệ thống trạm thu phí trên vẫn chắn đường thu tiền dù đã quá thời hạn tháng 1/2017, từ đầu tháng 12/2018, các tài xế khi qua trạm đã phản đối kịch liệt. Ngay sau đó, Sở GTVT TP.HCM và nhà đầu tư đã thông tin rộng rãi về "giai đoạn 2" của dự án.
Một trạm thu phí phụ của IDICO - IDI đặt trên đường phía dưới cầu vượt.
Theo đó, dự án BOT An Sương - An Lạc được thực hiện với 02 thời kỳ.
Thời kỳ 01, Bộ GTVT làm chủ đầu tư từ 2000 đến 2010. Lúc này, 04 nút giao Thuận Kiều, Bà Quẹo, Bà Hom và Bình Chánh đều là nút giao bằng (đồng mức).
Thời kỳ 02, dự án được UBND TP.HCM quản lý từ 2010. Do tuyến Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc đang được nhà đầu tư khai thác theo Hợp đồng BOT đã ký kết, nên để công tác quản lý được đồng bộ, TP.HCM và Bộ GTVT đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển giao Hợp đồng BOT từ Bộ GTVT về UBND TP.HCM.
Lúc này, do lượng phương tiện trên tuyến ngày càng tăng dẫn đến ùn tắc tại các nút giao, nhất là nút giao với đường hướng tâm, nên các bên đã đàm phán, thống nhất đầu tư bổ sung vào dự án BOT An Sương - An Lạc các cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10B, Tỉnh lộ 10, Hương lộ 2 và Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú. Các công trình đầu tư bổ sung được Thủ tướng chấp thuận.
04 cầu vượt, 03 lần đầu tư bổ sung được "gom" làm 01 giai đoạn
Về "giai đoạn 2" của dự án BOT An Sương - An Lạc. Theo đó, IDICO đã được cho phép đầu tư bổ sung các hạng mục: Cầu vượt nút giao Tỉnh lộ 10 và 10B (tổng mức đầu tư 704.584.000.000 đồng, hoàn thành vào 30/8/2013); Cầu vượt nút giao Hương lộ 2 (407.039.000.000 đồng, hoàn thành vào 31/12/2014); Cầu vượt nút giao Lê Trọng Tấn (511.543.000.000 đồng, hoàn thành vào 17/5/2017).
04 cây cầu, 03 lần đầu tư ở 03 giai đoạn khác nhau nhưng thuộc 01 dự án (?).
IDICO đã đầu tư 1.623.166.000 đồng cho 04 cầu vượt (không phải gần 2.500 tỉ đồng như một số báo đưa - PV) để được kéo dài thời gian thu phí đến 31/1/2033.
Đáng chú ý, 04 cây cầu vượt nói trên trải qua 03 lần đầu tư, 03 giai đoạn hoàn thành cách biệt, nhưng không hiểu sao lại được "gom" vào 01 giai đoạn đầu tư, để IDICO được đi vay tới 85% tổng vốn (!?).
Như thế, IDICO nếu vay đến 85% tổng vốn, thì số tiền vay sẽ lên tới 1.379.691.100 đồng. Lãi ngân hàng về bản chất là người dân trả. Thời gian thu phí kéo dài cũng là người dân chịu. Thêm nữa, việc kéo dài thời gian thu phí còn gây ùn ứ giao thông, lãng phí nhân lực, vật lực phục vụ bán vé…
Và lúc này, khi thắc mắc về 04 cầu vượt còn chưa dứt (về vốn đầu tư, tuân thủ Luật đấu thầu,…) thì vị trí đặt 06 trạm thu phí vẫn đang gây bức xúc lớn.
Sở GTVT hướng dẫn phương tiện "phải đi lên cầu vượt" dù ngoài giờ tan tầm (?).
Trả lời báo chí về việc: Tại sao không đặt trạm thu phí ở các cây cầu vượt mà vẫn đặt ở vị trí cũ?; Phương tiện không sử dụng cầu vượt (đi dưới mặt đường kế bên cầu) thì tại sao phải nộp phí?... Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc đầu tư, quản lý, khai thác các cầu vượt bổ sung là gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc nên không thể tách rời. Nếu tách riêng để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm thu phí, làm chi phí đầu tư tăng cao.
Mặc khác, hiệu quả xây dựng cầu vượt mang lại giúp các phương tiện lưu thông qua nút giao không bị ùn tắc. Vì vậy, tất cả người tham gia giao thông qua đây đều phải trả phí, cho dù đi trên cầu vượt hay đi dưới cầu...
Cần xem xét dẹp bỏ trạm thu phí phụ cách xa cầu vượt BOT
Nếu quan điểm trên của Sở GTVT TP.HCM (phương tiện đi trên cầu hay đường dưới cầu vượt qua các nút giao không bị ùn tắc phải trả phí) là phù hợp, thì các phương tiện lưu thông cách xa 04 cầu vượt nói trên phải trả tiền mua vé liệu có hợp lý, công bằng?
Phương tiện mua vé tại nút giao Quốc lộ 1 - Đường số 7 - Đường M1. Ảnh: N.Ảnh
Thực tế cho thấy, trên Quốc lộ 1 hướng từ An Lạc đên An Sương, IDICO đầu tư 04 cầu vượt lần lượt là: Cầu vượt Tỉnh Lộ 10 B (bắc ngang Quốc lộ 1); Cầu vượt Tỉnh lộ 10 (nằm trên Quốc lộ 1); Cầu vượt Hương Lộ 2 (nằm trên Quốc lộ 1); Cầu vượt Gò Mây (nằm trên Quốc lộ 1).
04 cầu vượt trên đã góp phần giúp giao thông các nút giao Quốc lộ 1 - Trần Văn Giàu, Quốc lộ 1 - Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 1 - Hương lộ 2 và Quốc lộ 1 - Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú (nút giao Gò Mây) thêm thông thoáng.
Tuy nhiên, tại nút giao Quốc lộ 1 - Đường số 7 - Đường M1 cách xa nút giao Gò Mây (có cầu vượt Gò Mây do IDICO đầu tư - PV) vẫn tồn tại 02 trạm thu phí phụ có từ giai đoạn 1 của dự án vốn kết thúc từ từ 31/1/2017 (!?).
Tại đây, các phương tiện từ hướng KCN Vĩnh Lộc (Đường số 7) và KCN Tân Bình (Đường M1) ra An Sương (quận 12) dù chỉ sử dụng đường Quốc lộ 1, cách xa và không hưởng trực tiếp tiện ích từ cầu vượt Gò Mây nhưng vẫn phải mua vé khiến người dân bức xúc.
Sự tồn tại của 02 trạm thu phí trên Đường số 7 và Đường M1 không cho thấy sự phù hợp với thực tế khách quan, gây thiệt hại cho người dân trong khu vực cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại KCN Vĩnh Lộc và KCN Tân Bình. Thậm chí, theo người dân, chúng còn gây phiền toái và khiến giao thông thêm ùn ứ.
Kiên Giang (Công luận)