Ngày 3-1-2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND về nội quy việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội, trong đó có quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Khi đến các tổ dân phố trên địa bàn TP, quy định này của UBND TP nhận được nhiều sự đồng thuận của người dân Thủ đô.
>>Cấm quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân: Cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự
>>Cấm quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân: Cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự
Về quy định trên, ông Lê Đình Cung - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội nêu: “Đây là quy định mang tính chất hướng đến bầu không khí làm việc tốt. Không cấm người dân quay phim, chụp ảnh mà đòi hỏi phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. Hiểu ở góc độ nào đó, quy định không cản trở quyền của công dân, người dân vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền của mình….”.
Bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối với nội dung này, ông Đoàn Sỹ Vinh, Tổ trưởng tổ dân phố cơ khí xây dựng Gia Lâm, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, quy định này là cần thiết để đảm bảo sự tôn trọng cần phải có của người dân với cán bộ tiếp công dân; cũng như đảm bảo một cuộc tiếp công dân được diễn ra trọn vẹn, đúng nghĩa.
Người dân đến trụ sở Ban tiếp dân TP Hà Nội để phản ánh kiến nghị của mình; khi làm việc với cán bộ tiếp công dân, họ cần thể hiện thái độ đúng mực với cán bộ tiếp dân. Việc đảm bảo quyền giám sát của công dân luôn được đảm bảo bởi tại đây đã có camera rồi. Và quan trọng hơn cả là cần loại trừ khả năng người nào đó có ý đồ khác khi quay phim, chụp hình tại buổi tiếp dân. “Cá nhân tôi rất đồng tình với quy định này. Cái gì cũng cần có quy định cụ thể, rõ ràng và người đến trụ sở làm việc cần hiểu rõ, hiểu đúng để tuân thủ quy định của nơi đó. Hiểu rộng ra thì quy định này chẳng những có lợi cho người tiếp công dân mà còn cho cả người dân nữa”- vị tổ trưởng tô dân phố gần 20 năm- Đoàn Sỹ Vinh bày tỏ.
Ông Dương Ngọc Thỏa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương: “Đa phần cán bộ, nhân dân hoàn toàn nhất trí với quyết định số 12…”. Ảnh: L.A
“Người dân đến trụ sở tiếp công dân là để yêu cầu giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình. Cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm tiếp nhận vấn đề người dân phản ánh. Mọi việc diễn ra công khai bởi trụ sở tiếp công dân đã có hệ thống camera giám sát việc này. Vì vậy, việc công dân tùy tiện giơ thiết bị điện tử lên để quay phim, chụp hình cán bộ cần xin phép là đúng. Khi muốn ghi hình, ghi âm người khác phải được sự đồng ý của người đó; sử dụng vào mục đích gì thì cũng phải được sự đồng ý của người đó. Không thể nói rằng, tôi muốn làm như vậy là quyền tôi và tôi sử dụng vào mục đích gì là việc của tôi- ngay tại trụ sở tiếp công dân được…”- anh Nguyễn Minh Toàn, trú tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết.
Anh Phạm Văn Trình, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, mục đích của quy định này muốn hướng đến là để tạo nên một môi trường công vụ đúng nghĩa. Theo đó, “người dân đến- cán bộ tiếp dân làm việc. Người dân phản ánh- cán bộ tiếp dân lắng nghe, ghi nhận. Mọi sự diễn ra tập trung, chất lượng, không bị ngắt quãng hay xáo trộn. Công dân bình thường đến trụ sở tiếp dân luôn có thái độ đúng mực và cuộc tiếp dân diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Tuy nhiên, quy định này có ý nghĩa trong việc giới hạn đối với những thành phần quá khích, thiếu ý thức, lợi dụng quyền tự do để gây rối, phục vụ cho mục đích không tốt. Người dân đến làm việc yêu cầu được tôn trọng, thì ngược lại cũng phải có ý thức tôn trọng những người trực tiếp làm việc với mình….”- anh Trình nêu.
Việc công dân nắm không rõ những quy định của pháp luật là khá phổ biến. Có trường hợp công dân đến trụ sở tiếp dân, khi được cán bộ giải thích thì không hiểu, không nghe và còn tỏ thái độ hậm hực, thậm chí nổi đóa với cán bộ. Khi cán bộ yêu cầu thái độ đúng đắn hơn, người đó lại rút thiết bị ghi hình ra chụp lại nhằm mục đích không tốt… Ở những trường hợp như vậy, việc cán bộ yêu cầu không được chụp hình là đúng. Cán bộ vì công dân, tôn trọng công dân thì ngược lại, công dân cũng phải tôn trọng cán bộ.
Bày tỏ về quy định này, ông Dương Ngọc Thỏa, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội nêu: “Với vai trò là lãnh đạo UBND phường, tôi và đa phần cán bộ, nhân dân hoàn toàn nhất trí với quyết định số 12/QĐ-UBND do UBND TP ban hành, trong đó có quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Thời gian qua, tại UBND phường Phú Lương có một số người dân cố tình không chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là công tác thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng; thỉnh thoảng kéo đến trụ sở UBND phường có những khẩu hiệu, băng rôn không đẹp mắt. Lãnh đạo phường và cả hệ thống chính trị phường đã nhiều lần tổ chức các hội nghị đối thoại, giải thích rất nhiều, rất rõ về những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chính sách về công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhưng các hộ vẫn cố tình không hiểu mà quay sang quay phim, chụp hình, có nhiều lời lẽ không đẹp, thậm chí còn livestream trực tiếp phát tán trên các trang mạng xã hội, có những lời lẽ xúc phạm đến cán bộ, gây mất an ninh trật tự địa bàn, gây bức xúc trong dư luận.
Do vậy, theo tôi, chỉ khi được sự đồng ý và cho phép của lãnh đạo hoặc người tiếp công dân thì người dân mới được quay phim, chụp hình, ghi âm hoặc livestream. Tuy nhiên, là lãnh đạo hoặc cán bộ được phân công trách nhiệm tiếp công dân cũng cần có thái độ chuẩn mực, đúng đắn, ghi chép cẩn thận, trung thực, đầy đủ các ý kiến và tiếp nhận đơn (nếu họ gửi), sau đó báo cáo lãnh đạo cấp trên giải quyết theo thẩm quyền và có thông báo lại kết quả để nhân dân nắm được và hài lòng…. Tôi tin rằng cán bộ và nhân dân trên địa bàn TP sẽ đồng thuận với quyết định này để một số các thành phần không có cơ hội để nói sai, nói xuyên tạc các chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước ta….”.
Linh Anh (Pháp luật xã hội)