Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 15 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2018, đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, trong đó chỉ rõ “phải kiên trì, tiếp tục làm với một quyết tâm cao hơn, đẩy mạnh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.
Sao lại vô cớ 'bóp méo' thành quả nhân quyền Việt Nam?
Chủ đề chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của báo chí truyền thống trong và ngoài nước. “Trao đổi” với Google về cụm từ “chống tham nhũng ở Việt Nam” ngay lập tức cho khoảng 17.600.000 kết quảtrong 0,33 giây, đủ thấy phần nào độ nóng của vấn đề được đề cập!
Công cuộc chống tham nhũng từ lâu đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm và quyết tâm này đã được thể hiện trong nhiều chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật.
Tại nhiều cuộc họp, những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, “Ai đã nhúng chàm thì sớm gột rửa”, “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm” … đã trở thành kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành cùng vào cuộc, tạo không khí đấu tranh quyết liệt với quốc nạn này. Điều đáng nói là cuộc chiến được nhân dân rất quan tâm, trong cuộc tiếp xúc nào, cử tri cũng đề cập, nêu nhiều ý kiến đóng góp với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đại đa số ý kiến ủng hộ, phấn khởi, tin tưởng vào phong trào chống tham nhũng, một bộ phận tự nhận là “nhà trí thức”, “nhà quan sát”, “nhà bình luận”... đã lợi dụng việc Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực để cố tình tạo “tình huống có vấn đề” nhằm bày tỏ quan điểm “ngược đường”, ngược xu thế. Trong đó, có thể nhận diện vài quan điểm.
Một là, các đối tượng rêu rao nguyên nhân sâu xa của nạn tham nhũng là do chế độ nhất thể hóa chính trị “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”, “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra”.
Tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại nhiều nước trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế chính trị nào (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iraq. Syria, Somalia...), vì thế, mới có sự tồn tại của tổ chức Minh bạch thế giới (TI) và hoạt động xếp hạng hàng năm về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của tổ chức này.
Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái nào lãnh đạo đất nước, mà do nhiều nguyên nhân khác nhau từ hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trình độ dân trí thấp, suy thoái đạo đức lối sống...
Ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển, trình độ quản lý và dân trí chưa cao, thì ở đó tham nhũng phức tạp hơn. Việt Nam đang trên đà phát triển, chịu tác động nhiều chiều của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập là không thể tránh khỏi. Đảng và Nhà nước đang nỗ lực từng bước làm trong sạch bộ máy nhà nước, minh bạch trong quản lý kinh tế để đẩy lùi tác động tiêu cực. Đường lối đúng, không những các đối tượng không ủng hộ mà còn cố tình đánh giá sai!
Hai là, đánh giá thiển cận về phạm vi và hiệu quả của đấu tranh chống tham nhũng. Họ cho rằng phong trào đó “chỉ dừng lại ở cấp cao”, trong khi nạn nhũng nhiễu xuất phát từ quan chức cấp thấp nên phòng, chống tham nhũng không thiết thực với nhân dân.
Thực tiễn cho thấy thời gian qua, ở Trung ương và các Bộ, ban, ngành, đối tượng xử lý tham nhũng có cả cán bộ cao cấp, có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, có cả cán bộ đã đương chức và đã nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Ở cấp cơ sở, “tham nhũng vặt” - những nhũng nhiễu do một bộ phận cán bộ, công chức thực thi quyền lực của nhà nước gây ra cho người dân được ngăn chặn, đẩy lùi từng bước nhờ phát huy quy chế dân chủ cơ sở cùng với những chuyển biến trong công tác kiểm tra, giám sát tạo điều kiện cho người dân phát hiện, tố cáo để kịp thời xử lý vi phạm.
Nhằm tạo công cụ pháp lý chống tham nhũng, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu giá tài sản; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Quản lý nợ công; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước...
Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, thay thế kịp thời những công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; mới nhất là Quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đó là những biện pháp tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương một cách đồng bộ, hoàn toàn hướng đến quyền lợi sát sườn của nhân dân, trái ngược với quan điểm “không thiết thực với nhân dân”.
Ba là, các thế lực thù địch, phản động cố tình bôi xấu, đánh lạc hướng dư luận về mục đích tốt đẹp của đấu tranh chống tham nhũng. Những đối tượng tự xưng nhà “quan sát chính trị” cho rằng việc xử và bỏ tù các quan chức cấp cao của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây còn liên quan đến chuyện “thanh trừng nội bộ”, “đấu đá chính trị”.
Đó là luận điệu hoàn toàn sai trái! Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có từ lâu, kể cả thời chiến và thời bình, là công việc thường xuyên, trọng yếu của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ: Trước đây, chúng ta cũng đã làm nhưng chưa thành phong trào hoặc chưa công khai ra. Còn giờ đã thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể cưỡng được không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Các đối tượng bị xử lý kỷ luật cho đến nay có xuất thân khác nhau, bao gồm các quan chức chính quyền địa phương và Trung ương, các giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc doanh, quan chức ngân hàng, các tướng tá. Quốc hội hồi tháng 6 đã thảo luận sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng nhằm đối phó với tham nhũng cả trong lĩnh vực tư nhân, nên lại càng không thể phân loại đối tượng bị xử lý móc nối trước với phái nào.
Thế nên, mới khẳng định Đảng chống tham nhũng không vì động cơ cá nhân, không vì lợi ích nhóm, không phải vì lợi ích phe phái. Mục đích chống tiêu cực để làm trong sạch guồng máy điều hành đất nước, đoàn kết tốt hơn trong nội bộ, tạo ra môi trường công bằng, minh bạch cho mỗi cá nhân phấn đấu chứ không phải ai đánh ai dẫn đến đổ vỡ, “đấu tranh để mọi người đừng đi qua vết xe đổ, chứ không phải để gây bất mãn trong xã hội”.
Thực chất, những luận điệu của các đối tượng phản động, cơ hội chính trị cố tình đi ngược xu thế tiến bộ, cố tình suy diễn làm sai bản chất sự việc. Mục đích cao nhất là làm suy giảm uy tín của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, bôi xấu chế độ XHCN.
Từ đó, hướng lái dư luận “thay đổi thể chế theo hướng tam quyền phân lập mà nhiều nước trên thế giới áp dụng là cách chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả cho Việt Nam”, bản chất là cổ súy; đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” không có mục đích gì khác ngoài những động cơ chính trị đen tối, là mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!
Thực tiễn và kết quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua đã là câu trả lời minh bạch, rõ ràng nhất về quyết tâm và bước đi đúng hướng của Đảng và những người đứng đầu bộ máy quản lý đất nước, bác bỏ luận điệu xuyên tạc nguy hiểm của những luận điệu “ngược đường”.
Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không mơ hồ, không tin theo để không hiểu sai mục đích và giá trị cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang diễn ra, đồng thời, luôn tự trang bị tri thức, chủ động tham gia đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái nói trên!
Sao Mai (Học viện Chính trị CAND/Công an nhân dân)