Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, January 24, 2019 , 0 bình luận

Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam.

Ông sinh ra ở Thừa Thiên - Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Năm 1973 khi hiệp định Paris được ký kết, ông bị cấm về Việt Nam và ở lại Pháp từ đó đến nay.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire của ông.
Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Những ngày này, đi đến đâu, gặp ai, cũng thấy dân mình bức xúc về chuyện một vị lãnh đạo sau khi mất, xây lăng mộ rộng đến vài ha. Nhiều người bất bình bảo: "Khi sống, họ vơ vét của dân, tiền của chất như núi, con cháu ngàn đời ăn chẳng hết. Khi chết, họ vẫn tiếp tục vơ vét đất của dân. Đúng là lòng tham không đáy". Lại có người lo lắng bảo: "Tôi e từ nay các vị ấy sẽ đua nhau. Cứ chết là về quê xây lăng mộ nguy nga. Cứ đà này, tương lai, dân mình làm gì còn đất mà trồng lúa. Ngẫm thế mà thấy lo lắm, thấy giận lắm".
Là một Phật tử, tu tập thiền quán, thực tập nhìn sâu, em thấy không giận các vị ấy. Có chăng, chỉ giận cái màn vô minh dày đặc trong các vị đã che mờ mắt khiến họ không biết "tri túc" (không biết đâu là đủ) nên cứ ham muốn vô cùng, vơ vét vô tận.
"Nhân nào quả ấy", "Gieo gió gặt bão". Là một người nghiên cứu tâm linh, tin Nhân quả, hiểu về Nhân quả, em không thấy giận mà thấy lo cho các vị ấy. Bởi với Luật pháp (do con người đặt ra), họ có thể luồn lách, trốn chạy. Nhưng với Luật Nhân quả thì không. Không ai có thể thoát được, cho dù đó là một bậc đế vương. "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Lịch sử Việt Nam đã có biết bao tấm gương tày liếp. Ngẫm thế, mới thấy lo cho các vị, lo cho con cháu các vị.
Là một Phật tử, hiểu, tin vào thuyết Luân hồi, em không thấy giận mà thấy thương cho các vị. Khi chết, thân tứ đại trở về với cát bụi. Chỉ có linh hồn là bất tử. Khi mất, ai cũng mong mình được siêu thoát, về những cảnh giới lành. Chứ cứ xây lăng to, mộ lớn, quyến luyến, dính chấp vào đấy, siêu thoát làm sao? Hay muôn kiếp chỉ làm ma mường, ma xó?
Là một Phật tử, hiểu về thuyết vô thường, vô ngã, tin vào Luật Nhân quả, Luân hồi, từ nhiều năm trước, em đã quyết định hiến tạng của mình cho y học. Bởi em hiểu, khi sống, thân xác này là của mình. Nhưng khi chết, nó chỉ là một đống bầy nhầy hôi thối, rời xa nó càng nhanh càng tốt. Cho nên, khi mình mất đi, nếu đôi mắt này, trái tim này, quả thận này, còn mang lại sự sống cho ai đó thì tại sao mình không hiến tặng? Hạnh phúc biết bao.
Thiền Sư và các đồng môn trên thế giới


Cũng vì lẽ đó, từ nhiều năm trước, em đã dặn người thân của mình: Nếu một ngày, em từ giã cõi đời, hãy hỏa táng em và rải tro cốt xuống sông, xuống biển. Đừng xây mộ làm gì. Em không ở đó đâu. Em sẽ thong dong làm bạn với mây ngàn, gió núi.
Nhân nói chuyện về hỏa táng, em nhớ đến một chia sẻ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Năm 2013, khi theo chân Thầy trong chuyến hoằng Pháp đạo Phật dọc nước Mỹ, em có hỏi Thầy: "Thưa Thầy! Nếu một ngày thấy rời bỏ cõi này ra đi, Thầy sẽ về Việt Nam chứ ạ?". Thầy cười hiền hậu: "Về chuyện này, Thầy đã dặn các đệ tử của Thầy: Nếu một ngày Thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho Thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng Thầy. Tro cốt Thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, Thầy và các con vẫn đi thiền hành chung. Vui lắm".
Có một đệ tử của Thầy ở Hà Nội, vì quá thương Thầy, đã xây sẵn cho Thầy một cái tháp. Thầy bảo: "Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!
Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!
Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các đệ tử

Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình. Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.."
Lắng nghe lời tâm sự của Thầy, em bỗng ứa nước mắt. Ước gi ở Việt Nam, ai cũng có giác ngộ ấy như Thầy để những cánh đồng Việt Nam không bị thu hẹp bởi những lăng mộ nguy nga, bề thế.
Hoàng Anh Sướng (Tầm nhìn)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X