Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng có hiệu lực. Những nội dung được quy định tại Luật là cơ sở quan trọng để điều tra, xử lý vi phạm trên không gian mạng. Đồng thời, là công cụ để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân trước diễn biến đa chiều, phức tạp của mạng xã hội.
Những kẻ chống cộng ngày càng trở nên lạc lõng
Từ lá thư xin lỗi của Bộ trưởng
Những ngày qua, cư dân mạng “râm ran” thông tin về việc xe biển xanh của Bộ Công Thương đi đón người thân của Bộ trưởng. Từ thông tin trên mạng xã hội, các tờ báo chính thống cũng đã vào cuộc, yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ. Trước sức nặng của dư luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phải xin lỗi về việc Văn phòng Bộ dùng xe công để đưa đón người thân tại sân bay Nội Bài. Thông qua cơ quan báo chí, ông xin lỗi nhân dân, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương.
Luật An ninh mạng là cơ sở luật pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ dữ liệu người dùng, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật..., mang đến sự an toàn thông tin cho người dân - Ảnh minh họa
Lần đầu tiên, 1 Bộ trưởng xin lỗi công khai người dân. Đó cũng là một phép thử với những người sử dụng mạng xã hội khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Điều này cũng chứng minh, Luật An minh mạng nghiêm cấm các hành vi thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Nhưng rõ ràng, Luật sẽ không bảo vệ cho những hành vi đi ngược lại với lợi ích chung của tổ chức, giúp họ thoát khỏi dư luận, gỡ bỏ những thông tin ảnh hưởng xấu tới mình.
Sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, có một số ý kiến suy diễn cho rằng, quy định mới trong Luật này có thể ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm của người dân. Trên thực tế, mọi người dân đều có quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, miễn là không vi phạm pháp luật. Vậy ai là những người sợ Luật An ninh mạng? Đó là những đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để trục lợi cá nhân, xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ uy tín, nhân phẩm người khác và các tổ chức xã hội mà họ thù ghét, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như chúng ta đã biết, “diễn biến hoà bình” là mưu đồ mà các thế lực thù địch đang thực hiện ở nước ta. Để đạt được “diễn biến hoà bình”, truyền thông, mạng xã hội được tận dụng một cách triệt để, nhằm truyền bá các quan điểm sai lệch. Sở dĩ trong thời gian qua, chúng có cơ hội thực hiện kế hoạch phá hoại của mình là do chưa có cơ sở pháp lý chính thức để ngăn chặn, xử lý.
Việc Luật An ninh mạng và các văn bản liên quan ra đời, có hiệu lực sẽ góp phần hạn chế, đẩy lùi thông tin xấu, bẩn; từng bước làm thất bại âm mưu của các đối tượng. Luật quy định rõ, chỉ khi có xảy ra tội phạm hoặc điều tra hoạt động vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin liên quan đến đối tượng phạm tội đó. Vì thế, nếu chúng ta chấp ngành nghiêm chỉnh pháp luật, thì sẽ không bị kiểm soát thông tin trên mạng internet.
Những hành vi nào bị nghiêm cấm?
Mạng xã hội luôn tồn tại mặt tốt - xấu nên mỗi cá nhân cần là người sử dụng thông minh
Những hành vi nào bị nghiêm cấm?
Như vậy, mặc dù Luật An ninh mạng không cấm việc phát ngôn trên mạng nhưng các chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Những thông tin, bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc không đúng sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Luật An ninh mạng cũng không kiểm soát và làm lộ thông tin, không cấm người dân truy cập mạng xã hội facebook, google hay youtube. Tuy nhiên, trong đó có những hoạt động bị nghiêm cấm. Cụ thể là các nhóm hành vi:
- Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
- Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
- Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
- Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
- Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, TTATXH, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
- Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
Cần phải khẳng định chắc chắn rằng: Luật An ninh mạng giúp chúng ta có cơ sở luật pháp để bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, bảo vệ dữ liệu người dùng và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật như tấn công mạng, gián điệp, khủng bố, chống phá Nhà nước, trộm cắp, xuyên tạc thông tin, lừa đảo, kích động… Qua đó, làm trong sạch, đem đến sự an toàn thông tin của người dân.
Tuệ Trang (Công an Nghệ An)