Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, February 22, 2019 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhấn mạnh nhân tố con người giữ vai trò quyết định. Trong đó, Người rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, vì theo Người, cán bộ là gốc của mọi công việc. “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tốt hoặc kém ở đây bao gồm cả 2 mặt đức và tài của người cán bộ, trong đó Người xem đức là gốc, là nhân tố quyết định sự khác biệt về bản chất của quân đội cách mạng so với quân đội của giai cấp bóc lột. Vấn đề đạo đức, nhân cách của người cán bộ quân đội nói chung, cán bộ quân sự nói riêng, cũng chính là một nội dung quan trọng gắn liền với xây dựng quân đội luôn vững mạnh về chính trị. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức bồi dưỡng đạo đức và nhân cách cho đội ngũ cán bộ quân đội và chính đạo đức, nhân cách của Người là một tấm gương ngời sáng cho toàn Đảng, toàn quân và dân ta noi theo.

Trang 'Người Việt' ở Mỹ: Chống cộng một cách 'u mê-lú lẫn'!


Khi đề cập đến đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có rất nhiều cách tiếp cận, song trong bài viết này đề cập đến bốn mối quan hệ vần đề cơ bản:

- Thứ nhất, là quan hệ đối với Đảng, với nước, với dân - nhân tố quyết định bản chất cách mạng của người cán bộ quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu đối với người cán bộ quân sự là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nước và hiếu với dân. Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm (8.1948), khi nói về nhiệm vụ của người tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích “Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”. Đây chính là sự gắn kết hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ quân đội của Người, là sự khái quát chính xác về sự thống nhất bản chất giai cấp công nhân với tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc của quân đội ta. Nhận thức đúng vấn đề này trong giai đoạn hiện nay có một ý nghĩa rất quan trọng, khi mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội ta. Nói đến sự trung thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thể hiện ra ở việc phấn đấu thực hiện thắng lợi chức trách, nhiệm vụ của mỗi người, mà trước hết là phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chiến đấu, dám đánh và biết đánh thắng quân thù. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi sự trung với nước, trung với Đảng của người cán bộ quân sự nói riêng, toàn thể quân đội nói chung phải gắn liền với sự tận “hiếu với dân”, vì theo Người: “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Do đó, Người đòi hỏi “Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân”. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, những phẩm chất đạo đức hàng đầu đó của người cán bộ phải được tiếp tục gìn giữ, phát huy trong công tác đào tạo và tự đào tạo, rèn luyện của mỗi người cán bộ quân sự hôm nay.

Ảnh minh họa (Ảnh Thành Nam)

Thứ hai, là đối với đồng chí, đồng đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giữ gìn sự đoàn kết.

Người căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta. Phải đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và chiến sỹ”. Sự đoàn kết đó bắt nguồn từ sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và lợi ích căn bản của cán bộ, chiến sỹ là “tranh lại độc lập tự do cho Tổ quốc”. Để có được sự đoàn kết thực sự, Người đòi hỏi cán bộ phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đó chính là cơ sở để trên, dưới đồng lòng vượt qua mọi trở ngại, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Người căn dặn: “Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành”. Muốn thế, “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên”. Trong mối quan hệ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc nhở đội ngũ cán bộ quân sự nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, vì quân đội ta mang bản chất của giai cấp công nhân. Người căn dặn: giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình, do đó phải “Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước bạn”. Có thể nói, những lời căn dặn chí tình ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là bí quyết để người cán bộ chỉ huy đơn vị mình hoàn thành nhiệm vụ; là cẩm nang để mọi cán bộ soi chiếu, rèn luyện và hành động cho xứng đáng là người cán bộ của một đội quân cách mạng.

- Thứ ba, là đối với bản thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ phải chăm chỉ rèn luyện để thực sự là tấm gương sáng về mọi mặt cho cấp dưới noi theo; bởi nêu gương là một hoạt động đặc biệt của người cán bộ trong quân đội cách mạng, là mệnh lệnh không lời có sức cảm hoá to lớn để cấp dưới mang hết tinh thần và trách nhiệm, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Người căn dặn: “Giữ gìn kỷ luật học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội , cán bộ đều phải làm gương” . Để là tấm gương sáng cho cấp dưới noi theo, Người yêu cầu người cán bộ quân sự phải có chữ tín, tức là “phải làm cho người ta tin mình”, nhưng không tự kiêu, không có cái bệnh “Làm quan cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm thấy căn bệnh của những người có chức có quyền, nên đặc biệt quan tâm đến 4 đức tính phải có của người cán bộ cách mạng là “cần, kiệm, liêm, chính”. Người đòi hỏi cán bộ phải làm việc cho hết chức trách, không ỷ lại, dựa dẫm; mọi người phải chăm chỉ luyện tập trên thao trường để bớt đổ máu trên chiến trường; đồng thời phải làm việc có kế hoạch, không tuỳ tiện theo lối “nước sông công lính” lãng phí tiền bạc, thì giờ của nhân dân, công sức của bộ đội; cán bộ phải sống ngay thắng, trong sạch, thanh cao, không lấy của công làm của tư, “Chớ tham của, chớ tham sắc... chớ tham danh vọng, tham sống”. Những lời chỉ bảo đó đặc biệt quan trọng trong điều kiện hiện nay, khi mà sự nghiệp xây dựng quân đội trong hoà bình, đất nước phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều tác động tích cực, song cũng lắm tác động tiêu cực đến việc giữ vững phẩm chất của người quân nhân cách mạng. Nó đòi hỏi mỗi cán bộ quân đội phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, vượt qua những cám dỗ vật chất, tiền tài, danh vọng, giữ vững những phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”.

- Thứ tư đối với công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ quân sự “Phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm”, tức là phải chăm chỉ, tận tuỵ với công việc. Đó công việc của người cán bộ quân đội có tính đặc thù so với các loại cán bộ khác, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến hai phẩm chất mà người cán bộ quân sự phải có để xử lý các tình huống chiến đấu một cách chính xác và kịp thời, đó là trí và dũng. Người nói: “Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng . . . Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh Theo đó, người có “Trí là người biết địch, biết ta, biết dùng người đúng chỗ, đúng việc, luôn cầu tiến bộ, ham học hỏi, nắm vững những kiến thức cần thiết cho việc thực hiện chức trách của mình. Người có “Dũng” phải có gan chịu trách nhiệm trước công việc gặp việc khó phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa; cực khổ, hiểm nguy có gan chịu đựng, có gan chống lại những cám dỗ của đời thường; dám hy sính vì vận mệnh của Đảng, của Tổ quốc “Trí, Dũng” song toàn là hai phẩm chất đặc biệt cần thiết của người chỉ huy quân sự và đó cũng là mục tiêu của công tác đào tạo cán bộ quân sự hiện nay.

Để có được những phẩm chất đạo đức nhân cách nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: một mặt, tổ chức phải bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện, mặt khác bản thân mỗi cán bộ phải bền bỉ, thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, bởi theo Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó đã đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ quân sự trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung làm tốt một số nội dung chính sau đây:

 Một là, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cả trong nhà trường lẫn ngoài đơn vị. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, hình thức truyền đạt, cần quan tâm đến phương pháp nêu gương của cán bộ cấp trên đối với cấp dưới, của cán bộ, giảng viên nhà trường đối với học viên, thực hiện tốt phương châm “nói ít, làm nhiều; nói đi đôi với làm”. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; làm tốt việc nhân điển hình tiên tiến ở các đơn vị; đồng thời cần chú trọng giáo dục tình thương yêu đồng chí, đồng đội cho mọi quân nhân, tập trung trước hết vào đội ngũ cán bộ từ đại đội trưởng xuống đến tiểu đội trưởng, những cán bộ trực tiếp hàng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng huấn luyện và công tác với chiến sỹ; đồng thời phải xử lý thật kiên quyết những biểu hiện quân phiệt (cả bằng lời nói lẫn hành động), mất dân chủ của bất cứ cán bộ ở cấp nào.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, vai trò của các tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng trong bồi dưỡng, giáo dục, giám sát sự rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ.

Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; duy trì tốt nề nếp hoạt động và hiệu quả thiết thực của các tổ chức quần chúng trong phát huy quyền dân chủ của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị để giải quyết tốt các mối quan hệ trong đơn vị xây dựng bầu không khí dân chủ, đoàn kết trên cơ sở chấp hành đúng các chế độ, nguyên tắc, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên với nhiều hình thức theo chế độ thường xuyên hoặc đột xuất để kịp thời phát hiện tình hình, uốn nắn những sai phạm...
Ba là, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm không ngừng hoàn thiện đạo đức, nhân cách người cán bộ cách mạng. Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, người cán bộ phải có thái độ nghiêm túc trong tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể, nhưng cũng cần chống thái độ “dễ người, dễ ta”, hoặc lợi dụng phê bình để thực hiện mục đích cá nhân, không trong sáng.

Bốn là, quán triệt sâu sắc và kịp thời các luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch góp phần làm màng lọc ngăn cách quan điểm sai trái thù địch xâm nhập vào tư tưởng, tình cảm của cán bộ, học viên trong đơn vị.

 Ngày nay, các thế lực thù địch đang từng ngày, từng giờ chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chống phá trên lĩnh vực chính trị tư tưởng. Đối tượng chúng nhắm tới là đội ngũ học viên, cán bộ trẻ chưa kinh qua khó khăn gian khổ, trình độ phân tích, đánh giá, nhìn nhận sự vật hiện tượng chưa thấu đáo, khả năng miễn dịch với những thói hư tật xấu còn hạn chế, dễ bị dao động tư tưởng nhất là khi mạng xã hội phát triển, thông tin thật giả lẫn lộn... Do vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa học và rèn, vừa trang bị hệ thống kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng vừa giáo dục giá trị chuẩn mực đạo đức của quân đội, xã hội. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tuyên truyền giáo dục cho cán bộ học viên hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò của lực lượng 47, cơ quan tuyên huấn, lực lượng chuyên trách để người học viên, cán bộ quân sự tích luỹ, hình thành hoặc hoàn thiện nhân cách người cán bộ quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có như vậy mới hoàn thành nhiệm vụ trên mọi tình huống.


Nguyễn Long

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X