Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi và cơ chế thông thoáng nhằm thu hút các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh nhiều doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư hiệu quả, đóng góp thiết thực cho kinh tế, xã hội, đất nước, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự ưu đãi đó, nhất là các tập đoàn công nghệ, để vi phạm nhiều quy định pháp luật.
Không thể phủ nhận các lợi ích kinh tế, xã hội trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng ảnh hưởng, hệ quả tiêu cực từ hoạt động của một số doanh nghiệp này cũng là vấn đề khiến dư luận bức xúc. Hơn 10 năm qua, số vụ việc nghiêm trọng do các doanh nghiệp này trực tiếp gây ra, hoặc có liên đới, đang trở thành một vấn đề phức tạp tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều hơn các vụ việc sai phạm của các doanh nghiệp nước ngoài được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Bên cạnh những sai phạm có tính chất gây ô nhiễm, phá hoại môi trường, hiện tượng tập đoàn nước ngoài vi phạm hàng loạt các quy định pháp luật khác từ sử dụng lao động trái phép, cạnh tranh không lành mạnh đến trốn thuế, xâm phạm an ninh quốc gia,... cũng có dấu hiệu gia tăng.
Đáng chú ý, một số tập đoàn xuyên quốc gia hoạt động trong lĩnh vực mới mẻ như công nghệ thông tin, mà điển hình là Facebook đang lợi dụng những kẽ hở của luật pháp Việt Nam để trục lợi và thực hiện các hành vi thiếu trong sáng. Năm 2018 có thể xem là một năm kinh doanh nhiều tai tiếng của Facebook trên toàn cầu khi mạng xã hội này liên tục vi phạm pháp luật tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, I-ta-li-a... Đi liền với các vụ bê bối (scandal) nghiêm trọng này, Facebook đã chịu thiệt hại lên đến hàng trăm triệu USD. Bản thân ông chủ của hãng là M.Zuckerberg (M.Giắc-cơ-bếc) phải dự phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ vì những vấn đề liên quan. Tại Việt Nam, theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS thì trong năm 2018, riêng số tiền các doanh nghiệp đã chi trả cho quảng cáo trên nền tảng Facebook ước tính đạt khoảng 235 triệu USD. Hay theo "Báo cáo e-Conomy SEA 2018" do Google và Temasek công bố, tốc độ tăng trưởng của thị trường kinh tế số tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, nhất là trong bốn lĩnh vực vận tải công nghệ, thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và quảng cáo trực tuyến, đạt giá trị 33 tỷ USD vào năm 2025. Điều này phần nào lý giải vì sao số lượng máy chủ của Facebook đặt tại Việt Nam tăng vọt từ hơn 300 (năm 2017) lên đến 441 (năm 2018). Sự thật về số máy chủ này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của một số người cho rằng quy định doanh nghiệp nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam "khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên". Tuy nhiên, dù doanh thu khả quan, nhưng rõ ràng Facebook không thể chối bỏ trách nhiệm trước thực trạng yếu, kém đang xảy ra trên mạng xã hội này. Bởi lẽ, để thu về lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu USD từ khoảng 60 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam (theo thống kê tháng 10-2018 của hãng nghiên cứu thị trường Statista) thì Facebook đang có dấu hiệu đi ngược với hệ thống tiêu chuẩn cộng đồng do chính họ đề ra, dẫn tới một số sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, có nguy cơ bị truy tố trước pháp luật.
Mặc dù Facebook khẳng định mục đích của họ là "ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn trong thế giới thực mà có thể liên quan đến nội dung trên Facebook (...) xóa nội dung, vô hiệu hóa tài khoản và cộng tác với cơ quan thực thi pháp luật khi chúng tôi cho rằng thực sự có nguy cơ tổn hại về vật chất hoặc mối đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của cộng đồng", thế nhưng trên Facebook, những tổ chức bị Bộ Công an Việt Nam xác định là tổ chức khủng bố như "Việt tân", "chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" và các tổ chức chân rết của chúng vẫn ngang nhiên hoạt động. Qua Facebook, các tổ chức đó, nhất là Voice, trực tiếp tổ chức quảng bá nhằm tuyển dụng thành viên từ Việt Nam để đào tạo dưới chiêu bài "học bổng xã hội dân sự". Đặc biệt, trong khi fanpage của tổ chức khủng bố "Việt tân" trên Facebook trở thành một trung tâm đăng tải và chia sẻ thông tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, công khai chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, thì nhiều công dân Mỹ mà tiêu biểu là ông Nguyễn Thanh Tú, nhà báo A.C.Thompson vẫn mòn mỏi đấu tranh để đưa toàn bộ tội ác, hoạt động lừa đảo của tổ chức khủng bố này ra trước dư luận và pháp luật. Điều này khiến dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, phải chăng Facebook dung túng cho sự tồn tại của chúng, bất chấp việc các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo?
Không chỉ làm ngơ trước hoạt động của các tổ chức khủng bố đối với Việt Nam, dịch vụ của Facebook tại Việt Nam còn cho thấy có sự khuyến khích, góp phần quảng bá cho hành vi phạm tội khác, để cho nhiều tài khoản tiến hành quảng cáo, rao bán sản phẩm bất hợp pháp như vũ khí, tiền giả, pháo, hàng giả, môi giới mại dâm... Cũng cần phải thẳng thắn rằng, Facebook không thể vô can trước thông tin Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia thiếu minh bạch về quảng cáo trực tuyến, bởi hai phần ba lợi nhuận của ngành kinh doanh mới mẻ này ở Việt Nam là thuộc về Facebook và Google. Với chính sách và phương thức thanh toán cho quảng cáo trên Facebook cũng như các phần mềm khác thuộc mạng xã hội này như Instagram, Whatsapp tương đối đơn giản, người mua quảng cáo chỉ cần hoàn thành các hướng dẫn của Facebook về mặt hàng, thời lượng "phát sóng", đối tượng khách hàng hướng đến và thanh toán kinh phí qua thẻ tín dụng, thẻ cho vay quốc tế như Visa, MasterCard là xong nhưng trách nhiệm kiểm soát, chịu trách nhiệm với người sử dụng, với xã hội và đất nước mà mình kinh doanh lại bị mạng xã hội này buông lơi, bỏ qua. Chưa kể, như ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: "Cá nhân trả tiền cho Facebook, điều đó có nghĩa đất nước chúng ta mất đi một nguồn lực, tức là chi trả cho nước ngoài và người dân sẽ không được hưởng". Thông qua phương thức giao dịch như vậy, Facebook và người mua quảng cáo vừa có thể "né" thuế, vừa đồng thời không phải khai báo thông tin và chất lượng mặt hàng cần bán. Việc Facebook đang thực hiện hành vi giao dịch mua bán quảng cáo trực tiếp với đối tác, thay vì thông qua các đại diện tại Việt Nam phần nào đang tạo ra một cuộc chơi không lành mạnh, gián tiếp gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nội dung số khác. Vì lý do đó, nhiều người đã coi thị trường trực tuyến Facebook ở Việt Nam như một "chợ đen đích thực", có thể thoải mái quảng cáo và buôn bán trực tiếp bất kể loại hàng nào, kể cả hàng cấm.
Nghiêm trọng hơn, xuất phát từ kẽ hở ấy, những mục đích, thủ đoạn mang tính chính trị chống phá chế độ, chống phá đất nước đã và đang lợi dụng nền tảng Facebook để phục vụ mục đích tuyên truyền thiếu trong sạch. Facebook nói riêng và các mạng xã hội phổ biến khác như Youtube, Twitter đã tạo cơ hội cho thủ đoạn chính trị này lây lan với tốc độ chóng mặt sang cả những chủ đề, đối tượng ít ai ngờ đến như: công kích cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh. Với Việt Nam, hành vi quảng cáo chính trị, nói cách khác là "truyền thông bẩn", "truyền thông đen" trên Facebook để phục vụ mưu đồ xấu, không lành mạnh, đang ngày một trở nên phổ biến. Đối tượng bị các tổ chức, cá nhân sử dụng quảng cáo chính trị nhắm đến cũng vô cùng đa dạng từ chính khách, người nổi tiếng, doanh nghiệp,... đến các mâu thuẫn cá nhân. Đáng chú ý, Facebook thường xuyên "ngó lơ" hoặc chậm trễ xử lý các nội dung sai phạm dù cơ quan chức năng, hoặc tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan nhiều lần phản ánh. Theo thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và một số đơn vị xử lý khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp trong nước, thời gian để Facebook xử lý, xóa bỏ các trang, tài khoản đăng tải những nội dung sai sự thật lên đến hàng tháng, thậm chí cả năm trời. Như vậy, tình trạng thiếu hợp tác với người bị hại, phương pháp xử lý thông tin, tài khoản, fanpage vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, đã và đang bộc lộ sự cẩu thả, vô trách nhiệm.
Từ những nguyên nhân kể trên, việc siết chặt quản lý mạng xã hội và người dùng mạng xã hội được xem là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 trở thành một công cụ pháp lý quan trọng để Chính phủ, nhân dân Việt Nam có cơ sở đấu tranh với các sai phạm tồn tại trên nhiều mạng xã hội mà cụ thể là Facebook. Tuy nhiên, Facebook không phải là doanh nghiệp công nghệ xuyên quốc gia duy nhất để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng tại Việt Nam. Ngoài tập đoàn này, những tên tuổi nổi bật khác trong lĩnh vực kinh tế số như Google, Airbnb hay Grab cũng là các doanh nghiệp đang bị đặt nghi vấn, điều tra, thậm chí bị khởi kiện theo trình tự pháp luật.
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam luôn khuyến khích, tạo cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh, phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với việc thụ hưởng các điều kiện thuận lợi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải có trách nhiệm tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam, cạnh tranh hợp pháp, lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng lĩnh vực. Đáng tiếc là không phải doanh nghiệp nước ngoài nào cũng ý thức tốt vấn đề này. Thực tế, Facebook và nhiều tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ khác đã bị xử phạt tại nhiều quốc gia vì không tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Gần đây nhất, cơ quan giám sát dữ liệu Pháp cũng đã tuyên bố phạt Google số tiền lên đến 57 triệu USD vì vi phạm bảo mật dữ liệu; hoặc tại Xin-ga-po, hai tập đoàn Grab và Uber đã bị phạt 9,5 triệu USD vì mờ ám trong thương vụ sáp nhập. Ở Việt Nam, vấn đề tương tự của các tập đoàn này đang chỉ dừng ở việc bị các cơ quan chức năng cảnh báo. Điều đó cho thấy, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp khắc phục hậu quả từ hoạt động của họ. Nhưng các doanh nghiệp vi phạm cũng cần ý thức rằng, cùng với thiện chí này, Việt Nam cũng đồng thời đòi hỏi các tập đoàn xuyên quốc gia cần sớm chấn chỉnh hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật Việt Nam, tránh để đẩy tới những bản án nghiêm khắc và sự tẩy chay của người tiêu dùng.
Quang Minh (Nhân dân)