Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc diễn ra tháng 2-1979 tới nay tròn 40 năm. Cuộc chiến đấu đó đã trở thành một dấu son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, và trong ký ức của những cựu chiến binh đã có mặt trên biên giới ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc, hình ảnh về những tháng ngày hào hùng, gian khổ, nỗi niềm tri ân với đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Và đó cũng chính là những dòng ký ức của nhà báo Nguyễn Hòa, xin giới thiệu cùng bạn đọc…
Lạng Sơn 1979. (Tác giả Nguyễn Hòa ngoài cùng bên trái)
Hành quân lên biên giới
Tháng 8-1978, mình hành quân lên Lạng Sơn. Hai ngày ngồi trên xe tải ê ẩm hết cả người. Mưa to hết đợt này đợt khác, táp rát mặt. Cách duy nhất là kéo mũ cối xuống sát mắt, quấn áo mưa che kín người, ba-lô và khẩu AK. Sẩm tối dừng lại ở chợ Kép. Xuống xe, duỗi chân vươn tay cho đỡ mỏi xong, mình mắc võng giữa hai cây cột chợ, rồi nhận nắm cơm và gói muối vừng cho bữa chiều. Trời vẫn mưa to, ngại mang bi-đông đi lấy nước chè tươi đựng trong chiếc thùng anh nuôi đặt ở đầu nhà chợ, mấy thằng mình thò bát sắt ra giọt gianh để hứng nước mưa, vừa ăn vừa uống. Ăn xong, nghe thông báo lịch trình hành quân hôm sau, rồi ngủ. Nằm trên võng, mình trằn trọc một lúc. Phần vì sực nhớ khi đó những bạn bè không nhập ngũ thì đã tốt nghiệp đại học, phần vì “mùi chợ” loáng thoáng trong không khí và bóng đồi núi mập mờ xa xa trong mưa gợi mình nhớ nhiều điều. Hôm sau ăn sáng xong xuôi, anh nuôi lại phát cơm nắm và muối vừng, cất vào “túi cóc” ba-lô để dành bữa trưa. Nghĩ lại mà thương anh em nuôi quân. Để bọn mình có nắm cơm như thế, họ phải đi trước đến nơi trú quân nấu sẵn, nửa đêm lại nổi lửa để nắm cơm cho bọn mình ăn lúc hành quân.
Chuẩn bị lên ô-tô đi tiếp thì gặp tiểu đoàn khác hành quân suốt đêm dừng lại nghỉ. Mình thấy anh Chênh - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này. Hồi mình mới nhập ngũ, anh là đại đội trưởng huấn luyện quân tăng cường. Anh to cao và đẹp trai, cương nghị nhưng rất hóm. Anh em nói chuyện được mấy câu thì anh vỗ vai, dặn mình cố gắng rồi quay ra lo toan cho đơn vị. Giữa năm 1979, gặp người ở đơn vị anh, hỏi thăm mới biết tin anh đã hy sinh. Mấy tháng đầu lên Lạng Sơn, nhiệm vụ chủ yếu là đào giao thông hào, đào hầm, làm nhà “bán âm” (nửa hầm nửa nhà)... Một chủ nhật, mình xin ra huyện lỵ. Đang lang thang thì gặp anh Dũng - Chính trị viên một tiểu đoàn đóng quân gần đó. Mình quen anh hồi làm quân bưu của Sư đoàn, hàng tuần cọc cạch đạp xe Vĩnh Cửu chuyển công văn, tài liệu, thư báo đến các đơn vị đóng quân cuối tỉnh Phú Thọ. Đạp xe như thế rất mệt và đói. Anh Dũng là Chính trị viên phó tiểu đoàn phòng không đóng ở Đồi Tranh. Hôm nào mình tới giao công văn, tài liệu, thư báo anh cũng bảo nhà bếp cho ăn no, đôi khi còn dúi cho mấy khúc sắn luộc, cái bánh bột mỳ luộc ăn dọc đường. Gặp nhau ở biên giới, trò chuyện dăm câu, anh cho mình bao thuốc Tam Thanh rồi anh em chia tay. Mấy tháng sau chiến tranh nổ ra, đi công tác ở Bản Chu, anh bị lính sơn cước phục kích và hy sinh. Anh nằm sấp trên đồi, bộ đội đi tìm lại ngỡ là quân bên kia, vì lúc hy sinh, anh mặc áo bông màu xanh giống áo của họ. Hôm sau anh em mới phát hiện đó là anh và đưa về mai táng...
Cuộc hành quân ấy đã đưa mình lên biên giới và 40 năm nay, những ngày hào hùng, gian khổ đấy vẫn hằn in trong tâm trí của mình, để rồi hằng năm mỗi khi đến tháng 2 là ký ức lại ùa về. Đầu tiên là nhớ anh Chênh, anh Dũng - những người lính trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ và hy sinh trên biên giới phía bắc, rồi nhớ những người bạn của mình đã hy sinh. Các năm qua, mình đã mấy lần trở lại chiến trường xưa, thấy nhà cửa san sát, cây cối bạt ngàn xanh, dù hầu như không còn dấu tích của những ngày chiến trận, nhưng vẫn thấy bồi hồi...
Tháng 12-1972, mình học lớp 10 ở nơi sơ tán. Gần nửa đêm 18-12 có báo động, mình ra hầm trú ẩn. Nhìn về Hà Nội thấy chớp lửa sáng rực trời, tiếng nổ dậy đất, mình sốt ruột quá, vì khi đó nhà mình ở Hà Nội chỉ có cha mẹ già. Thế là dù bị giữ lại, mình vẫn quyết về. Vừa chạy bộ, vừa đi nhờ được ô-tô, gần sáng đến nhà. Vì thế khi chạy trên đê Phùng, dọc theo con đường xuôi về Nhổn, mình chứng kiến hàng vạn người dò dẫm đi trong đêm đông gió rét, thi thoảng có ánh đèn pin, đèn ô-tô của bộ đội chạy qua là nhìn rõ những đứa trẻ nằm trên lưng bố hoặc mẹ, gà gật trong chiếc thúng, ngồi trên gác-ba-ga xe đạp gục mặt vào yên xe để ngủ... Rồi người già chống gậy dò từng bước. Rồi lỉnh kỉnh vali, túi xách, bị, tay nải. Xe đạp nào cũng chất đầy túi bọc, bịch gạo, bếp dầu... Cứ ngỡ khung cảnh ấy chỉ chứng kiến một lần trong đời nhưng không, gần bảy năm sau, tháng 2-1979 mình lại phải chứng kiến. Đó là lúc hàng vạn người từ biên giới đi bộ về tuyến sau. Họ là đồng bào Tày, Nùng... là chị em công nhân các nông trường, lâm trường gần biên giới không có nhiệm vụ ở lại chiến đấu, là các cô giáo vùng cao... Đứng từ trên núi nhìn xuống, thấy đoàn người như con rắn khổng lồ uốn lượn theo con đường. Mỗi lần ô-tô bộ đội chạy qua là bụi phủ kín. Còn đứng bên đường thì thấy trẻ em, người già người đầy bụi vàng, tay xách nách mang. Lúc đầu chị em công nhân còn vác hòm gỗ, sau chắc là nặng quá, chuyển hết từ hòm sang túi, nên có đoạn hai bên đường vứt hòm gỗ... Đoàn người đi như thế tưởng không bao giờ dứt, để lại sau lưng cuộc sống bao nhiêu năm an lành và nhà cửa, tài sản tích cóp bao đời.
Hai khung cảnh ấy hằn in trong trí nhớ của mình, đọng lại những ánh mắt nhẫn nại, kiên trì và căm thù. Mình không biết anh Trần Tiến chứng kiến khung cảnh đó khi nào, nhưng ngay lúc ca khúc Những ánh mắt mang hình viên đạn của anh ra đời và phổ biến thì lập tức được bọn mình nhập tâm cùng bài Lời tạm biệt lúc lên đường của bác Vũ Trọng Hối. Hai bài hát ấy cùng nhiều bài hát nữa đã sống cùng bọn mình trong những tháng năm gian khổ. Mấy năm sau về Hà Nội, gặp anh Trần Tiến, rồi gặp bác Vũ Trọng Hối ở Phòng Văn hóa - Văn nghệ Quân đội, mình đều nói lại điều này. Anh và bác đều bùi ngùi.
Hồi ấy Lạng Sơn heo hút lắm. Thực phẩm và rau màu vốn chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tại chỗ của bà con địa phương, không thể đáp ứng nhu cầu bộ đội mới đến đóng quân. Mấy chục năm sau mình vẫn sợ đu đủ xanh là vì cuối năm 1978, mấy tháng liền mình chỉ xơi đu đủ. Tiếp phẩm của đơn vị lùng sục thế nào vẫn chỉ mua được đu đủ xanh. Anh nuôi cố gắng chế biến từ đu đủ xào, đu đủ hầm đến đu đủ luộc, đu đủ nộm… cũng không thể giúp bọn mình đánh lừa cái mồm. Lấy cơm về, anh em hỏi có món gì mới không, thấy đu đủ là lại chán. Còn thịt thì mặn tới mức không thể mặn hơn. Lợn mổ xong, lòng và xương xẩu, nước xuýt để làm bữa tươi, còn bao nhiêu thịt thì luộc và vùi vào thùng muối ăn dần. Riêng rau muống thì không còn là rau muống, sau mấy ngày chuyên chở từ dưới xuôi lên là rụng hết lá, chỉ còn thân rau dài loằng ngoằng như đậu đũa, nhưng vẫn ngon chán! Rỗi rãi, bọn mình lần mò ngược theo các con suối, thi thoảng vớ được “bè” cải soong to bằng cái chiếu vật vờ bám trong hốc đá, hay vớ được bãi mùi tàu mọc ven suối thì được bữa mát ruột!
Mùa khô, đất Lạng Sơn rất “quý người”. Ngày khô ráo bụi bay mịt mù, áo quần vàng khè, lông mày bạc phếch. Có lần mình từ trên ô-tô nhảy xuống, phụp một cái, bụi ngập hết cả đôi giày vải cao cổ. Ngày mưa thì thôi rồi, đất bám vào giày vải cả tảng, vừa đi vừa hất mà hai chân vẫn nặng chình chịch vài cân. Quần áo thì vẫn vậy, mỗi người hai bộ, một áo trấn thủ, một chăn chiên, một màn xô, hai người chung một cái áo bông. Làm lụng nhiều áo quần nhanh sờn, rách. Lúc đó mới thấy cái túi vải nhỏ đựng kim khâu, cuộn chỉ mà mẹ đưa cho mình lần về thăm nhà trước khi lên biên giới có giá trị như thế nào. Lúc mình khâu, lúc lại có tay nhờ khâu hộ vì hắn không biết khâu, lúc có tay gọi: “Hòa ơi, cho tao mượn cái kim, cuộn chỉ”.
Nguyễn Hòa (Nhân dân)