Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, February 13, 2019 , 0 bình luận

Mập mờ thu phí thủ công các trạm BOT


Câu chuyện về minh bạch doanh thu phí đường bộ tiếp tục "nóng" thời gian gần đây, khi một số vụ việc liên quan tới che giấu doanh thu phí xảy ra. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí tự động không dừng lại chậm tiến độ, dù lợi ích của nó ai cũng thấy rõ.

Trước Tết Nguyên đán ít ngày, một số cá nhân của Cty Yên Khánh bị cơ quan điều tra khởi tố vì dùng công nghệ che giấu, giảm doanh thu thu phí thực tế trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Mới đây nhất, ngay mùng 2 Tết Kỷ Hợi, vụ cướp 2,22 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm thu phí trên cao tốc TPHCM - Dầu Giây cũng khiến nhiều người nghi ngờ về doanh thu thực của trạm thu phí này. Một số ý kiến cho rằng, doanh thu mỗi ngày của trạm thu phí này cao hơn nhiều con số báo cáo. Dù sau đó, Cty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị thu phí) có lý giải hơn 3,2 tỷ đồng trong két sắt tại trạm thu phí khi xảy ra vụ cướp là tiền của 8 ca thu phí từ ngày 4 đến 6/2/2019.
Trạm thu phí Dầu Giây nơi xảy ra vụ cướp đến nay số tiền thu phí hằng ngày nơi đây vẫn là dấu hỏi Ảnh: M.T

Liền sau đó, Tổng Cty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục lên tiếng để thuyết phục dư luận về sự minh bạch, chặt chẽ trong thu phí đường cao tốc. Lãnh đạo VEC cho rằng, đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuân thủ các quy định hiện hành. VEC đã xây dựng các quy trình tổ chức thu, giám sát thu, hậu kiểm và đảm bảo minh bạch, công khai, quản lý chặt chẽ chống thất thoát tiền thu phí. Ngoài sử dụng con người, còn có phần mềm, camera để giám sát thu phí... Hằng ngày, các đơn vị được VEC giao thu phí đều báo cáo về lưu lượng, doanh thu từng trạm thu phí gửi về VEC. Định kỳ hằng quý, VEC báo cáo Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT... 
Tuy nhiên, những lý giải trên của VEC và các đơn vị thành viên vẫn không thuyết phục được những nghi ngờ của dư luận, khi thu phí vẫn thực hiện thủ công. 
Từ năm 2017, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phải thực hiện thu phí tự động không dừng tại các trạm trên toàn bộ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh trong năm 2018, và các trạm thu phí BOT khác trong năm 2019. Rất tiếc, đến nay tiến độ thực hiện thu phí tự động của Bộ GTVT chậm so với mốc kế hoạch Thủ tướng giao. Rất nhiều vướng mắc đã được chỉ ra, dù lợi ích của thu phí tự động ai cũng thấy rõ. 
Hệ thống thu phí các tuyến cao tốc của VEC vẫn thực hiện thu thủ công qua thẻ từ. Trong khi đó, việc áp dụng thu phí tự động vẫn ở dạng thí điểm. Theo lý giải của lãnh đạo VEC, đơn vị đang chuẩn bị đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Còn đơn vị thu phí tự động mà Tổng cục Đường bộ đang chọn (VETC) không đáp ứng đủ năng lực tài chính để cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho toàn bộ trạm thu phí cao tốc của VEC, nên VEC cần thêm thời gian đấu thầu chọn đơn vị khác.
Thu phí tự động: Nhà đầu tư BOT không hào hứng
Giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đơn vị này phải quan tâm triển khai, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thu phí tự động không dừng. Theo ông Thể, thu phí tự động được cả xã hội quan tâm, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. “Thu phí tự động không dừng sẽ giúp giám sát việc thu phí, doanh thu thu phí dễ hơn thu phí thủ công rất nhiều. Cùng đó, lợi ích xã hội vô cùng to lớn, như giảm thời gian dừng xe trả phí, tâm lý của lái xe và người dân tốt hơn, yên tâm và tin tưởng hơn vào hoạt động thu phí”, ông Thể nói. 
Người đứng đầu ngành Giao thông cũng yêu cầu cấp dưới phải giám sát hoạt động thu phí chặt chẽ. Không để xảy ra trường hợp như một số cá nhân bị khởi tố vì sử dụng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng được Tổng cục Đường bộ lựa chọn) cho biết: Việc triển khai thu phí tự động hiện còn một số vướng mắc khi đàm phán với các nhà đầu tư BOT đường bộ. Trong đó có vướng mắc về bàn giao nhân lực thu phí, tài sản trạm thu phí. Cũng có nhà đầu tư BOT không mấy "hào hứng" với thu phí tự động. Cùng đó, hiện số lượng chủ xe nộp tiền vào tài khoản và sử dụng trả phí tự động cũng không nhiều.
Trong khi, doanh thu của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động phụ thuộc vào số lượng xe sử dụng dịch vụ. Hiện mỗi trạm thu phí VETC được trả phí cung cấp dịch vụ khoảng 10-20 triệu đồng/tháng. Trong số xe đã dán thẻ và có tài khoản thu phí tự động, cũng chỉ khoảng 30% nộp tiền vào tài khoản, trong số chủ phương tiện đã nộp tiền cũng chỉ có khoảng 20% xe sử dụng dịch vụ thu phí tự động.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Tổng cục Đường bộ đã chọn nhà thầu của VNPT để giám sát toàn bộ việc truyền dữ liệu của các trạm thu phí ETC về Tổng cục Đường bộ. Như vậy, việc thu phí ETC sẽ có 3 kênh giám sát: nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ ETC, VNPT giám sát việc truyền dữ liệu thu phí đến cơ quan liên quan và Tổng cục Đường bộ giám sát thông qua việc quản lý dữ liệu thu phí. 
Dấu hỏi quanh số tiền thu phí ở trạm Dầu Giây?
Ngày 7/2, hai đối tượng thực hiện vụ cướp hơn 2,2 tỷ đồng trong tổng số hơn 3 tỷ đồng tại két sắt của  Trạm thu phí Dầu Giây thuộc đường cao tốc TP HCM- Long Thành Dầu Giây (HLD). Vụ việc đang làm dấy lên câu chuyện số tiền thu thực tế của Trạm thu phí này mỗi ngày là bao nhiêu?
Nếu số tiền trong két sắt bị cướp là của 1 ca, thì 3 ca/ngày, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) có thể thu được số tiền lên đến 8 - 9 tỷ đồng. Một chuyên gia cho biết, thời điểm sau 30 tết, các loại phương tiện đóng phí cao như xe tải, xe container rất ít, vậy ngày bình thường số tiền thu được sẽ còn cao hơn. Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật( đường cao tốc Việt Nam VEC E), tổng kết 2018 công ty này thu được 1.100 tỷ đồng tiền thu phí, tính ra trung bình 1 ngày bình thường công ty thu toàn tuyến khoảng từ 3,3 - 3,4 tỷ đồng.
Ngày 8/2, ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) giải thích: Thời điểm xảy ra vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, tổng số tiền có trong két sắt là 3.230.660.000 đồng bao gồm tiền doanh thu 2 ca ngày 4/2, 3 ca ngày 5/2, 3 ca ngày 6/2 (1ca/8h), tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày Tết(do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp tết). Số tiền thực tế còn lại sau được kiểm đếm sau vụ cướp là 1.010.660.000 đồng.
Về công tác tổ chức thu phí, đại diện VEC cho biết tổng công ty này được thành lập từ năm 2004, là doanh nghiệp nhà nước, nòng cốt trong xây dựng các tuyến đường cao tốc của quốc gia. VEC được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và TP HCM-Long Thành-Dầu Giây (các dự án của VEC không phải các dự án BOT).
VEC khẳng định công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai và minh bạch.
Mạnh Thắng được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và TP HCM-Long Thành-Dầu Giây (các dự án của VEC không phải các dự án BOT).
VEC khẳng định công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai và minh bạch.


Lý do nhà đầu tư BOT không thích thu phí tự động

Để rõ hơn những vướng mắc trong triển khai thu phí tự động không dừng, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT).


Ông Tô Nam Toàn cho biết, việc thu phí tự động không dừng triển khai từ tháng 7/2017. Tới nay, đã có 26 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành tối thiểu 2 làn thu phí tự động (mỗi chiều xe 1 làn thu phí tự động). Tuy nhiên, tiến độ triển khai thu phí tự động chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GTVT và mong muốn của người dân.
Một số trạm thu phí có làn thu tự động, nhưng đa số phí được thu theo hình thức thủ công Ảnh minh họa: PT
Vậy xin ông cho biết, việc triển khai thu phí tự động không dừng chậm tiến độ do đâu?
Qua thực tế triển khai giai đoạn 1 có thể thấy, có nhà đầu tư BOT ủng hộ, nhưng cũng nhiều nhà đầu tư BOT gián tiếp cản trở triển khai thu phí không dừng. Cùng đó, năng lực tài chính của nhà cung cấp dịch vụ thu phí hiện chưa đáp ứng được yêu cầu (Cty VETC). Điều này do phương án tài chính của dự án chưa đảm bảo, dẫn tới tiến độ giải ngân tín dụng của các ngân hàng cho dự án của nhà cung cấp dịch vụ thu phí không theo kế hoạch. Từ đó, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không có đủ kinh phí để nhập vật tư, thiết bị về lắp cho các trạm thu phí và thuê nhân lực vận hành.
Cũng do yêu cầu đặc thù về công nghệ của nhà cung cấp dịch vụ thu phí, nên Bộ GTVT cũng không thể nhanh chóng chọn nhà cung cấp dịch vụ thứ 2 để thay thế, bổ sung cho nhà cung cấp dịch vụ hạn chế về năng lực tài chính.
Tổng cục Đường bộ đang triển khai chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (Dự án BOO 2). Qua sơ tuyển, Tổng cục đã chọn 4 nhà thầu đủ điều kiện. Tuy nhiên, khi rà soát thấy phương án tài chính dự án chưa được đảm bảo, tới tính khả thi chưa cao, nên phải báo cáo Thủ tướng điều chỉnh, dẫn tới mất nhiều thời gian. Hy vọng tới tháng 3/2019 chúng tôi sẽ lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án BOO 2. Đồng thời, trong năm 2019 sẽ triển khai toàn bộ thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ, chỉ để lại 2 làn ngoài cùng mỗi chiều xe cho thu phí hỗn hợp.
Như ông nói, nhiều nhà đầu tư BOT không muốn triển khai thu phí tự động không dừng, điều này phải chăng do họ sợ minh bạch, hay vì chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ thu phí nên nhà đầu tư BOT chưa hào hứng?
Có một số nhà đầu tư BOT ngại sự minh bạch, vì đơn vị thu phí tự động chỉ thu hộ nhà đầu tư BOT, thêm đơn vị tham gia sẽ phải lộ thông tin thu phí. Một số nhà đầu tư BOT lại lo không kiểm soát được số thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thu phí khi thu hộ cho họ. Có nhà đầu tư BOT yêu cầu phải để 1 hệ thống khác song song với hệ thống thu phí tự động để giám sát. Tuy nhiên, việc đặt thêm hệ thống khác sẽ tác động dòng điện từ lên hệ thống thu phí không dừng, làm ảnh hưởng tới chất lượng thu phí. Có thể nhà đầu tư BOT chưa hiểu sâu sắc về thu phí tự động không dừng nên e ngại.
Từ chuyện gian lận số thu tại trạm thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương của Cty Yên Khánh (đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố), hay tại một số dự án khác, liệu thu phí không dừng có giúp giảm gian lận?
Một trong những lợi ích của thu phí tự động không dừng là đem lại sự minh bạch, công khai số thu phí với nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người dân. Do đó, khi triển khai thu phí tự động các vấn đề như xảy ra tại Cty Yên Khánh sẽ được giải quyết.
Ông Tô Nam Toàn
Được biết cơ quan quản lý sẽ sửa quy định  để hài hòa lợi ích các bên có liên quan thu phí không dừng, vậy những quy định nào được sửa, và sửa như thế nào thưa ông?
Hiện, quy định về thu phí tự động không dừng liên quan tới rất nhiều văn bản, quy định. Tổng cục Đường bộ đang xây dựng Thông tư về thu phí tự động không dừng. Đồng thời, chúng tôi cũng báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng sửa Quyết định 07/2017; kiến nghị sửa Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính, để có chế tài xử lý với nhà đầu tư BOT, nhà dịch vụ thu phí, chủ phương tiện không thực hiện nghiêm thu phí tự động.
Đồng thời, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng, hoàn thiện quy định về kết nối thanh toán giữa tài khoản chủ phương tiện với tài khoản đơn vị thu phí không dừng; hóa đơn thanh toán điện tử. Để thanh toán phí tự động đơn giản, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Hy vọng năm nay sẽ kết nối được cổng thanh toán ngân hàng.
 Cảm ơn ông!


Luật sư Trương Thanh ĐứcTrạm BOT khai thấp tiền thu là hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước
 Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, câu chuyện thu nhiều thu ít phí của các dự án BOT thực chất là gian lận.
Vấn đề là gian lận ít thì khó phát hiện, còn gian lận lớn phát hiện được rồi cũng chìm xuồng. Đơn cử như vụ việc ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ trước đây. “Vụ việc ở Pháp Vân - Cầu Giẽ phải đưa những người đứng đầu sai phạm ra xử lý, bản chất là tham ô, số tiền gian lận lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ chứ không ít”, ông Đức nói.
Đặc biệt, sau vụ việc, cán bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra. Hay như đến nay, tranh cãi số thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc Long Thành - Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng vẫn chưa dừng lại ngay cả khi doanh nghiệp dự án lên tiếng giải thích. 
Bình luận về lý giải của doanh nghiệp cho rằng, số tiền đó được thu trong nhiều ngày, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chẳng có doanh nghiệp nào điên mà để cả đống tiền hàng tỷ đồng như vậy ở trạm thu phí. “Trạm thu phí là chỗ rất phập phù, an ninh không đảm bảo. Trạm nằm ngoài đường cao tốc, xe cộ qua lại nườm nượp, không dại gì mà để tiền nhiều ở đó. Chưa nói, nếu bài bản thì doanh nghiệp phải hợp tác với ngân hàng để chuyển tiền về gửi cho an toàn”, Luật sư Đức nói.
Trên cơ sở đó, ông Đức nhận định, khả năng rất cao là doanh nghiệp thu nhiều nhưng khai nộp ít, nếu đúng như vậy sẽ là chiếm đoạt, chiếm đoạt tài sản nhà nước chứ không còn là hành vi gian lận.
Với việc triển khai đồng loạt thu phí tự động trên cả nước, theo Luật sư Trương Thanh Đức sẽ đảm bảo minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông vẫn lo ngại dù ít hay nhiều doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách để “ăn” tiền của dân. “Giai đoạn đầu khi triển khai sẽ lộ ra nhiều bất cập, gian lận trong thu phí trước đây, và quan trọng nhất là... doanh nghiệp “không được ăn nữa”. Do đó, nhiều chủ đầu tư BOT sẽ tìm cách chống đối, chây ì chưa triển khai thu phí tự động”, ông Đức chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, thu phí tự động vài tháng hiệu quả sẽ giúp thu hồi vốn cực kỳ nhanh, có thể trả lương cho cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp BOT tới 10 năm. Thực tế, theo ông Đức, vốn các dự án BOT hiện nay chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo. 
Luật quy định về đầu tư dự án BOT cao tốc, doanh nghiệp phải có vốn trên 15% tổng vốn dự án. Nhưng nhiều dự án lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Thế nhưng, ông Đức cho rằng, kể từ khâu lập dự án đầu tư và làm xong, chủ đầu tư đã có thể thu hồi vốn bằng cách dùng “mỡ nó rán nó”, khai khống tiền vay ngân hàng để hưởng lợi.
Ông Đức nghi ngờ, bây giờ họ lại kéo dài thời gian thu phí, móc túi tiền của dân. Luật sư Đức cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng phải chi cho các “vây, cánh” xung quanh chứ không thể một mình hưởng lợi. Do đó, bất cập cần khắc phục ngay từ thể chế, chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở trong thu hút và triển khai các dự án BOT.
Việc các nhà đầu tư BOT viện lý do chưa triển khai thu phí tự động theo luật sư Trương Thanh Đức, bản chất vẫn là câu chuyện lợi ích nhóm, càng trì hoãn càng tốt cho họ.
Nguồn: Tiền phong

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X