Câu chuyện về minh bạch trong thu phí ở các tuyến đường đầu tư xây dựng bằng hình thức BOT không mới, mà thực tế đã được nhắc tới rất nhiều lần.
>>Vì sao lại bức xúc: BOT phải minh bạch
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh khẳng định, sự không minh bạch của các trạm thu phí có thể dẫn đến tiền thu không vào ngân sách Nhà nước và đó cũng là mầm mống để nảy sinh hành vi tham nhũng.
>>Vì sao lại bức xúc: BOT phải minh bạch
Mới đây, sau vụ cướp gây xôn xao dư luận tại Trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, câu chuyện có hay không sự mập mờ trong thu phí BOT lại nóng lên, dù đơn vị thu phí đã lên tiếng giải thích.
Phần đông ý kiến của dư luận cho rằng, cần minh bạch hóa trong thu phí BOT.
Trạm BOT Dầu Giây. (Ảnh do VEC cung cấp).
Liên tục theo dõi những thông tin về Trạm thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ông Hoàng Sơn một tài xế ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho rằng, nhất thiết phải có sự minh bạch trong thu phí BOT.
Theo ông Sơn, việc thu phí là chính đáng vì nhà đầu tư phải bỏ rất nhiều tiền để làm dự án và những tài xế như ông luôn sẵn sàng trả tiền để sử dụng dịch vụ, nhưng điều đó không có nghĩa nhà đầu tư có quyền “mập mờ”. Nhà đầu tư phải công khai và làm đúng theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi sẵn sàng trả tiền phí, nhưng nó phải rõ ràng, minh bạch. Số lượng thu là bao nhiêu, thời hạn thu là bao lâu. Hiện nay, việc thu phí rất mập mờ, chúng tôi không biết sẽ phải trả phí đến bao giờ. Nên chúng tôi yêu cầu phải có sự rõ ràng, minh bạch, làm đúng theo quy định của pháp luật”, tài xế Sơn nhấn mạnh.
Còn ông Vũ Hoàng Kiên, người dân quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, đặt dấu hỏi về vai trò giám sát thu phí của cơ quan chức năng, bởi với trình độ công nghệ hiện nay, việc giám sát chặt việc thu phí của nhà đầu tư là không khó.
Ông Kiên nêu vấn đề: “Tôi nghi ngờ tính minh bạch của các trạm thu phí, không chỉ có VEC mà còn ở các trạm khác. Việc thu phí tự động là một cách để giám sát hiệu quả các trạm thu phí. Nhà nước cũng đã yêu cầu phải thu phí tự động từ năm ngoái, nhưng tới giờ này vẫn chưa thấy làm. Với công nghệ hiện nay, việc giám sát thu phí là không khó, mà chậm trễ như vậy thì rõ ràng là có vấn đề”.
Nói về công tác quản lý, giám sát, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhận định, chính công tác quản lý chưa tốt là nguyên nhân xảy ra tình trạng “nhập nhằng” tại các trạm BOT.
Theo ông Ninh, Chính phủ cũng đã chỉ đạo thu phí điện tử qua phần mềm khép kín để minh bạch, thế nhưng việc thiếu nghiêm túc triển khai của các nhà đầu tư dẫn đến có kẻ hở dễ nảy sinh tiêu cực.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh nói: “Chính quyền trực tiếp quản lý hay cơ quan trực tiếp quản lý các trạm thu phí phải chịu trách nhiệm trả lời. Luật pháp đã có quy định nhưng không thi hành nghiêm túc là do người thi hành, người quản lý và người có nghĩa vụ thi hành. Vấn đề ở chỗ người chấp hành có nghiêm túc không?”
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh khẳng định, sự không minh bạch của các trạm thu phí có thể dẫn đến tiền thu không vào ngân sách Nhà nước và đó cũng là mầm mống để nảy sinh hành vi tham nhũng.
Vì thế, các cơ quan chức năng cần thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện các trạm thu phí BOT trong cả nước; phải sớm đưa việc thu phí tự động vào thực hiện, bỏ hình thức thu tiền trực tiếp để tránh tiêu cực. Và với điều kiện hiện nay thì thu phí tự động là hoàn toàn không khó./.
Xuân Lượng, Hà Khánh/VOV-TPHCM