Đã đến lúc người trả phí khi qua các trạm BOT giao thông phải được biết số tiền họ chi trả đi về đâu? Họ đã trả được bao nhiêu và còn nợ lại bao nhiêu?
Hôm nay (18-2), Tổng cục Đường bộ Việt Nam bắt đầu kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Dầu Giây, sau khi xảy ra vụ cướp 2,2 tỉ đồng hôm mùng 3 Tết.
Sau bao nhiêu lùm xùm vây quanh các trạm thu phí trên cả nước, đúng ra cơ quan thanh tra đã phải sớm vào cuộc thanh kiểm tra toàn diện tất cả các dự án BOT, kể cả đó có là các dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư. Chứ không phải trạm nào xảy ra vướng mắc, nghi vấn hoặc dưới áp lực dư luận thì mới vào cuộc thanh kiểm tra như đối với vụ việc xảy ra tại trạm thu phí cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Trạm BOT Dầu Giây. (Ảnh do VEC cung cấp).
Dư luận đặt câu hỏi: có hay không số tiền chênh lệch do chủ đầu tư khai báo cho cơ quan chức năng với số tiền thực thu trung bình mỗi ngày, mà con số chênh lệch lên tới cả tỉ đồng/ngày? Và nếu có thì nó cũng chỉ được phát hiện sau một nguyên nhân rất hài hước: "bị cướp". Vậy nếu không bị cướp thì mọi việc có lẽ cứ mãi như thế êm xuôi trôi qua?
Các dự án BOT nói chung và BOT giao thông nói riêng, đúng ra phải quản lý chặt hơn, tổ chức thanh kiểm tra thường xuyên, cả định kỳ lẫn đột xuất. Còn đây gần như cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi có phản ánh, nghi vấn hay nói thẳng ra là chỉ khi bị áp lực từ dư luận.
Đặc thù của các dự án BOT là thời gian hoàn vốn và thu lãi dựa vào sự đóng góp trực tiếp của người sử dụng dịch vụ. Các mốc thời gian lộ trình thu phí đặt ra ban đầu đều là sự giả định dựa theo khảo sát tại thời điểm trước khi khởi công cả năm hoặc vài năm; tới khi hoàn thành đưa vào vận hành thực tế, con số này đã thay đổi rất nhiều so với trước đó.
Vậy mà, đại diện Bộ GTVT cho rằng con số này Bộ không nắm được, chỉ dựa vào báo cáo của chủ đầu tư. Trả lời như vậy liệu có sòng phẳng và hợp lý? Và, tới thời điểm hiện tại, doanh thu của các trạm thu phí BOT vẫn là con số bí mật (cơ quan quản lý chỉ nắm được khi chủ đầu tư báo cáo), trong khi đúng ra nó phải được công khai tuyệt đối, vì người tham gia giao thông trực tiếp trả tiền vốn cũng như lời cho các dự án, nhưng họ lại không hề được biết mình đã đóng góp bao nhiêu, và còn phải đóng góp tiếp bao lâu nữa!
Thông tư 49/2016/TT-BGTVT yêu cầu phải lắp đặt bảng điện tử tại các trạm thu phí để công khai về tổng mức đầu tư, tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu và thời gian còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế... nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng công khai, phổ biến và cũng không có trạm thu phí nào bị đóng cửa hay tạm dừng về việc này. Vì sao?
Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng để chống gian lận trong khai báo doanh thu. Nhưng, đến nay vẫn mạnh ai nấy làm cho có, việc thu phí chủ yếu vẫn là thủ công, vẫn tạo điều kiện để các chủ đầu tư lách luật, mập mờ, gian lận. Vì sao?
Đã tới lúc, Nhà nước phải trả lại quyền "ông chủ" thực sự cho những người đang ngày đêm bỏ tiền mua lại dự án để bàn giao cho Nhà nước; đã tới lúc người trả tiền phải được biết số tiền họ chi trả đi về đâu? Họ đã trả được bao nhiêu và còn nợ lại bao nhiêu?
Người dân đã rất sòng phẳng cũng như rất tin tưởng vào chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Bộ GTVT khi giao phó trách nhiệm giám sát, quản lý thu chi cho các cơ quan này.
Vậy thì, phải sòng phẳng lại với người dân, đừng phụ lòng tin của họ!
Huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết và là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đừng làm méo mó một chủ trương hợp lòng dân!
Đoàn Quang Huy (Người lao động)