Giới chức Mỹ và Triều Tiên chắc hẳn có lý do riêng để chọn Hà Nội và Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un . Báo chí thế giới nhất loạt đều có chung nhận định, Việt Nam chính là lựa chọn lý tưởng cho hội nghị lần này.
>>Hà Nội-Thành phố vì hòa bình trở thành tâm điểm của thế giới, nơi đối thoại và hòa giải xung đột
Biển chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại một quán ăn ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nhận định của báo chí quốc tế: Hà Nội thực sự nổi bật
Đã có rất nhiều trang báo quốc tế phân tích, vì sao Việt Nam được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Một bài phân tích trên tạp chí The Diplomat cho rằng, một tiêu chí khiến Việt Nam thực sự nổi bật so với các ứng cử viên tiềm năng khác: Đó chính là mối quan hệ nồng ấm với cả ba bên trong đối thoại hạt nhân hiện nay gồm Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc. Trước hết, Triều Tiên và Việt Nam có sự gần gũi về ý thức hệ và Triều Tiên từng ủng hộ Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.
Cải cách kinh tế thành công của Việt Nam trong những năm 1980 cũng được các quan chức Bắc Triều Tiên coi là một mô hình khả thi cho các chính sách kinh tế mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un. Mặt khác, mặc dù có hệ thống chính trị khác biệt, Mỹ đã nhanh chóng trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ khi chấm dứt lệnh cấm vận Việt Nam vào năm 1995, và gần đây Việt Nam được coi là một đối tác quan trọng của Mỹ trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương dưới thời cả hai chính quyền Tổng thống B. Obama và D. Trump.
Cuối cùng, Hàn Quốc - bên có đóng góp lớn cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này có lẽ sẽ rất vui nếu hội nghị nhận nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khi diễn ra tại một quốc gia mà hãng Samsung Hàn Quốc hiện đang là công ty lớn nhất.
“Điểm tương đồng giữa Việt Nam và Singapore chính là điều kiện an ninh đảm bảo cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Tôi tin tưởng vào năng lực của đội ngũ an ninh Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo quốc tế cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hội nghị”.
Ông Murray Hiebert (Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington)
“Điểm tương đồng giữa Việt Nam và Singapore chính là điều kiện an ninh đảm bảo cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Tôi tin tưởng vào năng lực của đội ngũ an ninh Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo quốc tế cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hội nghị”.
Ông Murray Hiebert (Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington)
Bài viết trên The Diplomat cũng chỉ ra, lợi thế chính trị đó, cùng với khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Hà Nội nằm trong tầm kiểm soát đối với máy bay cá nhân Ilyushin-62M của ông Kim Jong-un và kinh nghiệm đảm bảo an ninh, an toàn của Việt Nam trong tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, khiến Hà Nội là một lựa chọn tối ưu. Nhất là trong một sự kiện chính trị hàng đầu thế giới với các yêu cầu an ninh rất khắt khe như Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Với nhan đề “Việt Nam có thể trở thành hình mẫu cho một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên”, bài viết trên trang Nikkei Asia Review nhận định: Washington hy vọng rằng Triều Tiên được khuyến khích bắt tay vào cải cách kinh tế và chính trị như Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới suốt 3 thập kỷ - một loạt cải cách kinh tế toàn diện làm cho đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài trong khi vẫn giữ được sự ổn định chính trị và xã hội.
Nikkei Asia Review phân tích, theo Oxford Economics có trụ sở tại vương quốc Anh, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam trên đầu người vào năm 1988 khoảng 1.500 USD, bằng một nửa Triều Tiên vào thời điểm đó. Sau 30 năm, đến năm 2018, GDP trên đầu người của Triều Tiên đã giảm một nửa, trong khi Việt Nam đã tăng gấp 4 lần lên hơn 6.000 USD.
Tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam đã đạt trung bình 6,3% trong hai thập kỷ qua, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Kế hoạch của chính quyền Mỹ dường như là thúc đẩy Bình Nhưỡng chấp nhận mô hình Việt Nam bằng cách nhấn mạnh lợi ích của cải cách kinh tế trong khi vẫn có thể duy trì vị thế của nhà cầm quyền.
Đây không phải là một ý tưởng mới. Mô hình Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Việt Nam bàn thảo từ những năm 1990 và năm 2012, Triều Tiên đã cử một phái đoàn đến Hà Nội tập trung vào tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về cải cách và phát triển chủ nghĩa xã hội theo định hướng thị trường. Đến thời điểm này, dường như Chủ tịch Kim Jong-un hiểu rằng không thể hiện ý định hợp tác nghĩa là có thể quay trở lại sự cô lập và thù địch với hầu hết thế giới, bỏ phí cơ hội dỡ bỏ mối đe dọa của Mỹ và mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.
Bài viết kết luận, điều này cho thấy, cả Mỹ và Triều Tiên đều mở ra ý tưởng Việt Nam là mô hình phát triển cho Triều Tiên và có vẻ như hợp tác kinh tế là động lực để cả hai hy vọng có những tiến triển nhanh chóng.
Các bạn trẻ đạp xe quanh các tuyến phố Hà Nội, mang theo quốc kỳ Mỹ, Triều Tiên và Việt Nam, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Cơ hội không thể bỏ lỡ
Theo The Diplomat, đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này, Việt Nam sẽ gặt hái những lợi ích đáng kể cho quan hệ song phương và đa phương. Về mặt quan hệ song phương, sự chuẩn bị kỹ càng trong việc tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy trực tiếp đóng góp một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên, từ đó tiếp tục cải thiện quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên.
Trong thời đại Việt Nam ngày càng cần các đối tác nhiều nguồn lực và sẵn sàng cam kết cho các chính sách đối ngoại của mình, càng thắt chặt quan hệ tốt hơn với Mỹ và Hàn Quốc, Việt Nam càng cảm thấy tự tin hơn trong việc hoạch định các chính sách kinh tế và an ninh.
Về quan hệ đa phương, từ cuối những năm 1980, Việt Nam vẫn duy trì nguyên tắc “là bạn và là đối tác đáng tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia các quá trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Kết quả, Việt Nam đã nâng cao vai trò và vị thế của mình trong các vấn đề khu vực và quốc tế thông qua việc tổ chức các hội nghị quốc tế hoặc vận động tranh cử vị trí không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Điều này giúp ích cho việc một ngày nào đó, Việt Nam trở thành nhà trung gian hòa giải quốc tế tin cậy, đồng thời sự hiện diện tích cực trong các vấn đề quốc tế sẽ giúp Việt Nam dễ dàng kêu gọi sự chú ý từ các đối tác khu vực và quốc tế khác đối với các vấn đề như tình hình Biển Đông. Vì vậy, tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là cơ hội không thể bỏ lỡ đối với Việt Nam.
Cuối cùng, không nên quên rằng đối với Singapore, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên là một sự kiện rất thành công khi hình ảnh về thành phố thịnh vượng và xinh đẹp này được phát sóng bởi tất cả các kênh truyền thông lớn và được chia sẻ rộng rãi trên khắp các mạng xã hội như Facebook hoặc Twitter trước, trong và sau sự kiện. Thay vì trả hàng triệu đô la cho một chương trình truyền hình dài 1 phút trên CNN, Việt Nam sẽ nhận được quảng cáo miễn phí trên CNN, BBC và các hãng truyền thông khác nếu có thể bảo đảm mọi công tác tổ chức hội nghị lần này.
Việt Nam - một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế
Tương tự, khẳng định “chủ nhà là người chiến thắng lớn nhất”, Bennett Murray, một nhà báo Mỹ phụ trách văn phòng hãng DPA của Đức tại Hà Nội đã có một bài phân tích trên tạp chí trực tuyến Foreignpolicy. Tác giả cho rằng, tổ chức một sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên không hề rẻ, như Singapore từng chi cho Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6-2018 khoảng 12 triệu USD. Chưa kể, một số bất tiện như các con đường đóng cửa và các biện pháp an ninh làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, khiến cho một bộ phận cư dân mạng Singapore phàn nàn. Tuy vậy, có thể thấy Việt Nam sẵn sàng làm chủ nhà của hội nghị quan trọng như vậy.
Theo đó, Hội nghị thượng đỉnh này tạo nên uy tín toàn cầu và là cơ hội để Việt Nam tạo ấn tượng tốt với thế giới. Việt Nam không lạ gì trong việc tổ chức các hội nghị có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 tại Đà Nẵng cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nguyên thủ nhiều nước khác. “Nhưng hôm nay, khi Hà Nội đứng ra chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình giữa hai đối thủ có vũ khí hạt nhân, người ta cảm nhận hơn bao giờ hết đây là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế”, nhà báo Bennett Murray nhấn mạnh.
Như các quan chức cao cấp của Nhà Trắng đã tuyên bố, Việt Nam có thể đóng vai trò là một lộ trình cho Triều Tiên về một quốc gia có chính đảng duy nhất, phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu. Hà Nội, ngày nay là một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Mỹ, đã từng hứng chịu bom đạn chiến tranh và hàng thập kỷ bị trừng phạt. Nếu Việt Nam có thể “gác lại quá khứ” với Mỹ, tại sao Triều Tiên lại không?
Bài viết kết luận, dù kết quả hội nghị thế nào, điều quan trọng hơn cả đối với Việt Nam là thể hiện một chủ nhà duyên dáng, một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Hải Yến (ANTĐ)