Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, March 07, 2019 , 0 bình luận

“Chúng tôi sẽ tổ chức họp để kiểm điểm về việc thực hiện trạm thu phí không dừng. Bộ GTVT hy vọng cuối 2019 sẽ thực hiện đồng bộ thu phí tự động không dừng trên phạm vi cả nước. Hiện đã có 30 trạm BOT thực hiện, nhưng do số phương tiện mua thẻ nhiều nơi không có, nên có trạm có 10 làn, thì thu phí không dừng 4-6 làn để tránh ách tắc giao thông”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình.

>>Trì hoãn thu phí không dừng: Trách nhiệm của Bộ GTVT ở đâu?


Chỉ thanh tra khi báo chí lên tiếng
Ngày 6/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới. Tại buổi làm việc này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đã nêu ra hàng loạt vấn đề nóng, đề nghị các bộ, ngành giải trình.
Đại diện nhóm nghiên cứu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ GTVT giải trình về một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.
Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình
Nhóm nghiên cứu viện dẫn, công tác kiểm tra việc thu phí trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác về số tiền thu phí hàng ngày. “Nhiều vi phạm chỉ được thanh tra sau khi đã xảy ra tai nạn giao thông hoặc báo chí, dư luận phản ánh”, bà Thủy nêu.
Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu cũng nêu ra tình trạng một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí một số nơi người tham gia giao thông đã tụ tập tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng, ban hành từ năm 2017 nhưng đến nay chưa được triển khai theo đúng lộ trình.
Cụ thể, theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên: chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí sử dụng đồng bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên giải trình
Trong khoảng 15 phút giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể không đề cập đến vấn đề nóng BOT đang khiến dư luận xã hội bức xúc. Sau đó, người điều hành phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng GTVT giải trình thêm về việc này.
Kiểm điểm trách nhiệm
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc lại, hiện Bộ GTVT đang thực hiện Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 1, năm 2018 tất cả các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải thu phí tự động không dừng. Sang giai đoạn 2, đến cuối năm 2019, tất cả trạm thu phí trên hệ thống đường quốc gia phải thực hiện thu phí tự động không dừng.
Theo “tư lệnh” ngành giao thông, hiện Bộ GTVT quản lý hơn 60 trạm thu phí BOT. Giai đoạn 1, Bộ phải thực hiện khoảng 40 trạm, đến cuối 2018 đã thực hiện cơ bản, chỉ còn 8 trạm BOT chưa triển khai kịp. Như vậy đã có hơn 30 trạm thực hiện thu phí không dừng.
Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí BOT sẽ áp dụng, qua đó tất cả các phương tiện đi qua trạm thu phí phải dùng thẻ để qua trạm. “Bộ hy vọng cuối 2019 mới thực hiện đồng bộ thu phí tự động không dừng trên phạm vi cả nước. Hiện trên 30 trạm đã thực hiện, nhưng do số phương tiện mua thẻ nhiều nơi không có, nên có trạm có 10 làn thì thu phí không dừng 4- 6 làn để tránh ách tắc giao thông”, ông Thể cho hay.
Cũng theo ông Thể, vào ngày 7/3, Bộ sẽ họp để kiểm điểm về việc thực hiện trạm thu phí không dừng.
Thành Nam (Tiền phong)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X