Mới đây, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về báo cáo kết quả 5 đoàn điểm tra của Bộ Chính trị đối với 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, sở dĩ đạt được tiến bộ hơn là vì chúng ta nhận thức được, thấy được tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng. “Nhân dân thấy rằng, Đảng, Nhà nước không dung dưỡng với tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng mà ngược lại khuyến khích mạnh mẽ những việc làm tốt, những điều hay” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ những tồn tại như tình trạng nể nang, né tránh, mắc bệnh thành tích, sợ khuyết điểm, khi đã vướng vào khuyết điểm thì không dám, không quyết tâm làm, hoặc có làm thì làm qua loa cốt để đối phó. Đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chống tình trạng co cụm, ngăn chặn thông tin xấu độc nói xấu lẫn nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cũng dè chừng dần những tiêu cực chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu. Chuẩn bị đại hội lại vận động, tìm mọi cách. Phải cảnh báo vấn đề này. Đó chính là xây dựng Đảng, liên quan đến vấn đề con người”.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có người nói rất hay nhưng trong hành động thì ngược lại. Nói một đằng làm một nẻo. Cái này chính là xây dựng Đảng, xây dựng con người, xây dựng tổ chức nên tổ chức chỗ nào xộc xệch thì chấn chỉnh. Chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc, nhất là hiện nay đã bàn về vấn đề nhân sự thì phải hết sức cảnh giác. Cho nên phải nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, vị trí quan trọng trong xây dựng con người, xây dựng tổ chức, xây dựng phương thức làm việc. Có 3 điều đó thì mới có kinh tế - xã hội phát triển, con người lành mạnh.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu rõ một trong các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị là: Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương ghi rõ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống “chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân”.
Trước đó, với Quy định số 90-QĐ/TƯ, lần đầu tiên, Đảng ta ban hành quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, quy định nêu rõ, cán bộ thuộc diện nói trên phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.
Như vậy, tham vọng quyền lực, tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền chính là vấn đề lớn đã được quy định rõ, vừa là “trách nhiệm nêu gương”, vừa là yêu cầu phải kiên quyết chống. “Tham” là hàm ý cá nhân, vì động cơ cá nhân, vì vậy “tham vọng quyền lực” được hiểu như một dạng tham nhũng chính trị. So với tham nhũng tiền bạc, vật chất thì tham nhũng chính trị nguy hiểm gấp bội vì hậu quả của nó không dừng lại ở những đồng tiền, của cải mà có thể gây lũng đoạn chính trị. Nếu để người tham vọng quyền lực “chui sâu leo cao” vào vị trí quan trọng của bộ máy lãnh đạo đất nước thì hậu quả khôn lường.
Biểu hiện của người tham vọng quyền lực không khó nhận diện, đó là họ không đi lên, không nắm quyền lực bằng tài đức của mình, không bằng uy tín của mình mà “luồn lách”, bằng các hành vi gian dối, thậm chí trắng trợn vi phạm luật pháp và đạo đức để đạt được quyền lực, đạt được tham vọng.
Ai cũng thấy rõ tác hại của tham vọng quyền lực, của chạy chức chạy quyền, hệ lụy của nó nếu ở phạm vi quốc gia thì vô cùng lớn. Xưa kia, các triều đại phong kiến đã cho thấy bài học nhãn tiền: Khi quyền lực bị thao túng bởi một cá nhân hay nhóm lợi ích, nó có thể gây khủng hoảng, làm sụp đổ một vương triều, đẩy đất nước vào tao loạn, chiến tranh, kiệt quệ. Trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khi quyền lực rơi vào tay người tham vọng, biến chất, họ củng cố địa vị bằng những việc làm, thủ đoạn sai trái thì nơi đó sẽ mâu thuẫn, suy yếu, thậm chí đấu đá, đổ vỡ.
Vấn đề là phát hiện và ngăn chặn như thế nào? Người chạy chức, chạy quyền muốn có chức, quyền sẽ chạy đến ai? Mới đây, cơ quan chức năng đã làm rõ vụ Trịnh Xuân Thanh lọt qua hàng loạt cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để được đề bạt chức này đến chức khác, tất cả đều “đúng quy trình”! Vậy, ngăn ngừa chạy chức, chạy quyền không chỉ cần quyết tâm mà còn phải có phương pháp khoa học, không để lọt những “con lươn, con chạch” vào bộ máy Nhà nước.
Nói cách khác là hoàn thiện quy định, thể chế để muốn chạy cũng không được. Trước mắt, hiệu quả nhất là chú trọng những cá nhân, tổ chức có quyền hạn trong bổ nhiệm, đề bạt. Những người này nếu thực hiện nghiêm quy định của Đảng, nói không với nạn chạy chức, chạy quyền, không nhận hối lộ, tránh xa các xu nịnh, bè phái để làm nghiêm trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thì làm gì có chỗ cho kẻ chạy chức, chạy quyền?
Nguyễn Thành (Công an nhân dân)