Cách đây tròn 65 năm, ngày 13-3-1954, pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khai hỏa, dồn dập bắn vào cứ điểm Him Lam, làm hiệu lệnh tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hỏa lực mạnh khiến quân Pháp phải khiếp sợ. Charles Piroth-viên chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm, phụ trách pháo binh đã tự sát ngay sau trận mở màn của quân ta cùng lời chăng chối cuối cùng: “Không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo Việt Nam”.
“Sự xuất hiện của pháo binh và pháo cao xạ sẽ tạo cho địch một bất ngờ”-chủ trương đó của Tổng Quân ủy trong Hội nghị bàn phương án tác chiến tại Điện Biên Phủ cuối năm 1953 đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ pháo binh và lực lượng phục vụ pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để hiểu rõ hơn về hoạt động của pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, một ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm đến nhà cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Chính ủy Đại đoàn công pháo 351, nguyên Chính ủy Bộ chỉ huy kéo pháo trong chiến dịch.
Tiếp chúng tôi, anh Phạm Ngọc Thắng, con trai cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu giới thiệu nhiều bài viết của cha mình và bài viết của cán bộ, chiến sĩ pháo binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ về Đại đoàn công pháo 351 lừng danh. Qua tài liệu anh Thắng cung cấp và nghiên cứu, tìm hiểu thêm về hoạt động pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi càng khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh của cán bộ, chiến sĩ pháo binh và cán bộ, chiến sĩ phục vụ pháo binh trong chiến dịch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn công pháo 351. Ảnh tư liệu
Tiếp chúng tôi, anh Phạm Ngọc Thắng, con trai cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu giới thiệu nhiều bài viết của cha mình và bài viết của cán bộ, chiến sĩ pháo binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ về Đại đoàn công pháo 351 lừng danh. Qua tài liệu anh Thắng cung cấp và nghiên cứu, tìm hiểu thêm về hoạt động pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi càng khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh của cán bộ, chiến sĩ pháo binh và cán bộ, chiến sĩ phục vụ pháo binh trong chiến dịch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Anh Thắng lật giở chồng tài liệu viết về cha mình và cho chúng tôi xem những dòng ghi chép của ông Dương Xuân Thúy, sinh năm 1928, nguyên phóng viên, thuộc Đại đoàn công pháo 351, quê Nam Định, cư trú tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ông Thúy viết về kỷ niệm kéo pháo lên “Đồi ông Mậu”. Quả đồi đó chính là đồi Pha Sông, cao 1.450m so với mực nước biển. Quá trình kéo pháo lên phải nhích từng mét, nhưng khi xuống dốc mọi người phải gắng ghì pháo, thân người nằm rạp xuống đất, nhiều đồng chí quần áo rách tả tơi. Chính ủy Phạm Ngọc Mậu cũng bị rách quần đùi và trẹo xương đầu gối, giãn gân. Quá trình kéo pháo, đồng chí chính ủy thường xuyên động viên bộ đội và trực tiếp làm công tác tư tưởng với anh em. Cũng từ đó bộ đội gọi đồi Pha Sông là “Đồi ông Mậu”.
Trong lúc nghỉ giải lao trên đường kéo pháo, đồng chí Phạm Ngọc Mậu giải thích cho anh em hiểu về chủ trương của Đảng, của Tổng Quân ủy quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Tây Bắc. Vào cuối năm 1953, Tổng Quân ủy nhận định: “Trận đánh có thể khởi đầu vào trung tuần tháng 2-1954. Đây sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, sẽ phải sử dụng 3 đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không". Để khích lệ bộ đội đưa pháo nhanh vào vị trí dã chiến, đồng chí Chính ủy Đại đoàn công pháo giải thích cho cán bộ, chiến sĩ: Địch ở Điện Biên Phủ hoàn toàn cô lập về đường bộ, giao thông vận tải, tiếp tế đều trông vào máy bay. Địch đã ra sức xây dựng công sự, nhưng chỉ mới làm được những công sự dã chiến. Một số mặt của tập đoàn cứ điểm còn sơ hở. Về phía bộ đội ta, các đơn vị đều sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao. Bộ chỉ huy chiến dịch nhất trí dùng cách đánh thọc sâu, “cắm ngập một lưỡi dao vào tim Đờ Cát" rồi xả nó ra từng mảng mà tiêu diệt. Do đó, chúng ta phải hết sức giữ bí mật, bất ngờ, nhất là bất ngờ về lực lượng pháo binh lần đầu tiên tham chiến. Chúng ta phải lấy sức người thay cơ giới, đưa pháo từ vị trí tập kết vào trận địa, không phải vì chúng ta không làm được đường cho xe chạy mà là để giữ bí mật, bất ngờ.
Trước đó, vào đầu tháng 2-1954, dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy kéo pháo do đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn công pháo 351 làm Chính ủy, đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 làm Tư lệnh, Đại đoàn công pháo 351 hành quân cơ giới xuất phát từ km 31 đường Tuyên Quang-Hà Giang đi lên Bắc Mục (Hàm Yên, Tuyên Quang) qua Yên Bái để lên chiến trường Điện Biên Phủ; vào vị trí tập kết tại Tuần Giáo đúng thời gian, an toàn tuyệt đối. Từ vị trí tập kết, đồng chí Phạm Ngọc Mậu lệnh cho bộ đội cắt pháo rời xe, đưa pháo vào đường mòn thuộc rừng Nà Nham (thuộc km 70 đường Tuần Giáo-Điện Biên) vận chuyển pháo qua đỉnh Pha Sông xuống bản Tố (đường Điện Biên-Lai Châu) rồi vươn tới trận địa dã chiến ở bản Nghịu (tây-bắc Điện Biên Phủ).
Con đường kéo pháo từ vị trí tập kết đến trận địa dã chiến chỉ hơn 10km, nhưng đi qua nhiều ngọn núi cheo leo hiểm trở, bò quanh những vực sâu. Bộ chỉ huy mặt trận huy động toàn bộ quân số Đại đoàn 312 và Trung đoàn 57 vào làm nhiệm vụ kéo pháo. Bộ tư lệnh kéo pháo phân công lực lượng vận chuyển pháo lúc đầu mỗi khẩu 30 người (20 bộ binh và 10 pháo thủ), sau đó tăng lên gần 100 người. Để kịp thời đưa pháo vào trận địa, Bộ tư lệnh kéo pháo quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ: “Triệt để tranh thủ thời gian kéo cả ban ngày; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn cho người và pháo; rút kinh nghiệm hằng ngày, phát huy bàn bạc dân chủ để khắc phục mọi khó khăn; triệt để giữ bí mật, cấm đèn lửa và phải ngụy trang kín đáo đường sá, chỗ đóng quân và pháo”.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ tư lệnh kéo pháo, nhiều phân đội đã có sáng kiến kéo pháo nhanh, bảo đảm an toàn; trong đó, sáng kiến “vai cày” được các khẩu đội vận dụng có hiệu quả. Theo đó, mỗi khẩu đội đẽo một "vai cày" buộc dưới lưỡi cày để càng pháo trượt trên mặt đất, pháo thủ không phải vác càng lên vai, pháo vừa đi được nhanh, vừa đỡ nguy hiểm. Bộ đội vừa kéo pháo, vừa ngụy trang để địch không phát hiện ra. Giữa núi rừng Điện Biên, tiếng hô kéo pháo: "Hai... ba... này!" và những tiếng còi "tuýt... tuýt" của đoàn quân kéo pháo vang lên trong bầu không khí tĩnh lặng. Quần áo của cán bộ và chiến sĩ kéo pháo lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi, dù cái rét vùng núi cao "cắt da cắt thịt".
Quá trình kéo pháo vào trận địa dã chiến đã ghi nhận nhiều tấm gương anh dũng của cán bộ, chiến sĩ. Đó là đồng chí Lê Thi, đảng viên, Khẩu đội phó và là Chiến sĩ thi đua của Đại đội lựu pháo 806 luôn xung phong nhận nhiệm vụ vác càng pháo. Trong một trường hợp nguy hiểm, đồng chí bị càng pháo kẹp vào vách núi, giập ống chân, nhưng không một lời kêu ca. Hay đồng chí Mận, pháo thủ Đại đội 801, khi cho pháo đổ dốc ở suối Reo đã lấy vai giữ bánh, kết hợp với dây gìm để pháo tụt dần dần. Nhưng pháo cướp đà, lao quá nhanh đè phải đùi đồng chí. Đồng chí Mận đã nói với mọi người: “Chân tôi đằng nào cũng hỏng, đề nghị cứ cho pháo chạy qua để kịp đưa pháo vào trận địa”.
Trong một bài viết về kỷ niệm chiến trường đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu viết: “Tôi còn nhớ một đêm tôi đang đôn đốc những khẩu đội cao xạ kéo ở phía sau đội hình thì được tin một khẩu pháo đang đổ dốc bị đứt dây. Hàng trăm người xúm vào dây tời, kìm pháo lại, nhưng pháo vẫn lướt qua mọi thứ chèn và sắp lăn xuống vực thẳm. Trong tình hình nguy ngập đó, các pháo thủ Chức, Cứ, Ngói… vẫn chạy sát pháo quyết tâm cứu nó bằng được. Rồi đột nhiên, pháo thủ Chức ôm chèn lao cả người vào ngang bánh pháo. Lập tức khẩu pháo bị quặt hướng, đâm thẳng vào một cây to, đứng lại. Gương quên mình cứu pháo của đồng chí Chức đã được truyền đi trên toàn tuyến đường”.
Nhiều cán bộ vừa chỉ huy, vừa kéo pháo, vặn tời như anh em. Nhìn dòng người kéo pháo không ai nhận ra người chỉ huy ở đâu trong đội hình đầy quyết tâm ấy. Vừa cùng anh em vật lộn với pháo, cán bộ còn phải rút kinh nghiệm, kiểm tra nơi ăn, chốn nghỉ của đơn vị. Có lúc đồng chí chỉ huy vừa chợp mắt thì máy bay địch bắn phá lại phải vùng dậy quan sát, xử trí...
Vượt qua nhiều núi cao, vực sâu và nhiều bom đạn địch, chiều 24-2-1954, các khẩu đội pháo của Đại đoàn công pháo 351 đã ngự trị trên các điểm cao ở phía bắc Điện Biên Phủ. Phần tử đầu tiên của những họng pháo 105mm đã ngắm sẵn vào sở chỉ huy Đờ Cát và sân bay Mường Thanh... Những trắc viễn kính, những ống nhòm của người chỉ huy đã ngước cao. Lúc này bộ binh, súng cối đang nườm nượp đổ ra phía cửa rừng. Từng đoàn dân công, vai vác nặng cũng ào ào theo sát bộ đội tiến ra hỏa tuyến.
Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu đã viết: “Qua điện thoại với Bộ chỉ huy Mặt trận, tôi được biết, xung kích của các đại đoàn bộ binh đã triển khai xong đội hình chiến đấu. Họ chỉ còn chờ từng loạt đạn pháo hỏa của chúng tôi vút ra khỏi nòng là họ lập tức xung phong tiêu diệt đồn giặc”.
QUANG THẮNG (Quân đội nhân dân)