Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, March 14, 2019 , 0 bình luận

Hơn 30 năm ngày các chiến sĩ Gạc Ma hy sinh vì Tổ quốc, đồng đội luôn nhắc nhớ máu xương các anh đã đổ xuống vì đất mẹ.




Trong thế cờ vây


Năm 1988, lúc này, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước đang ở thời kỳ “đỉnh điểm của sự khó khăn”. Sau gần 10 năm xung đột biên giới kéo dài, nhân lực, vật lực của nước ta tổn hao lớn. Liên Xô - nước ủng hộ Việt Nam - cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, cải tổ.
Nhận định được tình hình đó, Trung Quốc quyết định tiến hành hàng loạt hành động quân sự ở Trường Sa.
Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Để ngăn chặn việc Trung Quốc mở rộng phạm vi chiếm đóng, tại các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, hải quân Việt Nam xây dựng thế trận phòng thủ. Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho các tàu gấp rút đưa bộ đội, công binh ra xây dựng đảo, tiến hành chiến dịch Bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88).
Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp nhận định, Trung Quốc sẽ chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và Đông kinh tuyến 1150.
Trong đó, Gạc Ma là cái tên chắc chắn sẽ nằm trong danh sách đánh chiếm của Trung Quốc nhằm gây thanh thế ở khu vực Trường Sa và trên Biển Đông.
Đảo đá Gạc Ma cách Cô Lin 3,6 hải lý, cách Len Đao 6 hải lý giữ vị trí quan trọng, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Trung Quốc muốn có một pháo đài ở trung tâm biển Đông và Gạc Ma là lựa chọn số 1.
Bãi đá Gạc Ma gần như nằm ở giữa Việt Nam và Philippines, ở vị trí đó Việt Nam muốn lấy lại cũng rất khó khăn vì xa bờ. Trung Quốc muốn ở một vị trí an toàn và với việc chiếm được Hoàng Sa, họ có được thế gọng kìm tam giác, từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma để khống chế biển Đông. Thời điểm đó Việt Nam cũng không có tàu chiến hiện đại và đủ sức lấy lại được.



Cần phải nhắc lại rằng kể từ đó trận chiến cách đây hơn 3 thập kỷ, Trung Quốc tiếp tục thực hiện từng bước để hiện thực hóa dã tâm của mình tại Biển Đông.
Theo cây viết Alexander Vuving của National Interest, nếu xem Biển Đông như một bàn cờ thì Trung Quốc đang chơi cờ vây trên bàn cờ đó.
Giống như tên gọi của nó, cờ vây - trò chơi truyền thống có ảnh hưởng lớn tới tư duy của các nhà cầm quân Trung Quốc trong quá khứ là một trò chơi bao vây.
Trong cờ vây, không có vua, cũng chẳng có hoàng hậu, chỉ có những quân cờ giống hệt nhau mà sức mạnh của chúng phụ thuộc vị trí chúng nắm giữ trên bàn cờ.
Trong khi với cờ vua, người chơi cờ tìm cách tiêu diệt sức mạnh của kẻ thù, thì ở cờ vây, người chơi tìm cách thao túng các vị trí chiến lược.
Trung Quốc chính xác là đang dùng sách lược như vậy tại Biển Đông. Họ thèm muốn kiểm soát toàn bộ vùng biển này nhưng không phải bằng các trận đánh lớn mà thông qua chiến lược “cắt lát salami”- chiếm đóng các bãi cạn và đảo nhỏ để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình hay chính sách “cây gậy nhỏ” - sử dụng các tàu tuần tra không có vũ khí hoặc tàu bán quân sự như ngư chính để kiểm soát Biển Đông. Trung Quốc dựa vào đó để thay đổi thực trạng trong khu vực theo hướng có lợi cho mình. 

(Nguồn: VTC Now)
Chiến lược này đòi hỏi một số các yêu cầu bắt buộc. Thứ nhất, tránh các cuộc đụng độ công khai càng nhiều càng tốt, một vài xung đột nhỏ có thể khởi phát nhưng chỉ trong tình huống có lợi cho Trung Quốc.
Lịch sử cho thấy Trung Quốc theo sát tôn chỉ trong các cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Trong suốt 6 thập kỷ qua, Trung Quốc chỉ tham gia vào 2 cuộc xung đột vũ trang nhưng cả 2 cuộc đụng độ này, bao gồm trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 và trận Gạc Ma tháng 3/1988 đều hết sức đẫm máu và cho thấy độ ngang ngược, hiếu chiến của Trung Quốc. 2 cuộc xung đột đều xảy ra vào thời điểm tồn tại một khoảng trống quyền lực trong khu vực khi Mỹ và Liên Xô lần lượt hạn chế hiện diện.
Thứ 2, kiểm soát các vị trí chiến lược nhất trên biển, nếu chưa sở hữu thì có thể chiếm đóng một cách lén lút hoặc bằng các cuộc xung đột giới hạn nếu cần thiết. Điều này được phản ảnh rõ nét qua những điểm mà Trung Quốc chọn lựa chiếm đóng.
Trong trận chiến tại Trường Sa năm 1988, Trung Quốc quyết định chọn chất thay số lượng. Họ chiếm 5 trong tổng số 11 đảo nhưng các đảo này bao gồm Đá Chữ Thập, đá Subi, đá Gaven, đá Gạc Ma và đá Châu Viên đều nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng.
Thứ 3, phát triển các vị trí này thành các điểm kiểm soát lớn, các trung tâm hậu cần lớn mạnh và căn cứ có thể giúp phô diễn quyền lực.
Cuối năm 1994, đầu năm 1995, Trung Quốc lén lút chiếm đóng trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. 8 năm sau, bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc có tranh chấp với Philippines cũng bị Trung Quốc lấn chiếm nhờ chính sách ngoại giao 2 mặt. 
Với việc chiếm đóng trái phép các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough, Trung Quốc nắm giữ lợi thế trong việc kiểm soát cái mà theo Robert Kaplan, nhà phân tích địa chính trị hàng đầu của Strafor là yết hầu của các tuyến đường biển toàn cầu.
Đơn cử như đảo Phú Lâm (đảo lớn nhất tại quân đảo Hoàng Sa), đá Chữ Thập, đá Vành Khăn cùng bãi cạn Scarborough tạo thành một chòm sao 4 điểm với bán kính 250 hải lý có thể theo dõi sát sao các động tĩnh ở Biển Đông.
Từ những thứ mà mình chiếm đóng phi pháp, Trung Quốc phát triển chúng thành những căn cứ hỗ trợ hậu cần cho tàu cá, tàu chính phủ, tàu ngầm, máy bay nhằm mục tiêu thống trị vùng trời, vùng biển trong khu vực.
Lời hứa mãi không thành
Về thăm gia đình chưa được bao lâu, ngày mồng 10 tháng Giêng năm 1988, chàng trai trẻ Trần Văn Phương lại lên đường trở lại đơn vị. Lúc ấy, Phương vừa tròn 23 tuổi.
Trước lúc ra đi, chàng trai trẻ gọi mẹ vào và dặn dò kỹ lưỡng: “Ở nhà ba mẹ nhớ cắt toóc (thân cây lúa) phơi khô” và hứa: “Đến lúc con về phép sẽ cùng ba chẻ tre, kẹp tranh để sửa lại mái nhà bếp, chứ giờ mưa dột khổ ba mẹ lắm”.
Nhưng lời hứa của chàng lính trẻ mãi không trở thành sự thật. Đó cũng là lần cuối mẹ Hồ Thị Đức (SN 1931, trú thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) được nghe thấy giọng của cậu con trai yêu quý.
Ngồi tựa lưng vào cửa nhà, nhìn ra xa xăm, người mẹ già lấy tay lau đi lau lại bức thư cuối cùng con trai gửi về trước lúc hy sinh.
Khi nào cũng vậy, trong những lần nói chuyện, mỗi khi nhắc đến liệt sỹ Phương thì mắt của mẹ Đức lại ngấn lệ. Mẹ Đức bảo, mẹ khóc phần vì thương nhớ con nhưng cũng tự hào bởi máu của con mẹ góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.


Mẹ Đức sinh cả thảy được 3 người con trai và Trần Văn Phương là con trai đầu lòng. Từ lúc Phương sinh ra cho đến khi lớn và đi bộ đội thì nhà mẹ Đức nghèo lắm, nghèo đến mức cơm không có mà ăn.
Thế nhưng, có lẽ thấu hiểu cảnh nghèo của gia đình và là con trai trưởng trong nhà nên ngay từ nhỏ Phương đã bộc lộ là người con hiếu thảo, chăm ngoan và học giỏi. Ngoài những giờ đi học, khi về nhà Phương đều chăm chỉ giúp bố mẹ cáng đáng việc nhà. Hầu như mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều đến tay Phương.
Học xong lớp 10, Trần Văn Phương nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhập ngũ, Phương được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Tháng 1/1984 – khi mới chỉ 19 tuổi, Trần Văn Phương được bổ sung về làm Khẩu đội trưởng pháo thuộc Tiểu đoàn 562, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Cuối năm 1985, Trần Văn Phương được cử đi học trường Quân chính Quân khu 7.
Tháng 1/1986, anh được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng và đề bạt quân hàm Thiếu úy. Tháng 3/1988 Thiếu úy Trần Văn Phương trở thành Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa).
Trước khi lên đường ra Gạc Ma, Phương được cho nghỉ phép về thăm nhà. Về nhà nhưng trong túi chàng trai trẻ lại không có một đồng đi đường. May mắn, anh xin đi nhờ xe về đến cầu Giang rồi cuốc bộ về nhà.
“Thời đó gia đình nghèo lắm, toàn phải nhịn đói nên lúc nó về chẳng có gì ăn. Nó nói với tôi: Má ơi có khoai vằm (khoai lang, thái nhỏ, phơi nắng) thì nấu cho con ăn với. Tôi nghe mà cảm thấy tội, đi bộ đội được ăn cơm còn về nhà không có gì ăn đành xin mẹ ăn khoai”, mẹ Đức kể.
Có lẽ mẹ Đức cũng không ngờ rằng đây là lần cuối cùng Phương về thăm nhà và “bữa khoai vằm thay cơm” cũng là bữa ăn cuối cùng mẹ được ăn cùng đứa con trai đầu lòng…
Cuộc thảm sát hèn hạ của kẻ địch
Tháng 3/1988, sau một lần phải trở về do gặp bão, đêm 11/3, tàu HQ 604 lặng lẽ ra khơi. Điểm đến là đảo đá Gạc Ma. Đây là một rạn đá ngầm được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Khi nước triều xuống, hòn đảo như một vệt đá trải dài giữa biển.
Thiếu úy Trần Văn Phương lúc ấy được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy đá Gạc Ma đi trên tàu HQ 604 có nhiệm vụ cùng với Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư, Lê Hữu Thảo và Hoàng Văn Chúc chịu trách nhiệm đổ bộ từ tàu lên đảo chìm, cắm quốc kỳ và giữ cờ chủ quyền trên đá Gạc Ma.
Trong khi đó, ra đảo khi con chưa đầy 2 tuổi, cựu binh Gạc Ma Trần Thiên Phụng (Quảng Trị) vẫn nhớ tinh thần nhiệt huyết của ông và các đồng đội ngày ấy: “Tâm thế của tôi chỉ là tình yêu Tổ quốc, muốn bảo vệ và xây dựng biển đảo quê hương trong hòa bình - hữu nghị”.
Nhưng có những dự cảm không lành sau 30 năm, anh Phụng mới tiết lộ.
“Khi nhận lệnh ra Gạc Ma xây dựng đảo, tôi và người bạn thân Hoàng Ánh Đông được ở chung một đơn vị. Trên đường đi chúng tôi nói rất nhiều câu chuyện và như linh tính chẳng lành, anh Đông nói với tôi câu: “Phụng ơi, lỡ ngày mai chiến sự  xảy ra, nếu tau chết thì mi về báo gia đình tau là chết rồi. Trong trường hợp mi chết mà tau còn sống thì tau sẽ báo cho gia đình mi là mi chết rồi”.
Tối 13/3, trên chuyến tàu ra Gạc Ma, anh Hoàng Ánh Đông còn đem đàn ghita ra gảy và ngân nga bài hát: “Lạy Mẹ Con đi”. Lúc anh hát xong thì anh em trên tàu ai cũng nổi da gà”, cựu binh Trần Thiên Phụng nhớ lại.
Đúng như dự cảm không lành, mọi chuyện sau đó diễn ra theo hướng hoàn toàn khác so với kế hoạch ban đầu.
 Tương quan lực lượng (Nguồn: VTC Now)
Rạng sáng 13/3, tàu HQ 604 đến điểm thả neo cách đảo Gạc Ma chừng 100 mét. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc lập tức vây quanh và bắc loa yêu cầu bộ đội Việt Nam rời khỏi cụm đảo.
Rạng sáng 14/3, tổ bảo vệ cờ do Thiếu úy Trần Văn Phương đổ bộ lên đảo chìm để cắm cờ. Cùng lúc đó, nhóm công binh của Trung đoàn công binh 83 cũng vận chuyển vật liệu đưa xuống xuồng vào đảo Gạc Ma để làm nhà cao chân.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngay lập tức đều động 4 xuồng máy chở khoảng hơn 50 lính vũ trang, đổ bộ lên đảo, dùng vũ lực nhổ cờ Việt Nam.
Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, Trần Văn Phương cùng các chiến sĩ thuộc quyền lao vào giành giật lại. Các chiến sĩ công binh hỗ trợ với cuốc, xẻng, gạch đá giao chiến để tránh gây cớ bùng nổ xung đột vũ trang.
Trong lúc giành giật, lính Trung Quốc nổ súng, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư.
Sau đó, các tàu Trung Quốc nã đạn bắn chết và trọng thương các chiến sĩ trên đá Gạc Ma. Tàu HQ 604 tìm cách tiếp cận đảo cũng bị tàu Trung Quốc bắn chìm. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và chỉ huy trưởng cụm đảo Sinh Tồn Trần Đức Thông cùng một số thủy thủ hy sinh theo tàu.
Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương hô vang: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng”.
Nói xong, anh gục xuống, tay vẫn giữa chặt lá cờ Tổ quốc thẫm đẫm máu của mình và đồng đội. Lúc hy sinh, Thiếu úy Phương vẫn chưa biết vợ mình đã mang thai hơn 1 tháng.
Nắm rõ mọi diễn biến ở Trường Sa trong thời điểm xảy ra trận chiến ở Gạc Ma 1988, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, Tham mưu phó phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân giận dữ nói: "Đã từ lâu, tôi khẳng định đây là cuộc thảm sát của hải quân Trung Quốc đối với một bộ phận cán bộ chiến sỹ của hải quân Việt Nam trên bãi cạn Gạc Ma. Hiện nay, người ta cũng công nhận điều đó là sự thật".
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định không nên dùng từ cuộc chiến, bởi hải quân Việt Nam chưa hề có kế hoạch đánh nhau với hải quân Trung Quốc.
“Chúng ta cũng không có kế hoạch tranh chấp ở Gạc Ma, ta chỉ bảo vệ chủ quyền”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định.


TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ vạch trần bộ mặt thật của Trung Quốc khi chiếm đảo Gạc Ma.
Ông Trục cho rằng, trước đó Trung Quốc đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xuống vùng biển phía Nam. Bởi từ lâu, Trung Quốc đã âm mưu muốn chiếm những đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa để thực hiện “đường lưỡi bò” được vẽ ra từ những năm 1944-1945 dưới thời Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch.
Cuối năm 1986, giả danh các tàu đánh cá, tàu nghiên cứu, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xuống phía Nam, tăng số lần tàu chiến, tàu vận tải hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa.
Đặc biệt, từ ngày 24 đến 30/12/1986, máy bay và tàu chiến của Trung Quốc tiến hành các hoạt động trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến đảo Thuyền Chài, gây căng thẳng trên vùng biển của Việt Nam.
Đầu năm 1987, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và tăng cường đưa tàu chiến đi lại gần khu vực đảo Thuyền Chài. Họ đã đưa tàu Hải Dương 4 tiến hành trinh sát phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có cả những đảo ta đang chốt giữ; tăng cường số lượt tàu qua lại khu vực các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, có lúc chỉ cách khoảng một hải lý để thị uy.

(Nguồn: VTC Now) 
Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 1 tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu tuần dương, 1 tàu dầu, 1 tàu đổ bộ và một số tàu chiến khác đến chiếm đóng bất hợp pháp bãi đá Chữ Thập. Tiếp đó, họ đã đưa một lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền nước ta qua lại để bảo vệ đảo Chữ Thập.
Trước tình hình trên, Quân chủng Hải quân đã tăng cường lực lượng củng cố, giữ vững các đảo đang chốt giữ, tăng cường thế phòng thủ các đảo theo từng cụm, từng khu vực, bảo đảm khi có chiến sự xảy ra có thể chi viện hỗ trợ kịp thời giữ vững đảo.
“Thời điểm đó, ta cũng rất tích cực triển khai các lực lượng, nhưng do phương tiện, tàu thuyền của ta lúc đó vừa cũ, vừa thiếu, máy móc rất cũ và hư hỏng, chúng ta triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tư lệnh hải quân không trọn vẹn. Ta chỉ đóng được 2 điểm đảo là Đá Tây và Tiên Nữ còn Chữ Thập và Châu Viên đã bị Trung Quốc chiếm trước.
Đến ngày 14/3/1988 ta triển khai kế hoạch đóng Gạc Ma, bởi vì sau khi Trung Quốc đã chiếm Chữ Thập, nếu chúng ta không nhanh chóng đóng ở Gạc Ma thì sẽ ảnh hưởng đến những đảo phía trong của cụm đảo phía Đông”, ông Trần Công Trục phân tích.
Là nhân chứng lịch sử, cựu binh Nguyễn Văn Thống (Quảng Bình) khẳng định, kể cả trong mơ anh vẫn luôn nhớ về ngày kinh hoàng 14/3/1988.
“Hình ảnh lính Trung Quốc xả súng sát hại 64 đồng đội của tôi mãi ăn sâu vào trí nhớ mà có lẽ đến chết vẫn chưa thể quên. Với tôi, hành động xả súng của quân Trung Quốc khiến 64 đồng đội nằm lại trong biển sâu là một cuộc thảm sát hèn hạ”, anh Thống giận dữ.


Đã hơn 30 trôi qua, nhưng từng sự kiện trên đảo Gạc Ma ngày đó là nỗi ám ảnh, là ký ức kinh hoàng mà cựu binh Nguyễn Văn Thống “muốn quên cũng không thể nào quên”.
Trầm tư, nhìn về phía xa, anh Thống kể: “Đúng 7h30 ngày 14/3/1988, tàu HQ. 604 bị quân Trung Quốc bắn chìm khiến nhiều người lính Hải quân của ta trên tàu hy sinh.
Chỉ sau vài phút, tàu chìm sâu, tôi cố gắng lấy hơi và bơi lên khỏi mặt nước. Sau đó tôi bám vào được một thanh gỗ, trôi nổi trên biển, cùng một số đồng đội. Một lúc sau chúng tôi phát hiện một chiếc thuyền nhỏ của Trung Quốc chạy trên biển nhưng hễ cứ thấy người lính nào của ta nổi lên là bắn.
Trong lúc trôi lênh đênh ở biển, tôi gặp được anh Đông (cựu binh Gạc Ma 1988 Lê Văn Đông), cũng là người Quảng Bình. Hai chúng tôi lênh đênh trên biển thì gặp tàu Trung Quốc, chúng đưa dây lôi chúng tôi lên tàu và bắt làm tù binh. Ngâm nước nhiều giờ đồng hồ, vết thương nặng và mất máu nhiều, khi lên tàu Trung Quốc, tôi bất tỉnh”.
Sau đó, Nguyễn Văn Thống và 8 đồng đội khác bị thương được đưa đến bệnh viện của Hạm đội Hải Nam để chăm sóc và băng bó vết thương. Kể từ đây, thay vì đấu tranh trên biển, các chiến sĩ phải đấu trí với kẻ thù trong nhà giam. Quân Trung Quốc tìm mọi cách tách các chiến sĩ ra, đưa về những phòng biệt giam để hỏi cung, khai thác thông tin.
3 năm ngục tù sống như là chết
Những năm tháng phải sống trong tù ngục ở Trung Quốc có lẽ là khoảng thời gian “sống mà như chết” của những người lính Việt Nam.
Nhiều ngày mê man bất tỉnh, vết thương của Nguyễn Văn Thống nhiễm trùng và bốc mùi hôi thối khiến lính Trung Quốc phải đưa anh vào khu vực cách ly.
“Tỉnh dậy, tôi được một bác sĩ đề nghị phải cắt bỏ tay chân thì mới giữ được mạng sống. Nghe xong tôi đáp “chết thì chết, đồng đội đã hy sinh còn thân xác này sống trong bộ dạng đó làm gì”. Bác sĩ Trung Quốc đổi thuốc điều trị và sát trùng vết thương cho tôi. 4 ngày sau, họ thông báo tôi không phải cắt bỏ tay chân”, cựu binh Gạc Ma kể.
Bị thương nặng nên mọi sinh hoạt của Nguyễn Văn Thống đều trông chờ vào đồng đội tận tình hỗ trợ. Nửa năm sau, ông mới bình phục hoàn toàn.
Trong suốt thời gian bị giam cầm, ông và các đồng đội thường xuyên bị lính Trung Quốc gây gổ và xảy ra xô xát. Họ đều cho rằng không sớm thì muộn cũng sẽ chết nơi đất khách quê người.
“Những ngày sống bị giam lỏng là chuỗi ngày buồn bã, từng diễn biến xảy ra, nỗi nhớ gia đình tôi đều gửi gắm vào những trang bút. Tiếc thay, sau nhiều năm chúng đã bị thất lạc”, ông kể.
Trong những năm đầu, lính Việt bị quân Trung Quốc mang đi hỏi cung để tìm hiểu về những người giữ chức vụ quan trọng trong quân đội Hải quân. Hàng trăm bài báo xuyên tạc bằng tiếng Việt “của những người phản quốc” được đưa vào phòng giam của các chiến sĩ.
“Nhận những bài báo ấy, chúng tôi không đọc, thậm chí là xé toạc hoặc đốt trước mặt cai ngục. Mình như cá nằm trên thớt rồi nên chúng tôi không còn sợ gì nữa. Có đồng đội còn đánh cai ngục, cãi nhau với thông dịch viên của Trung Quốc”, ông Thống kể lại.
Còn cựu binh Trần Thiên Phụng vẫn nhớ một phiên dịch viên luôn tuyên truyền rằng Gạc Ma là của Trung Quốc và quân đội Việt Nam đến xâm chiếm nên họ buộc phải bắn trả. Bởi vậy, cuộc chiến trong tù Trung Quốc không chỉ chống lại đòn roi mà còn là cuộc “đấu trí với cai ngục”.
Cuối năm 1990, đầu năm 1991 Hội chữ thập đỏ Quốc tế biết tin nên tìm đến nhà tù tại bán đảo Lôi Châu để thăm hỏi các chiến sĩ của ta đang bị giam giữ.
Lúc này những người lính Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam mới có thể liên lạc được với gia đình. Bức thư đầu tiên họ được gửi về gia đình ngắn ngủi và bị phía Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt. Mỗi người chỉ được viết không quá 25 chữ trên tờ giấy chỉ vỏn vẹn bằng bàn tay.
Ngày 2/9/1991, lính Việt Nam mới được phía Trung Quốc trả tự do, rời nhà giam ở bán đảo Lôi Châu về Việt Nam đoàn tụ với gia đình qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Sau hơn 1.200 ngày trong nhà tù Trung Quốc, những người lính Gạc Ma luôn đau đáu ước mong trở về quê hương. Chỉ biết về lệnh trao trả trước hai ngày, anh Thống nhớ lại cảm xúc khi đó: “Anh em mừng lắm. Đêm đó chúng tôi không ngủ, chỉ mong trời sáng để trở về”.


Ông Thống cũng như 8 đồng đội của mình không hề biết rằng ở quê nhà cha mẹ và người thân đã nhận giấy báo tử. Ngày bị bắt, đồng đội ngỡ Nguyễn Văn Thống đã hy sinh nên làm giấy báo tử gửi về gia đình. Sau đó, gia đình tổ chức ma chay và lập bàn thờ cho ông.
“Mãi sau này, khi được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến thăm và giúp gửi thư về thì gia đình mới biết chúng tôi còn sống và đang bị bắt làm tù binh tại Trung Quốc”, anh Thống cho hay.
Nhớ lại ngày về nước, anh Thống khóe mắt rưng rưng nước: “Trở về trong bộ dạng là một người thương binh nặng tôi buồn lắm, không biết phải làm gì để báo hiếu với bố mẹ.
Ngày đó, đồng đội được về sum họp với gia đình sớm còn tôi phải ở lại điều trị ở bệnh viện dành cho lính Hải quân tại Hạ Long. Phải mất gần 3 tháng sau tôi mới được về với gia đình. Ngày về tôi được dân làng ra đón đông lắm. Nước mắt tôi tuôn trào khi được ôm chầm lấy bố mẹ”.
Ước mơ của người con chiến sĩ Gạc ma
Cuộc thảm sát ở Gạc Ma không chỉ cướp đi sinh mạng hàng chục chiến sĩ, khiến nhiều người bị giam cầm, mà còn để lại bài học lớn đối với Việt Nam trong quá trình gìn giữ nguyên vẹn chủ quyền, lãnh thổ đất nước.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định chúng ta phải đầu từ xây dựng lực lượng hải quân và không quân đánh biển đủ mạnh, song song với việc phát triển kinh tế. Như vậy, chúng ta mới bảo vệ được quyền lợi, những lực lượng sản xuất vận tải trên biển.
Ông dẫn chứng Mỹ hiện có 6 hạm đội, 10 cụm tàu sân bay. Nga có 5 hạm đội và cũng có tàu sân bay. Trung Quốc đang phát triển các hạm đội và tàu sân bay như mua tàu của Ukraina rồi biến thành Liêu Ninh. Điều đó chứng tỏ khi muốn trở thành cường quốc biển, tiềm lực kinh tế của đất nước đến đâu phải phát triển đến đó.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh yếu tố con người trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo. Theo ông, ta phải làm cho nhân dân ven biển, đặc biệt là ngư dân có lòng yêu biển, yêu đảo, yêu quyền lợi của đất nước ở trên biển và phải quan tâm đến lực lượng này.
Đây là lực lượng luôn có trên biển và khi cần thiết chúng ta có thể động viên họ trở thành những chiến sỹ hải quân thực thụ. Hiện tại, Việt Nam có 3.000 hòn đảo gần và xa bờ, vì vậy, lực lượng này rất đông đảo và phải được quan tâm nhiều hơn.
Đã 31 năm nay, năm nào mẹ Đức cũng nhờ con cháu đọc lá thư cuối cùng của anh liệt sĩ Trần Văn Phương.
“Tình hình ngoài này hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo… Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ…”, lá thư viết.
Nghe nhiều nên đến giờ không cần nhìn mẹ Đức có thể nhớ từng câu từng chữ, từng dấu chấm phẩy trong bức thứ. Lá thư ấy, mẹ cũng mang đi ép plastic và bảo quản như báu vật của cuộc đời.
Còn với mẹ Lê Thị Muộn (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), những ngày này hơn 30 năm trước, họng súng kẻ thù đã cướp đi tính mạng của đứa con trai tên Phan Văn Sự, mới 21 tuổi.
Nghe tin con trai hy sinh ở đảo Gạc Ma, cha anh đang điều trị bệnh phổi suy sụp và qua đời. Từ đó đến nay, cứ đến ngày này, mẹ lại làm cơm thắp hương cho chồng và con trai của mình.
"Chiến tranh thì phải có đau thương, mất mát. Nếu bây giờ cho tôi lựa chọn lại, tôi vẫn quyết định để nó theo đường binh nghiệp để bảo vệ non sông", mẹ Muộn nói.
Hơn 30 năm đã trôi qua, nỗi đau vẫn còn hiện hữu với những người ở lại. Dù vậy, khi nhớ về 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã nằm lại biển sâu để bảo vệ Gạc Ma, những người ở lại không chỉ nghĩ đến sự mất mát mà còn có niềm tự hào, kiêu hãnh. Nhiều người con của các liệt sĩ Gạc Ma đang đi tiếp con đường của cha, cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.
Trung úy Trần Thị Thủy, công tác tại Lữ đoàn 146, BTL vùng 4 Hải quân - con gái của anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương đang tiếp nối truyền thống của gia đình.
Cô nhớ lại: “Lần đầu tôi được ra đến nơi cha và đồng đội ngã xuống, một cảm giác rất linh thiêng. Tôi nhìn thấy cha đứng từ phía Gạc Ma và giơ tay vẫy tôi. Lúc đó tôi òa khóc và gọi điện cho mẹ. Ngay trên tàu, trong chuyến đi ấy, tôi đã viết đơn tình nguyện vào quân ngũ, từ đó ước mơ của tôi đã thành hiện thực”. 
Thuyền trưởng tàu 633, hải đội 413, BTL vùng 4 Hải quân, Thượng úy Nguyễn Tiến Xuân là con trai của liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong (Chỉ huy trưởng khung giữ đảo Gạc Ma), cũng đang làm vẻ vang truyền thống của cha anh.
Thượng úy Nguyễn Tiến Xuân tâm sự: “Bố hy sinh khi tôi mới được 3 tháng tuổi. Lớn lên bằng tình yêu của mẹ, nhưng câu chuyện về người cha anh hùng của mình như ngọn đèn sáng luôn soi rọi cho hai anh em trưởng thành. Ngay từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành người chiến sĩ hải quân để tiếp nối con đường của bố”.
Câu chuyện về những người lính Gạc Ma anh hùng năm ấy cứ dài mãi, miên man theo những lời kể của các nhân vật.
Hơn 30 năm ngày các chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc, những người đồng đội luôn nhắc nhớ những máu xương các anh đã đã đổ xuống vì đất mẹ. Các anh hãy yên nghỉ, hình ảnh các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên.
NGUYỄN VƯƠNG - VIỆT HOÀNG - XUÂN TRƯỜNG- MINH ĐỨC - DƯƠNG HÀ (vtc news/Thiết kế: Phạm Hiển)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X