Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, March 14, 2019 , 0 bình luận

Những ngày qua, trong khi cơ quan chức năng cùng người dân đang tìm mọi biện pháp để đối phó, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại một số tỉnh thành thì một số cá nhân lại tung tin đồn thất thiệt về bệnh dịch này lên mạng xã hội, khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng, quay lưng lại với thịt lợn, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi…

>>Facebook Phạm Yên lại tung tin đồn dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Cà Mau
>>Phạt chủ trang facebook đầm bầu 20 triệu vì đưa tin xạo về dịch tả heo


Tung tin ảo nhưng nộp phạt thật
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook có 2 tài khoản đăng nội dung: “Tới Cà Mau rồi. Thề không ăn thịt heo luôn”. Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, thông tin này đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận, trong đó hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự lo ngại về bệnh dịch tả lợn.
Trước sự việc này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đã lên tiếng khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa xảy ra ở các tỉnh, thành phía Nam. Tại tỉnh Cà Mau không xảy ra dịch tả lợn và và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên lợn. Do vậy, thông tin trên là sai sự thật, không có căn cứ xác thực, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tâm lý người tiêu dùng và gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Trên sơ cở đó, đơn vị này đã có văn bản gửi Công an tỉnh, Sở TT&TT đề nghị xử lý nghiêm cá nhân thông tin sai sự thật về tình hình dịch tả lợn châu Phi trên mạng xã hội. Hiện Sở TT&TT Cà Mau đã tiếp nhận thông tin trên, tiến hành xử lý theo quy định.
Lực lượng chức năng đang triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn


Liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN-PTNT cũng vừa có công văn gửi Bộ TT&TT đề nghị tăng cường cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân đăng thông tin sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội. Ngay sau đó, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có giấy mời gửi chủ tài khoản facebook Đầm bầu Mami – một trong những tài khoản tung tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi lên mạng đến làm việc.
Tại buổi làm việc, chủ tài khoản facebook này đã thừa nhận hành vi tung tin sai sự thật trên facebook là do nhận thức kém, lập tức gỡ bài viết về dịch tả lợn, đính chính khuyến cáo các mẹ bầu cần cẩn thận khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch bệnh này, đồng thời chấp thuận ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng.
Có thể  xử lý hình sự
Phân tích về hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội dưới góc độ pháp lý, Theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy, hiện trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin giật gân, sai lệch sự thật nhằm “câu view”, “câu like”. Không ít thông tin đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người, gây mất ổn định về kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương...Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi, cá nhân đăng tin có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm, cá nhân sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người đăng tin thất thiệt, sai sự thật lên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó…nhằm thu lợi bất chính từ 50-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100-dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-dưới 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam...thì bị phạt từ 200 triệu-1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo Điều 8 Luật An ninh mạng, việc thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là một trong những hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng 

Huệ Linh (ANTĐ)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X