Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trong công tác phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, lực lượng Công an có quy định rõ đối tượng nào cần sự quan tâm theo dõi, tuy nhiên trên thực tế có trường hợp không thể lường được.
>>Từ vụ 'nựng' bé gái trong thang máy: Cần quy trình điều tra đặc biệt tội dâm ô
>>Từ vụ 'nựng' bé gái trong thang máy: Cần quy trình điều tra đặc biệt tội dâm ô
Trong phần giải trình tại phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới (ngày 19.4), sau khi nói về các vụ án, vụ việc, Thượng tướng Lê Quý Vương đã dành thời gian nói về công tác phòng, ngừa với loại tội phạm này.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp (ảnh PV)
Ông cho biết, biện pháp phòng ngừa thứ nhất là phòng ngừa xã hội, đó là phòng ngừa chung, trong việc bảo vệ trẻ em thì trách nhiệm của gia đình thế nào, của nhà trường thế nào, xã hội thế nào…
“Còn về phòng ngừa nghiệp đối với xâm hại tình dục trẻ em vụ chúng tôi sẽ cố gắng. Về mặt nghiệp vụ Công an có quy định rất rõ đối tượng nào là đối tượng cần phải sự quan tâm của lực lượng Công an”, Tướng Vương nói và cho biết, việc quy định là vậy nhưng trên thực tế có những điều xảy ra khó lường hết được.
Vị Thứ trưởng Bộ Công an này đã nêu ví dụ, trường hợp ông già hơn 70 tuổi ở TP. Vũng Tàu (ông Nguyễn Khắc Thủy-PV) là cán bộ nghỉ hưu, có hành vi dâm ô với trẻ em (hiện đang chấp hành hình phạt 3 năm tù). “Trường hợp như ông này có phải đối tượng phòng ngừa của lực lượng Công an không?
Rồi trường hợp mới đây là ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ cháu bé trong thang máy chung cư tại Quận 4 TP.HCM, có phải đối tượng phòng ngừa của lực lượng Công an”, Tướng Vương nêu câu hỏi và cho rằng, xung quanh việc phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em còn nhiều vấn đề như đạo đức xã hội, giáo dục…
Vụ ông Nguyễn Hữu Linh "nựng" bé gái trong thang máy chung cư gây bức xúc dư luận (ảnh IT).
Ông cho rằng, xâm hại tình dục trẻ em còn nguyên nhân nữa, đó là liên quan tới sử dụng rượu, bia, tới đây khi xây dựng Luật về phòng, chống tác hại của rượu bia (Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu) cần xem xét thấu đáo việc phòng ngừa lạm dụng rượu bia. “Xảy ra mấy trường hợp sàm sỡ, dâm ô trẻ em, đối tượng gây ra hành vi trước đó có uống rượu, bia”, Tướng Vương cho biết.
Một vấn đề nữa theo Tướng Vương còn có nhiều bất cập, đó là liên quan đến mạng internet. Khi xây dựng Luật An ninh mạng tại sao đặt vấn đề phải có máy chủ, đại diện của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam, chính là để giải quyết những bất cập, bởi mở google, facebook ra có nhiều thông tin độc hại (chưa nói đến vấn đề chính trị) về lối sống, đạo đức, các hình ảnh xấu…
Vẫn theo Tướng Vương, từ những vụ việc đã xảy ra cần nghiên cứu Bộ luật hình sự năm 2015 để có thể làm rõ hơn, dù luật này mới ban hành nhưng nếu cần thiết thì bổ sung. Ông cho biết, khi đọc luật Nhật Bản thấy quy định hành vi sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 13 tuổi trở xuống bị coi là hành vi dâm ô với trẻ em. Hình phạt cho tội này từ 6 tháng đến 10 năm. Quy định như vậy rất rõ và nghiêm khắc.
Tướng Vương nói thêm, cần phải khẩn trương sửa đổi lại Luật xử lý vi phạm hành chính và cả Nghị định 167/2013, trong Nghị định này có quy định xử lý nhiều hành vi vi phạm hành chính không chỉ có vấn đề liên quan xâm phạm thân thể con người mà còn cả xử lý vi phạm an toàn giao thông, vi phạm an toàn cháy nổ, an toàn lao động…trong khi chế tài hiện không đủ sức răn đe.
Lương Kết (Dân Việt)