Sau nửa tháng xảy ra vụ dâm ô bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (TP.HCM) nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức, ngày 18.4, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã lên tiếng về sự chậm trễ này.
>>Nhiều cư dân Galaxy 9 ký đơn tập thể yêu cầu khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh
>>Nhiều cư dân Galaxy 9 ký đơn tập thể yêu cầu khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh
Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, 18.4, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho hay quan điểm của Hội với vụ việc này là cần phải khởi tố về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo điều 146 của bộ luật Hình sự.
Người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy ở quận 4, TP.HCM khiến dư luận phẫn nộ - Ảnh cắt từ clip
Theo bà Hồng, tất cả những chứng cứ rất đầy đủ và được camera ghi lại hết hành vi dâm ô bé gái của ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP. Đà Nẵng. Ông Linh từng là cán bộ cấp cao và là đảng viên làm việc trong ngành tư pháp nên hiểu rất rõ tội xâm hại trẻ em, vì vậy phải xử thật nghiêm, thậm chí tội còn nặng hơn đối với những người dân ít hiểu biết pháp luật khác.
“Đến thời điểm này, dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao lại chậm trễ khởi tố và chưa có kết luận về hành vi của ông Linh? Phải chăng cơ quan chức năng của TP.HCM chưa quan tâm đến bảo vệ trẻ em, chưa kiên quyết điều tra, để vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận những ngày qua?”, bà Hồng đặt vấn đề.
Nhắc lại thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, rất nhiều các luật sư, những chuyên gia kỳ cựu về luật pháp cũng đã lên tiếng, phân tích rõ hành vi của ông Linh, bà Hồng nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng của TP.HCM cần tôn trọng các ý kiến và nghiên cứu thấu đáo vấn đề này. Quan điểm của Hội là phải khởi tố hình sự để bảo vệ trẻ em, dù cho gia đình em bé có yêu cầu hay không”.
Chậm xử lý gây bức xúc dư luận do thiếu văn bản hướng dẫn?
Cũng liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em diễn ra liên tục thời gian gần đây, trước ý kiến dư luận cho rằng xử phạt hành vi dâm ô đối với trẻ em chưa được nghiêm và không có tính răn đe, sáng nay 18.4, tại Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, do Bộ LĐ-TB-XH và Unicef phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay dâm ô đối với trẻ em đã được quy định tại điều 146 của Bộ luật Hình sự. Quá trình các cơ quan tư pháp tiến hành các vụ việc này rất quan trọng, họ thực hiện theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, theo bà Nga, do chúng ta đang thiếu các văn bản văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất trong việc xử lý dâm ô trẻ em nên có những nơi chậm xử lý, gây bức xúc trong dư luận. "Đối với vụ việc dâm ô trẻ em như vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4, TP.HCM mà dư luận đang rất quan tâm, Cơ quan điều tra sớm đưa ra kết luận cuối cùng”, bà Nga bày tỏ quan điểm.
Theo bà Nga, đối với những vụ việc có hành vi dâm ô trẻ em, kể cả khi các gia đình, các phụ huynh không lên tiếng, không khởi kiện, nhưng một khi đã có đủ yếu tố, đủ căn cứ điều tra, cơ quan tư pháp vẫn phải vào cuộc và tiến hành tố tụng bình thường. Việc sớm thực hiện theo quy trình tố tụng thuộc phạm vi quyết định của cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng.
Đại diện Cục Trẻ em cho hay, phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ diễn ra ngày mai, 19.4. Các cơ quan có liên quan, trong đó có khối cơ quan tư pháp (Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC) và một số bộ, ngành khác như Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT… có trách nhiệm báo cáo, giải trình về việc 2 năm thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em.
Bà Nga mong muốn thông qua những cuộc giám sát này của Ủy ban Tư pháp, các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, cũng như các vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, được giải quyết xử lý triệt để.
Vụ dâm ô bé gái trong thang máy: Cư dân Galaxy yêu cầu xử lý nghiêm thủ phạm
Thu Hằng (Thanh niên)