Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, April 09, 2019 , 0 bình luận

Vụ việc năm nữ sinh đánh một bạn nữ cùng lớp xảy ra ở Hưng Yên chưa kịp lắng xuống thì mới đây, lại tiếp tục xảy ra việc một nhóm học sinh hành hung bạn bên bãi biển tại Nghệ An. Nếu không được kịp thời ngăn chặn, tình trạng bạo lực học đường nhiều nguy cơ sẽ trở thành một vấn nạn của xã hội, vì số vụ việc ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng…

>>Bạo lực học đường – Vấn nạn không chỉ của Việt Nam: Bạo lực học đường ở Mỹ và mối liên quan tới súng đạn (bài cuối)
>>Bạo lực học đường – Vấn nạn không chỉ của Việt Nam: Tảng băng bạo lực học đường ở châu Âu (bài 2)
>>Bạo lực học đường – Vấn nạn không chỉ của Việt Nam: Châu Á căng mình đối phó vấn nạn bạo lực học đường (bài 1)


Lột đồ, hành hung bạn ngay giữa lớp học, rồi ngang nhiên quay phim như là để ghi dấu một “chiến tích” là sự việc mới xảy ra ngày 22-3-2019 ở Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên). Sự việc sau khi bị đưa lên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Khó ai có thể tưởng tượng về lối hành xử thô bạo, phi nhân tính ấy lại diễn ra ngay trong nhà trường, và do các nữ sinh 15 tuổi thực hiện. Và rất lo ngại là vụ việc kể trên chỉ là một trong nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) bị phát hiện thời gian qua. Vì chỉ riêng tháng 3-2019, đã có hàng loạt vụ việc nghiêm trọng tương tự đã bị phát hiện. Có thể kể đến như: Ngày 29-3, một giáo viên của Trường THCS Long Toàn (Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng thước đánh vào chân 22 học sinh; ngày 31-3, do mâu thuẫn cá nhân, một nhóm nữ sinh ở Trường THCS Diễn Hùng (Nghệ An) bắt một nữ sinh lớp 7 phải quỳ để nhóm học sinh này chửi bới, sỉ vả, thay nhau tát vào mặt và quay phim… Trước đó còn các vụ việc khác như: Ở TP Hồ Chí Minh, một nữ sinh bị 14 bạn đánh đập, bắt quỳ gối; ở Quảng Bình, có giáo viên bắt học sinh tát bạn 231 lần; ở Hà Nội, nữ sinh sư phạm gọi bảy người tới đánh bạn tại quán trà sữa...
Nữ sinh bị nhóm bạn đánh dằn mặt. Ảnh: Cắt từ clip


Theo kết quả khảo sát năm 2014 của Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện với hơn 1.100 học sinh THPT tại một số trường khu vực phía bắc và miền trung cho thấy: 24,6% số học sinh từng là nạn nhân của BLHĐ; 7,2% số học sinh là thủ phạm của bạo lực, 43,8% vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của BLHĐ. Thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) cho thấy trung bình trong một năm học, trên cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong hoặc ngoài trường học (khoảng năm vụ/ngày); hơn 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh có một học sinh bị buộc thôi học vì đánh nhau; chín trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Trong giai đoạn 2010-2018, có 7.735 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật; so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần. Song đây mới chỉ là con số về các vụ BLHĐ đã bị phát hiện, trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít vụ việc tương tự đã bị che giấu như một góc tối đáng xấu hổ trong môi trường sư phạm.
Trước thực trạng trên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nếu không sớm ngăn chặn, BLHĐ với các biểu hiện khác nhau như hành hạ, ngược đãi thể chất, tinh thần; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; quấy rối, xâm hại tình dục,... sẽ là nguy cơ phá hỏng môi trường giáo dục. Nhìn trên bình diện rộng, có thể thấy BLHĐ đang có chiều hướng ngày càng tăng về số lượng, nghiêm trọng về mức độ; không chỉ xảy ra trong sinh viên, học sinh THPT mà còn xảy ra ở cả cấp mầm non, tiểu học, THCS; đồng thời việc giáo viên có mặt trong các vụ bạo hành, quấy rối cũng có chiều hướng gia tăng. Trước đây, phần lớn vụ việc xô xát của học sinh chỉ là hành vi “bắt nạt” giữa các cá nhân thì giờ đây, hành vi hành hạ, đánh đập bạn học được thực hiện có chiều hướng trở thành hoạt động có tổ chức, có sử dụng hung khí, cho nên mức độ nguy hiểm cao hơn. Chưa kể nhiều nhóm học sinh còn sử dụng mạng xã hội như công cụ để “triệt hạ đối thủ”. Hậu quả của BLHĐ làm môi trường học đường ở một số nơi mất an toàn, suy giảm niềm tin của xã hội với thầy giáo, cô giáo, gây lo ngại về sự phát triển lành mạnh của trẻ, đem đến các nguy cơ khó lường với nạn nhân của BLHĐ. Đã có học sinh tìm cách tử tự khi bị bạn tung đoạn phim nói xấu lên mạng, hoặc một số học sinh sang chấn tinh thần trầm trọng sau khi giáo viên, hoặc bạn học hành hung ngay tại trường học.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ BLHĐ, các cơ quan chức năng, ngành GD-ĐT và các tổ chức xã hội đã nhanh chóng vào cuộc, kịp thời xử lý sai phạm. Tháng 7-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP (Nghị định 80) Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Về các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, Điều 6 của Nghị định quy định: “a. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân; b. Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học; c. Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường; d. Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường; đ. Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học”. Về biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị BLHĐ, Nghị định yêu cầu: “a. Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường; b. Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; c. Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực”. Về phần mình, năm 2017, Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT (Quyết định 5886) với nội dung liên quan.
Tuy nhiên, dù Nghị định 80 của Chính phủ, Quyết định 5886 của Bộ GD - ĐT đã có từ năm 2017, và dư luận đã cảnh báo nhiều lần nhưng đáng tiếc là tình trạng BLHĐ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, mà càng ngày càng diễn biến phức tạp. Có thể thấy, nếu phòng, chống BLHĐ là phát hiện sai phạm rồi xử lý thì rốt cuộc chỉ giải quyết phần ngọn. Chưa kể với nhiều vụ việc, biện pháp xử phạt chỉ dừng ở mức nhắc nhở, khiển trách trong phạm vi nhà trường, thông báo đến phụ huynh, thậm chí còn được bao che, bỏ qua vì cho rằng do tâm sinh lý lứa tuổi, nhà trường đã nhắc nhở. Cách giải quyết “giơ cao đánh khẽ”, “nước đến chân mới nhảy”, hoặc cố tình che giấu, vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung, danh tiếng của giáo viên, nhà trường sẽ khó có tác dụng răn đe, phòng ngừa lâu dài. Vì thế, việc phòng, chống BLHĐ vẫn là câu hỏi còn để ngỏ với nhiều nhà trường. Mới đây, tại một hội thảo về phòng, chống BLHĐ, do Bộ GD - ĐT tổ chức, một thực tế đáng buồn đã được chỉ ra: Sau gần hai năm triển khai Nghị định 80 và Quyết định 5886, nhiều cơ sở giáo dục mới chỉ thực hiện ở mức tuyên truyền, phổ biến chiếu lệ, hình thức, cho nên không hiệu quả. Dẫn đến tình trạng năm học 2017-2018, trong khi báo cáo của Sở GD - ĐT các tỉnh, thành phố gửi Bộ GD - ĐT thống kê được vài trăm vụ BLHĐ, thì thống kê của ngành công an lại cho biết có tới hơn 2.000 vụ liên quan BLHĐ. Trong đó, hơn 53% số vụ đã xảy ra ngay tại trường học. Tại nhiều trường, dù có phòng tư vấn tâm lý học sinh nhưng cả năm hầu như không có học sinh đến xin tư vấn. Chưa kể, nếu thật sự chú trọng phòng, chống BLHĐ, mỗi giáo viên - bên cạnh trách nhiệm nêu gương, làm tròn chức trách, nhiệm vụ chuyên môn, còn cần là người tư vấn tâm lý cho học sinh. Hằng ngày trên bục giảng và tiếp xúc với học sinh, nếu quan tâm, thầy giáo, cô giáo sẽ sớm phát hiện bất ổn trong tâm lý học sinh để chủ động vào cuộc, kịp thời có biện pháp điều chỉnh, tác động phù hợp. Sự bất cập khi triển khai Nghị định 80 và Quyết định 5886 khiến ngay cả Bộ GD - ĐT cũng không khỏi băn khoăn, lo ngại, đặt vấn đề phải xem xét việc quán triệt các quy định về phòng, chống BLHĐ đến từng cơ sở giáo dục, cũng như hiệu quả kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng tại địa phương. Trên thực tế, mọi chủ trương, chính sách dù tốt và đầy đủ, chi tiết đến đâu cũng chỉ thật sự phát huy tác dụng nếu được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ, bám sát thực tiễn. Nếu cách làm của người thực hiện chỉ là mang tính đối phó, hình thức thì không những không ngăn chặn được BLHĐ, mà còn phần nào vô hiệu hóa chủ trương, chính sách, tạo ra môi trường dung dưỡng cái xấu, cái ác. Như sự việc ở Trường THCS Phù Ủng, dù đã phát hiện mối bất hòa và xung đột giữa học sinh trước đó, nhưng thái độ bao che, xuê xoa của giáo viên (như yêu cầu xóa đoạn phim, giảng hòa hai bên, đề nghị không được tiết lộ) đã không chủ động ngăn chặn được bạo lực. Thay vào đó, nhóm học sinh sai phạm được thể lấn tới, hậu quả là trận đòn tập thể tàn bạo khiến bạn cùng lớp phải nhập viện. Bên cạnh đó, bệnh thành tích cũng là một trở ngại lớn ở không ít trường học làm cho một số giáo viên vì danh hiệu, vì tấm bằng thi đua mà có hành vi ứng xử không đúng mực, thậm chí dung túng cho BLHĐ lộng hành.
Xác định GD - ĐT là quốc sách hàng đầu, hằng năm Nhà nước ta dành tới 20% ngân sách cho GD - ĐT để xây dựng hệ thống nhà trường thành môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, nơi các thế hệ tương lai của đất nước vừa tiếp thu tri thức hữu ích, vừa học cách sống, cách làm người. Về nguyên tắc thì sự phát triển của trẻ em là sự phối hợp hài hòa giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó nhà trường luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố cơ bản để tạo dựng nên nền tảng mỗi học sinh sẽ là công dân tốt của xã hội. Vì vậy, đã đến lúc cần coi BLHĐ là một vấn nạn cần phải ngăn chặn ngay từ mầm mống, phải triệt tiêu ngay từ trong nhà trường, trong quan hệ giữa học sinh, với sự phối hợp đồng bộ của các gia đình và cả xã hội. Bởi nếu không ngăn chặn BLHĐ từ hôm nay, thì rất dễ nguy cơ chúng ta sẽ phải trả giá trong tương lai.
Thảo Anh (Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X