(Tindautruongdanchu)-Chiến thắng Điện Biên Phủ là một đỉnh cao chói lọi trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Điện Biên Phủ
như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực
dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế
giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn". "Đó là thắng lợi vĩ đại
của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức
trên thế giới".
Điện Biên Phủ, một thung lũng rộng lớn ở vùng núi Tây Bắc nước ta,
gần biên giới nước bạn Lào. Đây là vị trí chiến lược then chốt mà thực dân Pháp
xác định phải nắm giữ.
Tướng Nava của Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập
đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực địch lúc lớn nhất lên
đến 16.200 quân với 49 cứ điểm.
Các tướng lĩnh của Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ là một “pháo
đài bất khả xâm phạm” nên bố trí khu vực Điện Biên Phủ thành ba phân khu như
sau:
- Phân khu Bắc nằm ở các cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo.
- Phân khu Trung tâm nằm ngay giữa Mường Thanh, nơi đặt trụ sở chỉ
huy, có trận địa pháo, kho hậu cần và sân bay. Nơi đây tập trung 2/3 lực lượng
địch.
- Phân khu Nam đặt tại Hồng Cúm, có trận địa pháo và sân bay.
Tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng
họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến
dịch Điện Biên Phủ.
Đến đầu tháng 3/1954, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Ngày
13/3/1954, quân ta nổ phát súng đầu tiên, tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt:
Đợt 1, từ 13 - 17/3/1954: quân ta tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm
Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc.
Đợt 2, kéo dài từ 30/3 - 26/4/1954: quân ta đồng loạt tấn công các
cứ điểm phía Đông phân khu Trung tâm như E1, D1, C1, C2, A1… Ta chiếm thêm được
phần lớn cứ điểm của địch, tạo điều kiện để bao vây, chia cắt và khống chế
địch.
Sau đợt này, Mỹ tăng cường viện trợ khẩn cấp cho Pháp. Để đối phó
lại, quân ta đã kịp thời khắc phục những khó khăn về tiếp tế. Quyết tâm giành
thắng lợi của quân và dân ta ngày càng dâng cao.
Đợt 3, diễn ra từ 1/5 - 7/5/1954: quân ta đồng
loạt tiến công phân khu Trung tâm và phân khu Nam, lần lượt tiêu diệt các điểm
đề kháng còn lại của địch.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm của tướng De
Castries.
Chiều 7/5, quân ta đánh vào sở chỉ huy. Vào thời khắc 17h30 ngày
7/5/1954, tướng De Castries cùng toàn bộ Ban Tham mưu của địch đầu hàng và bị
bắt sống.
Quân dân ta ở khắp các chiến trường từ Bắc Bộ, Trung Bộ đến Nam Bộ
cũng phối hợp tấn công địch nhằm phân tán, kìm chân giặc, hỗ trợ cho Điện Biên
Phủ giành thắng lợi.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Quân ta đã loại khỏi vòng
chiến đấu 16.200 địch, trong đó có một thiếu tướng, hạ 62 máy bay các loại, thu
toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.
Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã hoàn toàn đập tan kế hoạch Nava,
giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển
cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh
ngoại giao của ta giành thắng lợi.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, theo đó Pháp công nhận nền độc
lập của 3 nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngày 7/5/1954 mãi đi
vào lịch sử và trong tâm thức của hàng triệu người Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm
tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát
huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện
nay, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục đưa đất nước
phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công
nghiệp theo hướng hiện đại hóa./.
Xuân Mạnh