"Bộ Xây dựng đã lựa chọn, bổ nhiệm, theo dõi và soát xét con người ra sao mà một cán bộ mới bổ nhiệm được 2 tháng khi đi thanh tra chuyên ngành đã vi phạm?".
Liên quan tới vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị tạm giữ vì 'vòi' tiền, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) - Phó Ban Nội chính Trung ương có cuộc trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 14/6.
Theo ông Học, vụ việc mới đây xảy ra ở Vĩnh Phúc là một hiện tượng tiêu cực như nhiều vụ việc khác được phát hiện. Vụ việc trong quá trình điều tra, nếu phát hiện sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó.
Vị đại biểu Quốc hội Phú Yên cũng khẳng định khi thanh tra bất cứ đoàn thanh tra nào cũng có những quy chế, quy định rõ ràng về các bước thực hiện, thủ tục, trách nhiệm của các thành viên trong đoàn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học.
"Như vậy thì nội bộ đoàn đã không tuân thủ các quy định này. Bên cạnh đó, đơn vị chủ quản thành lập đoàn phải có trách nhiệm quán triệt, lựa chọn người rồi theo dõi xem hoạt động thế nào. Những điều này đều có quyết định hết nhưng trong trường hợp này đã không thực hiện", đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Vị Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng vấn đề nổi cộm đặt ra ở đây là đạo đức cán bộ. Khi thành lập đoàn thanh tra, cơ quan chủ quản cần phải lựa chọn các cá nhân có đầy đủ phẩm chất, đáng tin cậy nhưng trong trường hợp đoàn thanh tra này có vấn đề.
Đặc biệt, việc một cán bộ trong đoàn thanh tra mới được bổ nhiệm cách đây 2 tháng nhưng có hành vi sai phạm càng khiến chúng ta đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc bổ nhiệm cán bộ.
"Bộ Xây dựng đã lựa chọn, bổ nhiệm, theo dõi và soát xét con người ra sao mà một cán bộ mới bổ nhiệm được 2 tháng khi đi thanh tra chuyên ngành đã vi phạm?", ông Nguyễn Thái Học băn khoăn.
Vị Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng việc bổ nhiệm là cả một quá trình xem xét đánh giá trong một thời gian dài. Điều này cho thấy cơ quan chủ quản trong vụ việc lần này đã đánh giá bổ nhiệm chưa tốt, lựa chọn người bổ nhiệm không đúng dẫn tới phân công cho người đi làm công tác thanh tra không phù hợp rồi dẫn tới hậu quả như vậy.
Bộ Xây dựng trong tuyên bố đưa ra chiều 13/6 khẳng định vụ việc ở Vĩnh Phúc xuất phát từ các sai phạm mang tính cá nhân. Tuy nhiên, đại biểu Học cho rằng cá nhân đó lại là người đang thực thi công vụ được giao phó và chính từ sai phạm cá nhân này ảnh hưởng rất lớn tới các bộ ngành.
"Đồng ý rằng sai phạm trong vụ việc tại Vĩnh Phúc là sai phạm của cá nhân một con người. Nhưng cá nhân con người đó đang thực thi công vụ, mà công vụ này là do Bộ Xây dựng cử đi làm. Như vậy thì từ sai phạm của một con người đã ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của một ngành đang đóng vai trò thanh tra", ông
Người dân từ đó cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về việc cán cán bộ có trách nhiệm phát hiện sai phạm rồi lại phạm sai phạm. Theo vị đại biểu tỉnh Phú Yên, thực trạng này buộc các cơ quan chức năng phải xem xét lại toàn bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra để các hoạt động thanh tra đúng với ý nghĩa của nó là phát hiện sai phạm.
"Cơ chế giám sát tốt nhất là tự kiểm tra, giám sát trong đoàn, ở các đối tượng chịu sự kiểm tra và cơ quan chủ quản khi thành lập đoàn. Sâu xa hơn nữa vẫn là công tác cán bộ, lựa chọn đúng cán bộ đủ phẩm chất năng lực. Thực tế là nhiều cơ quan, bộ ngành vẫn chưa chú trọng tới vấn đề này", ông Học phân tích.
Đại biểu Học khẳng định hơn ai hết, chính bản thân người nhận nhiệm vụ thanh tra phải tự ý thức được trách nhiệm của mình. Còn nếu người đó không muốn tuân thủ thì dù có giám sát, theo dõi cũng khó lòng kiểm soát được.
Trước đó, sáng 13/6, Bộ Xây dựng chính thức thông tin về vụ việc. Theo Bộ Xây dựng, thực hiện kế hoạch của Thanh tra Bộ Xây dựng năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng có một đoàn thanh tra về công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là cuộc thanh tra thực hiện theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt.
Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, các cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng liên quan tới vụ việc đang bị tạm giữ để làm rõ vụ việc.
Song Hy (VTC News)