Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, July 10, 2019 , 0 bình luận

Cùng với việc lớn tiếng cổ súy cái gọi là “nhà báo độc lập, nhà báo tự do”, thời gian qua, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam còn ra sức hô hào cổ vũ, đòi hỏi cái gọi là “tự do sáng tác” với quan niệm cho rằng văn nghệ sĩ có quyền sáng tạo và công bố tác phẩm mà không bị ràng buộc bởi pháp luật, giống như tại các nước phương Tây. Nhưng đó chỉ là những lời dối trá, lừa bịp trơ trẽn. Vì trên chính thực tế ở phương Tây, việc thực hiện quyền này vẫn luôn phải giới hạn trong khuôn khổ pháp luật…


Tránh 'bẫy tự do báo chí' trong thời kỳ hội nhập quốc tế



Cũng như ở Việt Nam, các tác giả ở phương Tây có thể xuất bản tác phẩm tại một nhà xuất bản. Tuy nhiên, nếu trước khi hoàn thành bản thảo, tác giả đã phải “tự kiểm duyệt” thì tại nhà xuất bản, ban biên tập sẽ tiến hành kiểm tra. Và việc làm này thường được gọi là “kiểm duyệt nội bộ”. Khi nhà xuất bản “kiểm duyệt nội bộ” để quyết định cuốn sách có được in và phát hành hay không, họ phải căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, mà các tiêu chí này hình thành trên cơ sở luật pháp. Ở CHLB Đức, cơ sở pháp lý để nhà xuất bản “kiểm duyệt nội bộ” là những điều bị cấm được quy định trong các bộ luật, như trong Bộ luật Hình sự có các tội danh: “phổ biến tài liệu tuyên truyền của những tổ chức vi hiến” (Điều 86), “phỉ báng Nhà nước Đức và các biểu tượng quốc gia đã quy định” (Điều 90A), “phỉ báng cơ quan lập hiến bằng thái độ thù địch, chống lại hiến pháp” (Điều 90B), “xúc phạm người khác” (Điều 185), “viết và phổ biến, hoặc đem tới cho công chúng sách, báo mô tả hành động bạo lực tàn nhẫn, vô nhân đạo với con người” (Điều 13), “phổ biến tác phẩm khiêu dâm” (Điều 184)... Còn về kinh tế, dù tác giả có thể tự xuất bản nhưng làm được điều này không đơn giản.

Bài viết do BBC loan tải (ảnh chụp màn hình-Hải Anh)

Theo Học viện nghiên cứu từ xa ở Hamburg (Hăm-buốc), để xuất bản một đầu sách bỏ túi có 256 trang, số lượng in 1.000 bản, tác giả phải bỏ ra số tiền gần 10.000 ơ-rô (khoảng 260 triệu VND theo tỷ giá hiện tại). Số tiền này được dùng để chi trả cho quá trình tự xuất bản, như vẽ bìa, in, sản xuất, phân phối, quảng cáo. Song sách tự xuất bản không phải là sản phẩm được chú ý, vì không chỉ giới phê bình văn học ít quan tâm, mà các công ty thương mại về sách cũng ít khi đặt hàng sách tự xuất bản. Đặc biệt, Hiệp hội nhà văn Đức không kết nạp hội viên mới với tác giả chỉ có tác phẩm được biết đến bằng hình thức tự xuất bản.
Ở phương Tây, người đọc thường rất ít biết về các cuốn sách bị cấm và tịch thu vì lý do chính trị. Nguyên nhân sâu xa là ngoài tiến trình “tự kiểm duyệt” của tác giả và “kiểm duyệt nội bộ” của nhà xuất bản, nhiều cuốn sách đã bị tịch thu trước khi phát hành. Cơ quan hữu quan cũng thường ít khi đề cập công khai vấn đề này. Tuy nhiên vào năm 1996, Viện kiểm sát ở Koblenz (Kốp-len) đã ra lệnh tịch thu trên toàn lãnh thổ Đức cuốn “Tư tưởng của trật tự thế giới mới” vì lý do chính trị, sách này do tác giả tự xuất bản. Hoặc ngày 21-1-2010, Tạp chí Ngôi sao (Stern) đưa tin trong cuộc đột kích nơi cầu nguyện và nhà riêng của ba nhà truyền giáo, cảnh sát tịch thu dữ liệu, máy tính và sách bị cấm - đây là bản dịch tiếng Đức của một cuốn sách khuyến khích bạo lực đối với phụ nữ. Hay theo DPA, ngày 17-1-2019, cảnh sát khám nhà của một người 42 tuổi và tịch thu hàng trăm bản in lại từ một cuốn sách được Đức Quốc xã xuất bản năm 1940. Về những cuốn sách bị cấm, dư luận phương Tây thường nhắc tới cuốn “Mein Kampf” (Cuộc tranh đấu của tôi, tác giả là A. Hít-le). Năm 2004, giám đốc một nhà xuất bản ở Pra-ha (Séc) bị kết án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo vì xuất bản cuốn sách này mà không có hướng dẫn, bình luận kèm theo. Năm 2005, chính phủ tiểu bang Bavaria (Ba-va-ri-a, Đức) đã khởi kiện khi phiên bản cuốn sách này dịch sang tiếng Ba Lan. Sau đó ở Ba Lan, việc in lại và phát tán cuốn sách này đã bị cấm. Cũng có cuốn sách chưa đến mức bị cấm, nhưng vì lý do chính trị, việc xuất bản đã để lại hậu quả cho tác giả, như cuốn “Nguyên tắc Eva” của nữ nhà báo và là người dẫn chương trình truyền hình E. Herman (E. Héc-man), xuất bản tháng 9-2006. Ấn phẩm của bà gây một cuộc tranh luận rộng rãi, gay gắt về vấn đề “giới”, chính sách gia đình ở Đức, một số luận điểm đã bị nhiều người, đặc biệt là đại diện phong trào nữ quyền, phản đối mạnh mẽ. Cuối năm 2007, bà bị mất việc làm ở đài truyền hình vì các tranh luận liên quan cuốn sách.
Cùng với đó, không phải bất kỳ cuốn sách hoặc tác phẩm nghệ thuật nào đã qua “kiểm duyệt nội bộ” là sẽ được phát hành, bởi còn phụ thuộc quyết định của cơ quan luật pháp, trực tiếp là tòa án, được coi như “hậu kiểm duyệt”. Có thể đề cập “hậu kiểm duyệt” qua sự kiện cuốn sách “Esra” bị cấm, và diễn ra một cuộc tranh cãi gay gắt trong giới nhà văn, phê bình văn học và luật gia ở Đức. “Esra” là tiểu thuyết tự truyện của nhà văn M. Biller (M. Bin-lơ) do Nhà xuất bản Kiepenheuer & Witsch phát hành năm 2003. Cuốn tự truyện mô tả nhiều chi tiết rất nhạy cảm trong cuộc tình bất hạnh của tác giả với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Đức, và đã trở thành điểm xuất phát cho một tranh chấp pháp lý. Năm 2003, cuốn sách bị cấm ngay sau khi công bố. Tòa án tiểu bang ở Munich (Mu-ních) cho rằng trong cuốn sách, quyền cá nhân của nguyên mẫu là một nữ diễn viên sống ở Đức và mẹ của cô bị tổn hại. Ngay cả một phiên bản mới hơn, trong đó dữ liệu về danh tính thật sự của các nhân vật chính đã bị xóa, cũng bị cấm bán. Lần lượt qua các tòa án tiểu bang và liên bang, ngày 13-6-2007, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức xác nhận cấm vĩnh viễn cuốn sách. Lý do được đưa ra là cuốn tiểu thuyết vi phạm quyền cá nhân của người tình trước đây khi tác giả đã mô tả chi tiết mối quan hệ yêu đương của họ. Hay có thể kể đến các sự vụ liên quan tác phẩm nghệ thuật bị cấm như bộ phim kinh dị “Cannibal - từ nhật ký của một kẻ ăn thịt người”. Bộ phim mô tả chính xác các yếu tố kinh dị liên quan vụ giết và ăn thịt người xảy ra tháng 3-2001, mô tả chi tiết nạn nhân làm quen với thủ phạm qua in-tơ-nét như thế nào, cách thức thủ phạm đã giết và phân hủy xác chết ra sao. Ngày 25-5-2007, phim đã bị Tòa án ở TP Neuburg (Noi-bua) tịch thu trên phạm vi toàn quốc vì tội sản xuất, phát tán nội dung liên quan bạo lực. Cũng cần nhắc đến sự kiện năm 2014, một phụ nữ đã gửi tới một trang mạng các bài viết của mình trong đó cho rằng việc tàn sát ở trại tập trung Auschwitz chỉ là giả dối (Au-sơ-vít, trại tập trung do phát-xít Đức lập tại Ba Lan trong chiến tranh thế giới thứ hai, hàng triệu người đã bị giết hại tại đây - TH). Tháng 9-2016, người này bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án 14 tháng tù giam. Đến ngày 30-5-2018, Tòa thượng thẩm tiểu bang ở Hamm (Ham-mờ) tiếp tục xác nhận sự chuẩn xác của bản án.
Để bạn đọc hiểu rõ nhà văn làm việc “độc lập” như thế nào, ngày 22-10-2016 tờ Frankfurter Allgemein (Phơ-ranh-phuốc khái quát) đăng bài “Người viết sách muốn tồn tại: Nếu cần thì viết một cuốn sách khiêu dâm” trong đó có đoạn: “Hằng năm, các tác giả được chào đón tại hội chợ sách như những ngôi sao nhạc Pop. Song ngay cả những người viết được cuốn sách bán chạy nhất (bestseller) cũng gặp khó khăn về tài chính. Những tác giả khác làm thế nào để lo cho cuộc sống của họ? Hội chợ sách diễn ra sôi nổi. Hàng trăm nghìn người đổ về hội chợ ở Frankfurt trong những ngày này để tìm hiểu ngành công nghiệp sách và trực tiếp gặp gỡ nhà văn mà mình yêu thích… Các nhà báo truyền hình phỏng vấn hết nhà văn này đến nhà văn khác, cùng nhau đổ mồ hôi dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng mười lăm phút hào nhoáng tại hội chợ sách dành cho tác giả chỉ là thoáng vẻ bề ngoài. Vì hầu hết các nhà văn không thể, hoặc rất khó sống từ việc viết và xuất bản. Ngay cả tác giả những cuốn sách bán chạy nhất đang được chú ý cũng thế. N. George (N. Gioóc-giơ), nữ nhà văn và là một tác giả có sách bán chạy đã bộc bạch như vậy. Chỉ vài phần trăm trong số họ có thể tạm đủ sống từ việc viết sách, một số ít sống tốt, cực kỳ hiếm người sống rất tốt. Một phép tính đơn giản sẽ minh họa cụ thể điều này: Ở Đức, một cuốn sách được coi là bán chạy nhất khi đã bán được 100.000 bản. Tùy vào nhà xuất bản và kỹ năng đàm phán mà tác giả sẽ nhận được khoảng từ 6% đến 12% nhuận bút mỗi cuốn sách. Với giá thông thường cho một cuốn sách bìa cứng là 19,99 ơ-rô, tác giả sẽ nhận nhuận bút theo giá bìa 10%. Số tiền này có vẻ nhiều, song thực tế tác giả phải tự nuôi mình sống để viết cuốn sách, và số nhuận bút đã nhận được chính là nguồn sống để tác giả tiếp tục làm việc trong thời gian dài của các năm sau”.
Có một thực tế, một số nước tự xem mình là “hình mẫu về dân chủ” thường tự hào rằng nghệ sĩ trong xã hội của họ có quyền tự do sáng tác, rồi lớn tiếng đòi hỏi quốc gia khác cũng phải có tự do sáng tác như quan niệm của họ. Nhưng thực chất đây chỉ là một “tiêu chuẩn kép”. Vì trong khi hô hào như vậy, thì ngay tại quốc gia mình, họ lại sử dụng nhiều nguyên tắc luật pháp ngặt nghèo để quản lý quá trình sáng tạo và công bố tác phẩm nghệ thuật. Nên xét đến cùng, tự do sáng tác theo quan niệm của họ chỉ là chiêu bài được sử dụng nhằm mục đích gây suy nghĩ mơ hồ về chế độ xã hội, thậm chí kích động thái độ chống đối, hơn là tạo điều kiện giúp nghệ sĩ sáng tạo. Và cần phải khẳng định qua việc cổ vũ thứ tự do sáng tác “vô bờ bến”, họ đã cố tình tảng lờ một vấn đề cơ bản rằng, nghệ sĩ cũng là công dân. Trong thế giới hiện đại, dù ở phương Tây hay phương Đông, cũng như đối với bất kỳ quốc gia nào, đều không có chuyện đặt một nghề nghiệp, công việc, vị trí xã hội nào đó quan trọng đến mức có thể coi nhẹ, bỏ qua trách nhiệm công dân. Vì thế, dẫu tài năng và cá tính sáng tạo độc đáo đến đâu, hoạt động của nghệ sĩ cũng không thể vượt qua tư cách công dân, hoạt động của họ phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, phải tôn trọng các tiêu chí văn hóa mà cộng đồng khẳng định, đề cao, cùng hướng tới mục tiêu vì tiến bộ chung của xã hội, con người. Tức là không có tự do sáng tác không giới hạn, mà tự do sáng tác luôn quan hệ chặt chẽ với ý thức “tự kiểm duyệt” của nghệ sĩ, với quá trình “kiểm duyệt nội bộ” của nơi phát hành, với “hậu kiểm duyệt” của cơ quan chức năng và công chúng.
Thanh Hải (Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X