Từ trên biển đến bàn họp chính trị, các biện pháp giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam vừa qua lấy cốt lõi là sự ôn hòa và chính nghĩa, dựa trên luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam bằng việc rút tàu khảo sát Hải Dương 8 khỏi khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Khẳng khái, kiên quyết
Như lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tối 19-7, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, sử dụng biện pháp chính trị và đối thoại để giải quyết vấn đề.
Việc tàu Trung Quốc ngang nhiên vi phạm khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã thu hút sự chú ý lớn từ công luận.
Theo nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, điều trước tiên cần xác định rõ đâu là vấn đề ưu tiên. "Cần nhận thức rõ rằng yêu cầu và lợi ích cao nhất là đảm bảo quyền chủ quyền, biển đảo, quyền tài phán trên biển của Việt Nam và duy trì được môi trường hòa bình, ổn định" - ông nói với Tuổi Trẻ.
Ông cho rằng Việt Nam đã làm việc tích cực trên tinh thần cứng rắn về vấn đề chủ quyền, trong đó thể hiện lập trường rõ ràng trước Trung Quốc. "Trong khi đó, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam vẫn làm việc, thực thi nhiệm vụ... Như vậy, tôi cho rằng vừa qua chúng ta đã xử lý tốt thông tin, đã hết sức cân nhắc, cẩn trọng nhưng cũng rất kiên quyết" - nguyên đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Thanh Ca - Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội - cho rằng với truyền thống đấu tranh ôn hòa, chính nghĩa, mặc dù bị xâm phạm vùng biển, Việt Nam đã cố gắng tránh thiệt hại cho Trung Quốc.
Ông nói với Tuổi Trẻ: "Chúng ta làm thế để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, để bạn bè quốc tế thấy được các nỗ lực của Việt Nam. Nếu Trung Quốc tiếp tục xâm phạm Việt Nam, tôi nghĩ các giải pháp cứng rắn hơn sẽ được thực thi. Tuy vậy, quan điểm của Việt Nam là luôn cố gắng hết sức mình để tránh xung đột vũ trang, gìn giữ hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin và phát triển bền vững Biển Đông".
Nền tảng luật pháp quốc tế
Ba năm sau khi một tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này vẫn ngó lơ phán quyết. Việc đưa nhóm tàu xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vừa qua một lần nữa cho thấy Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer - Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc - cho rằng phán quyết The Hague đã không tác động gì tới hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngược lại, "Trung Quốc tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự trên 7 thực thể nhân tạo, triển khai tên lửa chống hạm và phòng không. Trung Quốc đã tăng sự hiện diện trên biển của cảnh sát biển, dân quân hàng hải và đội tàu đánh cá ở Biển Đông".
Theo chuyên gia về Biển Đông này, thay vì tàu chiến, những tàu cá và dân quân của Trung Quốc đã hành động nên các bên liên quan không thể phản đối. Đó là một cách vận dụng chiến thuật "vùng xám" mà giới phân tích đề cập tới Bắc Kinh.
Tuy vậy, trong trường hợp vừa qua, Trung Quốc đã vi phạm thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS, vì vậy vi phạm này phải chấm dứt ngay. Luật pháp quốc tế là cơ sở để điều chỉnh hành vi của các nước, vì vậy các nước đều phải tôn trọng và tuân thủ.
Do đó, theo ông Phạm Quang Vinh, dù là ai cũng phải tôn trọng, không được vi phạm các vùng biển của Việt Nam được luật pháp quốc tế và UNCLOS quy định.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam nói: "Trước khi nói về cái mà có người gọi là chiến thuật "vùng xám", điều cần nhấn mạnh là mọi quốc gia cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS. Đây là điều căn bản. Do vậy, việc Trung Quốc áp đặt đòi hỏi chủ quyền theo "đường lưỡi bò" phi lý, xâm phạm vùng biển của nước khác theo quy định của luật quốc tế, dù là bằng cách nào, "xám, đen hay trắng" cũng không thể chấp nhận được, hơn nữa còn làm phức tạp thêm tình hình ở khu vực Biển Đông. Với vùng biển của Việt Nam nơi các tàu Trung Quốc đang vi phạm lại cách xa Trung Quốc cả ngàn cây số lại càng phi lý".
Nhật Đăng (Tuổi trẻ)